Nhớ dưa bồn bồn của má
Với những người con Cà Mau xa quê, dưa bồn bồn không chỉ là món ngon trứ danh, nó còn là hương vị của quê hương, gợi nhớ một thời tuổi thơ cơ cực mưu sinh.
Trên tuyến Quốc lộ 1, ngang qua xã Tân Hưng Ðông, bồn bồn xanh bát ngát dưới ruộng, những “gian hàng” thô sơ được dựng tạm hai bên đường, chỗ được che bằng vài tấm tôn cũ, chỗ bằng cây dù vải, chỗ thì chục tàu lá dừa để chưng những keo dưa bồn bồn, những bó bồn bồn tươi roi rói vừa mới tách vỏ xong. Nhìn những người đàn ông đang ra sức nhổ bồn bồn dưới ruộng chất thành đống, vác lên mé lộ dùng dao bén chặt phăng phần ngọn, đem phần cây vào chòi cho mấy chị lột vỏ, trưng bày lên sạp hàng… gợi cho tôi nhớ biết bao kỷ niệm thời thơ ấu, về những hũ dưa bồn bồn của má…
Hương vị dưa bồn bồn gợi nhớ một thời tuổi thơ cơ cực mưu sinh.
Lúc đó tôi còn rất nhỏ, nhà nghèo, chị em nheo nhóc, ba tôi thì bị bệnh bao tử hành hạ suốt, không thể làm nặng được, ruộng thì chỉ làm một vụ lúa mùa, một công tầm cấy chỉ năm, bảy giạ, có năm còn bị thất trắng, bởi hồi ấy làm ruộng, cấy xong là phó mặc cho trời, chớ có phân, thuốc gì đâu. Ngoài mùa ruộng, ba tôi chỉ đặt lọp, đặt trúm kiếm thêm con lươn, con cá cho đám con nhỏ có cái để ăn với cơm, thỉnh thoảng mới có dư vài con để bán. Mọi chi tiêu trong gia đình, có lúc cả lo toan cơm gạo đều nhờ vào những hũ dưa bồn bồn của má.
Má tôi sinh cả chục đứa con, anh Hai thì đã ra riêng, phải lo toan cho gia đình nhỏ của mình, cũng thiếu trước hụt sau. Anh Ba thì vừa lớn lên đã theo cách mạng, má tôi chỉ còn biết trông cậy vào chị Tư, lúc đó chỉ mới 15, 16 tuổi. Sau vụ cấy, cứ một ngày chị chèo xuồng hơn 7 cây số ra chợ bán rau (dưa bồn bồn là món chủ lực), thì một ngày má tôi cùng chị Tư khuya lơ khuya lắc đã phải thức dậy nấu cơm mang theo, rồi chèo xuồng vào vùng đất hoang hoá cách nhà hàng chục cây số để bẻ mấy loại rau đồng, nhổ bông súng, bồn bồn chuẩn bị cho buổi chợ sáng hôm sau.
Tôi nhớ, hồi đó, từ khuya má với chị Tư chèo xuồng đi, cho tới gần tối mới về. Hôm nào cũng chở về đầy một xuồng be mười, nào là bồn bồn, bông súng, rau muống, rau đắng, rau ngổ, có những tháng còn có cả bông điên điển… Nói chung, dưới ruộng có thứ gì bán được thì trên xuồng có thứ đó…, nhiều nhất vẫn là bồn bồn, bông súng.
Ðem bồn bồn về, má tôi dạy bầy con nít tụi tôi tách vỏ, lấy ruột xong chị Tư đem rửa cẩn thận rồi dạy cách chẻ. Bây giờ hiện đại rồi, không biết người ta chẻ bồn bồn ra sao chớ hồi đó chẻ bồn bồn dễ lắm, chỉ cần dùng sợi chỉ may đồ quấn trên đầu hai ngón chân cái rồi dang hai chân ra cho sợi chỉ thẳng, đưa cọng bồn bồn vào kéo một cái là nó đã tách ra làm hai ngọt xớt mà không cần tới dao kéo gì cả. Cứ thế, mấy đứa nhỏ tưởng chừng chỉ biết nghịch phá lại là lực lượng hữu ích vô cùng. Sau khi bọn tôi chẻ xong, má đem bồn bồn xếp vào trong hũ (đựng được cả chục ký dưa bồn bồn) rồi đổ nước dưa vào (nước dưa đã được má tôi nấu từ trước bằng nước cơm và nước vo gạo, có cho thêm ít đường và muối rồi để vài ngày cho nước chua), xong má dùng lá chuối tươi đậy lên trên, chẻ cọng dừa gáo (dừa ăn trái) gài kỹ bồn bồn lại, chỉ cần vài ngày là dưa sẽ chua. Dưa chua có màu trắng hồng chớ không phải trắng phau như bây giờ. Ðể dưa ngon, giòn, vừa ăn, không bị mùi chua ê thì khâu làm nước dưa và cách muối dưa vô cùng quan trọng.
