Mộng mơ tuổi học trò
Con cái đến tuổi dậy thì là giai đoạn hết sức nhạy cảm vì tâm lý lứa tuổi này rất phức tạp. Nhất là các bé gái đã bắt đầu biết mộng mơ, có thể xao lãng chuyện học. Các bậc cha mẹ phải chuẩn bị kiến thức để định hướng con mình phát triển toàn diện, khỏe mạnh và vui tươi nhất.
Chị B.D. (Phường 1- TP Vĩnh Long) có cô con gái đang học lớp 9. Từ nhỏ cô bé luôn chăm ngoan học giỏi, làm cha mẹ hài lòng hãnh diện. Nhưng thời gian gần đây chị cảm thấy con có nhiều thay đổi, hơi lơ là việc học, hay rút vào phòng đóng kín cửa lại hàng giờ thay vì tíu tít bên mẹ như trước.
Chị B.D. chia sẻ: “Thông thường con gái đi học suốt từ sáng đến chiều có khi đến tối nên tôi không có nhiều thời gian để nhận thấy sự thay đổi của con. Mấy tháng nay vì dịch bệnh bé ở nhà học online nên tôi mới có cơ hội gần gũi con nhiều.
Có lúc bất chợt tôi mở cửa phòng con vào để xem học online như thế nào thì thấy con gái vẫn đang học, nhưng lại chống cằm nhìn ra cửa sổ mải mê suy nghĩ chuyện gì mà tôi vào cũng không hay. Khi tôi hỏi thì nổi quạo, cằn nhằn đủ điều.
Tôi cảm thấy hoang mang lo lắng quá vì ngoài giờ học bé cầm điện thoại luôn, xem gì trên mạng cứ tủm tỉm cười một mình. Vợ chồng tôi buôn bán suốt ngày lại không có nhiều kiến thức để chia sẻ với con mọi thứ”.
Chị H.M. (Phường 3- TP Vĩnh Long) cũng đang hoang mang khi nhận thấy cô con gái bé nhỏ chị còn ôm hôn mỗi ngày chỉ mới lớp 6, đã phát triển sớm quá.
Chị hơi bất ngờ và chưa định hướng được phải làm sao để có thể đồng hành, chia sẻ và chỉ dạy con những chuyện tế nhị đang xáo trộn về thể chất và tâm sinh lý của bé.
Chị H. M. chia sẻ: “Mấy tháng nay bé ở nhà suốt nên cũng thường nói chuyện với bạn qua điện thoại. Có lúc tôi cố tình nghe được cuộc trò chuyện của con với cô bạn thân và rất ngạc nhiên lẫn lo lắng khi nội dung cuộc điện thoại suốt hơn 15 phút chỉ bàn về vấn đề bạn trai bạn gái, đẹp xấu, để ý nhau, xứng đôi với nhau...
Dù là một giáo viên nhưng tôi thật sự chưa tìm được cách thức nào để can thiệp vào vấn đề này với con một cách tốt nhất để bé tin tưởng, nghe lời mình chỉ dạy để đi đúng hướng”.
Theo các nhà tâm sinh lý, khi các em đã đến tuổi dậy thì sẽ thay đổi về tâm sinh lý, có những cảm xúc mới lạ, bắt đầu biết mộng mơ, các em muốn khám phá mọi thứ, vì thế chuyện tình yêu tuổi teen đã không còn xa lạ nữa.
Tình cảm tuổi học trò cũng có hai mặt, nếu nó đi theo chiều hướng tích cực sẽ hỗ trợ nhau để phát triển hơn, giúp đỡ nhau học giỏi hơn, đó sẽ là những tình cảm thật đẹp và đáng nhớ. Ngược lại nếu nó theo chiều hướng tiêu cực thì rất có thể sẽ gây ra hậu quả khôn lường.
Tuổi trẻ ngày nay bị ảnh hưởng quá nhiều từ Internet với tất cả mọi thứ trong cuộc sống mà các em cần biết. Chúng khiến các em bị choáng ngợp quá sớm, dễ rơi vào những bất ổn về tâm sinh lý nếu không có sự theo sát của phụ huynh.
Thực tế các phụ huynh vẫn luôn nghiêm khắc trong chuyện tình yêu tuổi học trò. Nhiều cha mẹ quát mắng, thậm chí đánh đập khi không kiểm soát được cảm xúc, tìm mọi cách ngăn cản ngay khi biết con mình đã biết yêu.
Thay vì thế, phụ huynh cần bình tĩnh nói chuyện với con trẻ, cùng con đi đến một giải pháp tốt nhất. Trong hoàn cảnh này, cha mẹ hãy luôn sẵn sàng là những bác sĩ tâm lý, là bạn đồng hành cùng con cái, dành nhiều thời gian để tâm sự cùng con.
