Nhịp sống

Vườn trên mây

Chủ nhật, 23/07/2023, 10:18 AM

Đó là tên gọi mà anh Dương Phước Hải và chị Trần Thị Ánh Quyên đặt cho cơ ngơi giữa thiên nhiên của mình sau 5 năm lập vườn trên núi, thuộc địa phận ấp Ô Tà Sóc, xã Lương Phi (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang). Khu vườn còn có tên khác là Bảy Núi Farm, với phong phú các loại cây ăn trái vừa được trồng, vừa mọc tự nhiên. Trái cây thu hoạch được đón nhận bởi lượng khách hàng ổn định và tâm đắc với các tiêu chí: Sạch, ngon, chất lượng.

Lên núi lập vườn

Trong một lần ghé chơi núi Dài, vì yêu thích không khí mát mẻ, anh Hải nhờ người quen giới thiệu mua được mảnh đất trên núi. “Vườn rừng” rộng 6ha được cải tạo để trồng bơ, sầu riêng, bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc... Trong đó, bơ đã cho thu hoạch 2 năm. Anh chị đã rời quê từ TP. Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) để về đây dành thời gian, công sức, toàn tâm toàn ý chăm lo mảnh vườn. Xen canh với cây ăn trái chủ lực, vườn có đủ loại cây khác, như: Chanh dây, dâu tằm, vú sữa, nhãn… đều sinh trưởng rất tốt. Tận dụng không gian lý tưởng, đầu năm 2023, anh chị bắt đầu đón khách lên tham quan. Mùa này, bơ đang vào vụ, khách có thể lên vườn từ sáng đến chiều, tận hưởng không khí núi rừng, thoải mái hái bơ, chụp ảnh…

T11aaa-transformed
Rau trái ngon lành ở Bảy Núi Farm.

Rau trái ngon lành ở Bảy Núi Farm.

Rải rác trong vườn, anh Hải trồng khoảng 200 gốc bơ sáp. Trong đó, anh ưng ý nhất là giống bơ 034, trái to và thịt dẻo, béo, thơm… Vụ năm nay thu hoạch được 500kg, anh ước tính vụ kế tiếp khi cây trưởng thành đều hơn, sản lượng tăng lên 1 tấn.

“Trái cây nói chung của vườn có 3 điểm mạnh so với nơi khác. Trước hết là thổ nhưỡng, biên độ nhiệt của vùng núi giúp trái cây có độ ngon đặc biệt. Kế đến, việc chăm sóc cây trồng thuận theo tự nhiên, không tác động để tăng năng suất, cũng không sử dụng phân, thuốc hóa học. Điều khác biệt còn lại là chịu khó thu hoạch, chỉ chọn hái trái đủ già, thành ra hái từ 4 - 5 đợt, chứ không đồng loạt như cách “bán xô”. Nhờ đó, trái cây vườn cung cấp ra thị trường có giá bán cao hơn nhưng luôn tự bảo đảm về chất lượng. Khách hàng đón nhận và tiêu thụ nhiều nơi, như: Kiên Giang, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh…” - anh Hải cho biết.

Để có đủ nguồn nước tưới, anh Hải đầu tư dẫn nước từ hồ dưới chân núi lên vườn, 5 bồn chứa 200m3 nước rút sạch trong 1 ngày, cần nhất là cây sầu riêng, bơ, bưởi. Mùa hạn, tưới bao nhiêu nước cây cũng hút cạn. Nhưng đó cũng là lợi thế trong mùa mưa, vườn theo triền núi rút nước nhanh, không bị úng rễ. Đồng hành với anh Hải về đây gắn bó lâu dài, chị Quyên tích cực chăm chút cho khu vườn thêm hoa trái phong phú. Anh chị dựng 1 căn nhà nhỏ dưới chân núi, vừa là chỗ nghỉ ngơi, vừa hướng đến phục vụ khách tham quan trong thời gian tới. Cây cối xanh tươi bao bọc thành khu vườn mi-ni, hái trái chín ăn tại chỗ, bốn bề yên tĩnh, trong lành… Bảy Núi Farm dần được nhiều người biết và tìm đến.

Tạo ra chuối sấy đặc sản

Mua 6 công đất để lập vườn, anh Hải và chị Quyên lời được hàng trăm cây chuối có sẵn tự nhiên. Chuối được giữ lại để tạo mát cho các loại cây ăn trái khác khi còn nhỏ. Đến đợt thu hoạch xem như có thêm nguồn thu mà không tốn khoản chi phí chăm sóc nào. Tuy nhiên, chuối mua tại vườn giá 8.000 đồng/kg, vận chuyển xuống núi còn 5.000 đồng/kg và bán sang Campuchia.

Từ năm ngoái, chuối rớt giá còn 3.000 đồng/kg. Tiền lời không có, trong khi mỗi đợt thu hoạch phải thuê 3 nhân công, bỏ ra chi phí gần 1 triệu đồng/ngày. Thấy tiếc nên chị Quyên nghĩ đến giải pháp sấy khô. Chị đầu tư máy sấy bằng điện, ròng rã 1 tháng, các mẻ chuối làm ra đều hỏng, đổ chất thành đống. Không thể đếm số lần thất bại mới đạt được thành công. Những khách hàng đầu tiên cho phản hồi tích cực, không chỉ đặt mua thêm mà còn làm quà tặng cho bạn bè, đồng nghiệp…

Sản phẩm chuối sấy được thị trường ưa chuộng.

Sản phẩm chuối sấy được thị trường ưa chuộng.

