Những lão nông Kiên Giang thành công với nghề trồng tràm
Ít người ngờ rằng tại nơi đa số nông hộ chọn gắn bó với cây lúa, con cá như huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) lại có những nông dân từ lâu ăn nên làm ra với nghề trồng tràm.
Vừa tới đầu kênh Sáu Thước, ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng đã thấy hàng rào bê tông cao, dài chừng 100m, bên trong là dãy nhà lầu bề thế làm nổi bật cả một đoạn kênh. Người dân chỉ đường cho biết đó là nhà của cha con ông Nguyễn Văn Em, một trong những lão nông sở hữu diện tích trồng tràm nhiều nhất của kênh Sáu Thước.
Ông Nguyễn Văn Em, 74 tuổi, từng là cán bộ tài vụ của ngành công an tại TP. Cần Thơ. Sau năm 1975, ông về kênh Sáu Thước cất nhà, được người thân cho 12 công đất lung bào khai khẩn. Thấy đất lung phèn cây lúa khó trụ, ông quyết định trồng tràm. Nhà không tài sản, chỉ có mấy công tràm chưa thu hoạch nên lúc bấy giờ, vợ chồng ông Em phải đi làm thuê kiếm sống.
Sau 7 năm trồng, tràm bắt đầu cho thu hoạch, bán 1 công tràm ông Em mua được cả trăm giạ lúa. Thấy hiệu quả cao, ông Em tích góp, cộng với tiền làm thuê, ông mua thêm đất để trồng tràm. Hiện ông Em có 300 công tràm, mỗi năm thu hoạch 50 công, lợi nhuận gần 400 triệu đồng.
Ông Em cho biết trồng tràm chi phí thấp, nhưng tốn công vì phải chăm sóc cây như nuôi con nhỏ. “Lúc cây mới trồng sợ nhất là ốc bươu vàng. Tôi phải bón phân định kỳ 2 lần/năm, làm cỏ thường xuyên để tràm mau lớn và phòng, chống cháy rừng”, ông Em nói.
Để tràm phát triển tốt, kinh nghiệm của ông Em là nên xuống giống khoảng tháng 10 âm lịch vì lúc đó mặt liếp có nước xem xép giúp tràm mau bén rể, đến tháng 6 năm sau thì rong nhánh. Ông Em có 7 người con, dựng vợ gả chồng đứa con nào ông cũng cho 50 công tràm. Noi gương cha, các con ông đều chịu khó lao động, phát triển thêm từ 50-60 công đất, cuộc sống sung túc đều từ cây tràm mang lại.
Năm 1963, từ TP. Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Mười chọn ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Lộc làm nơi lập nghiệp. Chiến tranh ác liệt, nhiều gia đình rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, ông Mười vẫn chọn ở lại. Ông Mười kể: “Hồi chiến tranh, cán bộ cách mạng động viên tôi phải trồng cây gây rừng, vừa có thu nhập vừa gây dựng địa thế cách mạng”.
Thấy ông Mười trồng tràm, nhiều người không hiểu bảo ông làm chuyện “dư hơi”; có người còn bảo “cây phát thì người tàn” để nói việc cây tràm phải trồng lâu năm mới cho thu hoạch. Mặc lời bàn ra tán vào, ông Mười vẫn quyết tâm khai khẩn và trồng được 25 công tràm vì ông hiểu rằng đất lung phèn chỉ có tràm nước mới trụ được.
Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, trồng tràm vừa là sinh kế vừa là tấm lá chắn che mắt quân thù để gia đình ông Mười tham gia nuôi chứa cán bộ cách mạng. Sau năm 1975, gia đình ông Mười vẫn gắn bó với nghề trồng tràm dù chiến tranh ác liệt, diện tích tràm thiệt hại nhiều.
Cây tràm có đầu ra, năm 2002, gia đình ông Mười dùng 240 lượng vàng dành dụm từ việc bán tràm để xây dựng nhà kiên cố. Năm 2004, giá tràm xuống thấp, nhiều người đốn bỏ tràm để trồng lúa. Đắn đo, suy tính, ông Mười bấm bụng phá bỏ 60 công tràm để trồng lúa, còn 70 công vẫn giữ tràm. Hơn chục năm trở lại đây, cây tràm có giá nên cuộc sống gia đình ông trở nên sung túc hơn. Chỉ riêng phần bán cừ tràm, ông Mười thu về lợi nhuận gần 500 triệu đồng/năm.
