Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp
(NSMT) - Để thu hút thanh niên tham gia tổ chức Đoàn ở địa phương, lãnh đạo BCH Đoàn thanh niên xã An Hiệp (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng), bằng nhiều nguồn vốn, đã hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp bằng nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả.
Đến xã An Hiệp, chị Võ Ngọc Huỳnh, Bí thư Đoàn xã cho biết: Ở xã An Hiệp hiện nay chúng tôi đang triển khai các mô hình, chương trình đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, bước đầu đã có hiệu quả. Điển hình là tạo điều kiện giúp đỡ 4 đoàn viên, thanh niên tiếp cận các nguồn vốn để thực hiện hiệu quả các mô hình kinh tế như: Nuôi cá Koi, nuôi gà Peru, nuôi nuôi rắn ri voi, trồng hẹ bông.
Tại ấp An Trạch, nắm bắt nhu cầu nuôi cá cảnh, nhất là cá Koi, loài cá được nhiều người yêu thích bởi yếu tố phong thuỷ được cho là mang lại những điều tốt đẹp và may mắn cho gia chủ, cá có màu sắc đẹp, năm 2022, anh Ngô Phú Lộc (17 tuổi) đã mạnh dạn chọn mô hình nuôi cá Koi để khởi nghiệp.
Anh Lộc cho biết: Năm 2022, sau khi tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thuật nuôi cá Koi, anh lên Đồng Nai mua về nuôi thử nghiệm 40 con nhưng chỉ thành công được khoảng 50% nhưng anh không nản chí mà quyết tâm làm lại từ thất bại đó và đã thành công khi có hàng trăm con cá đẹp.
"Cá Koi tôi nuôi chủ yếu là các loại như Sanke, Kohaku, Matsuba, Yamabuki và Showa. Trong đó loại cá Showa được nhiều người chọn đặt mua vì loại này có màu sắc đẹp với 3 màu trên thân (trắng, đen và đỏ). Tôi lấy giống cá về nuôi dưỡng đến khi cá có màu sắc đẹp đem bán cho khách hàng. Cá giống đẹp, tùy theo thời điểm khách hàng đặt mua, tôi bán loại 10 con/kg với giá từ 350.000 - 450.000 đồng/kg. Mô hình này cho thu nhập ổn định, sau khi trừ chi phí, năm thấp nhất cũng được khoảng 40 triệu, năm cao nhất được 80 triệu", anh Lộc cho biết thêm.
Theo anh Lộc, hiện nay mô hình nuôi cá Koi ở địa phương chưa phổ biến và thị trường loại cá cảnh này đang được nhiều người yêu thích nên tôi mạnh dạn đầu tư nuôi. Ban đầu chỉ nuôi thử nghiệm 40 con, sau một thời gian nuôi thấy có hiệu quả nên tiếp tục nhân đàn cá lên để dưỡng cung cấp cho các tiệm cá cảnh và các trại cá giống ở địa phương. Bên cạnh đó, anh còn bán qua các kênh mạng xã hội như Zalo, Facebook, TikTok,…
Hiện nay, đàn cá Koi của anh Lộc có khoảng 200 con. Có nhiều con trọng lượng từ 2kg/con trở lên, chiều dài khoảng 60 - 65cm, được khách hàng đặt mua với giá 2 triệu đồng/con; số còn lại có trọng lượng khoảng 10 con/kg, có chiều dài 15 - 20 cm đang dưỡng trong bể nuôi để bán dần.
"Mô hình nuôi cá Koi của anh Lộc là mô hình mới, có nhiều triển vọng, mở ra hướng đi đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản. Đây cũng là mô hình được Xã đoàn An Hiệp chọn là một trong những mô hình để đoàn viên, thanh niên học hỏi kinh nghiệm. Hiện nay anh Lộc đang nhận thiết kế làm bể nuôi cá Koi đạt chuẩn cho khách hàng và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cá Koi cho những ai có nhu cầu", chị Võ Ngọc Huỳnh cho biết.
Ở ấp An Tập (xã An Hiệp), anh Võ Hoàng Vinh (29 tuổi) lại thành công với mô hình nuôi gà Peru, một giống gà hoàn toàn mới lạ ở địa phương. Gà Peru là giống gà có nguồn gốc từ Peru, kích thước lớn, nặng từ 3-5 kg/con, thậm chí có con nặng 5 kg hoặc hơn.
Anh Vinh chia sẻ, cuối năm 2021, sau khi tìm tòi, học hỏi về giống gà Peru cũng như thị hiếu của người tiêu dùng và nhu cầu của thị trường, anh mạnh dạn mua 2 con gà mái với giá 6 triệu đồng về nuôi. Biết anh có đam mê nuôi giống gà này, chủ bán gà cho anh mượn một con gà trống. Lứa đầu tiên cho anh một đàn gà trên 20 con. Năm 2023 đàn gà của anh phát triển mạnh. Hiện nay, trong chuồng của anh có 14 con gà mái, 3 con gà trống, 160 con gà con. Với gà con này, anh bán từ 600.000đ - 800.000đ/con (từ 6 - 8 tuần tuổi), trứng bán 200.000đ/quả.
