Nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được đề nghị phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân
(NSMT) - Với 30 năm gắn bó với học trò, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục địa phương, nguyện cả đời vì học trò vùng biên giới xứ biển, một nữ giáo viên đầu tiên ở Sóc Trăng đã được đề nghị phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân ở tuổi 50… Đó là cô Đỗ Thị Hồi, giáo viên Trường Tiêu học Lạc Hòa 1, xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu.
Năm 1992, tốt nghiệp Trung học Sư phạm Sóc Trăng, vừa tròn 19 tuổi, cô Đỗ Thị Hồi nhận quyết định về công tác tại Trường tiểu học Lạc Hòa 1, huyện (nay là thị xã) Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng). Vào thời điểm đó, Lạc Hòa là vùng đặc biệt khó khăn của thị xã Vĩnh Châu, là nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer và Hoa sinh sống, đời sống kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn nên việc học của học sinh cũng bị ảnh hưởng.
Cô Hồi nhớ lại: Trường cách thị trấn (nay là thị xã) 15 km, đi lại vô cùng khó khăn vì đường sá chủ yếu là đường đất, mùa khô thì bụi, mùa mưa thì trơn trợt; sân trường là sân đất cùng cỏ dại; lúc đó trường có 5 phòng học được coi là khang tranh nhất khi bên dưới xây gạch cao khoảng 1 mét, nửa trên được che bằng những tấm tôn; còn lại là phòng cây lá tạm. Các em học sinh đến lớp với những bộ quần áo nhàu nát, rách nhiều chỗ, nhiều em đi chân đất; thiếu sách vở, dụng cụ học tập,…trong năm học, nhiều học sinh phải bỏ học giữa chừng theo gia đình đi làm thuê sinh sống. Còn với giáo viên, không có chỗ ở nên được bố trí ở trong nhà dân, về sau mới có khu tập thể. Lương tháng của cô lúc đó được hưởng mức 242 đồng nhưng chỉ được 85% vì còn thời gian tập sự, chỉ được mấy chục nghìn mỗi tháng.
“Lúc đó mình còn trẻ, ước mơ hoài bão cũng lớn lắm nhưng bước vào cuộc sống của nhà giáo ở nơi xa này với nhiều khó khăn, thiếu thốn nên ban đầu cũng có lúc “tư tưởng” lắm. Nhưng, thấy các em học sinh phải chịu thiệt thòi không chỉ về điều kiện kinh tế mà còn cả về học tập nên tôi nghĩ mình bỏ cuộc thì các em sẽ ra sao. Từ đó, tôi tự nhủ với lòng mình là phải vượt qua tất cả, phải làm được điều gì đó cho các em, giúp các em có điều kiện học tập để có tương lai tươi sáng về sau. Vậy là tôi đã ở lại với vùng đất Lạc Hòa này từ đó cho đến nay và sẽ ở đây lâu dài nữa”, cô Đỗ Thị Hồi tâm sự.
Với niềm đam mê với công việc và tình yêu nghề yêu trẻ, tận mắt chứng kiến những khó khăn và thiệt thòi của lớp lớp học trò vùng khó khăn, lòng cô giáo Hồi lại dấy lên một niềm thương cảm,… Bằng niềm thương cảm và trách nhiệm cao cả của một Nhà giáo, cô tự nhủ mình phải làm việc nhiều hơn nữa để giúp đỡ các em giảm bớt những thiệt thòi. Không quản ngại khó khăn, cô luôn say mê với công việc bất kể giờ nào, bất kể làm việc gì để giúp đỡ được các em, đặc biệt là các em người dân tộc thiểu số. Hàng ngày cô luôn cố gắng hết mình vì học sinh, làm việc với tinh thần và trách nhiệm cao.
Để đạt hiệu quả, khi dạy trên lớp, cô luôn tìm ra những phương pháp phù hợp với đối tượng học sinh, giúp các em tự tin trong học tập. Cô chú trọng phân hóa đối tượng ngay trong từng giờ giảng, đặc biệt quan tâm đến những học sinh khó khăn về học tập giúp các em tiến bộ. Từng bước ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào giảng dạy. Ngoài giờ dạy chính khóa trên lớp, cô thường ở lại mỗi ngày khoảng 30 đến 45 phút kèm thêm cho những em học sinh còn hạn chế về môn học tiến bộ. Những em học sinh khó khăn về điều kiện sống như còn phải giúp mẹ làm việc nhà, không thể đến lớp đầy đủ, cô tìm đến tận nhà để giúp đỡ các em ôn lại những kiến thức bị hổng.
