Văn hóa

Gương sáng hiếu học của một gia đình người dân tộc Khmer

Thứ sáu, 30/06/2023, 11:00 AM

Ở khu vực Bình Lợi, phường Trường Lạc, quận Ô Môn (Cần Thơ), khi nhắc đến anh Dương Sơn, bà con ai cũng tấm tắc khen: “Tạo dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng nên chú Sơn rất biết thương người nghèo. Thấy ai gặp hoàn cảnh khó khăn, con em có nguy cơ bỏ học chú Sơn sẵn lòng giúp đỡ để các cháu được tiếp tục đến trường”.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, người đàn ông dân tộc Khmer sinh năm 1969 nhưng có nét mặt khắc khổ, già trước tuổi này xòe đôi tay đầy vết chai sần của mình nói: “Không ai chọn được gia cảnh nơi mình sinh ra nhưng tôi tin rằng cuộc sống không bao giờ lâm vào đường cùng đối với những ai biết chí thú làm ăn. Lối đi nằm ngay trên đôi tay lao động của mình, các anh ạ”.

Những kỷ niệm thời gian khổ

Sinh ra trong một gia đình người dân tộc Khmer đông con giữa một làng quê nghèo khó nên Dương Sơn ít được học hành. Mới hết lớp 3 anh đã phải nghỉ học để cắt chăn trâu, cắt cỏ mướn…kiếm tiền phụ giúp gia đình. Không ít lần nhìn bạn bè cùng trang lứa tung tăng cắp sách đến trường, Sơn phải rơi nước mắt vì tủi thân.

Vợ chồng anh Dương Sơn, chị Lý Thị Hạnh cùng các cháu nội.

Vợ chồng anh Dương Sơn, chị Lý Thị Hạnh cùng các cháu nội.

Đến tận bây giờ, trong ký ức của người đàn ông 54 tuổi này vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh cậu bé chưa tròn 10 tuổi thập thò trước cổng trường được cậu bạn thân chia cho vài viên kẹo và nói: “Ba má tao biểu phải cố gắng học hành để sau này kiếm được nhiều tiền. Không học thì chỉ có nước suốt đời đi chăn trâu như mày”. Bạn kể chuyện một cách hồn nhiên nhưng lòng Sơn thì quặn thắt vì nỗi đau con nhà nghèo.

Thời ấy, người dân nông thôn thường lập gia đình sớm. Năm 1987, khi vừa tròn 18 tuổi Dương Sơn và cô thôn nữ Lý Thị Hạnh (54 tuổi) (cùng là người dân tộc Khmer) nên duyên chồng vợ. Cha mẹ Dương Sơn cắn răng trích từ phần đất ít ỏi của mình ra 2 công đất lúa cho cậu con trai ra riêng kèm lời dặn dò: “Nhà mình ít đất nên cha mẹ chỉ cho con được bấy nhiêu. Nếu sau này gặp khó khăn không thể vượt qua, con có quyền bán đất lấy tiền xoay sở. Nhưng cha mẹ tin rằng nếu con biết chịu khó làm ăn, 2 công đất này sẽ sinh sôi nảy nở thành nhiều công đất nữa”.

BH tham hoi nan nhan tai nan

Nghe lời cha mẹ dặn, Dương Sơn lao động cật lực bất kể ngày đêm với khát vọng đổi đời cháy bỏng mặc dầu ý thức được rằng con đường lập thân, lập nghiệp của mình phía trước sẽ còn gặp rất nhiều chông gai.

Thật vậy, năm 1990 khi cậu con trai đầu lòng Dương Trọng Nhân chào đời thì đó cũng là lúc kinh tế gia đình đôi vợ chồng trẻ Sơn- Hạnh lâm vào hoàn cảnh gần như bế tắc. Thời điểm ấy lúa mất mùa, rớt giá nên bà con xóm giềng cũng gặp khó khăn nên ít ai thuê mướn người làm. Mất nguồn thu nhập từ việc làm thuê, Dương Sơn chọn cách cắm câu bắt cá đem ra chợ bán kiếm thêm tiền nuôi vợ con.

