Nếp nhà

Mùa bù nhìn thay áo

Thứ tư, 06/09/2023, 08:22 AM

Tôi mang theo ký ức về những mùa bù nhìn thay áo, những ngày rong ruổi cùng cha trên những thửa ruộng bừa gốc gối vụ và cả những lời cha căn dặn để trầm tĩnh bước đi qua năm rộng tháng dài.

Những buổi sáng còn mờ hơi đất, tôi lùa đôi bò cày đi trước, không quên mang theo một chiếc bi đông nước trà râu ngô nóng, cha vác chiếc bừa răng thưa, loại chỉ dùng bừa đất để gốc mía vụ sau. Mía khi đã thu hoạch, để tiết kiệm chi phí, người dân sẽ giữ vụ gốc bằng cách đốt sạch lá khô năm cũ, mầm mía từ gốc sẽ nảy lên thành vụ mới. Để mía lên khỏe hơn, phải bừa sao cho đi qua hàng nào, sẽ xới đất hai bên gốc vun lên giữ ẩm và loại bỏ bớt cỏ dại. Muốn bừa ăn sâu vừa độ, phải có một đứa trẻ ngồi lên trên, vừa đủ trọng lượng để răng bừa cũng ngập vừa tầm.

Trong lúc bừa, dưới cái nắng tháng năm xanh trong hay những vụ tháng chạp lạnh cắt da, cha vừa điều khiển hai con bò qua phải, qua trái, vừa ngân nga những bài dân ca cũ “Lợn cừu dê bị đem đi bán/ Trên dọc đường cừu thản nhiên đi/ Và dê cũng chẳng nói gì/ Riêng anh lợn ỉ tỉ ti khóc hoài/ Chủ quát mắng mày loài ngu vậy/ Sao cừu dê không khóc than chi?/ Thưa rằng cừu dê khác tôi nhiều/ Người mua tôi thịt dê cừu người nuôi…”.

Buổi sáng còn mờ hơi đất, cha dậy thật sớm để chuẩn bị buổi bừa đồng xa.

Buổi sáng còn mờ hơi đất, cha dậy thật sớm để chuẩn bị buổi bừa đồng xa.

Cha hay nói rằng sau này dẫu có đi đâu và làm gì, hãy cứ thẳng ngay mà sống và tử tế với mọi người. Khi ấy, tôi đâu biết rằng cuộc đời dài rộng phía trước đầy rẫy những tính toan, nếu không trầm tĩnh lựa chọn sẽ gặp nhiều va vấp. Và càng trưởng thành hơn, tôi càng tin vào lời cha dạy, tin vào những điều tốt đẹp như chính những câu ca dao cũ mà cha hay đọc.

Người quê thường xen canh đậu đen hay bắp tẻ vàng trên những thửa ruộng bừa gốc, vừa lấy trái vừa lấy thân cây làm thức ăn cho đàn bò. Vậy nên cứ sau khi gieo sẽ dựng lên vài con bù nhìn giữ ruộng, để canh lũ chim sẻ nâu hay bầy chim sắt không bay về bới hạt và ăn trái khi vào mùa thu hoạch. Và đã thành chu kỳ quen thuộc, cứ cạn một năm, những con bù nhìn hứng bao nhiêu nắng mưa sương gió cũng vừa mục nát. Sáng hừng đông, cha nói với má soạn những tấm áo cũ không còn dùng đến, cha sẽ mang ra ruộng thay áo cho bù nhìn. Cha nói mỗi một vật gắn bó với con người đều có linh hồn và những con bù nhìn quanh năm gắn với vụ mùa, như người bạn bền tình với người dân quê lam lũ.

Có những hôm bừa ruộng đồng xa, má gói cơm nóng vào tàu lá chuối kèm theo muối đỗ giã nhỏ. Hơi cơm nóng áp chín lớp lá, thơm đằm rất lạ. Nắng lên đứng bóng, cha mở dây chão, tháo róng bừa, thả bò ra bãi cỏ, hai cha con cũng tìm bóng râm của cây dúi già để nghỉ. Và với tôi khi ấy, thế giới chỉ gói gọn vào những vết chân chim ngấn mồ hôi nhưng đầy niềm tin vào mùa vụ của cha, là khoảng trời mây bay trong vắt và tiếng gió luồn phần phật vào cánh tay áo của những con bù nhìn canh ruộng. Cha hay chỉ vào bóng khói nơi chân núi, hay lắng tiếng kim kêu chiều và đón tiết trời sẽ mưa hay nắng. “Ráng vàng thì nắng, ráng đỏ thì mưa, ếch kêu lưa thưa thì trời sắp lụt”. Hay “vạc kêu thì nắng, ó cắn thì mưa”, “Cây rù rì ra lá, con cua đá vào hang, con gà rừng gáy vang thì trời hết lụt”…

Thế nhưng dẫu cần mẫn với ruộng đồng, dẫu lắng nghe tất cả những âm thanh để canh tiết trời mùa vụ, đôi vai cha ngày một gầy hơn bởi nắng mưa thất thường cuốn đi bao lúa ngô khoai sắn. Có những vụ lúa tháng mười đang cong gié, nước về mênh mông chết trắng, những vụ sắn nắng hạn đồng khô, cha vẫn gánh gồng mọi thứ để con đường chữ nghĩa của mấy anh em chúng tôi không bị đứt gãy giữa chừng. Và những con bù nhìn đứng đó, lặng lẽ làm chứng nhân cho những nhọc nhằn của cha, của bao nhiêu người nông dân lam lũ khác.

