Chuyện cô gái vinh dự nhận giải thưởng “Ngôi sao Gubkin”
(NSMT) - Lê Thị Nhựt Sương - cô gái sinh năm 1996 tại vùng quê biên giới Tân Hồng đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để đạt tấm bằng tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành Địa chất - Trường Đại học Tổng hợp Dầu khí Gubkin (Nga). Trong thời gian học tập tại xứ sở Bạch Dương, Nhựt Sương còn vinh dự nhận giải thưởng “Ngôi sao Gubkin” - phần thưởng chỉ dành cho 1% sinh viên xuất sắc và có nhiều đóng góp trong nghiên cứu khoa học.
Từ ước mơ đổi đời
Trong tiết trời se lạnh của những ngày sắp sang Xuân, chúng tôi đã gặp gỡ Lê Thị Nhựt Sương, nghe cô gái trẻ kể về quá trình phấn đấu để có được vinh quang như ngày hôm nay. Tuổi thơ của Nhựt Sương là khoảng thời gian chứng kiến cha mẹ phải lao động cơ cực để mưu sinh. Cha làm ruộng, còn mẹ buôn bán tạp hóa tại xã Tân Phước, huyện Tân Hồng.
Mỗi ngày, Nhựt Sương phải dậy sớm dọn hàng và bán hàng phụ mẹ. Trong những ngày khó khăn đó, Nhựt Sương đã sớm nhen nhóm ước mơ vượt qua nghèo khó, thay đổi cuộc đời. Khi học xong THCS, dù cuộc sống còn nhiều vất vả, nhưng cô gái vẫn quyết tâm biến ước mơ thành hiện thực với sự lựa chọn táo bạo là sẽ đi du học nước ngoài.
Từ suy nghĩ ấy, trong những năm học THPT, Lê Thị Nhựt Sương đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực để có kết quả học tập tốt và từng bước hiện thực hóa mục tiêu của bản thân bằng chính con đường học vấn. Sau khi tìm hiểu kỹ thông tin về các trường đại học, cô gái vùng biên đã quyết định chọn Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), vì ngôi trường này có chế độ miễn phí ký túc xá cho sinh viên và nhiều chương trình học bổng du học nước ngoài. Sau thời gian học tập miệt mài, Nhựt Sương đã chính thức bước chân vào Trường Đại học Dầu khí Việt Nam với chuyên ngành Địa chất.
Năm 2015, rời huyện Tân Hồng, Nhựt Sương trở thành tân sinh viên của Trường Đại học Dầu khí Việt Nam. Để tự trang trải chi phí sinh hoạt và học tập tại trường, ngoài thời gian học trên lớp, Nhựt Sương tranh thủ làm thêm công việc dạy thêm và đôi khi là phục vụ quán ăn... Kết thúc học kỳ I năm Nhất, nhà trường bắt đầu chọn sinh viên tham gia chương trình du học tại nước ngoài. Nhờ có kết quả học tập tốt, cộng với điểm trung bình cao (của 3 năm học THPT), nên Nhựt Sương đã được xét và đạt học bổng toàn phần của Trường Đại học Tổng hợp Dầu khí Gubkin tại Moskva (Nga), chuyên ngành Địa chất thuộc hệ chuyên gia. Thời gian học tập gồm: 1 năm học dự bị tiếng Nga và 5 năm học chính quy.
Những ngày đầu khi sang học tại Trường Đại học Tổng hợp Dầu khí Gubkin, nữ sinh vùng biên giới gặp rất nhiều khó khăn trong việc học tiếng Nga. Đôi khi, Nhựt Sương cảm thấy căng thẳng khi bản thân là du học sinh duy nhất trong lớp học toàn sinh viên người Nga. Không những vậy, thời tiết ở “xứ người” cũng rất khắc nghiệt, nhất là cái lạnh như “cắt da” vào mùa Đông. Kể về những điều đã trải qua, Nhựt Sương tâm sự: “Khi biết tin đạt học bổng, tôi mừng rơi nước mắt vì hạnh phúc. Như vậy, qua bao nhiêu nỗ lực trong học tập từ lúc học THPT đến khi vào đại học, tôi đã đạt mục tiêu lớn đó là đi du học. Dù phải đối mặt với những khó khăn, áp lực tại nước Nga, nhưng tôi luôn nỗ lực để vượt qua và chỉ biết luôn luôn cố gắng và cố gắng để thích nghi và đạt được kết quả tốt nhất...”.
Đến giải thưởng danh giá “Ngôi sao Gubkin”
Nhờ tìm tòi, siêng năng học hỏi và sự giúp đỡ của bạn bè, thầy cô, Nhựt Sương dần vượt qua rào cản về ngôn ngữ. Trình độ tiếng Nga của cô dần cải thiện, việc tiếp thu kiến thức trên giảng đường cũng trở nên dễ dàng hơn. Những năm học ở Nga, Nhựt Sương cũng không có kì nghỉ hè, vì năm nào cô cũng đăng kí tham gia chương trình thực tập. Bởi Nhựt Sương quan niệm, những khóa thực tập là cơ hội tốt nhất, thuận lợi nhất để cô vừa trau dồi kiến thức, vừa rèn khả năng giao tiếp tiếng Nga. Nhờ vậy, sau kì thực tập năm thứ 3, Nhựt Sương đã nhận được công việc theo đúng chuyên môn của mình. Đó là nhân viên phòng thí nghiệm Skoltech Center Hydrocarbon for Recovery ở Skolkovo (Skolkovo, Moscow).
