Yên tâm nhé, cha luôn phía sau đỡ lưng cho con
Cha muốn nhắn con rằng: “Yên tâm nhé, cha luôn phía sau đỡ lưng cho con!”, cha luôn là như vậy từ ngày đầu tiên run run đôi tay bồng con vào lòng với khóe mắt cay xè, tiếng nấc nhè nhẹ và đôi bờ vai rung lên bần bật!
Con yêu quý của Cha,
Cha viết cho con những dòng này khi đã làm xong những công việc cuối cùng trong ngày, lúc đồng hồ đã điểm thời khắc nửa đêm rạng sáng. Khi cha mỉm cười hạnh phúc cúi xuống kéo lại đôi vớ chân và đắp lại tấm chăn ấm lên người đứa con gái bé bỏng.
Người ta thường nói “có sanh con mới hiểu hết tấm lòng cha mẹ”, cha thấy đúng quá con gái ạ. Thành ra cha không phải vừa sinh ra đã làm cha, còn con cũng là lần đầu tiên được làm người, được làm con của cha. Cho nên con gái à, dù có chuyện gì thì mình cũng hãy nắm chặt tay nhau con nhé.
Con biết không, cha lớn lên trong một gia đình thuần nông, cha cũng có những ước mơ to lớn ở tuổi đôi mươi như bao người. Ngày xưa, lúc ngồi trên ghế giảng đường cha đã nghĩ mình là siêu nhân, là cái rốn của vũ trụ, cha có thể làm mọi thứ. Thực sự cha học hành không tệ, cha cũng có những tài lẻ riêng và cha được ông bà nội thương hết lòng.
Khi đến với mẹ con, cha tin rằng đó là quyết định quan trọng và đúng đắn nhất cuộc đời mình. Thế nên nếu phải lựa chọn ra một cảm giác đặc biệt nhất trong cuộc đời, đó sẽ là khi biết mình đã làm cha. Con biết không, người đàn ông nào cũng đều được nghe nói rằng cuộc sống sẽ thay đổi khi con cái ra đời. Nhưng nếu nghe điều này trước khi làm cha, họ sẽ mỉm cười và nghĩ đơn giản rằng: “Cuộc sống đâu thể nào đảo lộn chỉ vì nhà có thêm thành viên mới cơ chứ”. Nhưng rồi khi lần đầu bế con trên tay, suy nghĩ của cha đã thay đổi vĩnh viễn.
Cha xin chia sẻ thật với con gái là một mặt, cha cảm thấy thật tự hào về sự nam tính của mình khi đã góp “vốn liếng” để tạo ra một hình hài mới đầy sinh động. Mặt khác, cha lại cảm thấy bất lực khi không thể đáp ứng và đôi khi chỉ là hiểu được nhu cầu của con. Những tháng đầu tiên của cha quả là “sống trong sợ hãi” con gái ạ.
Rằng cha không thể trở thành một người cha tốt như mong đợi, rằng cha không thể bảo vệ cho gia đình như mong muốn, rằng cha không thể lo liệu đầy đủ cho vợ con mình, và đôi lúc cha không biết phải làm gì với đứa con mới sinh, những điều đó thật sự ám ảnh con gái ạ.
Con biết không hầu như mọi người đều nghĩ rằng trầm cảm sau sinh là chuyện của phụ nữ, thế nhưng họ lầm to rồi đấy. Cha đây này, chính cha cũng phải trải qua tâm trạng trầm uất sau khi đứa con gái bé bỏng chào đời.
Cha không giống như mẹ, sự suy sụp cảm xúc của cha khi con gái ra đời không liên quan gì đến nội tiết tố cả, nhưng nó đòi hỏi cha phải cố gắng rất nhiều để vượt qua khó khăn. Nhất là chuyện cha phải làm gì để vượt qua những kỳ vọng từ ông bà, từ mẹ con, từ cả xã hội mà vẫn phải “đâm sấp dập ngửa” đi kiếm tiền để lo toan cho bao người.
