Ao Bà Om Trà Vinh
Ao Bà Om là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh cũng như cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Danh thắng này tọa lạc tại Phường 8, thành phố Trà Vinh, cách trung tâm tỉnh lỵ hơn 5 km về hướng tây nam và cách quốc lộ 53 hơn 500 m về hướng đông.
Toàn bộ diện tích Ao Bà Om rộng hơn 300 ha, bao gồm ba phần chính là ao, bờ ao và rừng cây cổ thụ bao quanh ao. Trung tâm của danh thắng là ao nước ngọt có hình vuông khá chuẩn nên Ao Bà Om còn có tên gọi khác là Ao Vuông, mỗi cạnh khoảng hơn 300 m, sâu từ 01 m (mùa khô) đến 02 m (mùa mưa). Có thể dễ dàng nhận ra, với trữ lượng 01 – 02 triệu mét khối, Ao Bà Om chính là một hồ thủy lợi cổ, được cộng đồng cư dân địa phương đào đắp thủ công từ nhiều thế kỷ trước nhằm tích trữ nước mưa, đảm bảo nguồn nước ngọt cho sinh hoạt, canh tác nông nghiệp của người dân trên một vùng đất giồng cát rộng lớn chung quanh. Mặt ao rộng xấp xỉ 100 ha, nước ngọt lưu niên, là môi trường lý tưởng cho nhiều chủng loài động – thực vật thủy sinh như tôm, cá, ếch, nhái; sen, súng… sinh sôi, phát triển.
Ngoài cùng là khu rừng nguyên sinh được bảo tồn khá nguyên vẹn, rộng chừng 30 – 100 m, dài hơn 2 km, với hàng ngàn cá thể thực vật đặc hữu của đất giồng cát, trong đó có gần 500 cây dầu cổ thụ nhiều trăm năm tuổi. Qua quá trình xâm thực của mưa gió, đất cát bị cuốn đi, làm trơ lại những gốc cổ thụ có hình dạng rất kỳ lạ, kích thích óc tò mò của du khách gần xa cũng như trí tưởng tượng những thi sĩ, nhạc sĩ đã một lần đặt chân đến. Bên dưới những tán lá giao nhau của khu rừng nguyên sinh là một lối đi quanh năm mát rượi ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, nhiều đồi dốc, khiến người ta dễ liên tưởng và mệnh danh cho Ao Bà Om là một “Đà Lạt giữa Đồng bằng”.
Đệm giữa mặt ao và khu rừng nguyên sinh là bờ cát rộng chừng 5 m, tạo ra lối đi bộ lý tưởng có chiều dài gần 2 km, giữa một bên là rừng cây cổ thụ, một bên là mặt nước trong xanh.
Chỉ với khoảng cách 5 km nhưng chúng ta đã có thể để lại sự ồn ào, náo nhiệt nơi thành phố tỉnh lỵ để tìm về Ao Bà Om với tâm hồn thư thái, hòa vào môi trường xanh – sạch – đẹp của một khu danh thắng nổi tiếng luôn giữ được vẻ hoang sơ, tỉnh lặng. Hãy tựa lưng vào những gốc cổ thụ hay ngã mình trên bãi cỏ xanh non mướt mắt, dưới màu xanh bạt ngàn cây lá, nhìn ra mặt nước xanh trong với những đóa sen hồng chao mình trong gió; lắng nghe tiếng ve khoan nhặt, tiếng chim ríu rít nhặt khoan trên cành; lắng nghe nhịp tim, hơi thở mình hòa vào cây xanh, nước biếc, hòa vào thiên nhiên một cách tự tại, ung dung.
Dừng chân với Ao Bà Om, mỗi chúng ta sẽ thấy yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống hơn như câu ca dao nổi tiếng từng khẳng định:
“Biển Ba Động nước xanh cát trắng,
Ao Bà Om thắng cảnh miền Tây.
Xin mời du khách về đây,
Dừng chân cho biết chốn này thần tiên.”…
Có nhiều truyền thuyết, chuyện kể khác nhau tồn tại song song nhau lý giải tên gọi Ao Bà Om. Trong đó, truyền thuyết của đồng bào dân tộc Khmer có nhiều chi tiết thú vị và được phổ biến rộng rãi. Truyền thuyết này kể rằng:
“Ngày xưa, người Khmer còn theo chế độ mẫu hệ nên nhà gái phải hỏi cưới và chịu toàn bộ phí tổn cưới xin cho nhà trai. Dần dần, chế độ phụ hệ hình thành nên phong tục cưới xin cũng thay đổi, nên xảy ra tranh chấp việc nhà gái hay nhà trai phải đi hỏi cưới. Để vừa giải quyết nguồn nước đảm bảo cuộc sống vừa giải quyết chuyện cưới xin duy trì nòi giống, phum sóc đặt ra cuộc thi đào ao giữa hai phái nam nữ, với thể lệ là cuộc thi diễn ra ban đêm, đến khi sao mai mọc quá ngọn cây là kết thúc.
Vào cuộc, cánh trai tráng cậy mình khỏe nên không vội vã, cứ nhậu nhẹt, nhảy múa đến tận khuya, rồi lăn ra ngủ. Cánh phụ nữ, dưới quyền chỉ huy của bà Om, biết mình sức yếu nên động viên nhau đào đắp thâu đêm. Giữa khuya, bà Om bày kế treo ngọn đèn gió lên cành cây. Cánh đàn ông đang say ngủ giật mình, mắt nhắm mắt mở, thấy ngọn đèn gió trên ngọn cây tưởng sao mai đã lên nên kéo nhau ra về, đúng như giao ước. Sáng ra, ao của phái nữ đã thành khoảnh, thẳng thớm, vuông vức và chứa đầy nước còn ao của phái nam thì nông choẹt, nham nhỡ, chẳng ra hình thù gì cả.