Đặc biệt, đừng nên cấm tuyệt đối vì như thế sẽ phản tác dụng, độ tuổi này các em bắt đầu có những rung cảm đầu đời. Hãy dạy con biết kiểm soát bản thân, quản lý cảm xúc và thiết lập cân bằng việc học tập với những rung cảm ấy.
Để tạo mối quan hệ gần gũi với con trong giai đoạn này, trước tiên cha mẹ cần có sự nhất quán trong việc cư xử, trò chuyện với con, thường xuyên hỏi han và chia sẻ.
Kinh nghiệm và kỹ năng sống của trẻ còn non nớt nên khó tránh khỏi những vấn đề phiền toái. Phụ huynh nên nắm bắt kịp thời để chỉ dẫn, tránh tình trạng áp đặt, những lời khuyên chân thành từ cha mẹ sẽ giúp trẻ có đánh giá khách quan và tìm được hướng xử lý thích hợp.
Đừng dùng vật chất để bù đắp khoảng trống tình cảm và đừng đặt kỳ vọng quá nhiều vào con cái sẽ tạo áp lực nguy hiểm cho con. Hãy luôn hài lòng với những gì con có, tôn trọng năng lực và đánh giá đúng tiềm năng của con để từ đó định hướng, gợi mở, khuyến khích con phát triển cả về thể chất, tinh thần và trí tuệ.
Đồng thời, trong giai đoạn dậy thì, phụ huynh nên dạy trẻ biết cách bảo vệ và chăm sóc bản thân, xây dựng cho trẻ chế độ ăn uống hợp lý. Ngoài ra, cũng nên cho trẻ chơi các môn thể thao giúp phát triển nhanh về thể chất và ổn định tốt về tâm sinh lý.
Thay vì bắt buộc, ngăn cấm, giận dữ, lo lắng, các bậc phụ huynh nên dành thời gian cho con cái, học hỏi những kiến thức kỹ năng làm bạn cùng con, điều chỉnh lại giờ giấc sinh hoạt của cả gia đình để mọi thành viên có thể gắn kết cùng nhau, đồng hành chia sẻ mọi vấn đề trong cuộc sống tốt hơn.
Theo Lam Ngọc (Báo Vĩnh Long)
http://www.baovinhlong.com.vn/xa-hoi/hon-nhan-gia-dinh/202111/mong-mo-tuoi-hoc-tro-3089836/
Giao tiếp kết nối yêu thương
Đối thoại, giao tiếp rất quan trọng trong đời sống gia đình, bởi có nói mới hiểu để chia sẻ, cảm thông. Các thành viên cùng một mái nhà hãy tăng cường tương tác, mở lòng trò chuyện cùng nhau. Khi có tiếng nói chung, sẽ giảm bớt những bất đồng, tình cảm thêm gắn kết.
Bạn ghen tị với người khác giới điều gì?
Đàn ông ghen tị với khả năng mang lại sự sống mới cho thế giới của phụ nữ, một số còn ghen tị cả với vai trò làm mẹ. Trong khi đó phụ nữ ghen tị với những điều bất ngờ khác.
Ước mơ làm mẹ của cô gái bại não
Một phụ nữ Trung Quốc mắc bệnh bại não quyết tâm bảo vệ mong muốn được làm mẹ của mình trước những lời chỉ trích trực tuyến.
Phong thủy bàn làm việc giúp sự nghiệp “thăng hoa" trong năm mới
Sự hài hòa trong việc sắp xếp bàn làm việc theo phong thủy sẽ giúp tâm trạng, sức khỏe, tiền tài và vận may trong công việc và sự nghiệp của gia chủ.
Tết vui, tiết kiệm
Còn hơn tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, các gia đình đã bắt đầu sắm sửa để chuẩn bị đón mừng năm mới. Với sự chu đáo, vén khéo, nhiều chị em lên kế hoạch chi tiêu hợp lý, tiết kiệm để cả nhà có một mùa vui ý nghĩa.
Giáo dục con truyền thống gia đình qua dịp lễ Noel
Giáng sinh đang dần trở nên quan trọng khi là dịp để mỗi gia đình đoàn tụ yêu thương, chia sẻ và tận hưởng không khí vui tươi bên bạn bè, người thân.
Cùng nhau vượt khó
(NSMT) - Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, thuận lợi mà có những “khúc quanh” đột ngột như mất việc làm, ốm đau… Ðiều quan trọng, người trong cuộc đừng bi quan mà hãy suy nghĩ tích cực, tìm cách vượt qua nghịch cảnh. Sẽ đáng quý hơn nếu như trong lúc thắt ngặt, thất bại, có sự chung tay trợ giúp của gia đình.