Chị Quyên cho biết, một lần đang ở quê (TP. Rạch Giá) nhận đơn hàng dồn dập, vì quá ham mà nguyên liệu không đủ, chị ra chợ mua thêm chuối về làm mới nhận ra chất lượng không thể bằng loại chuối trên rừng. “Chuối xiêm thông thường, sấy càng lâu sẽ càng khô và không kết mật. Đó là sự khác biệt lớn khi tôi làm sản phẩm chuối sấy Bảy Núi Farm được mọi người khen ngon. Chuối già sau khi thu hoạch được ủ chín tự nhiên.

Qua sơ chế rửa sạch thì cho thêm chút rượu, muối để không bị mốc, không lên men và tăng vị đậm đà. Một mẻ chuối sấy hơn 24 giờ mới đạt yêu cầu. Bước đầu sấy hơn 10 giờ, rồi ngưng cho chuối kết mật mới sấy bước còn lại. Thành phẩm đạt yêu cầu là bên ngoài có màu đẹp tự nhiên, bên trong khô ráo, mềm dẻo. 50kg chuối tươi sẽ sấy được 30kg chuối thành phẩm” - chị Quyên chia sẻ.

Từ loại trái cây rừng rẻ bèo, giờ đây đều đặn mỗi tuần chị Quyên sản xuất hàng trăm ký chuối sấy giao cho khách hàng. Dự kiến tiếp tục tăng sản lượng, chị sẽ đầu tư thêm máy móc và tìm đối tác có tâm huyết để cung ứng trên thị trường. Theo anh Hải, do đặc thù thổ nhưỡng trên núi, ban ngày thì nắng nóng, đêm xuống có sương mát mẻ, nên không riêng chuối xiêm đen, mà tất cả các loại trái cây sinh trưởng đều có chất lượng ngon đặc biệt, vị ngọt thanh.

Từ một người gắn bó với công việc văn phòng, anh Hải trở thành nông dân làm vườn chính hiệu, ngày càng tâm huyết với trồng trọt. Sản phẩm chuối sấy Bảy Núi Farm còn được địa phương lựa chọn để xét công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trong năm 2023.

Theo Mỹ Hạnh/Báo An Giang

Xem bài viết gốc tại đây.

Bạc Liêu: Lan tỏa mô hình “Vòng tay yêu thương”

Bạc Liêu: Lan tỏa mô hình “Vòng tay yêu thương”

(NSMT) - Thời gian qua, Phụ nữ Công an Bạc Liêu đã tạo sức lan tỏa với mô hình “Vòng tay yêu thương” đóng góp, hỗ trợ trao vốn không hoàn lãi cho hơn 1.000 thành viên câu lạc bộ “Nữ phòng, chống tội phạm” và giúp đỡ Phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... góp phần phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Nước ngọt nghĩa tình

Nước ngọt nghĩa tình

(NSMT) - Thời gian qua, hạn hán và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng rất lớn đến việc canh tác nông nghiệp và cuộc sống của người dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh duyên hải của đồng bằng.

Sóc Trăng: Nỗ lực nâng cao năng suất cung ứng dịch vụ hành chính công

Sóc Trăng: Nỗ lực nâng cao năng suất cung ứng dịch vụ hành chính công

(NSMT) - Ngày 17/5, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính (thuộc Học viện Hành chính Quốc gia) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Năng suất lao động trong cung ứng dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng - Thực trạng và giải pháp”.

Ngày hội thiếu nhi tham gia bảo vệ môi trường năm 2024: Sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em dịp hè

Ngày hội thiếu nhi tham gia bảo vệ môi trường năm 2024: Sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em dịp hè

(NSMT) - Để mùa hè trở nên ý nghĩa hơn với các em thiếu nhi, Gia đình Việt Nam tổ chức chương trình "Đổi rác lấy quà" nhằm giáo dục cho các em ý thức bảo vệ môi trường.

Ra mắt câu lạc bộ doanh nhân họ Bùi khu vực Tây Nam Bộ

Ra mắt câu lạc bộ doanh nhân họ Bùi khu vực Tây Nam Bộ

(NSMT) - Chiều ngày 16/5, tại TP Cần Thơ tổ chức lễ ra mắt, kiện toàn, phân công nhiệm vụ Ban điều hành, Ban cố vấn, kết nạp hội viên và kế hoạch hoạt động năm 2024 của CLB doanh nhân họ Bùi khu vực Tây Nam Bộ; do ông Bùi Vũ Phương làm Chủ tịch; ông Bùi Văn Đạo làm Trưởng ban Cố vấn, kết nạp 36 hội viên vào CLB.

Cần Thơ: Ra mắt mô hình đảm bảo an ninh trật tự trong trường học

Cần Thơ: Ra mắt mô hình đảm bảo an ninh trật tự trong trường học

(NSMT) - Chiều 16/5, tại Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thuỷ), Công an TP Cần Thơ và Sở Giáo dục - Đào tạo TP Cần Thơ tổ chức triển khai thực hiện mô hình “Trường học thân thiện, học sinh thanh lịch, không ma túy, không tệ nạn và không bạo lực học đường”. Mô hình được triển khai đến tất cả các trường cấp 2, cấp 3 trên địa bàn thành phố.

Sóc Trăng thông báo đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển của tỉnh cho dự án

Sóc Trăng thông báo đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển của tỉnh cho dự án

Tỉnh Sóc Trăng vừa thông báo và đề nghị một số tỉnh, thành phố nếu có nhu cầu sử dụng cát biển để làm đường cao tốc thì đăng ký với tỉnh.