Ai có hành nghề giăng lưới, cắm câu trên đồng mới thấu hiểu hết nỗi vất vả của nó. Móc mồi hằng trăm cần, cắm câu khắp cánh đồng bao la trong đêm hôm mưa gió thì chỉ riêng cái việc thu lại cho sao không sót cần câu, không mất cá là cả một vấn đề đòi hỏi bí quyết, kinh nghiệm riêng. Có lần anh Sơn chọn con cá lóc to nhất để nấu cháo bồi dưỡng sức khỏe cho vợ con thì anh suýt khóc khi nghe vợ hỏi: “Sao không để cá lớn bán được nhiều tiền, nhà mình nghèo thì ăn cá nhỏ thôi anh?”

“Lấy ngắn nuôi dài” và khát vọng đổi đời cho con bằng tri thức

Không tin vào sự áp đặt của số phận cũng như tin chắc rằng đất sẽ không mãi phụ công người. Đôi vợ chồng trẻ Sơn- Hạnh ngẫm ra phương thức trồng rau luân canh, xen canh trong vườn nhà, thu nhập tuy không cao nhưng ổn định và thường xuyên. Ngoài ra các loại rau tập tàng, rau muống, bông súng…mọc tự nhiên trong vườn, ngoài ruộng cũng là nguồn thu nhập đáng kể khi nó được dân thành thị ưa chuộng và bắt đầu len lỏi vào các nhà hàng. Chị Hạnh không quản nắng mưa, tảo tần cắt từng bó rau mang ra chợ bán để đỡ gánh nặng cho chồng.

Chắt chiu dành dụm từ các nguồn thu nhập nhỏ lẻ cộng với tiền lời từ việc nuôi heo, thả cá, nuôi gà vịt…vợ chồng anh Sơn chị Hạnh mua thêm đất canh tác (khi ấy giá đất còn rẻ) và cuộc sống ngày càng “nở nồi”. Khi hai đứa con kế Dương Trọng Nghĩa (31 tuổi), Dương Thị Anh Thơ (29 tuổi) ra đời dù cuộc sống gia đình tuy thêm gánh nặng nhưng về cơ bản họ đã vượt qua sự chật vật triền miên.

Nhớ lại hoàn cảnh ấu thơ vì gia cảnh nghèo nên phải thôi học sớm nên anh Sơn luôn động viên các con: “Mình vốn con nhà nghèo, chỉ có việc học mới khiến mình đổi đời, mới được xã hội trọng vọng các con à. Nghèo đã khổ, thất học sẽ khiến nỗi khổ đeo bám suốt cả cuộc đời”. Đồng cảm với chồng, chị Hạnh tuyên bố: “Nếu phải bán tất cả nhà đất để nuôi các con ăn học thành tài, cha mẹ cũng sẵn sàng”.

Mặc dù tuổi ngoài 50 nhưng vợ chồng anh Sơn, chị Hạnh vẫn tích cực lao động sản xuất.

Mặc dù tuổi ngoài 50 nhưng vợ chồng anh Sơn, chị Hạnh vẫn tích cực lao động sản xuất.

Không phụ lòng cha mẹ, các con của anh Sơn chị Hạnh đều ra sức học tập chuyên cần, nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc trong suốt bậc học phổ thông. Anh Sơn khoe: “Nhờ chính sách dành cho đồng bào dân tộc của nhà nước nên các con tôi được theo học phổ thông ở Trường Dân tộc nội trú với các chế độ ưu đãi như: miễn học phí, được cấp học bổng, tiền ăn trưa…nên đỡ gánh nặng cho gia đình. Tụi nhỏ nhà tui nhờ chuyên cần học tập nên sau khi tốt nghiệp phổ thông tất cả tụi nó đều đỗ vào các trường đại học, cao đẳng”.

Hiện tại các con của anh Sơn- chị Hạnh như: Dương Trọng Nhân (33 tuổi)- kỹ sư viễn thông; Dương Trọng Nghĩa (31 tuổi)- kỹ sư điện; Dương Thị Anh Thơ (29 tuổi)- cử nhân điều dưỡng đều đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định, thu nhập khá. Riêng người con trai lớn Dương Trọng Nhân, sau một thời gian đầu quân cho Tập đoàn Viettel đã ra kinh doanh riêng ngành vật tư nông nghiệp, nước uống đóng bình và có nhiều đóng góp an sinh xã hội, từ thiện tại địa phương.

