Nghĩ về “thương hiệu” Công tử Bạc Liêu…
Không quá mới nhưng chưa bao giờ cũ khi nhắc lại thương hiệu Công tử Bạc Liêu (CTBL), ở bất kỳ nơi đâu, không riêng Bạc Liêu. Một cậu Ba Huy (tức CTBL Trần Trinh Huy) với bao nhiêu giai thoại thêu dệt từ khá nhiều phần trăm sự thật về lối sống xa hoa, phung phí, tiêu tiền như nước với câu nói đời sau nhắc lại “đốt tiền nấu trứng”, thế mà lại làm nên thương hiệu độc quyền cho xứ sở Bạc Liêu.
Vốn liếng cho du lịch
Hơn một lần tôi được người đối diện trầm trồ “oách thật, người của xứ sở CTBL đây mà” khi dừng chân ở nhiều vùng miền của đất nước. Trên trang Facebook cá nhân của một người bạn tôi (sống tại Hà Nội), hình đại diện của anh được bạn Facebook bình luận: “Ôi, bạn lên sóng nhìn như CTBL”. Không biết người bình luận câu này đã từng gặp CTBL (tất nhiên gặp qua hình ảnh) để thấy vẻ phong lưu, hào hoa của vị công tử sống cách đây cả trăm năm hay chưa (tất nhiên cũng qua tư liệu, sách vở) mà bình luận chắc nịch như vậy? Tôi đoan chắc, người bình luận ít nhất là biết đến danh xưng CTBL gắn với sự hào hoa, phong nhã của một vị công tử con nhà giàu nức tiếng một thời. Bởi bức ảnh của anh bạn nọ trông cũng “bảnh tẻn” kiểu như vậy!
Dẫn chứng một chi tiết nhỏ như trên để thấy tiếng tăm của CTBL bay xa và tồn tại bền bỉ từ trăm năm đến tận thời hiện tại. Đã đến Bạc Liêu thì du khách gần xa phải thăm nhà CTBL để tìm hiểu vì sao có một nhân vật trăm năm còn để lại danh tiếng. Những anh hùng, danh tướng, nhà khoa học… góp nhiều công trạng cho đất nước thì Việt Nam đâu đâu cũng có; nhưng CTBL nổi danh trong “ngữ cảnh” đặc biệt như thế vẫn để lại “thương hiệu” cho Bạc Liêu ngần ấy thời gian! Bạc Liêu cũng từ danh tiếng CTBL này mà có vốn liếng để làm du lịch. Nhưng có vốn thì phải biết cách “xài” để vốn sinh lời, mà “xài” thôi cũng chưa đủ, phải biết làm mới để du lịch mau làm giàu. Phải thừa nhận, Bạc Liêu cũng đã và đang nhiều nỗ lực để du lịch xứng tầm là một trong 5 trụ cột vững vàng để phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Du khách thưởng thức tiết mục tái hiện giai thoại Công tử Bạc Liêu. Ảnh: H.T
Làm mới thương hiệu
Khi dịch COVID-19 chưa hoành hành, chúng tôi thường hướng dẫn nhiều đoàn khách của các báo bạn ngoài tỉnh đến tham quan Bạc Liêu. Một trong vài điểm mà các bạn đồng nghiệp yêu cầu được đến luôn là khu nhà CTBL. Quy trình là đến đó chúng tôi sẽ mua vé rồi vào khu nhà CTBL để nghe thuyết minh viên nói về những sự thật và giai thoại xung quanh cuộc đời vị công tử “đốt tiền nấu trứng” này (theo kể lại còn có chuyện đốt tiền để tìm đôi bông tai một mỹ nhân đánh rơi). Những con số vàng bạc, tài sản kếch xù của gia tộc họ Trần và lối tiêu xài xa hoa của CTBL luôn khiến người nghe phải trầm trồ. Kết thúc chuyến thăm quan là chiêm ngưỡng những cổ vật và chụp ảnh cùng con trai CTBL là ông Trần Trinh Đức, hoặc có người mua thêm sách để hiểu thêm về cuộc đời của vị CTBL này.
Chỉ nhìn ngắm hiện vật, nghe thuyết minh viên kể chuyện, lâu nay dường như là sự phung phí “tài nguyên” thương hiệu CTBL chăng? Đã có một dự án hoành tráng nâng tầm thương hiệu cho khu nhà CTBL đã và đang được xúc tiến với những hoạch định cụ thể, rõ ràng. Thật kỳ vọng dự án này sẽ làm nên chuyện cho du lịch Bạc Liêu.
