Nói với nhau...
(NSMT) - Trong đời sống hôn nhân, giao tiếp đóng vai trò rất quan trọng, bởi không chỉ gắn kết tình cảm mà còn giúp vợ chồng hiểu nhau hơn. Dù bận rộn, mỗi bên cần dành thời gian trò chuyện, lắng nghe, chia sẻ, cùng điều chỉnh bản thân cho thêm hòa hợp với bạn đời. Đừng để vì lý do nào đó mà vợ chồng rơi vào tình trạng mất kết nối, “nghẽn mạch” trong giao tiếp, sẽ dễ phát sinh hiểu lầm, rạn nứt tình cảm gia đình.
Anh Minh Hùng ở quận Cái Răng, kể: “Vợ tôi hay nói đùa, chọc cười nên không khí trong nhà lúc nào cũng vui vẻ, ấm áp. Đi làm cực khổ mà về nhà nghe vợ hỏi thăm, chăm sóc là bao mệt nhọc tan biến. Mấy tháng nay quán ăn đóng cửa, kinh tế khó khăn nhưng có vợ khuyên giải nên tôi cũng đỡ lo, đợi tình hình dịch bệnh ổn định vợ chồng tính toán làm ăn lại. Nhờ hay trò chuyện, vợ chồng tôi hiểu rõ tính ý, công việc của nhau, tin tưởng và sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết. Gia đình tôi cởi mở trong giao tiếp nên các con tôi cũng thường tâm sự với cha mẹ nhờ hướng dẫn việc học, tư vấn chuyện bạn bè”.
Gần 20 năm sống chung, giận hờn cũng có nhưng vợ chồng anh Hùng chưa bao giờ to tiếng hay bất đồng. Hễ thấy đối phương đột nhiên không nói gì, người kia liền tìm cách tìm hiểu, giảng hòa. Cũng nhờ bí quyết “đâu đó nói cho rõ ràng” mà anh Hùng hóa giải không ít lần hiểu lầm của vợ xung quanh chuyện chồng về trễ, điện thoại không liên lạc được, tài chính thâm hụt đột xuất… Mọi chuyện anh đều giải thích cặn kẽ, có nguyên nhân chính đáng và vợ chịu lắng nghe, thông cảm nên trong ngoài yên ấm.
Từ khi chồng nghỉ hưu, vợ chồng chị Trương Thị Thư ở quận Ninh Kiều, mới có thời gian trọn vẹn bên nhau. Trước đây, chồng chị Thư công tác ở tỉnh Sóc Trăng, cuối tháng mới về thăm nhà. Thương chồng vất vả, mỗi ngày, chị Thư đều thăm hỏi, dặn dò giữ sức khỏe.
Có thời gian cảm nhận chồng khác lạ trong cách nói chuyện, sinh hoạt, ban đầu chị Thư tưởng chồng “lạc lòng” nhưng tìm hiểu kỹ thì biết anh bị bệnh nhưng giấu, sợ vợ lo. Vậy là chị vừa tìm thuốc vừa làm những món ăn phù hợp bồi dưỡng. Dẫu cách xa về mặt địa lý nhưng trong lòng hai người luôn có nhau. Giờ đây, hạnh phúc càng đong đầy.
Chị Thư chia sẻ: “Để xây dựng hạnh phúc gia đình, điều quan trọng là phải hiểu và tôn trọng, yêu thương bạn đời. Muốn hiểu thì phải hỏi han, vui buồn cùng thể hiện, tránh để dồn nén cảm xúc tiêu cực. Chúng tôi luôn thảo luận trong mọi việc, người này nói thì người kia lắng nghe nên rất hợp ý. Nhà tôi vui nhất là buổi chiều tối, con cháu đi làm về, cùng ăn cơm và trò chuyện rất rôm rả”.
Đối thoại giữa vợ chồng - chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng xem trọng và áp dụng hiệu quả. Hơn 4 tháng qua, vợ chồng chị P ở quận Cái Răng, chiến tranh lạnh. Hiện chị P ở cùng 2 con, còn chồng chị vừa dọn về nhà mẹ ruột, gần như tránh mặt vợ, không giao tiếp, chỉ liên lạc thông qua các con hoặc nhắn tin.