Không giấu được niềm tự hào, Dương Sơn khoe: “Từ 02 công đất cha mẹ cho buổi đầu ra riêng, nay vợ chồng tôi đã có hơn 12 công đất trồng lúa, cây ăn trái và rau màu xen canh nên đời sống được cải thiện rất nhiều. Nhưng với chúng tôi, tài sản đáng quí nhất vẫn là đàn con ăn học đến nơi đến chốn, sống có ích cho xã hội và mấy đứa cháu nội”

Chị Lý Thị Tú Trinh- công chức VHXH phường Trường Lạc, nguyên Chủ tịch HLHPN khu vực Bình Lợi cho biết: Gia đình anh Dương Sơn- chị Lý Thị Hạnh nhiều năm liền đạt danh hiệu “gia đình văn hóa”, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước, luôn đi đầu trong công tác thiện nguyện, an sinh xã hội tại địa phương.

“Ngoài việc tham gia đóng góp cứu trợ người nghèo, sửa chữa cầu đường thì gia đình anh Sơn, chị Hạnh còn hỗ trợ cấp phát tập vở, dụng cụ học tập cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vào đầu các năm học. Đặc biệt, mỗi nghe trong địa phương gia đình nào khó khăn về kinh tế, nguy cơ cho con em nghỉ học thì anh Sơn đều đến tận nhà tìm hiểu, có biện pháp hỗ trợ để việc học các em không bị gián đoạn”- Chị Trinh chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Minh Khương- Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin quận Ô Môn nhận xét: “Gia đình anh Dương Sơn- chị Lý Thị Hạnh là một trong những gia đình người dân tộc Khmer hiếu học tiêu biểu của địa phương. Ngoài việc vượt khó nuôi con ăn học thành tài, giáo dục con thành người có ích cho xã hội thì anh chị còn là tấm gương sáng về lòng nhân ái. Trách nhiệm của ngành VHTT nói riêng, của toàn hệ thống chính trị nói chung là phải nỗ lực lan tỏa và nhân rộng những tấm gương như vậy để thúc đẩy tiến trình phát triển phát triển văn hóa- xã hội bền vững tại địa phương”.

Thụy Vũ  
Tỉnh thành nào ở Việt Nam kết hôn muộn nhất và ly hôn nhiều nhất?

Tỉnh thành nào ở Việt Nam kết hôn muộn nhất và ly hôn nhiều nhất?

Độ tuổi kết hôn trung bình tại Việt Nam là 27,3 tuổi, trong đó nam là 29,4 tuổi và nữ là 25,2 tuổi. Tỉnh có độ tuổi kết hôn muộn nhất chênh lệch gần 3 tuổi so với trung bình.

Gia đình bất hòa vì dừng… học thêm

Gia đình bất hòa vì dừng… học thêm

Từ ngày bọn trẻ không đi học thêm buổi tối, không phải đưa đón con, anh lại tụ tập bạn bè nhậu nhẹt đến tận khuya mới về. Chị ở nhà vừa làm mẹ, vừa làm cô giáo. Không khí gia đình không còn êm đềm như trước.

Vì sao người xưa lấy nhau khi chưa biết mặt nhưng lại ít ly hôn?

Vì sao người xưa lấy nhau khi chưa biết mặt nhưng lại ít ly hôn?

Đàn ông thời xưa muốn ly dị vợ vì bất hòa trong hôn nhân không hề dễ dàng bởi cuộc hôn nhân này không đơn giản chỉ là người chồng muốn ly hôn.

Giảm 37% nguy cơ tử vong nhờ... trông cháu

Giảm 37% nguy cơ tử vong nhờ... trông cháu

Dành thời gian cho trẻ nhỏ có thể giúp ông bà minh mẫn, vui vẻ và thậm chí khỏe mạnh hơn về lâu dài.

Cần Thơ: Phát huy thế mạnh du lịch vùng

Cần Thơ: Phát huy thế mạnh du lịch vùng

(NSMT) - Ban Chỉ đạo phát triển du lịch TP Cần Thơ vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Đến tham dự có ông Nguyễn Thực Hiện - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, Trưởng ban BCĐ phát triển DL TP. Cần Thơ.

Đàn ông cũng cần được khóc

Đàn ông cũng cần được khóc

Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế nào và giải tỏa cảm xúc nóng giận một cách hiệu quả ra sao.

Chia tay ngày Valentine

Chia tay ngày Valentine

Chia tay đã khó khăn, chia tay với ai đó ngay trước thềm Valentine càng khiến nhiều người cảm thấy nhẫn tâm và tội lỗi.