Nếp nhà

40 tuổi cha vẫn mắng tôi "tiên sư mày"

Thứ tư, 03/05/2023, 16:47 PM

Bốn mươi tuổi, tôi đâu còn nhỏ dại. Vậy mà nghe cha mắng “tiên sư mày”, tự nhiên lại muốn mình bé lại để được như những ngày xưa, mỗi lần tủi thân lại sà vào lòng cha mà thút thít.

Tôi được sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, nơi có con sông Kinh Thầy lặng lẽ chảy qua bồi đắp cho cánh đồng quê hương luôn trù phú lúa ngô khoai sắn; nơi yên ả với những nếp nhà nằm kề bên nhau cứ mỗi chiều về lại nghe tiếng con trẻ nô đùa gọi nhau í ới. Quê tôi hồn hậu với bãi mía bờ dâu, yên ả với dòng sông bên lở bên bồi. Ở đó, có cha mẹ tôi luôn dõi theo con trên bước đường đời nhiều chông gai với một niềm nhớ thương vời vợi.

Mẹ tảo tần nhờ cậy phù sa mà chăm bẵm ruộng đồng, cha tranh thủ vãn mùa lại chài lưới ven sông. Lúa ngô, tôm cá dành nuôi bốn chị em tôi từ lít nhi lít nhít đến khỏe mạnh, lớn khôn. Chúng tôi như những cánh chim khát tìm bầu trời cao rộng, bay đi. Chỉ còn cha mẹ ở nhà, dõi theo, chờ đợi.

Tôi, đứa con gái lớn trong bốn đứa con của cha mẹ theo chồng định cư nơi xa xứ. Mấy năm vì dịch, rồi lại vì vất vả mưu sinh mà bốn năm rồi chưa về thăm quê. Hàng ngày vẫn gọi điện chuyện trò mà mong nhớ thì vẫn như còn đó.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Cha tôi, mới ngoài sáu mươi nhưng tai đã nghễnh ngãng, nghe câu được câu không từ lâu lắm. Nghe cha kể thì từ ngày chị em tôi còn bé, cha chèo thuyền đi đánh cá, một lần lặn xuống sông sâu lâu quá, rồi khi lên khỏi mặt nước, tai thành ra như vậy. Nhiều khi cứ ù ù như tiếng xay lúa, tiếng gió thổi hun hút vào vỏ ốc, tiếng nước reo. Càng lớn tuổi, tai cha càng khó nghe hơn. Cũng bởi vậy mà cha chẳng mấy khi nói chuyện điện thoại.

Mỗi lần tôi gọi điện về, cha chỉ ngó qua vào màn hình xem các con, các cháu gầy béo ra sao. Cha gọi tên con, tên cháu rồi lại thôi. Cha sẽ nghe lại chuyện cháu con qua lời mẹ tôi kể.

Hồi tối, ngày cuối tuần, các em tôi đưa các cháu về ăn cơm cùng cha mẹ. Tôi ở xa mà cũng muốn dự phần. Đoàn tụ online cũng vơi đi nhớ thương chút đỉnh. Gọi zalo quay cảnh cả nhà. Mâm cơm dọn ra, cha mẹ ngồi quây quần cùng con cháu. Mọi người nói cười rôm rả. Mà cha có nghe rõ đâu, đôi mắt nheo nheo, mái đầu nghiêng nghiêng, có lẽ cha muốn nghe xem con gái cả nói gì. Đứa cháu cầm điện thoại đưa cho cha đề nghị: “Ông nói chuyện với bá Thúy nhé”.

Biết cha nghe không rõ, tôi cười thưa lớn “Bố ạ!”. Cha nghé sát màn hình gọi to: “Cái Thúy, tiên sư mày, đi bao năm không về rồi hả con!” Trời ơi! Cha mới chỉ nói vậy thôi, tôi đã muốn bật khóc thật to. Bốn mươi tuổi, tôi đã coi như cũng đi được nửa đời người. Bốn mươi tuổi, tôi đâu còn nhỏ dại. Vậy mà nghe cha mắng “tiên sư mày”, tự nhiên lại muốn mình bé lại để được như những ngày xưa, mỗi lần tủi thân lại sà vào lòng cha mà thút thít. Cha sẽ đưa bàn tay chai sạn cuốc cày nhẹ nhàng vuốt vuốt lên mái tóc tôi mà vỗ về, dỗ nín.

Tôi gượng cười, cười mà nước mắt cứ rơi, lời bỗng nghẹn nơi lồng ngực. Tôi nào có nói được gì, ngoài việc cứ gật đầu sau mỗi lời cha dặn. “Bố điếc rồi, nghe lúc được lúc không nên bố không muốn nói chuyện. Nhưng bố nhớ! Bố nhớ chúng mày lắm!”. Tôi vội đưa tay lau nhanh những giọt nước mắt đang thi nhau lăn trên má.

 Cha nheo mắt, “Gái lớn, mày khóc đấy à? Ai bảo đi xa lắm cơ!” Rồi cha dặn: “Mọi năm đành vì dịch bệnh không về được. Bây giờ hết cô-vít rồi, thông thương cả rồi con ạ! Hè này đưa các cháu về thăm bố nhá”. Tôi gật đầu, nghẹn “dạ”. Mà hình như cha cũng không nhìn thấy rõ nữa, người quay mặt đi vài giây rồi trở lại xác nhận: “Hè cả nhà về với bố mẹ nha con! Bố biết chúng mày còn vất vả, nhưng hè được nghỉ thu xếp về với bố mẹ. Bố mẹ già rồi, chẳng biết đón các con được bao nhiêu lần nữa!”.