Thấy các em học sinh ngày ngày đến lớp thiếu sách vở, dụng cụ học tập, quần áo rách rưới, không đủ sạch, không đủ ấm, có em phải bỏ học giữa chừng vì kế sinh nhai của gia đình, với vai trò trách nhiệm của một người thầy khi lên lớp, không những chỉ dạy tốt tiết dạy của mình mà còn duy trì tốt cả về số lượng và chất lượng lớp học. Vì thế cô rất quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của các em, giúp các em khắc phục mọi khó khăn để vươn lên trong học tập,… Cô đã trích ra từ đồng lương ít ỏi của mình mua tặng học trò những cuốn tập, cây viết… Bên cạnh đó cô còn vận động những nhà hảo tâm hỗ trợ về vật chất và tinh thần giúp các em tiếp bước đến trường.
“Trong các năm học qua, bản thân vận động Hội phụ huynh và mạnh thường quân hỗ trợ cho học sinh nghèo của của lớp, của trường như tập vở, gạo, quần áo, dụng cụ học tập kịp thời giúp những em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp bước đến trường. Kết quả bản thân đã hỗ trợ và kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ quỹ “vì học sinh nghèo”, quỹ “khuyến học” trong 5 năm học gần đây vận động được 13 suất học bổng với tổng số tiền 13 triệu đồng và 3 chiếc xe đạp trị giá 4,5 triệu đồng, hỗ trợ 1.000 cuốn tập và 150 đôi dép, 60 chiếc cặp cùng với 1,7 tấn gạo, 150 bộ quần áo, 10 bộ sách giáo khoa mới, 100 thùng nước lọc và nhiều bộ quần áo, sách giáo khoa đã qua sử dụng. Bên cạnh việc vận động hỗ trợ cho học sinh nghèo của lớp, tôi còn làm tốt công tác vận động mạnh thường quân hỗ trợ mua sắm thiết bị cho hoạt động của trường, của lớp để các em có điều kiện học tập tốt như mua sắm ti vi, quạt máy,...”, cô Đỗ Thị Hồi cho biết thêm.
Với những học sinh không có ai đưa đón đi học, nhất là những ngày học buổi thứ hai, cô luôn tìm cách giúp đỡ các em, tạo điều kiện tốt cho học sinh được đến trường. Cụ thể cho học sinh nhà xa ở lại trong nhà mình vào buổi trưa để tiện cho việc học 2 buổi của các em, để giúp phụ huynh yên tâm làm việc. Với việc làm này mà lớp do cô chủ nhiệm không có học sinh nào phải nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn. Có những học sinh không đến trường được vì phải phụ giúp cha mẹ, cô tìm đến nhà dạy cho các em kiến thức mà các em chưa được học. Đồng thời cô cũng vận động phụ huynh tạo điều kiện để cô phụ đạo cho các em nắm vững kiến thức hơn.
Ngoài công tác giảng dạy, cô còn tham gia viết sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 10 sáng kiến được công nhận cấp cơ sở, 3 sáng kiến được công nhận cấp tỉnh. Nhiều sáng kiến, đề tài được ứng dụng như “Một số biện pháp giúp học sinh lớp 2 thực hiện tốt giải toán có lời văn”, “Một số biện pháp giúp học sinh chuyên cần đảm bảo duy trì sĩ số”, “Một số biện pháp giúp học sinh lớp 2 khắc phục tình trạng đọc chậm, viết chậm”, “Một số biện pháp góp phần phát triển tốt các năng lực và phẩm chất trong môn học đạo đức lớp 5”, “Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử ở lớp 5”,... Cô còn tích cực bồi dưỡng rèn luyện thêm các em về năng khiếu như tham gia hội thi viết chữ đẹp các cấp, tham gia ngày Hội Hoa phượng đỏ cấp thị xã, tham gia cuộc thi thanh thiếu niên sáng tạo,…
Bên cạnh đó, cô cũng đã tự vận động và tự mở 1 lớp với 13 học viên, ấp, xã vận động 2 lớp với 27 học viên vào buổi tối, xóa mù chữ phổ cập giáo dục tiểu học cho người dân địa phương. Có những học viên ngại không đến lớp, cô sẵn sàng đến tận nhà để dạy học.
