Văn hóa

Gia đình - Điểm tựa để cùng nhau vượt qua đại dịch

Thứ hai, 23/08/2021, 11:08 AM

Dịch bệnh quét qua, ai cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Trong nỗi lo lắng tất nhiên đó, điểm tựa gia đình, sự kết nối yêu thương càng cần hơn bao giờ hết.

Trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn bởi công việc gián đoạn, thu nhập giảm sút. Thêm vào đó, thực hiện giãn cách xã hội hạn chế đi lại, giao tiếp… đã tác động không nhỏ đến tâm lý, sức khỏe làm người trong cuộc đôi lúc cư xử thiếu kiềm chế, không khí trong nhà mất vui. Ðể vượt qua giai đoạn này, các cặp vợ chồng đã cố gắng sắp xếp, hỗ trợ nhau giảm bớt áp lực.

9-1

Không khí gia đình yên vui, người thân thấu hiểu, quan tâm sẽ là điểm tựa tinh thần giúp nhau vượt qua khó khăn (ảnh mang tính chất minh họa).

Gần 3 tháng qua, công ty quảng cáo của anh Thanh Hùng ở quận Ninh Kiều, ngừng hoạt động, không có nguồn thu, nhưng anh vẫn phải gánh mỗi tháng hơn 40 triệu đồng trả lương cho nhân viên, tiền thuê mặt bằng, lãi suất ngân hàng. Không may nữa là cha anh Hùng bệnh nặng, phải nhập viện điều trị. Lo lắng chuyện tiền nong và sức khỏe của cha khiến anh Hùng rối trí. Anh mất ngủ triền miên, hay nổi nóng, cáu gắt với vợ con, có khi ở suốt ngày trong phòng.

Chị Thủy Cúc - vợ anh Hùng, vừa làm việc online ở nhà, vừa đảm đương chuyện nấu ăn, chăm sóc các con nên rất vất vả. Ban đầu thấy chồng hay nổi nóng, cáu gắt, chị Cúc phản ứng, cho là chồng vô tâm, thấy vợ cực khổ, đã không chia sẻ mà còn gây khó dễ. Có hôm hai người cãi nhau, mặc các con ăn cơm trong nước mắt.

Chị Cúc tâm sự: “Vài tuần sống trong cảnh chiến tranh vừa nóng vừa lạnh, ngột ngạt quá, tôi chịu hết thấu, tâm sự với người bạn. Sau khi nghe bạn phân tích, khuyên giải, tôi thấy mình cũng có phần lỗi là hay càm ràm, có những lúc nói lời khó nghe, như đổ thêm dầu vào lửa, làm chồng tự ái nên mới ra cớ sự, còn ảnh hưởng các con. Trong tình cảnh này, vợ chồng phải thấu hiểu nỗi khổ của nhau mà san sẻ, không nên trách móc, chê bai, đối đầu”.

Nghe lời bạn, chị Cúc thay đổi chiến thuật, hỏi han, quan tâm, chăm sóc, kiếm chuyện cho chồng làm để khuây khỏa bằng cách kèm con học ngoại ngữ, vi tính, hôm nào bận quá thì nhờ chồng nấu cơm… Thấy vợ mềm mỏng, anh Hùng cũng bớt cáu gắt, chịu mở lòng, kể hết những vướng mắc. Vợ chồng bàn bạc sẽ trả lại mặt bằng để giảm bớt chi phí, khi hết dịch sẽ tận dụng tầng trệt căn nhà đang ở mở lại công ty. Không nỡ nhìn chồng nặng gánh lo toan, chị Cúc rút sổ tiết kiệm phụ lo thang thuốc cha chồng, một phần để dành dự phòng cho gia đình. Khó khăn trước mắt vẫn còn nhưng anh Hùng bớt phần nào áp lực, vợ chồng đầm ấm, thương yêu nhau hơn.

Suốt 2 tháng nay, từ ngày công ty kinh doanh thực phẩm đóng cửa, chồng mất việc, chị Ngọc Hà ở quận Cái Răng còn bị giảm thu nhập do các khu chung cư chị làm vệ sinh, lau dọn trước đây hạn chế người ra vào, tạm ngừng thuê người. Dù chị Hà mua sắm hạn chế nhưng vẫn xài thâm vào tiền tiết kiệm, thêm tiền lãi vay ngân hàng mua nhà đến hạn phải trả khiến chị luôn trong tình trạng lo lắng. Mỗi khi thấy vợ tính toán chuyện thu chi, than vãn, kể lể, chồng chị Hà lảng đi nơi khác. Mặc cảm không làm ra tiền để vợ phải bươn chải khiến chồng chị có tâm lý chán nản, buông xuôi.

Qua tham gia với các nhóm nội trợ ở những nơi làm thuê trước đây, chị Hà thấy nhiều người thích ăn vặt nhưng không có điều kiện làm nên bàn với chồng kiếm thêm tiền từ việc này. Ban đầu chồng không chịu đi mua vật liệu, giao hàng, sợ người quen gặp thì quê mặt. Chị Hà kiên trì thuyết phục rằng thời điểm này tìm việc rất khó, nhờ chồng phụ giúp tạm thời và chỉ nhận đơn gần nhà để tiện đi lại. Hằng ngày, chị Hà làm bánh chuối hấp, nấu xôi đậu xanh nước cốt dừa, sên mứt dừa, có hôm làm bì da thịt heo khìa, đổ bánh xèo, làm kim chi… Thấy mẹ làm ngon quá, các con cũng vào phụ để được ăn ké. Nhờ cả nhà đồng lòng mà mấy tuần nay có thêm tiền trang trải sinh hoạt, chồng chị Hà cũng dần thay đổi tính tình, tâm trạng vui vẻ hơn.