 Hết tháng tư nắng cháy, đến tháng bảy ngâu giăng, rồi dập dồn mưa bão tháng mười và rét se tháng chạp, dấu chân hai cha con in khắp trên những thửa ruộng quê nhà. Mỗi đường bừa của cha đổi lại áo cơm và những mê mải trường làng trường huyện của chúng tôi. Đã bao nhiêu mùa bù nhìn thay áo, đã bao nhiêu mùa bừa gốc cho mía lên xanh, đã bao nhiêu gió mưa rơi rớt trên mái đầu màu sương của cha rồi cũng tới lúc tôi rời làng để đuổi theo giấc mơ của mình.

Trong hun hút nhớ, thương cha một mình lặng lẽ trên những thửa đồng. Có chăng giờ chỉ còn những con bù nhìn lặng yên trầm tĩnh sẽ lắng nghe câu ca dao quen thuộc của cha như thuở nào. Đất phương Nam mưa nắng thuận hòa càng làm trái tim những phận người tha hương thắt lại khi nghe tin những cơn áp thấp nhiệt đới hay những mùa bão quét qua làng…

Tôi đã lớn lên bằng những chắt chiu mùa vụ, ngủ quên bên những câu ca dao gần gụi và bước vào đời với cách sống tử tế khiêm nhường bởi những điều thiện lương mà cha đã dạy. Và dẫu đường đời đầy lo toan cơm áo, vẫn thu xếp về cùng cha thay áo mới cho những con bù nhìn giữ ruộng, cùng cha nhìn mây ngũ sắc lúc hừng đông hay bóng khói chân trời khi chiều tắt để đón ngày mai mưa hay nắng, để càng thương hơn bao lam lũ quê nhà!

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn biên tập

Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"  

Tác giả: Phương Bối (Nguyễn Thị Hậu)

Địa chỉ: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên, 62A Lê Duẩn, p7, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên

Ban Tổ Chức  
Giải trí ảo, hậu quả thật

Giải trí ảo, hậu quả thật

Hiện nay, sử dụng mạng xã hội là hình thức giải trí phổ biến, nhất là đối với chị em phụ nữ. Các chị lên mạng cập nhật kiến thức, mở rộng quan hệ, kết giao bạn bè, nhiều chị đầu tư viết nội dung, xây dựng hình ảnh trên trang cá nhân thật lung linh để có like… Và rồi không ít trường hợp bị các thiết bị công nghệ cùng thế giới ảo chi phối quá mức, xao nhãng trách nhiệm đối với người thân, gây bao hệ lụy…

Khi mẹ là cô giáo

Khi mẹ là cô giáo

Chiến tranh kết thúc, mẹ tôi rời quân ngũ về làng rồi trở thành cô giáo. Làm con của cô giáo khiến tuổi thơ của tôi nhà cũng là trường mà trường cũng là nhà. Áp lực phải học giỏi, phải ngoan vì là con của cô giáo khiến tôi nhiều phen không còn là một đứa trẻ.

Hơn nửa thế kỷ đắp xây hạnh phúc

Hơn nửa thế kỷ đắp xây hạnh phúc

Cưới nhau từ năm 1973, ông Võ Văn Hai và bà Nguyễn Thị Điệp (ngụ khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) là tấm gương về xây dựng gia đình văn hóa, con cháu thành tài. Hơn nửa thế kỷ qua, họ đã nắm tay nhau vượt qua gian khó để cùng đi đến bến bờ hạnh phúc.

Tài sản lớn nhất cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách

Tài sản lớn nhất cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách

Tục ngữ có câu: “Ba tài sản lớn nhất của cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách”, nó chiếm bao nhiêu trong cuộc đời còn lại của bạn?

Vì sao ngày càng nhiều gia đình từ bỏ sàn gỗ?

Vì sao ngày càng nhiều gia đình từ bỏ sàn gỗ?

Xu hướng trang trí lát sàn gỗ từng rất phổ biến nhưng hiện nay nhiều gia đình không còn lựa chọn. Sàn gỗ có chăng chỉ được lắp trong phòng ngủ, các phòng khác đều được lát gạch men.

Về nhà - về với yêu thương

Về nhà - về với yêu thương

Ðối với nhiều người, ngôi nhà không chỉ để ở mà còn mang giá trị tinh thần đặc biệt. Ðó còn là gia đình với sự bao dung, chở che, nâng đỡ và trách nhiệm dành cho nhau. Cuộc sống đôi khi phải đối mặt với khó khăn, thử thách... những lúc ấy, điểm tựa lớn nhất không đâu khác mà chính là mái nhà và những người thân yêu của mình.

Có nên thiết kế phòng tắm trong phòng ngủ?

Có nên thiết kế phòng tắm trong phòng ngủ?

Với sự thay đổi trong lối sống và sự đa dạng hóa nhu cầu sinh hoạt, phòng ngủ chính có phòng tắm có còn đáp ứng được nhu cầu của các gia đình hiện đại hay không và nên giữ lại hay loại bỏ đã trở thành đề tài bàn luận sôi nổi.