Nếp nhà

Con chấp nhận số phận không có cha

Thứ bảy, 19/08/2023, 13:28 PM

Con âm thầm lặng lẽ vượt qua những năm tháng tuổi thơ không có cha và cũng quen dần, chấp nhận đó là số phận của mình.

Hà Nội, ngày... tháng... năm...

Thư gửi cha!

Khi con học cuối bậc Tiểu học, cô giáo con đã dạy cho con cách viết một bức thư. Phần đầu thư, sau địa điểm, thời gian viết thư là lời chào thân mật, ví dụ: Bố kính yêu!

Con rất muốn viết như vậy, viết câu "Bố kính yêu" hoặc "Kính gửi bố thương yêu của con"! Nhưng con đã không thể viết được như vậy vì trong lòng con trống rỗng, không có một kỉ niệm nhỏ nào về cha trong kí ức.

Là một người nhạy cảm, con rất thích được viết ra những tình cảm từ trái tim về cha, nhưng từ khi con còn là giọt máu trong bụng mẹ đến khi con cất tiếng khóc chào đời và trưởng thành như ngày hôm nay, con chưa từng biết mặt cha. Con không biết cha của con là ai, có giống con không, cha đang ở đâu, đang làm nghề gì, và có lúc nào cha nhớ đến con không?

Ngày con còn nhỏ tí xíu, chừng ba bốn tuổi gì đó, con đi mẫu giáo và bắt đầu biết ghi nhớ thì trong kí ức của con đã thiếu vắng hình ảnh một người cha. Con ở với mẹ và ông bà ngoại cùng các cậu, các dì ở một ngôi làng nhỏ ven một dòng sông đào xa xôi, heo hút và nghèo nàn. Suốt những năm tháng tuổi thơ đi học, thỉnh thoảng có người hàng xóm hay người làng nhìn con rồi hỏi những câu rất vô tâm "Mày có phải con bố X không"? "Bố X mày có về thăm mày bao giờ không"?...

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Thật lòng con lúc đó rất buồn và tủi thân nhưng con cũng im lặng lảng tránh câu trả lời hoặc mỉm cười hỏi lại họ "Bác hỏi để làm gì"? Khi con học Trung học phổ thông, mấy đứa bạn thân của con đều biết rằng con không có bố nhưng các bạn ấy không bao giờ đả động đến chuyện riêng tư này của con, thậm chí cụm từ "không có bố" không bao giờ được các bạn ấy dùng trước mặt con vì sợ con buồn. Con thấy mình thật may mắn khi có những người bạn như vậy.

Con âm thầm lặng lẽ vượt qua những năm tháng tuổi thơ không có cha, và cũng quen dần, chấp nhận đó là số phận của mình, dù có lúc thấy chúng bạn có cha quan tâm, chăm sóc, che chở, yêu thương mà con thèm khát và ước ao được như chúng bạn.

Con nhận ra điều khuyết thiếu lớn lao ấy trong cuộc đời mình nhưng con chưa bao giờ hỏi mẹ xem cha của con là ai, ở đâu...Vì sao? Con cũng không biết nữa. Con không trả lời được. Vì con giận mẹ? Giận cha? Hay giận chính mình? Tại con thờ ơ với gốc gác, nguồn cội? Tại con xấu hổ? Hay tủi thân? Con cũng không biết nữa.

Ở tuổi ấu thơ và tuổi mới trưởng thành, con cũng chẳng nghĩ được nhiều cha ạ. Con chỉ biết rằng con đã được sinh ra, được đến với thế giới này cũng là cái duyên của một kiếp người, tuy thiếu vắng cha nhưng bù lại con có mẹ, có ông bà ngoại, có cậu, dì, xóm làng, họ hàng, làng quê, thầy cô, bạn bè cùng biết bao nhiêu người tốt ở xung quanh con đã cưu mang, giúp con trưởng thành.

Mẹ con rất tốt. Bà là một người mẹ tuyệt vời, hiểu lí lẽ, tiến bộ và rất thương con. Con được như ngày hôm nay, bên cạnh sự nỗ lực vươn lên của chính mình thì mẹ là người có công nhiều nhất. Chỉ thương cho số phận của mẹ lận đận, không gặp may trong tình yêu và hôn nhân, cha ạ.

 Hôm con nhận giấy báo đã thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, thuộc diện được học bổng năm thứ nhất, con đã rất sung sướng vì ước mơ được làm cô giáo của con đã mở cửa. Mẹ con vui lắm. Ông bà ngoại cũng rất vui. Sau hôm ấy, mẹ có nói với con, đại ý rằng con chuẩn bị tinh thần, ít hôm nữa, mẹ sẽ đưa con đến gặp cha, nhận cha. Cha có biết cảm xúc của con lúc ấy là gì không? Con im lặng. Không nói gì. Không buồn. Cũng không vui. Có phải con đã chai lì với cảm xúc này không? Hay tại con chưa hình dung nổi tình huống lúc gặp cha sẽ thế nào?

Con đã từng đọc nhiều câu chuyện, xem nhiều bộ phim kể về những đứa trẻ kém may mắn như con, khi gặp cha, họ thường từ chối, không nhận cha vì giận người cha ấy đã bỏ rơi họ, không cho họ được che chở, đùm bọc, cưu mang lúc khó khăn, quan trọng nhất. Con thấy, họ cũng có lý.

