Có kiếp sau con vẫn muốn làm con gái của cha
Cha đi xa đã 5 năm nhưng nỗi nhớ trong con vẫn chưa nguôi ngoai. Con đang cố gắng sống tốt để cha nơi xa được vui và trong tâm trí luôn nhắn nhủ, nếu có kiếp sau con vẫn muốn làm con gái của cha.
Nhớ những lần cha đón chị em đi học về trên chiếc xe đạp cà tàng, chị gái ngồi phía sau yên xe, còn mình ngồi vắt vẻo trên ghi đông quay mặt lại tay vịn lên vai cha, nói cười vui vẻ.
Giờ, ở cái tuổi trung niên, ký ức về tuổi thơ là những ngày hồn nhiên, trong trẻo trong nghèo khó. Đến giờ, mình vẫn nhớ như in cảm giác lo lắng mỗi khi thùng gạo cạn dần, những lần cùng chị gái cầm rá đi vay gạo, hôm nay nhà này, ngày mai, ngày kia vay nhà khác, khi cha mẹ nhận lương, có tiền đong gạo, trả xong gạo vay, thùng vơi đi hơn nửa.
Những mùa còng lưng ngồi bóc lạc thuê cho đến tận khuya, vừa bóc lạc vừa ngáp chống chọi với những cơn buồn ngủ; những ngày hè í ới gọi nhau đi nhặt lá, cành cây rụng về làm chất đốt, hái rau về nuôi lợn; những ngày cùng bạn bè rủ nhau chơi bắn bi, trốn tìm, bịt mắt bắt dê, nhảy dây, đánh khăng… khắp xóm. Tuổi thơ trôi qua với đầy ắp kỷ niệm.
Cuối những năm 80, nhà nước xoá bỏ cơ chế tập trung bao cấp, nhà có 6 miệng ăn, chỉ có 2 người đi làm có lương. Cả cha và mẹ dựa vào tấm bằng trung cấp chỉ có đồng lương ít ỏi không đủ nuôi 3 đứa con và bà ngoại. Cha và mẹ làm công nhân viên bệnh viện tỉnh. Khi đi làm, cha chở theo thùng gỗ đựng đồ sửa xe, hết giờ ngồi ở các ngã ba sửa xe bị hỏng cho người qua đường kiểm thêm tiền nuôi chị em mình. Mẹ ngoài trực theo phiên, ai nhờ cũng trực thay, tiêu chuẩn bữa ăn mỗi ngày trực có 3 quả trứng vịt, mẹ không ăn, để dành đem về cho con. Gắng gượng mãi, rồi cha quyết định về nghỉ theo chế độ 176, nhận trợ cấp một lần. Số tiền đó đủ mua chiếc xích lô và một ít vật dụng trong gia đình.
Và từ đó, cha còng lưng gắn với chiếc xích lô kiếm tiền cùng với đồng lương ít ỏi của mẹ trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình. Nhiều lần, trên đường đi học về, đang cười đùa với đám bạn, bỗng thấy cha mồ hôi đầm lưng áo cố sức đạp xích lô chở hàng dưới nắng nóng, gió Lào, nụ cười mình vụt tắt, mắt nhìn theo bóng cha. Nhiều lần ước ao, sau này đi làm có tiền để cha mẹ bớt khổ cực, mơ ước cuộc sống sau này được giàu có hơn, không phải lo lắng mỗi khi đến ngày nộp học phí. Được cái, chị em mình đều ngoan, học giỏi, học kỳ nào cũng nằm trong top đầu của lớp.
Cha là người hiền lành, trầm tính, ít nói, nhiệt tình với mọi người, ai nhờ vả việc gì cũng nhiệt tình giúp đỡ, khi thì sửa điện cho nhà này, sửa xe đạp cho nhà kia…, cha thường không hay can thiệp vào các quyết định của con cái. Khi con có thành tích gì, cha không biểu lộ sự mừng rỡ ra mặt, dù mình biết trong lòng cha rất vui, thỉnh thoảng cha nói: “Người trong xóm khen con”, lúc đó mình biết cha rất tự hào về mình.
Khi có tuổi, cha không còn sức để đạp xích lô, cha mua cái xe máy cà tàng để chạy xe ôm. Vì không có lương nên cha vẫn chạy xe để không bị phụ thuộc vào con cái. Mình nhiều lần can ngăn: “Cha có tuổi rồi, cha đừng chạy xe nữa, hàng tháng con đưa tiền để cha tiêu”. Nhưng cha biết, con của cha mới đi làm, đồng lương không đáng là bao, còn phải nuôi con cái ăn học, không dư giả gì nên cha vẫn không chịu nghỉ chạy xe ôm. Can mãi không được, mình đành gom góp tiền đổi cho cha chiếc xe tốt hơn để cha đỡ vất vả.