Thầy Thạch Thanh Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiêu học Lạc Hòa 1 cho biết: “Cô Hồi là một nhà giáo có chuyên môn vững, nhiệt tình trong công tác, thường giúp đỡ, hỗ trợ các đồng nghiệp cùng tiến bộ, tham gia đầy đủ các phong trào của trường, của ngành, của địa phương. Học sinh và phụ huynh rất quý cô, nhiều em sau khi ra trường nhưng vẫn thường xuyên về thăm cô”.
Tính đến nay, cô Đỗ Thị Hồi đã trên 20 lần được công nhận giáo viên giỏi, giáo viên tổng phụ trách đội giỏi và giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp thị xã; liên tục nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp; được nhận giải thưởng “Viên phấn Vàng”, giải thưởng “Võ Trường Toản”. Năm 2017, cô được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; năm 2018 được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2022, cô được vinh danh là 1 trong 400 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Đặc biệt, đầu tháng 3/2023, Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” tỉnh Sóc Trăng lần thứ 16 năm 2023 đã thống nhất đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân đối với cô Đỗ Thị Hồi.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu chia sẻ: “Cô Đỗ Thị Hồi là Nhà giáo tâm huyết với nghề, giàu tình yêu thương đối với học sinh. Việc cô được đề nghị phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân là sự đánh giá cao, ghi nhận đóng góp của cô cho sự nghiệp giáo dục. Đó là niềm vui, niềm tự hào không chỉ của Vĩnh Châu mà còn là của ngành giáo dục tỉnh nhà”.
Lặng lẽ nghề pháp y
(NSMT) - Cũng khoác áo blouse để mưu sinh và cống hiến, thế nhưng chẳng mấy ai biết bác sĩ pháp y - nghề “lên tiếng thay người đã khuất” vẫn thầm lặng tìm công lý bên những xác chết, phục vụ công tác điều tra phá án. Và, đâu đó góc khuất của nghề chưa được kể, hiểu đúng cũng như cảm thông.
Chuyện về người thương binh “tàn nhưng không phế” ở Cà Mau
(NSMT) - Thương binh hạng 2/4 Nguyễn Văn Chà, sinh năm 1963, ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, luôn giữ được phẩm chất của người lính bộ đội Cụ Hồ "tàn nhưng không phế”, tích cực phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng và có nhiều đóng góp tích cực cho quê hương.
Lễ hội Oóc Om Bóc
Đua ghe Ngo Sóc Trăng, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024 diễn ra trong 7 ngày.
Bữa cơm 0 đồng: San sẻ yêu thương với bà con khó khăn TP Cần Thơ
(NSMT) - Gần 3000 suất cơm "0 đồng” được phát cho bà con khó khăn, người lao động, học sinh sinh viên tại quán cà phê Ngọc Trương (Số 372D, đường Nguyễn Văn Cừ Nối Dài, Phường An Khánh, Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) trong hơn 2 tháng qua. “Bữa cơm 0 đồng” san sẻ yêu thương, phần nào giúp họ vơi bớt nhọc nhằn, “ấm bụng no lòng” nhất là trong những ngày mưa, triều cường ngập nặng, buôn bán chật vật…
Người trẻ sợ ngày cuối tuần
(NSMT) - Thay vì tận hưởng ngày nghỉ cuối tuần, hầu hết mọi người lại có cảm giác uể oải, chán nản vào ngày Chủ nhật vì hôm sau là một tuần làm việc mới.
Con trai chủ tháp đôi Petronas từ bỏ thừa kế 5 tỷ USD để đi tu hành
Là con trai duy nhất của tỷ phú Ananda Krishnan, người có giá trị tài sản ròng 5 tỷ đô la, Ajahn Siripanyo được định sẵn sẽ thừa kế đế chế viễn thông khổng lồ của cha mình nhưng ông đã từ bỏ sự xa hoa và quyết định trở thành một nhà sư.
Có nên cho bạn bè, gia đình vay tiền?
Ngay cả giữa anh chị em, con cái đã trưởng thành và cha mẹ, những mâu thuẫn do vay mượn là điều không thể tránh khỏi. Nhiều người chủ trương dù ai vay tiền cũng phải từ chối.