Tuy nhiên vào ngày mẹ đưa con đến gặp cha, trên đường đi, con đã rất bình thản, chẳng nghĩ suy nhiều. Khi đối diện với cha, con cảm nhận có một sợi dây tự nhiên vô hình của tình thân kéo con về phía cha. Khi nghe cha dãi bày lí do cha ốm bệnh lại xa xôi nên lâu nay cha không đến thăm con nhưng lòng cha vẫn dõi theo con, cha còn nhờ người về làng xem mẹ con con sống thế nào, cha còn nói rằng mỗi bước trưởng thành của con, cha đều biết. Nghe giọng cha tâm tình nhỏ nhẹ, chân thật, con đã hiểu và không nỡ giận cha, dù khi nghĩ đến phận mình, con vẫn rất tủi.

Giờ, cha đã có gia đình riêng, cũng có đủ cả con trai, con gái phụng dưỡng cha lúc về già, các em ấy cũng rất hiếu thảo với cha. Con về nhận cha cho biết rõ cội nguồn, biết cha thương con, trong lòng cha có đứa con gái nhỏ bé bỏng này là con mãn nguyện rồi. Con đã đủ khôn lớn để hiểu rằng mẹ con và cha, mỗi người đều có cái khó, cái khổ riêng, cũng như cuộc sống này luôn có những điều bất như ý.

Con người cũng như dòng sông, cứ trôi chảy miệt mài, dù theo hướng nào rồi cuối cùng cũng tìm ra biển cả, biển là cội nguồn của trăm sông. Con người cũng như cây, dù tươi cành xanh ngọn, nhỏ bé hay đại thụ thì cũng nhờ gốc rễ mà trưởng thành, gốc rễ là cội nguồn của cây cối. Cha sinh ra con, tuy không có công nuôi dưỡng nhưng sự thật cha vẫn là cha của con. Chỉ cần biết rằng con có cha, cha con là người tốt và hiện giờ cha đang sống rất ổn là con vui rồi, cha ạ.

Cha kính thương!

Được gọi tiếng "cha", con rất vui. Tuy không có duyên ở cạnh cha từ tấm bé, giờ lớn khôn cũng không có duyên ở cạnh cha để sớm tối nâng giấc cho cha lúc tuổi già nhưng con tin cả cha và con đều đã mãn nguyện. Trong lòng con từ nay sẽ có cha với hai chữ "kính" và "thương". Con tự nhủ sẽ dành thời gian gọi điện cho cha, và thu xếp đến thăm cha nhiều nhất có thể. Nếu kiếp sau có duyên làm cha con, cha hãy ở bên con, cha nhé, con hứa sẽ là con ngoan của cha!

Yêu cha!

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt

Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"  

Tác giả: Vũ Thị Hưng (Bút danh Hiền Hòa)

Địa chỉ: Khu Vũ Xá, phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương

Ban Tổ Chức  
Hơn nửa thế kỷ đắp xây hạnh phúc

Hơn nửa thế kỷ đắp xây hạnh phúc

Cưới nhau từ năm 1973, ông Võ Văn Hai và bà Nguyễn Thị Điệp (ngụ khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) là tấm gương về xây dựng gia đình văn hóa, con cháu thành tài. Hơn nửa thế kỷ qua, họ đã nắm tay nhau vượt qua gian khó để cùng đi đến bến bờ hạnh phúc.

Tài sản lớn nhất cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách

Tài sản lớn nhất cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách

Tục ngữ có câu: “Ba tài sản lớn nhất của cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách”, nó chiếm bao nhiêu trong cuộc đời còn lại của bạn?

Vì sao ngày càng nhiều gia đình từ bỏ sàn gỗ?

Vì sao ngày càng nhiều gia đình từ bỏ sàn gỗ?

Xu hướng trang trí lát sàn gỗ từng rất phổ biến nhưng hiện nay nhiều gia đình không còn lựa chọn. Sàn gỗ có chăng chỉ được lắp trong phòng ngủ, các phòng khác đều được lát gạch men.

Về nhà - về với yêu thương

Về nhà - về với yêu thương

Ðối với nhiều người, ngôi nhà không chỉ để ở mà còn mang giá trị tinh thần đặc biệt. Ðó còn là gia đình với sự bao dung, chở che, nâng đỡ và trách nhiệm dành cho nhau. Cuộc sống đôi khi phải đối mặt với khó khăn, thử thách... những lúc ấy, điểm tựa lớn nhất không đâu khác mà chính là mái nhà và những người thân yêu của mình.

Có nên thiết kế phòng tắm trong phòng ngủ?

Có nên thiết kế phòng tắm trong phòng ngủ?

Với sự thay đổi trong lối sống và sự đa dạng hóa nhu cầu sinh hoạt, phòng ngủ chính có phòng tắm có còn đáp ứng được nhu cầu của các gia đình hiện đại hay không và nên giữ lại hay loại bỏ đã trở thành đề tài bàn luận sôi nổi.

Có nên tiết lộ cho con cái biết về tiền lương hưu, sổ tiết kiệm?

Có nên tiết lộ cho con cái biết về tiền lương hưu, sổ tiết kiệm?

Một người đàn ông 69 tuổi trăn trở: “Ở tuổi già, số tiền ký gửi này giống như một chiếc chìa khóa bí ẩn trong tay. Tôi không biết có nên trao lại cho con cháu hay không”.

Tâm thư gửi vợ ngày 20/10

Tâm thư gửi vợ ngày 20/10

Hạnh phúc là 365 ngày biết hài lòng chứ không phải chỉ một hai ngày hoan hỷ. Nếu không phải đánh đông dẹp bắc, anh cũng sẽ sẵn sàng ẵm con, nhặt rau để em lắp bóng đèn, sửa đường ống nước.