Ngày xưa, lúc chưa có con thì cha có thể tự do để hoàn thành thời gian biểu trong ngày, mọi thứ từ công việc – gia đình – giải trí – nghỉ ngơi đều không mấy khó khăn. Có con rồi cha phải thay đổi tất cả, dĩ nhiên cha cảm thấy hạnh phúc vì những thay đổi rất đời, rất người này của mình.
Cha dậy sớm hơn để tập thể dục một chút thôi, rồi cha dành quỹ thời gian còn lại đang có để ôm ấp đứa con gái mà mình tạo ra. Ở công ty có thời gian rảnh cha lại bật camera lên ngắm xem con gái yêu đang làm gì, học gì, có ngoan không. Hết giờ làm cha không còn la cà quán xá nữa, cha cũng hạn chế những cuộc họp, cha bỏ hẳn mấy thú vui không cần thiết, cha “ba chân bốn cẳng” chạy về nhà để ôm con vào lòng.
Con biết không cha không sợ vất vả, cha không sợ công việc nhà, cha sẵn sàng chi tiêu đến những đồng tiền cuối cùng trong “quỹ đen” mà mình có để con gái được vui. Thế nhưng con mà mệt, con hơi nóng trong người, con bị lên cơn sốt thì cha lại cảm thấy mình yếu mềm, sự sợ hãi xâm lấn khắp mọi ngóc ngách trong cơ thể cha con ạ.
Nhưng dù có sợ hãi đến đâu thì khi con gái cần cha sẽ ngay lập tức sắm vai “người hùng”. Cha có thể cõng con đi bất cứ đâu. Cha có thể vì con mà làm bất cứ điều gì. Cha sẽ xuất hiện ở bất cứ đâu khi con cần và giải quyết mọi việc mà con đang gặp phải.
Con biết không, cha trân quý những khoảnh khắc mình ở bên nhau vô cùng tận. Con biết không, làm chủ một doanh nghiệp không hề dễ dàng gì, vì có hàng trăm thứ phải lo lắng, nhất là ở thời đại “người khôn, của khó” này. Vậy mà chẳng nỗi lo nào đủ lớn, đủ trọng lượng để so sánh được với một cái hắt hơi, sổ mũi của “con gái rượu”.
Cha thích cái mệt lả người khi chở con đi dạo trên xe đạp, cha hứng khởi bỏ con vào xe đẩy đi khắp các khu vui chơi, cha mê mệt cùng con càn quét các hàng quán ở mấy khu ăn uống, cha muốn cùng con mua đầy ắp xe ô tô những món hàng con thích ở các trung tâm thương mại… Song hãy nhớ một điều quan trọng là cha yêu chiều nhưng không bao giờ trớn con, chúng ta luôn có những quy tắc ngầm với nhau, con nhỉ.
Con gái à, may rủi là chuyện cuộc đời, cha đã học điều đó từ khi bước chân thấp chân cao ra bươn chải với người, với đời. Cha của con chưa bao giờ đi trước con, lúc nào cha cũng đi phía sau con vì cha muốn bảo vệ, vì cha biết cảm giác sợ hãi khi quay lại phía sau không có ai giang rộng vòng tay đón lấy mình.
Cuộc đời mỗi con người luôn có hỉ - nộ - ái - ố và những sai lầm không tránh khỏi. Cha biết rồi cũng đến lúc con trưởng thành với một con đường dài nhiều khó khăn, thử thách đợi phía trước. Cha vẫn đang từng ngày học làm cha, vẫn từng ngày cố gắng là một người tử tế. Người ta vẫn thường nói “nếu thông minh là thiên phú, thì tử tế là sự lựa chọn”. Cha không mong mỏi con phải làm ông này bà nọ, không cần con phải chứng minh bản thân bằng những bảng thành thích khủng, càng không đợi chờ con phải báo hiếu gì cho cha cả. Cha chỉ cần con trở thành một người tử tế và thực hành sự tử tế đó như một phản xạ vô điều kiện.