Bây giờ, mỗi lần nhìn thấy dưa bồn bồn, tôi lại nhớ về má, người mẹ đã tần tảo thức khuya dậy sớm, bất chấp mưa bom bão đạn, chèo xuồng hàng chục cây số mỗi ngày để hái rau, nhổ bồn bồn, bông súng đem ra chợ bán kiếm tiền nuôi đàn con nhỏ.
Nhớ hình ảnh má đêm đêm bên ngọn đèn dầu, bàn tay thoăn thoắt lột từng cây bồn bồn mà nghe cay cay khoé mắt. Nhớ những đêm tôi ôn bài để thi vào đệ thất (lớp 6 bây giờ), má ngồi bên cạnh tôi vừa lột bồn bồn, vừa quạt muỗi, động viên tôi cố gắng. Hồi đó, con nhà nghèo ở nông thôn mà thi vào trường Trung học An Xuyên là điều ít ai làm, vì tỷ lệ đậu rất ít, một tỉnh chỉ có một trường công, mỗi năm chỉ lấy vài trăm học sinh vào lớp đệ thất. Năm tôi thi trường cũng chỉ lấy có 270 người. Thế mà cuối cùng tôi đã đậu. Má tôi lại tiếp tục làm những hũ dưa bồn bồn bán để lấy tiền đóng học phí, may áo dài cho tôi…
Ðã gần 60 năm trôi qua, dù má tôi đã đi xa, nhưng hương vị dưa bồn bồn của má vẫn như còn thoang thoảng đâu đây.
Theo Huỳnh Châu (Báo Cà Mau)
http://baocamau.com.vn/tan-van/nho-dua-bon-bon-cua-ma-70115.html
Cà Mau: Khởi công Dự án di tích lịch sử chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là hơn 100 tỷ
(NSMT) - Ngày 19/11, tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi công xây dựng Dự án di tích lịch sử chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là được xếp hạng Di tích quốc gia ở huyện Đầm Dơi. Tham dự chương trình có ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cùng lãnh đạo và nhân dân địa phương.
Vì sao 19/11 được chọn làm Ngày Quốc tế Nam giới?
(NSMT) - Ngày Quốc tế Nam giới (còn gọi là Ngày Quốc tế Đàn ông) diễn ra vào ngày 19/11 hàng năm, là dịp quan trọng để tôn vinh những đóng góp của phái mạnh đối với xã hội và gia đình, đồng thời nâng cao nhận thức về các vấn đề sức khỏe, tâm lý và xã hội mà nam giới đang phải đối mặt. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ý nghĩa của ngày lễ, những lời chúc ý nghĩa dành tặng nam giới và những món quà đặc biệt dành cho bạn trai trong dịp này.
Cha mẹ hướng con học 4 ngành này ra trường không lo thất nghiệp
Những ngành học này không chỉ đáp ứng nhu cầu nhân lực hiện tại mà còn hứa hẹn cơ hội việc làm rộng mở trong tương lai.
Vĩnh Long: Khai mạc Liên hoan Gia đình tài tử và Liên hoan Tiếng hát thanh niên Kinh - Hoa – Khmer
(NSMT) - Tối 17/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long phối hợp UBND huyện Mang Thít tổ chức khai mạc Liên hoan Gia đình tài tử và Liên hoan Tiếng hát thanh niên Kinh - Hoa - Khmer tỉnh Vĩnh Long năm 2024.
Uốn nắn con từ lời ăn, tiếng nói
Hiện nay, tình trạng trẻ vị thành niên nói tục, chửi thề, sử dụng tiếng lóng thiếu lành mạnh trong giao tiếp diễn ra khá phổ biến, gây không ít hệ lụy. Phụ huynh cần quan tâm uốn nắn, giáo dục con sửa đổi kịp thời những hành vi xấu…
Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh tế Xanh Vĩnh Long bước đi tiên phong, thể hiện sự đổi mới sáng tạo của địa phương
(NSMT) - Tối 16/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức lễ khai mạc Festival Gạch Gốm đỏ - Kinh tế Xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 tại Làng nghề sản xuất gạch, gốm kênh Thầy Cai (xã Nhơn Phú-huyện Mang Thít). Ông Hồ Đức Phớc - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Vĩnh Long: Khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật Môi trường xanh – Cuộc sống xanh – Du lịch xanh
(NSMT) – Sáng 16/11, tại khu dân cư T&T Phước Thọ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long phối hợp cùng Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức tổng kết, trao giải và khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật chủ đề “Môi trường xanh – Cuộc sống xanh – Du lịch xanh”.