Tôi buông điện thoại, không thể nói chuyện tiếp được với cha. Trước khi tắt máy còn nghe được thằng cháu hỏi: “Ông làm sao thế?”.

Nửa đêm, bất chợt tỉnh giấc, thấy những sợi tóc dính bết vào bên má. Bần thần nghĩ, mình đã khóc trong mơ. Có lẽ chuyện hồi tối đã khiến đứa con xa nhà thổn thức suốt cả cơn mộng mị. Lòng chợt ngân xao một nỗi niềm đoàn tụ. Hè này nhất định tôi sẽ về thăm quê, thăm mẹ cha, thăm cửa thăm nhà. Trong những bữa cơm đoàn tụ, kiểu gì cha cũng ngồi kể lại những chuyện xưa kia chị em tôi còn nhỏ, còn quẩn quanh bên cha mẹ. Cha nhớ rành rọt từ chuyện thằng em út bị ong châm đến phát sốt; chuyện tôi vì ham ăn món cơm rượu mẹ làm đến nỗi say khi nào không biết; chuyện em gái kề tôi vì dỗi hờn mà bỏ bữa khiến cha phải để dành cơm, giục cả nhà đi ngủ sớm, trong đêm tối, cha nghe được tiếng cục cạy nồi niêu mới yên tâm đứa con gái bướng bỉnh của mình không bị đói,… Bao nhiêu chuyện cha kể, toàn chuyện của mấy đứa con. Cha chẳng bao giờ kể về những vất vả lo toan của mình. Ngày xưa đã vậy, bây giờ vẫn vậy.

Tôi ngồi bó gối giữa đêm. Giấc mơ trở về khiến tôi tỉnh hẳn. Lòng thầm mong hè đến thật nhanh để tôi được trở về bên mẹ cha mà nghe lòng mình nhỏ lại.

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt

Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"

Tác giả: Trương Thị Thúy

Địa chỉ: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên Tuy Phước, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"

Yêu cầu

- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.

- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…

- Ưu tiên những bài dự thi có ảnh nhân vật kèm theo

Đối tượng dự thi

- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi

- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi

- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.

Thời gian nhận bài thi

- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.

- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.

Địa chỉ nhận bài thi

- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].

- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).

Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.

Thông tin liên hệ

Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.

Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).

Lưu ý: Tòa soạn chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định.

Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem tại đây!

Ban Tổ Chức  
Hơn nửa thế kỷ đắp xây hạnh phúc

Hơn nửa thế kỷ đắp xây hạnh phúc

Cưới nhau từ năm 1973, ông Võ Văn Hai và bà Nguyễn Thị Điệp (ngụ khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) là tấm gương về xây dựng gia đình văn hóa, con cháu thành tài. Hơn nửa thế kỷ qua, họ đã nắm tay nhau vượt qua gian khó để cùng đi đến bến bờ hạnh phúc.

Tài sản lớn nhất cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách

Tài sản lớn nhất cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách

Tục ngữ có câu: “Ba tài sản lớn nhất của cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách”, nó chiếm bao nhiêu trong cuộc đời còn lại của bạn?

Vì sao ngày càng nhiều gia đình từ bỏ sàn gỗ?

Vì sao ngày càng nhiều gia đình từ bỏ sàn gỗ?

Xu hướng trang trí lát sàn gỗ từng rất phổ biến nhưng hiện nay nhiều gia đình không còn lựa chọn. Sàn gỗ có chăng chỉ được lắp trong phòng ngủ, các phòng khác đều được lát gạch men.

Về nhà - về với yêu thương

Về nhà - về với yêu thương

Ðối với nhiều người, ngôi nhà không chỉ để ở mà còn mang giá trị tinh thần đặc biệt. Ðó còn là gia đình với sự bao dung, chở che, nâng đỡ và trách nhiệm dành cho nhau. Cuộc sống đôi khi phải đối mặt với khó khăn, thử thách... những lúc ấy, điểm tựa lớn nhất không đâu khác mà chính là mái nhà và những người thân yêu của mình.

Có nên thiết kế phòng tắm trong phòng ngủ?

Có nên thiết kế phòng tắm trong phòng ngủ?

Với sự thay đổi trong lối sống và sự đa dạng hóa nhu cầu sinh hoạt, phòng ngủ chính có phòng tắm có còn đáp ứng được nhu cầu của các gia đình hiện đại hay không và nên giữ lại hay loại bỏ đã trở thành đề tài bàn luận sôi nổi.

Có nên tiết lộ cho con cái biết về tiền lương hưu, sổ tiết kiệm?

Có nên tiết lộ cho con cái biết về tiền lương hưu, sổ tiết kiệm?

Một người đàn ông 69 tuổi trăn trở: “Ở tuổi già, số tiền ký gửi này giống như một chiếc chìa khóa bí ẩn trong tay. Tôi không biết có nên trao lại cho con cháu hay không”.

Tâm thư gửi vợ ngày 20/10

Tâm thư gửi vợ ngày 20/10

Hạnh phúc là 365 ngày biết hài lòng chứ không phải chỉ một hai ngày hoan hỷ. Nếu không phải đánh đông dẹp bắc, anh cũng sẽ sẵn sàng ẵm con, nhặt rau để em lắp bóng đèn, sửa đường ống nước.