Cùng nhau vượt khó
Trong cuộc sống, không phải lúc nào mọi việc cũng “xuôi chèo mát mái”. Khi đột ngột gặp trở ngại, ảnh hưởng nguồn thu nhập thì việc tính toán thu chi sao cho đảm bảo sinh hoạt trong nhà, có được khoản dự phòng là bài toán không đơn giản. Với sự chu đáo, vén khéo, nhiều chị em phụ nữ biết cách sắp xếp, thực hành tiết kiệm, vun vén mái ấm, cùng người thân vượt qua giai đoạn khó khăn.
Từ giữa năm 2023, thu nhập gia đình chị Kim Ngọc ở quận Ninh Kiều bị sụt giảm vì cơ quan chồng chị Ngọc gặp khó về tài chính. Thấy khó trụ lâu dài, chồng chị Ngọc xin nghỉ việc, làm thời vụ chở hàng thuê cho người quen ở các chợ trong thành phố. Mất một nguồn thu ổn định, chị Ngọc phải xài thâm vào tiền dành dụm. Ðể chia sẻ với vợ, chồng chị Ngọc phụ đưa rước các con đi học, đi chợ, nấu ăn cho đỡ tốn kém. Trước đây, do công việc bận rộn, cuối tuần chị Ngọc thường thuê giúp việc theo giờ thì nay cả nhà cùng làm. Chị cũng phân tích hoàn cảnh cho các con hiểu, đồng hành với cha mẹ, bớt đi ăn ngoài, thay vì hằng tuần ra rạp xem phim thì giờ giảm tần suất lại.

Lập kế hoạch kiểm soát chi tiêu và thực hiện tiết kiệm, dự phòng những lúc khó khăn là giải pháp tài chính hiệu quả của nhiều chị em.
Mấy tháng nay, tranh thủ các buổi tối, ngày nghỉ, chị Ngọc đăng bán online các mặt hàng thực phẩm, bánh mứt, cà phê… Ðược nhiều khách quen ủng hộ, chị có thêm đồng ra đồng vào. Chị Ngọc chia sẻ: “Năm học tới con gái lớn tôi vào lớp 10, con gái nhỏ vào lớp 6, dự trù chi cũng khá nhiều nên chúng tôi bàn bạc tìm cách tích lũy để mua máy tính, mua xe cho con gái lớn tự đi học. Trước mắt, tôi sẽ cắt giảm mua sắm những thứ chưa cần thiết, đầu tư bán hàng nhiều hơn và nhờ chồng đi giao để đỡ tiền ship, khi nào chồng xin được việc mới sẽ tính tiếp. Tôi còn tham gia góp vốn tương trợ với chị em trong cơ quan để dành khi hữu sự. Tôi tin vợ chồng cùng đồng lòng nỗ lực, mọi việc sẽ thuận lợi hơn”.
Tháng 8 vừa rồi, chị Thu Thủy ở tỉnh Long An nằm trong nhóm bị cắt giảm lao động của công ty. Trước nay, lương mỗi tháng của chị Thủy tầm 8 triệu đồng, lo tiền ăn cho cả nhà gồm chồng, vợ chồng con trai út và cháu nội 4 tuổi; còn lương bảo vệ của chồng chị Thủy khoảng 4 triệu đồng thì trả phí điện nước, internet, chi xài cá nhân. Thấy mẹ buồn, lo lắng vì nghỉ việc, con trai chị Thu Thủy động viên, phụ tiền chợ, nhờ mẹ chăm sóc con cái để vợ cùng với nhóm bạn kinh doanh mua bán online.
Có thời gian rảnh, chị Thu Thủy nhận đưa rước người quen đi làm hằng ngày, đi chợ và sơ chế thức ăn cho hàng xóm, thỉnh thoảng chị lại làm mứt bán. Nhờ siêng năng mà mấy tháng nghỉ việc, chị Thủy vẫn có thu nhập, dù không nhiều nhưng có thể chủ động phần nào trong chi tiêu. Chị cũng nhắc nhở con dâu điều chỉnh thói quen, hạn chế sắm quần áo, giày dép, mỹ phẩm… theo kiểu thấy ưng bụng là mua như trước đây, dặn dò con trai bớt nhậu, tập bỏ hút thuốc, vừa tiết kiệm vừa tốt cho sức khỏe. Chị Thu Thủy còn “nuôi heo đất” để vài tháng nữa phụ với con dâu chi phí sinh con thứ 2. Chị Thu Thủy kể: “Mấy bữa nay tôi thường trao đổi với gia đình về chuyện làm ăn, các khoản chi tiêu, những việc cần làm trong năm mới. Chồng tôi lớn tuổi nên chưa biết sắp tới có kham nổi việc trực bảo vệ ban đêm lâu dài được không, nếu nghỉ ở nhà thì sẽ làm gì... phải tính toán trước mới được”. Con dâu chị Thủy đã mở lời nếu ba nghỉ việc, sẽ nhờ phụ kiểm kê việc đóng gói, lên các đơn hàng… nên chị cũng an tâm.