Cánh đàn ông không cách gì khác hơn phải nhận mình thua cuộc. Phong tục cưới xin truyền thống của dân tộc vẫn được duy trì và ao nước ngọt to lớn được hình thành giữa con giồng đất cát, đảm bảo cho cuộc sống con người sinh sôi, phát triển.
Để tưởng nhớ công lao của người đàn bà mưu trí, cộng đồng các dân tộc Trà Vinh lấy tên bà đặt thành tên ao – Ao Bà Om.”…
Cũng có truyền thuyết cho rằng trên những chân rộc thấp, đất cát pha đất thịt vùng phía tây nam thị xã Trà Vinh, cứ mỗi mùa sa mưa thì rau ngò om mọc đầy. Người dân địa phương cùng nhau thu hoạch mang ra chợ đổi gạo, như một nguồn lợi trời cho. Một thời, thịt bò vùng Lương Hòa – Nguyệt Hóa (huyện Châu Thành) ngon nổi tiếng gần xa vì bò vùng này chỉ ăn toàn rau ngò om. Thời Pháp thuộc, thịt bò Ba Se được xếp vào hàng “tam bửu Trà Vinh” (cùng với dưa hấu Ba Động và gạo Đầu Bờ) và được chính quyền thực dân đưa sang “đấu xảo” (tương tự như dự hội chợ giới thiệu sản phẩm ngày nay) tại Marsaile (Pháp). Ao Ngò Om dần biến âm thành Ao Bà Om…
Dù xuất phát từ truyền thuyết hay cách lý giải nào đi nữa thì Ao Bà Om cũng là một hồ thủy lợi to lớn, cổ xưa, được hình thành từ bàn tay, khối óc của người lao động và góp phần quan trọng đảm bảo nguồn nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất của cộng đồng các dân tộc Trà Vinh qua nhiều thế kỷ.
Với những giá trị vật chất, tinh thần to lớn đó, Ao Bà Om được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hàng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia, loại hình di tích Danh thắng, vào năm 1994.
Ao Bà Om là một trong những trung tâm chính của lễ hội Ok om bok – một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, diễn ra vào dịp Rằm tháng Mười âm lịch hàng năm. Cùng với di tích lịch sử – văn hóa Chùa Âng (loại hình kiến trúc nghệ thuật), Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer và Trung tâm Văn hóa – Thể thao tỉnh, khu vực Ao Bà Om là điểm nhấn quan trọng trong chiến lược phát triển ngành kinh tế Du lịch Trà Vinh thế kỷ XXI.
Mộc mạc vị cốm Trung Thạnh
Xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ từ lâu nổi tiếng với nghề làm cốm nổ, mang hương vị mộc mạc, bình dị. Gia đình cô Âu Thị Thu Hồng, chủ lò cốm Minh Tứ ở ấp Thạnh Lợi, là một trong những hộ đã gắn bó với nghề làm cốm nổ hơn 30 năm qua. Không chỉ lưu giữ nếp quê qua món bánh dân dã, nghề làm cốm mang đến cho gia đình cô Hồng nguồn thu nhập ổn định.
102 món ăn chế biến từ tàu hũ ky Mỹ Hòa xác lập kỷ lục Việt Nam
(NSMT) – Ngày 17/11, Uỷ ban Nhân dân Thị xã Bình Minh phối hợp Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Vĩnh Long tổ chức Liên hoan ẩm thực món ngon vùng miền và Hội thi ẩm thực, sự kiện chế biến và công diễn xác lập kỷ lục Việt Nam 102 món ăn từ tàu hũ ky và dùng kèm tàu hũ ky đầu tiên tại Việt Nam.
Vĩnh Long khai trương tuyến phố đi bộ tại dự án của T&T Group
UBND tỉnh Vĩnh Long đã chính thức khai trương và đưa vào hoạt động tuyến phố đi bộ thành phố Vĩnh Long tại dự án Khu dân cư Phước Thọ (do Công ty T&T Land Phước Thọ, thành viên của Tập đoàn T&T Group phát triển) để phục vụ Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần 1 năm 2024.
Kết nối giao thương sản phẩm xuất khẩu, OCOP và đặc sản Cà Mau
(NSMT) - Sáng 15/11, Bộ công thương phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản tỉnh Cà Mau năm 2024 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.
Nhọc nhằn nghề ủi hà, thôn ở quần đảo Nam Du
Dẫu biết “Một lần là tởn tới già/Ðừng đi nước mặn mà hà ăn chân”, nhưng những người làm nghề ủi hà, thôn ở hai xã Nam Du và xã An Sơn (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) không thể không đi, vì đây là nghề mưu sinh giúp họ có thu nhập hằng ngày để lo cho gia đình.
Về Thới Tân, nghe chuyện cô Nga mần mắm
Ðến xã Thới Tân, huyện Thới Lai, hỏi Hiệu mắm Kim Nga hầu như ai cũng biết. Hương vị mặn mòi của mắm cá đồng từ bàn tay vén khéo của phụ nữ Thới Tân đã làm nên đặc sản trứ danh.
Victoria Cần Thơ Resort đoạt 4 giải thưởng danh giá tại Luxe Global Awards 2024TMG
(NSMT) - Khu nghỉ dưỡng mang vẻ đẹp Đông Dương Victoria Cần Thơ Resort tiếp tục nối dài chuỗi thành tích trên hành trình mang đến trải nghiệm nghỉ dưỡng đẳng cấp và tinh tế cho du khách khi vinh dự giành được 4 giải thưởng quan trọng tại LUXE Global Awards 2024.