Với quan niệm, khi bắt đầu làm gì, bản thân đều làm hết mức có thể và làm cho công việc trở nên hấp dẫn, nên ngoài việc học, cô còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, cũng như nghiên cứu khoa học. Nhựt Sương đã đăng ký tham dự sự kiện dành cho những chuyên gia ngành dầu khí “Forum Oil Captital” và đạt giải Nhì. Bên cạnh đó, cô còn tham dự hội nghị bằng tiếng Anh “Oil and Gas Horizons XII” với 2 bài báo khoa học và dành được 1 giải Nhất, 1 giải Nhì.
Từ kiến thức, kinh nghiệm được tích lũy trong những buổi hoạt động ngoại khóa và tham gia nghiên cứu khoa học giúp Nhựt Sương chọn đề tài đồ án tốt nghiệp về dầu đá phiến Bazhenov ở Nga. Dù đây là đề tài rất mới, nhưng bằng sự nghiêm túc, đầu tư nghiên cứu và thực hiện, đồ án tốt nghiệp của Nhựt Sương được hội đồng đánh giá rất cao. Cùng với kết quả tốt trong 5 năm học giúp Nhựt Sương đạt tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc với 4.9/5 điểm. Càng tự hào hơn khi cô gái quê ở huyện biên giới Tân Hồng đã trở thành sinh viên Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng “Ngôi sao Gubkin” – phần thưởng chỉ dành cho 1% sinh viên xuất sắc và có nhiều đóng góp trong nghiên cứu khoa học cho nhà trường. Với đề tài nghiên cứu hấp dẫn, kết quả tốt nghiệp xuất sắc, Nhựt Sương được Trường Đại học Tổng hợp Dầu khí Gubkin trao cơ hội học tiếp chương trình đào tạo Tiến sĩ. Tuy nhiên, nữ chuyên gia Địa chất muốn tiếp tục thử thách bản thân nên đăng ký học bổng tiếng Anh tại các nước châu Âu và đăng ký tiếp tục thực tập tại Ả Rập Xê Út...
Chia sẻ về những dự định mới của bản thân, Lê Thị Nhựt Sương cho hay: “Hiện tại, tôi vẫn đang tiếp tục nâng cao khả năng tiếng Anh và tự học machine learning (công nghệ học máy). Tôi cũng xin làm kỹ thuật viên tại một Trung tâm Khoa học - Công nghệ tư nhân Skoltech ở Moscow (Nga). Năm mới sắp đến, tôi mong ước mọi người trong gia đình sẽ có nhiều sức khỏe, dịch bệnh được kiểm soát để tôi có thể thực hiện những kế hoạch, dự định bị trì hoãn và có thể tiếp tục khám phá thế giới...”.
Theo Lê Thanh
CEO Grab học Harvard, làm việc 20h/ngày, từng đi khắp Đông Nam Á thuyết phục tài xế taxi thử ứng dụng
(NSMT) - Để Grab trở thành siêu ứng dụng 2 tỷ đô như ngày hôm nay, CEO Anthony Tan đã làm việc 20 giờ/ngày, từng đi khắp Đông Nam Á để thuyết phục tài xế dùng thử ứng dụng grab.
Về quê khởi nghiệp
"Từng trải qua hơn 15 năm tha hương mưu sinh, tôi thấu hiểu nỗi niềm không đâu bằng quê nhà. Vì vậy, khi có điều kiện, tôi vận dụng kinh nghiệm nghề nghiệp, mở cơ sở may gia công để tạo việc làm, thu nhập tại chỗ cho người lao động". Anh Võ Trầm Hương, 36 tuổi, chủ cơ sở may gia công, ấp Thới Bình A2, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, bộc bạch về "cơ duyên” với nghề".
Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp
(NSMT) - Để thu hút thanh niên tham gia tổ chức Đoàn ở địa phương, lãnh đạo BCH Đoàn thanh niên xã An Hiệp (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng), bằng nhiều nguồn vốn, đã hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp bằng nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả.
Tự học để khởi nghiệp
Khởi nghiệp là hành trình đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực vượt khó của mỗi bạn trẻ, vì vậy việc tự học, tự tích lũy thêm kinh nghiệm rất hữu ích, giúp bạn trẻ tự tin lập nghiệp, khởi nghiệp. Đồng hành cùng sinh viên (SV) khởi nghiệp, tổ chức Đoàn - Hội các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Cần Thơ chú trọng tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, tập huấn kỹ năng mềm, cùng các chương trình thực tập, tham quan doanh nghiệp, mô hình khởi nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức thực tế và hun đúc tinh thần khởi nghiệp cho người trẻ.
Cần Thơ: Tổ chức Cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp dành cho thanh niên ĐBSCL năm 2024
(NSMT) - Ban Thường vụ Thành đoàn Cần Thơ, Hội Doanh nhân Trẻ TP Cần Thơ và Quỹ Khởi nghiệp sáng tạo FUNDGO vừa có buổi trao đổi thông tin về việc tổ chức Cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp năm 2024 dành cho thanh niên ĐBSCL.
Chàng trai khởi nghiệp với loài cây không lớn lên từ đất
Khu vườn trồng dứa Nam Mỹ và cây không khí của anh Nguyễn Phạm Minh Châu, 26 tuổi, ở Lộ Ngã Bát, đường Trương Vĩnh Nguyên, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, thu hút khách tham quan bởi màu sắc rực rỡ, tuyệt đẹp. Là kỹ sư xây dựng nhưng anh Châu lại chọn khởi nghiệp với những loài cây không lớn lên nhờ đất.
Học sinh Sóc Trăng sáng chế hệ thống cảnh báo và dò tìm người mắc kẹt trong đám cháy
(NSMT) - Trước thực trạng đã có nhiều người thiệt mạng trong các vụ cháy ở các khu chung cư, một nhóm học sinh Sóc Trăng đã nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm cảnh báo và dò tìm người mắc kẹt trong các vụ cháy chung cư.