Năm nay, vợ chồng chị Thanh Hoa ở quận Bình Thủy lâm vào hoàn cảnh thu không đủ chi. Chồng chị Hoa làm trong ngành tổ chức sự kiện, ít có chương trình, nên để duy trì công ty, trả lương nhân viên, phải vay ngân hàng cầm cự, chi tiêu trong gia đình gần như phụ thuộc vào lương của chị Hoa. Giữa năm, không may má chồng bệnh nặng, chị Hoa rút sổ tiết kiệm chạy chữa, thuốc thang.
Ðể cân đối tài chính, ngoài nguồn chi cố định trong việc học của các con, mỗi tháng, chị Hoa lên kế hoạch cụ thể cho việc ăn uống, mua sắm… tiết kiệm từng khoản nhỏ. Thay vì cho tiền con ăn sáng bên ngoài, chị dậy sớm nấu cho cả nhà cùng ăn. Thấy mẹ vất vả, các con chị Hoa tự giác đỡ đần việc nhà. Chị Hoa bàn với chồng trả mặt bằng, dời văn phòng về nhà để đỡ chi phí, tạm thời giữ lại một số nhân viên cốt cán; chiếc ô tô ít dùng nên cho thuê để tăng thu nhập. Nghe lời vợ, chồng chị Hoa nhận thêm các show chụp hình quảng cáo, tour du lịch… lấy ngắn nuôi dài. Trong gian khó, cả nhà cùng chung tay góp sức nên vợ chồng, con cái thêm yêu thương, gắn bó với nhau hơn.
Tình hình tài chính ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, nhưng không phải ai cũng luôn được thuận lợi, đủ đầy. Những lúc thắt ngặt, thất bại lại càng trân quý sự quan tâm, sẻ chia của người thân dành cho nhau. Việc vợ chồng chủ động thông tin về các khoản chi tiêu, đóng góp, nợ nần, hay những mối lo toan… cùng tìm hướng giải quyết không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện sự tin tưởng, tôn trọng. Tùy vào hoàn cảnh, mỗi người hãy lựa chọn phương pháp phù hợp để duy trì sự yên ấm, hạnh phúc của gia đình mình.
Quà 8/3 tặng mẹ cảm động giúp ngày lễ trở nên ý nghĩa
Việc chọn quà 8/3 tặng mẹ cảm động không chỉ thể hiện lòng biết ơn mà còn làm ấm lòng và mang lại niềm vui cho đấng sinh thành.
Các gia đình "vượt khó" khi kinh tế eo hẹp
Công việc gặp khó khăn, giảm thu nhập, một số mặt hàng thiết yếu tăng giá… ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của các gia đình hiện nay. Với sự chu đáo, đảm đang, nhiều chị em khéo léo tính toán, vận động người thân cùng thực hành tiết kiệm, nỗ lực duy trì chất lượng cuộc sống.
Vì sao mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu tồn tại bất chấp thời đại?
Tiến sĩ Madeleine A. Fugère - GS Tâm lý học xã hội tại Đại học Bang Eastern Connecticut (Mỹ) đã chia sẻ những lý do bất ngờ đằng sau mâu thuẫn trong mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu.
Giảm 37% nguy cơ tử vong nhờ... trông cháu
Dành thời gian cho trẻ nhỏ có thể giúp ông bà minh mẫn, vui vẻ và thậm chí khỏe mạnh hơn về lâu dài.
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế nào và giải tỏa cảm xúc nóng giận một cách hiệu quả ra sao.
Bắt nhịp sau Tết
Sau những ngày Tết vui chơi, nghỉ ngơi thoải mái, người lớn trở lại với công việc, trẻ em đến trường. Nhanh chóng lấy lại sức khỏe, cũng như rèn luyện con cái vào nền nếp, thích nghi với môi trường đi học là điều phụ huynh quan tâm. Để đầu năm được thuận lợi, suôn sẻ, các gia đình có sự chuẩn bị chu đáo, giữ tâm trạng vui vẻ, lan tỏa năng lượng tích cực, cùng nhau nỗ lực học tập, làm việc tốt hơn.
Cúng ông Công ông Táo sau 12 giờ ngày 23 tháng Chạp được không?
Nhiều người cho rằng việc cúng ông Công ông Táo phải thực hiện trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên chuyên gia lại phân tích điều ngược lại.