Được biết, gà mái giống sinh sản có giá bán 4 triệu đồng/con, gà trống 15 triệu đồng/con. Tháng 4/2024 vừa qua, anh bán 14 con, thu về trên 100 triệu đồng. Hiện nay, nhu cầu về giống gà Peru ở trong và ngoài tỉnh rất lớn, khách hàng đặt nhiều nên anh Vinh đang tiếp tục mở rộng, nhân đàn gà lên số lượng lớn hơn.
"Mô hình nuôi gà Peru của bạn Vinh là mô hình mới, có tiềm năng phát triển. Để giúp bạn mở rộng nuôi gà này, chúng tôi đã hỗ trợ bạn vay vốn 90 triệu đồng. Với số vốn hỗ trợ này, chúng tôi tin rằng mô hình nuôi gà Peru của bạn ngày càng mở rộng, phát triển. Qua đó, tạo thêm động lực cho đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp", chị Huỳnh cho biết thêm.
Nếu thanh niên Ngô Phú Lộc thành công với mô hình nuôi cá Koi, thanh niên Võ Hoàng Vinh tạo dấu ấn bằng mô hình nuôi gà Peru thì thanh niên Phương Thế Phương (32 tuổi, ấp An Trạch) lại khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi rắn Ri voi.
Anh Phương chia sẻ: "Vốn đam mê chăn nuôi nên năm 2019 tận dụng chuồng trại có sẵn từ nuôi heo (lợn) trước đây, tôi cải tạo, đầu tư khoảng 20 triệu đồng làm chuồng trại nuôi rắn ri voi về nuôi. Ban đầu tôi mua gần 100 con rắn con, trong đó có 40 con đực, 60 con cái với mục đích sản xuất bán con giống. Sau gần 2 năm nuôi, rắn sinh sản được gần 300 con, tôi bán rắn giống cho người nuôi. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không hiệu quả, việc chăn nuôi tạm dừng lại. Đến năm 2022, tôi bắt đầu tái đàn trở lại. Từ đó đến nay, tôi đã xuất bán trên 1.000 con rắn giống. Giá băn mỗi con từ 60.000đ - 80.000đ. Sau khi trừ chi phí, mỗi con rắn giống tôi thu lợi nhuận được từ 35.000 - 40.000 đồng".
"Nuôi rắn ri voi rất nhàn rỗi, ít tốn công chăm sóc, đầu ra lại dễ nên tôi đầu tư mở rộng mô hình này. Khi biết tôi đầu tư nuôi rắn, Đoàn xã hỗ trợ cho tôi được vay vốn 30 triệu đồng để mở rộng mô hình. Mô hình nuôi rắn ri voi đã cơ bản thành công, cho thu nhập ổn định. Hiện tôi đang tiếp tục thử nghiệm mô hình nuôi dúi bằng việc mua 1 con đực và 2 con cái về nuôi. Sau một thời gian nuôi, dúi mẹ đã sinh sản được 5 con dúi con", anh Phương cho biết thêm.
Ở ấp Bưng Tróp A (xã An Hiệp), gia đình chỉ có 2 công đất (2.000m2), anh Trần Thanh Sơn (29 tuổi) đã tạo cơ hội cho mình bằng trồng hẹ bông. Theo anh Sơn, cây hẹ dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp lại cho thu hoạch quanh năm. Hẹ sau 3 - 4 tháng trồng là bắt đầu cho thu hoạch bông. Đặc biệt cây hẹ thu hoạch được cả lá và bông, cây phát triển lâu kéo dài từ 2 - 3 năm mới phải trồng lại. So với các loại cây trồng khác thì hẹ cho thu nhập đều đặn, giá bán ổn nên đời sống cũng thoải mái hơn.
"Trồng hẹ lấy bông, 2 ngày tôi hái bông một lần, mỗi lần được khoảng 25 kg. Giá cả tuỳ thời điểm, nhưng bình quân khoảng 40.000đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi ngày thu hoạch lợi nhuận được 500.000đồng, có thời điểm hẹ có giá cao, lợi nhuận nhiều hơn. Nhờ trồng bông hẹ mà đời sống kinh tế gia đình ổn định hơn", anh Sơn tâm sự.
Nói về việc trồng hẹ của mình, anh Sơn cho biết: Gia đình anh trồng hẹ đã lâu. Trong chăm sóc hẹ, khâu tưới nước rất quan trọng. Những năm trước, anh thực hiện tưới theo hình thức thủ công, dùng thùng gánh nước để tưới. Mỗi lần tưới cần 2 - 3 người, gánh nước tưới trong thời gian hơn 3 tiếng đồng hồ mới xong. Vừa tốn nhân công, hao phí nước và không được đều nên ảnh hưởng đến chất lượng cây hẹ. Được nhiều người gợi ý, đầu năm 2024, anh đã mạnh dạn đầu tư trên 35 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới tự động để tưới cho 2.000m2 hẹ của mình.