Vì muốn được chăm sóc cha, không muốn cha tiếp tục chạy xe, mình viện cớ vợ chồng bận đi làm, các cháu đi học, hàng ngày cha sang trông nhà giúp. Cha đồng ý, nhưng dù vậy, cha vẫn tranh thủ chạy xe, không can nổi, mình chỉ đành nói cha đi cẩn thận, không đi xa và đi quá giờ cơm, mắt cha kém rồi cha đừng đi buổi tối.
Không có lương, chỉ có đôi đồng chạy xe, và ít tiền tiêu vặt ít ỏi mà mình đưa hàng tháng nhưng mỗi khi có đứa cháu nào đi thi, đi học đại học về thăm nhà cha đều có quà cho các cháu. Mình nói cha không có tiền, không cần cho cháu đâu, cha nói: “Động viên cho cháu vui”.
Rồi một ngày cha ngã bệnh, bác sỹ bảo bị nhồi máu cơ tim. 22h, lên bàn mổ, bác sỹ bảo vị trí mạch bị tắc quá khó, bệnh viện tỉnh không can thiệp được phải chuyển lên tuyến trên. Mẹ và chị em mình nhanh chóng làm thủ tục chuyển cha đi. Trước khi xe chuyển bánh, mình cầm tay cha nghẹn ngào: “Cha cố gắng”, cha rơi nước mắt không nói gì, và cũng không thể nói vì miệng và mũi phải chụp ống thở.
Nửa đêm xe cấp cứu đưa cha ra Hà Nội mang theo hy vọng của mẹ và chị em mình. Ra đến Hà Nội bệnh diễn biến xấu, phối cha trắng xoá. Những ngày đầu ngã bệnh, chị gái động viên cha cố gắng ăn để sớm về, cha cứ cố gắng nuốt với hy vọng sớm khỏi bệnh về đưa đón các cháu đi học.
Sau mấy ngày cha không thể ăn, có gắng nuốt vào cũng bị nôn ra ngoài, điều dưỡng phải đặt ống cho ăn qua đường mũi. Một tuần sau, mình ra thay cho chị gái và em về nhà, lúc đó cha đã phải đặt nội khí quản được 2 ngày, bác sỹ bảo đang dần cắt mê, mình mừng lắm, gọi điện về nhà báo tin. Hôm đó đứng bên gường bệnh, cha dần tỉnh, mở mắt cha thấy mình, tay cha co lên như muốn ôm con gái, nhưng sợi dây cột tay cha với thành giường (đề phòng khi tỉnh cha rút ống xông) níu tay cha lại, mình cúi xuống hỏi cha: “Cha nhận ra con không, nếu nhận ra con, cha nhấp nháy mắt cho con biết”, lúc đó mình thấy cha nhắm mắt lại rồi mở ra, hai hàng nước mắt chảy dài trên má.
Nằm viện Bạch Mai được 10 ngày thì cha mất, khi đưa thi thể cha lên xe về quê mình vừa khóc vừa nói với cha: “Chị và em đưa cha ra đây, giờ con đưa cha về nhà, cha về nhà với con”. Hôm đưa tang cha, mọi người trong cơ quan nói với mình: “Làng trên xóm dưới ai cũng tiếc cho bố em, bảo bố em hiền, không ai chê trách một câu”. Cả đời cha, hiếm khi nặng lời với một ai.
Sau khi cha mất, mình mới thấm thế nào là âm dương cách biệt, thấm thía nỗi đau khi mất người thân, mình cảm thấy tất cả xung quanh đều vô nghĩa. Từng ngày, nỗi nhớ thương cha cứ gặm nhấm tâm can, dày vò ruột gan mình, mình hối hận phải chi mình quan tâm đến sức khoẻ của cha nhiều hơn, chăm sóc cha tốt hơn thì có lẽ cha vẫn chưa phải ra đi. Mình hối hận vì chưa kịp báo hiếu cho cha, cuộc đời cha chưa được hưởng an nhàn.