Nhớ lại ngày con nhập viện để sinh mổ cha đã rất lo sợ, nỗi lo sợ đó khó mà diễn tả thành lời được. Cha xót xa sờ lên vết rạch mổ trên bụng mẹ con mỗi đêm sau những cái ôm nồng. Thành ra cha luôn nâng niu con gái như báu vật, xem con quan trọng còn hơn máu thịt của mình. Đối với cha ai cũng chỉ có một lần được sinh ra thôi, nên phải sống đàng hoàng, xứng đáng với công lao dưỡng dục, con cũng vậy nhé.
Hôm rồi bệnh viện Chợ Rẫy gọi điện thoại gửi lời cảm ơn cha vì đã đăng kí hiến mô, tạng sau khi qua đời. Quyết định đó khiến cha trở nên rộng lượng hơn từ khi con ra đời. Cha đã biết chia sẻ hơn, tự nhiên cha muốn làm thật nhiều điều tốt đẹp vì cha luôn tin câu nói “con gái hưởng phước cha” ứng nghiệm lên con gái mình.
Trước khi dừng bút, cha muốn nhắn con rằng: “Yên tâm nhé, cha luôn phía sau đỡ lưng cho con!”, cha luôn là như vậy từ ngày đầu tiên run run đôi tay bồng con vào lòng với khóe mắt cay xè, tiếng nấc nhè nhẹ và đôi bờ vai rung lên bần bật!
Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"
Tác giả: Mai Đức Dũng
Địa chỉ: 139 Trường Chinh, Tân Thới Nhất, Quận 12, TP. HCM
Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"
Yêu cầu
- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.
- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…
Đối tượng dự thi
- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi
- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi.
- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.
Thời gian nhận bài thi
- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.
- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.
Địa chỉ nhận bài thi
- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].
- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).
Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.
Thông tin liên hệ
Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.
Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).
Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định
Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem tại đây!
Khi mẹ là cô giáo
Chiến tranh kết thúc, mẹ tôi rời quân ngũ về làng rồi trở thành cô giáo. Làm con của cô giáo khiến tuổi thơ của tôi nhà cũng là trường mà trường cũng là nhà. Áp lực phải học giỏi, phải ngoan vì là con của cô giáo khiến tôi nhiều phen không còn là một đứa trẻ.
Hơn nửa thế kỷ đắp xây hạnh phúc
Cưới nhau từ năm 1973, ông Võ Văn Hai và bà Nguyễn Thị Điệp (ngụ khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) là tấm gương về xây dựng gia đình văn hóa, con cháu thành tài. Hơn nửa thế kỷ qua, họ đã nắm tay nhau vượt qua gian khó để cùng đi đến bến bờ hạnh phúc.
Tài sản lớn nhất cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách
Tục ngữ có câu: “Ba tài sản lớn nhất của cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách”, nó chiếm bao nhiêu trong cuộc đời còn lại của bạn?
Vì sao ngày càng nhiều gia đình từ bỏ sàn gỗ?
Xu hướng trang trí lát sàn gỗ từng rất phổ biến nhưng hiện nay nhiều gia đình không còn lựa chọn. Sàn gỗ có chăng chỉ được lắp trong phòng ngủ, các phòng khác đều được lát gạch men.
Về nhà - về với yêu thương
Ðối với nhiều người, ngôi nhà không chỉ để ở mà còn mang giá trị tinh thần đặc biệt. Ðó còn là gia đình với sự bao dung, chở che, nâng đỡ và trách nhiệm dành cho nhau. Cuộc sống đôi khi phải đối mặt với khó khăn, thử thách... những lúc ấy, điểm tựa lớn nhất không đâu khác mà chính là mái nhà và những người thân yêu của mình.
Có nên thiết kế phòng tắm trong phòng ngủ?
Với sự thay đổi trong lối sống và sự đa dạng hóa nhu cầu sinh hoạt, phòng ngủ chính có phòng tắm có còn đáp ứng được nhu cầu của các gia đình hiện đại hay không và nên giữ lại hay loại bỏ đã trở thành đề tài bàn luận sôi nổi.
Có nên tiết lộ cho con cái biết về tiền lương hưu, sổ tiết kiệm?
Một người đàn ông 69 tuổi trăn trở: “Ở tuổi già, số tiền ký gửi này giống như một chiếc chìa khóa bí ẩn trong tay. Tôi không biết có nên trao lại cho con cháu hay không”.