Trong tình hình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ai cũng có thể bức bối vì nếp sinh hoạt thường ngày thay đổi. Những người vốn là trụ cột gia đình, nay gặp khó khăn về tài chính lại càng dễ bi quan. Ngoài vấn đề kinh tế, việc tất cả thành viên tiếp xúc hằng ngày với nhau trong một môi trường khép kín còn có thể phát sinh những mâu thuẫn khác. Vì vậy, từng người phải tìm cách điều chỉnh, thích nghi, khéo léo trong ứng xử để giảm bớt stress.

Chị Kim Ngọc ở quận Cái Răng, kể: “Khu vực tôi ở từng bị phong tỏa. Trước đó, 2 quán cà phê của gia đình phải đóng cửa, kinh doanh lỗ lã. Thấy chồng quá lo lắng, tôi động viên khó khăn chỉ là tạm thời, từ từ mọi việc sẽ qua. Tôi vẫn còn lương hằng tháng ổn định để chi tiêu. Tôi cố gắng duy trì sinh hoạt trong nhà như trước, lập thời khóa biểu cho các con ôn tập, vui chơi. Buổi tối buồn quá thì ra lan can hóng mát, kể chuyện ở quê cho các con nghe, bàn chuyện học hành… Quan trọng là bản thân mỗi người suy nghĩ lạc quan, tích cực để có thêm động lực lo cho tương lai”.

Bên nhau những ngày này, nhiều gia đình nhìn nhận ngoài vaccine phòng ngừa dịch bệnh, rất cần những liều thuốc hiệu quả, kịp thời để giải tỏa các vấn đề về sức khỏe, tinh thần cho nhau. Và không gì tạo ra hệ miễn dịch tốt nhất bằng mối quan hệ gia đình. Tình yêu thương, sự quan tâm, thấu hiểu sẽ là sức mạnh giúp cả nhà sống khỏe, sống vui, sẵn sàng đối mặt và vượt qua nghịch cảnh.

Khánh Tường  
Nữ sinh Nguyễn Huỳnh Hải Lam đăng quang Hoa khôi Trường Đại học Nam Cần Thơ

Nữ sinh Nguyễn Huỳnh Hải Lam đăng quang Hoa khôi Trường Đại học Nam Cần Thơ

(NSMT) – Ngày 16/5, ThS. Nguyễn Nhật Trường – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên & Hỗ trợ doanh nghiệp, Bí thư Đoàn Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết vừa tổ chức thành công đêm chung kết Hội thi Hoa khôi Đại học Nam Cần Thơ lần thứ IX năm 2024.

Con gái Nhà báo Yên Ba:

Con gái Nhà báo Yên Ba: "Cha dùng "chiêu" dụ tôi đọc sách"

Trong bài dự thi Cha và con gái gửi về Gia đình Việt Nam, chị Hoài Anh - con gái nhà báo Yên Ba tiết lộ, niềm yêu thích đọc sách của chị được hình thành từ bé và người "chắp mối" đam mê này không ai khác chính là người bố nổi tiếng.

Dạy trẻ bảo vệ môi trường: Ý thức hôm nay, môi trường sống ngày mai

Dạy trẻ bảo vệ môi trường: Ý thức hôm nay, môi trường sống ngày mai

(NSMT) - Trẻ em là tương lai của thế giới. Việc giáo dục những đứa trẻ về việc bảo vệ môi trường từ nhỏ giúp tạo ra một thế hệ có ý thức hơn về việc duy trì sự cân bằng và bền vững của môi trường. Thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường giúp trẻ em hiểu rằng họ là một phần của một cộng đồng toàn cầu và có trách nhiệm đối với tương lai của trái đất sau này.

Tâm sự của cha ngày con tròn 18

Tâm sự của cha ngày con tròn 18

Tuổi 18, chỉ mong con gái của cha vẫn đủ bản lĩnh, tự tin khi bước vào môi trường mới và vẫn luôn có chí hướng, có tinh thần cầu tiến. Đó là những tâm sự, mong mỏi của một người làm cha gửi con gái yêu.

Thư gửi con gái ngày sinh nhật

Thư gửi con gái ngày sinh nhật

Ngạn ngữ có câu "không ai hiểu con bằng cha”. Hơn ai hết ba hiểu con gái mình. Dù xuất giá theo chồng, toàn tâm toàn ý chăm lo cho trọn chữ "dâu hiền" nhưng trong mắt con vẫn ánh lên niềm hạnh phúc mỗi khi ai đó gọi Nga Nghi. Chỉ vậy thôi với ba đó cũng là niềm hạnh phúc vô bờ con à.

Bệnh tiểu đường và các nguy cơ khôn lường với sức khoẻ

Bệnh tiểu đường và các nguy cơ khôn lường với sức khoẻ

(NSMT) - Vừa qua, Hội LHPN quận Ninh Kiều phối hợp Công ty bảo hiểm Dai-ichi Life Việt Nam tổ chức Hội thảo "Hành trình sức khỏe và hạnh phúc" cho gần 120 cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn quận Ninh Kiều.

"Thủ lĩnh" Misa: "Cha dạy tôi đừng bao giờ giúp đỡ người khác mà trông chờ trả ơn"

“Con giúp người này thì người khác sẽ giúp con, đừng bao giờ giúp đỡ ai mà trông chờ người đó phải trả ơn con” – Đó là bài học của cha đã theo chị Đinh Thị Thúy - Tổng giám đốc công ty phần mềm MISA suốt chặng đường thành công của mình.