“Tôi còn ươm tràm giống bán. Nhiều năm nay, phong trào trồng rừng nguyên liệu trong tỉnh và các vùng lân cận phát triển mạnh, nhờ vậy nhu cầu tiêu thụ giống cây tràm ngày càng cao. Hiện tràm con có giá 100.000 đồng/thiên. Tháng 2 gieo hạt thì đến tháng 8 bắt đầu thu hoạch tràm con. Nghề này cũng không khó, biết là làm được”, ông Mười nói.
Ở tuổi 92, ông Mười minh mẫn, nhắc nhở con cháu ươm cây giống cho tốt, phải để ý xem ốc có ăn tràm non thì cấy dặm lại bởi tràm trồng 4-5 năm mới thu hoạch, đừng để thất thoát. Ông Nguyễn Văn Hý, con ông Mười nói: “Cả đời cha tôi cơ cực với tràm, ông dặn con cháu dù có thế nào cũng ráng giữ vì tràm đã cho gia đình tôi cuộc sống đủ đầy như hôm nay”.
Đứng trên sân thượng, ông Hý lấy tay vẽ một đường dài về hướng kênh Sáu Thước, nơi có hàng tràm xanh ngát chạy dài. Đó là rừng tràm của gia đình ông, là sinh kế, là mồ hôi, nước mắt mà cha mẹ ông gây dựng, giữ gìn.
Theo Đông Hưng/ Báo Kiên Giang
Cà Mau chuẩn bị các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025
(NSMT) - Ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ký ban hành Kế hoạch về việc tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Press cup 2024: Sự kiện thể thao được mong đợi hàng năm của báo giới cả nước
Sau 7 mùa giải với những thành công vang dội và nhiều dấu ấn khó quên, Giải bóng đá các Cơ quan Báo chí toàn quốc Press Cup đã trở thành sự kiện thể thao được mong đợi hàng năm của báo giới cả nước.
Cần Thơ: Trường THPT An Khánh tổ chức Hội thi văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam
(NSMT) - Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - Trường THPT An Khánh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ vừa tổ chức đêm chung kết Hội thi văn nghệ Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Những “người thầy” thầm lặng trong công tác tuyên truyền pháp luật khi tham gia giao thông
(NSMT) - Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 không chỉ là dịp để tri ân các thầy cô giáo đứng trên bục giảng, mà còn là dịp để chúng ta nhớ đến những “người thầy” thầm lặng, đang từng ngày cống hiến cho sự hiểu biết và an toàn của cộng đồng. Trong số đó, các cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông cho học sinh, sinh viên, viên chức, người lao động và nhân dân xứng đáng được tôn vinh.
Bảo tàng TP. Cần Thơ tổ chức họp mặt kỷ niệm Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam
(NSMT) - Nhân kỷ niệm 19 năm Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), ngày 19/11, Bảo tàng TP. Cần Thơ tổ chức chương trình họp mặt và tiếp nhận hiện vật do các cá nhân hiến tặng. Sự kiện diễn ra nhằm tôn vinh giá trị di sản văn hoá dân tộc, góp phần giữ gìn và lan tỏa tinh thần yêu nước trong các thế hệ.
Hai cô giáo Sóc Trăng nhận giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” năm 2024
(NSMT) - Trung ương Đoàn vừa công bố danh sách 100 giáo viên, giảng viên có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và công tác Đoàn nhận giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương năm 2024. Trong số này có cô Quách Thị Hồng Nhiệm, giáo viên trường Mầm non xã Trung Bình (huyện Trần Đề) và cô Thạch Thị Bảo Ngọc, Bí thư đoàn trường THPT Phú Tâm (huyện Châu Thành).
Cà Mau: Một số điểm trường bị ngập do triều cường dâng cao
(NSMT) - Ngày 19/11, triều cường dâng cao đã gây ngập lụt ở một số huyện thuộc tỉnh Cà Mau, làm nhiều điểm trường bị chìm trong nước. Tình trạng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc di chuyển, giảng dạy và học tập của giáo viên cũng như học sinh.