"Việc lắp đặt hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước, phân phối nước đều đặn và chính xác, giảm thiểu lượng nước lãng phí. Cung cấp nước đúng cách giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh, tăng năng suất; góp phần bảo vệ môi trường, không tốn nhiều nhân công. Nếu trước đây tưới thủ công phải cần từ 2 - 3 người tưới trong hơn 3 giờ đồng hồ mới xong thì bây giờ chỉ cần một người điều khiển máy bơm, bật công tắc cho máy chạy, các vòi phun hoạt động đều đặn, chỉ chưa đầy 1 giờ đồng hồ là xong, rất nhẹ nhàng mà hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí. Tôi được Đoàn xã hỗ trợ cho vay vốn 70 triệu đồng để thực hiện mô hình này", anh Sơn chia sẻ.
Chị Võ Ngọc Huỳnh tâm sự: "Với vai trò Bí thư Đoàn xã, tôi rất trăn trở và quyết tâm tìm cách tập hợp thanh niên bằng cách tìm nguồn vốn hỗ trợ, tạo điều kiện để cho các bạn khởi nghiệp. Khi kinh tế của các bạn đã ổn định, các bạn sẽ tham gia hoạt động Đoàn tốt hơn và sẽ tạo động lực cho các thanh niên khác cùng tìm hướng khởi nghiệp thành công. Chúng tôi đã có nhiều sáng tạo khi triển khai các mô hình, chương trình đồng hành với thanh niên khởi nghiệp bằng cách tạo tạo điều kiện giúp đỡ cho các bạn trẻ tiếp cận các nguồn vốn với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng để thực hiện hiệu quả các mô hình kinh tế. Đến nay, các bạn đó đều thành công trong làm kinh tế và trở thành cán bộ đoàn tích cực ở địa phương".
CEO Grab học Harvard, làm việc 20h/ngày, từng đi khắp Đông Nam Á thuyết phục tài xế taxi thử ứng dụng
(NSMT) - Để Grab trở thành siêu ứng dụng 2 tỷ đô như ngày hôm nay, CEO Anthony Tan đã làm việc 20 giờ/ngày, từng đi khắp Đông Nam Á để thuyết phục tài xế dùng thử ứng dụng grab.
Về quê khởi nghiệp
"Từng trải qua hơn 15 năm tha hương mưu sinh, tôi thấu hiểu nỗi niềm không đâu bằng quê nhà. Vì vậy, khi có điều kiện, tôi vận dụng kinh nghiệm nghề nghiệp, mở cơ sở may gia công để tạo việc làm, thu nhập tại chỗ cho người lao động". Anh Võ Trầm Hương, 36 tuổi, chủ cơ sở may gia công, ấp Thới Bình A2, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, bộc bạch về "cơ duyên” với nghề".
Tự học để khởi nghiệp
Khởi nghiệp là hành trình đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực vượt khó của mỗi bạn trẻ, vì vậy việc tự học, tự tích lũy thêm kinh nghiệm rất hữu ích, giúp bạn trẻ tự tin lập nghiệp, khởi nghiệp. Đồng hành cùng sinh viên (SV) khởi nghiệp, tổ chức Đoàn - Hội các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Cần Thơ chú trọng tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, tập huấn kỹ năng mềm, cùng các chương trình thực tập, tham quan doanh nghiệp, mô hình khởi nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức thực tế và hun đúc tinh thần khởi nghiệp cho người trẻ.
Cần Thơ: Tổ chức Cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp dành cho thanh niên ĐBSCL năm 2024
(NSMT) - Ban Thường vụ Thành đoàn Cần Thơ, Hội Doanh nhân Trẻ TP Cần Thơ và Quỹ Khởi nghiệp sáng tạo FUNDGO vừa có buổi trao đổi thông tin về việc tổ chức Cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp năm 2024 dành cho thanh niên ĐBSCL.
Chàng trai khởi nghiệp với loài cây không lớn lên từ đất
Khu vườn trồng dứa Nam Mỹ và cây không khí của anh Nguyễn Phạm Minh Châu, 26 tuổi, ở Lộ Ngã Bát, đường Trương Vĩnh Nguyên, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, thu hút khách tham quan bởi màu sắc rực rỡ, tuyệt đẹp. Là kỹ sư xây dựng nhưng anh Châu lại chọn khởi nghiệp với những loài cây không lớn lên nhờ đất.
Học sinh Sóc Trăng sáng chế hệ thống cảnh báo và dò tìm người mắc kẹt trong đám cháy
(NSMT) - Trước thực trạng đã có nhiều người thiệt mạng trong các vụ cháy ở các khu chung cư, một nhóm học sinh Sóc Trăng đã nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm cảnh báo và dò tìm người mắc kẹt trong các vụ cháy chung cư.