Trước đây, hai vợ chồng có một số hiểu lầm liên quan chuyện “say nắng” của chồng chị P nhưng chưa giải quyết ổn thỏa. Chồng chị P cho rằng vợ ghen bóng gió, suy diễn không căn cứ nên không thèm giải thích, thường đi từ sáng đến khuya mới về nhà để khỏi chạm mặt, nghe cằn nhằn. Chị P thì nghĩ chồng thay lòng, quên trách nhiệm với gia đình. Cứ thế, mỗi người âm thầm chịu đựng, hoài nghi, oán trách nhau mà không chịu tỏ bày nên rạn nứt tình cảm ngày càng lớn.
Gần đây, tòa án các cấp xét xử nhiều vụ ly hôn, nguyên nhân thường thấy là không thể sống chung vì bất đồng, mâu thuẫn. Khi hội đồng xét xử chất vấn, các đương sự trình bày do không giao tiếp, không còn tiếng nói chung nên lợt lạt tình cảm. Đáng tiếc nhất là các trường hợp ban đầu chỉ do hiểu lầm nhưng người trong cuộc tự ái, giận dỗi, bỏ mặc, không thiện ý tháo gỡ dẫn đến tan nát gia đình.
Thực tế cho thấy, có nói mới hiểu để yêu thương. Vì vậy, vợ chồng hãy quan tâm cảm xúc của nhau, tương tác, đối thoại thật nhiều bằng sự tế nhị, chân thành.
Khi giao tiếp, không chỉ là sự việc để nói với nhau, mà còn là cách nói, thái độ ứng xử. Hãy thật sự lắng nghe để đối phương cảm thấy được tôn trọng, sẻ chia. Người này giận thì người kia “bớt lời”, đợi cả hai bình tĩnh rồi bày tỏ quan điểm. Nhìn cách cha mẹ giao tiếp lịch sự, thân ái mỗi ngày, con cái cũng học hỏi theo, trở nên gần gũi, gắn kết hơn.
Hãy xây dựng ngôi nhà là nơi ngơi nghỉ, nạp cho nhau năng lượng tích cực, đừng để vợ, chồng đối mặt mà không tìm thấy tiếng nói chung, mất kết nối và rơi vào bế tắc.
Ước mơ làm mẹ của cô gái bại não
Một phụ nữ Trung Quốc mắc bệnh bại não quyết tâm bảo vệ mong muốn được làm mẹ của mình trước những lời chỉ trích trực tuyến.
Phong thủy bàn làm việc giúp sự nghiệp “thăng hoa" trong năm mới
Sự hài hòa trong việc sắp xếp bàn làm việc theo phong thủy sẽ giúp tâm trạng, sức khỏe, tiền tài và vận may trong công việc và sự nghiệp của gia chủ.
Tết vui, tiết kiệm
Còn hơn tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, các gia đình đã bắt đầu sắm sửa để chuẩn bị đón mừng năm mới. Với sự chu đáo, vén khéo, nhiều chị em lên kế hoạch chi tiêu hợp lý, tiết kiệm để cả nhà có một mùa vui ý nghĩa.
Giáo dục con truyền thống gia đình qua dịp lễ Noel
Giáng sinh đang dần trở nên quan trọng khi là dịp để mỗi gia đình đoàn tụ yêu thương, chia sẻ và tận hưởng không khí vui tươi bên bạn bè, người thân.
Cùng nhau vượt khó
(NSMT) - Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, thuận lợi mà có những “khúc quanh” đột ngột như mất việc làm, ốm đau… Ðiều quan trọng, người trong cuộc đừng bi quan mà hãy suy nghĩ tích cực, tìm cách vượt qua nghịch cảnh. Sẽ đáng quý hơn nếu như trong lúc thắt ngặt, thất bại, có sự chung tay trợ giúp của gia đình.
Hạnh phúc hơn khi sinh đủ 2 con
Nhiều hộ dân tộc Khmer ở TP Cần Thơ thực hiện tốt thông điệp của ngành dân số thành phố “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”. Dẫu có lúc khó khăn về kinh tế nhưng các cặp vợ chồng đều cùng nhau vượt qua để xây dựng gia đình tiêu biểu, hạnh phúc.
Nhà chật đến mấy vẫn phải tránh đặt bếp 4 hướng này để không lục đục, ốm đau
Bếp không chỉ đơn thuần là nơi nấu nướng mà còn mang theo nguồn năng lượng hỏa, ảnh hưởng đến tài vận của gia chủ. Có một số lỗi phong thủy khi đặt bếp nấu mà nhiều gia đình Việt thường mắc phải.