Ký ức về cha cứ kéo về rõ mồn một như vừa mới hôm qua. Nhớ những lần cha đón chị em đi học về trên chiếc xe đạp cà tàng, chị gái ngồi phía sau yên xe, còn mình ngồi vắt vẻo trên ghi đông quay mặt lại tay vịn lên vai cha, nói cười vui vẻ. Nhớ cảnh cha chạy theo giữ xe đạp cho chị em mình tập đi; nhớ những lần theo cha kéo xe ba gác chở lạc về để bóc thuê, 2 chị em đẩy phía sau, nghỉ chân, cha mua kem Tam Đồng cho 2 đứa. Nhớ khi mình sinh con, con hay quấy khóc đêm, cha bồng con cho mình đến 2 giờ sáng để mình được ngủ thêm cho lại sức. Nhớ món sườn xào chua ngọt mà cha hỏi công thức từ em dâu để nấu cho mình ăn, vì cha biết mình thích.
Cha đi rồi, mình tìm ở đâu cũng không còn thấy bóng dáng cha, nhiều đêm mình ao ước thời gian có thể quay trở lại, ao ước cha có thể trở về với mình dù chỉ một lần, một lần thôi cũng được, để cho mình được sửa sai, để cho mình nói với cha điều mình chưa kịp nói: “Con thương cha nhiều”.
Khi viết những dòng này, cha đi xa đã 5 năm. 5 năm với những tháng ngày dài đằng đẵng, những đêm nhớ cha không ngủ, những tháng ngày dằn vặt, nhớ thương. Rồi nỗi đau cũng dần nguôi ngoai, mình đã có lại được động lực để cố gắng, mình sẽ cố gắng để cha dù ở xa vẫn vui và tự hào về đứa con gái ngang bướng mà cha yêu thương, cưng chiều nhất ngày càng trưởng thành hơn, biết lo lắng cho mọi người. Mình tin rằng, dù mình không nhìn thấy cha, không nghe tiếng cha nói nhưng ở nơi cao xanh ấy, cha vẫn luôn bên cạnh mình, nhìn rõ mình, dõi theo từng bước trưởng thành của mình và con cháu.
Nếu có kiếp sau, con vẫn muốn được làm con gái của cha, Cha kính yêu của con ạ!
Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"
Tác giả: Nguyễn Lương Hồng
Địa chỉ: Số 11 Dương Vân Nga, phường Hưng Phúc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Tài sản lớn nhất cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách
Tục ngữ có câu: “Ba tài sản lớn nhất của cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách”, nó chiếm bao nhiêu trong cuộc đời còn lại của bạn?
Vì sao ngày càng nhiều gia đình từ bỏ sàn gỗ?
Xu hướng trang trí lát sàn gỗ từng rất phổ biến nhưng hiện nay nhiều gia đình không còn lựa chọn. Sàn gỗ có chăng chỉ được lắp trong phòng ngủ, các phòng khác đều được lát gạch men.
Về nhà - về với yêu thương
Ðối với nhiều người, ngôi nhà không chỉ để ở mà còn mang giá trị tinh thần đặc biệt. Ðó còn là gia đình với sự bao dung, chở che, nâng đỡ và trách nhiệm dành cho nhau. Cuộc sống đôi khi phải đối mặt với khó khăn, thử thách... những lúc ấy, điểm tựa lớn nhất không đâu khác mà chính là mái nhà và những người thân yêu của mình.
Có nên thiết kế phòng tắm trong phòng ngủ?
Với sự thay đổi trong lối sống và sự đa dạng hóa nhu cầu sinh hoạt, phòng ngủ chính có phòng tắm có còn đáp ứng được nhu cầu của các gia đình hiện đại hay không và nên giữ lại hay loại bỏ đã trở thành đề tài bàn luận sôi nổi.
Có nên tiết lộ cho con cái biết về tiền lương hưu, sổ tiết kiệm?
Một người đàn ông 69 tuổi trăn trở: “Ở tuổi già, số tiền ký gửi này giống như một chiếc chìa khóa bí ẩn trong tay. Tôi không biết có nên trao lại cho con cháu hay không”.
Tâm thư gửi vợ ngày 20/10
Hạnh phúc là 365 ngày biết hài lòng chứ không phải chỉ một hai ngày hoan hỷ. Nếu không phải đánh đông dẹp bắc, anh cũng sẽ sẵn sàng ẵm con, nhặt rau để em lắp bóng đèn, sửa đường ống nước.
Top 10 quà tặng độc đáo cho Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10
Ngày Phụ Nữ Việt Nam 20/10 là dịp lý tưởng để thể hiện lòng biết ơn và tôn vinh người phụ nữ trong cuộc sống của bạn. Một cách tuyệt vời để làm điều này là thông qua việc tặng những món quà ý nghĩa và đặc biệt.