Có lần, trong sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch 2019, Bạc Liêu tổ chức biểu diễn tiết mục ngắn về CTBL, tả lại chuyện CTBL mở cuộc thi nhan sắc, CTBL phục vụ bạn bè bằng “món ăn tinh thần” xứ sở là nghệ thuật Đờn ca tài tử… Từ ý tưởng này, có ý kiến đề xuất nên chăng xây dựng một hoạt cảnh sân khấu hóa về tích “đốt tiền nấu trứng” để phục vụ sự hiếu kỳ của du khách? Thiết nghĩ đây cũng là một đề xuất nên cân nhắc.
Thương hiệu đã có, làm gì để phát huy thương hiệu, không chỉ là đầu tư phần “xác” bằng những dự án, công trình mà còn nghĩ đến phần “hồn” của những tích cũ. Để mai này, khi rời chân Bạc Liêu, người ta còn có dấu ấn đọng lại từ danh tiếng CTBL và muốn quay lại thưởng thức hoặc giới thiệu bè bạn của họ “đó là khu du lịch đáng trải nghiệm”.
CẨM THÚY
Vì sao du khách miền Tây thích đi núi Bà Đen?
Được mệnh danh là "nóc nhà Nam Bộ", núi Bà Đen được xem là điểm hội tụ linh khí đất trời, thế nên hàng năm, từ tháng Giêng cho đến tháng 3, rất nhiều du khách từ các tỉnh miền Tây Nam bộ đổ về đây tham quan, dâng lễ.
Du khách miền Tây ‘rục rịch’ lên kế hoạch đi Tây Bắc ngắm hoa ban
Tháng 3 là thời điểm hoa ban - biểu tượng cho vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng bắc đầu nở rộ.
Mỹ Quỳnh Safari – Thế giới hoang dã giữa đồng bằng
Từ một chi tiết rất nhỏ liên quan đến tuổi thơ của cô con gái, ông Ngô Trí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Công ty Cổ phần vườn thú Mỹ Quỳnh (Mỹ Quỳnh Safari) đã biến vùng đầm lầy đầy phèn chua ở xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, thành một 'thế giới hoang dã' giữa đồng bằng.
Thắt chặt quản lý hoạt động du lịch tại Chợ nổi Cái Răng nhằm đảm bảo an toàn và trật tự
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ vừa gửi văn bản đề nghị UBND quận Cái Răng chỉ đạo cơ quan chuyên môn thuộc quận, tiến hành kiểm tra, xác minh, nhắc nhở, chấn chỉnh các hoạt động du lịch đối với các ghe, tàu, bè đang hoạt động tại khu vực chợ nổi Cái Răng trong việc tuân thủ các quy định pháp luật hoạt động kinh doanh.
Festival Nghề Muối Việt Nam – Bạc Liêu 2025: Nâng tầm quan trọng của muối trong đời sống mỗi gia đình
(NSMT) - Festival Nghề Muối Việt Nam – Bạc Liêu 2025 là dịp đặc biệt để tôn vinh và giới thiệu giá trị của muối trong các lĩnh vực như du lịch, y tế và ẩm thực. Sự kiện này không chỉ khẳng định vai trò thiết yếu của muối mà còn góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nó trong đời sống hàng ngày của mỗi gia đình.
Phú Quốc là điểm đến có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á
Mới đây, chuyên trang du lịch nổi tiếng Travel Off Path (Mỹ) đã công bố danh sách 5 điểm đến có sự phát triển du lịch nhanh nhất tại Đông Nam Á và đứng đầu danh sách này chính là đảo Phú Quốc. Các địa danh khác có mặt trong danh sách bao gồm Phuket và Bangkok (Thái Lan), Singapore (Singapore), cùng với Kuala Lumpur (Malaysia).
Tàu AIDAstella đưa hơn 2.000 du khách vào Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc
Sáng ngày 14/2, tàu AIDAstella (Italy) có trọng tải hơn 71.300 tấn đã đến cảng hành khách quốc tế Phú Quốc. Đây là chuyến tàu đưa du khách quốc tế đầu tiên đến Phú Quốc trong năm nay bằng đường biển. Trên tàu có 620 thủy thủ đoàn và 2.130 du khách đến từ các nước châu Âu.