Văn hóa

Bố vực dậy con từ đống hoang tàn đổ nát

Thứ ba, 16/05/2023, 19:58 PM

Bằng một cách kỳ diệu nào đó bố đã tìm ra con, vực dậy cuộc đời con từ đống hoang tàn đổ nát. Lần đầu tiên con nếm trải cảm giác xót xa, giọt nước mắt hối hận cũng đã rơi xuống vì thương bố.

“Bố, con không phải con gái bố à? Sao bố đối xử với con như quân thù quân hằn vậy? Hay bố muốn con đi khỏi cái nhà này cho khuất mắt bố thì bố mới vừa lòng..”. Giấc mơ hoang hoải tan dần vào đêm tĩnh lặng, con bàng hoàng thức giấc, nước mắt con đã đẫm gối tự bao giờ.

Ngày ấy, con là đứa con gái quá lứa lỡ thì, hơn 30 tuổi đầu chưa có mối nào nhòm ngó cũng bởi tính con ngang tàng ương bướng. Bạn bè con được dạy giáo điều lễ nghĩa, thùy mị nết na. Chỉ riêng con mang cái tính “trời đánh” ngỗ ngược, con không chịu nhường nhịn bất kì ai nếu những điều người ta nói con cảm thấy trái ý, kể cả bố. Con nhớ có những ngày, mâu thuẫn giữa con và bố căng thẳng đến mức bố bỏ lại chén cơm khi đang ăn dở bữa mặc dù từ nhỏ, bố vẫn luôn dạy chúng con rằng không được lãng phí đồ ăn, lương thực.

Hồi ấy, bố là thầy giáo có tiếng ở làng. Trong đám học trò của bố có một anh hơn con hai tuổi, tuấn tú, hiền lành và cũng mến con. Bố rất thương anh ấy nên có ý muốn gả con cho người ta. Nhưng khi bố vừa mở lời: “Bố thấy thằng Tư cũng được, con có tuổi rồi, nghe lời bố, đừng ngông nghênh nữa”. Tức thì con giãy nảy: “Con đã nói không muốn lấy chồng, tại sao bố cứ vì sĩ diện của bố mà áp đặt cuộc sống của con. Chẳng qua bố sợ người đời chỉ trỏ có đứa con gái không chồng thôi chứ bố đâu hề để ý đến cảm giác của con. Con không muốn lấy chồng và con hạnh phúc vì điều đó”.

1-1629

Bố tức giận đến mức bặm môi run rẩy, đôi tay đã chực giơ lên cao, con nhắm mắt chờ đợi cái tát trời giáng của bố nhưng nó đã không rơi xuống. Con cũng biết bởi vì những lời nói xấc láo đó của con mới khiến bố giận dữ thế: “Nếu mày thích ở giá làm bà cô trọn đời thì xéo đi cho khuất mắt tao rồi muốn làm gì thì làm, tao coi như không có đứa con gái như mày”.

Con giận bố, lúc ấy tất cả những mâu thuẫn vụn vặt giữa bố con mình thời gian qua như ngọn lửa hung hãn thiêu đốt lý trí hoang tàn của con. Con hừng hực với khao khát ngu dại rằng sẽ trả thù bố, khiến bố phải hối hận bởi những điều đã nói. Ban đêm, con vơ vội vài bộ quần áo, lục rương của mẹ lấy chỉ vàng mẹ đánh sẵn cho con từ lâu chờ ngày con xuất giá. Chỉ vàng cồm cộm dưới chân nhắc con rằng con đã nhảy lên chuyến tàu định mệnh khiến đời con rẽ hướng. Cũng nhen nhúm lên trong con cảm giác run rẩy lo sợ cùng ăn năn hối hận. Nhưng rồi con vẫn cố gạt đi và ở lỳ trên chuyến tàu ấy cho đến khi đi quá nửa đời người con mới nhận ra rằng lên sai một chuyến tàu không đáng sợ bằng việc con cứ ngồi im trên đó để nó đưa cuộc đời con đến bến dằn vặt, khổ đau cùng ân hận.

Chị gọi điện nói bố yếu quá rồi, không nhận biết được gì nữa. Tai con ù đi, con không nhớ cảm giác lúc đó của con thế nào nhưng con run rẩy thật sự bởi điều con lo sợ nhất cuối cùng cũng sắp đến. Trên chuyến xe khách 25 giờ đồng hồ về bên bố dài dằng dặc như 25 năm cuộc đời của con vậy.

Trở lại cái ngày tàu đưa con trôi dạt vào tận miền Nam. Trên hành trình dài, con gặp gỡ với hai người chị quê Ninh Bình cũng ôm giấc mộng đổi đời tại miền đất mới. Loay hoay mãi, chúng con cũng xin được vào làm trong một nông trường cao su heo hút. Cuộc sống khốn khó khiến con nhớ nhà, nhớ bố mẹ quay quắt nhưng cái bản tính tự cao trong con người con chưa hề vơi bớt. Con vẫn ngồi và mường tượng ra cảnh mẹ ngóng trông con, mẹ sẽ khóc vì con. Còn bố con nghĩ là không đâu, bố không hề gì khi việc con rời khỏi nhà còn tránh cho bố khỏi điên đầu vì mâu thuẫn cùng cãi vã.

Cho đến một ngày con không may bị ngã và xẹp mất 3 đốt xương sống phải nằm liệt giường, mọi chi phí sinh hoạt đều phải nhờ hai người chị thân thiết. Nhưng rồi bằng một cách kì diệu nào đó bố đã tìm ra con, vực dậy cuộc đời con từ đống hoang tàn đổ nát. Lần đầu tiên con nếm trải cảm giác xót xa, giọt nước mắt hối hận cũng đã rơi xuống vì thương bố. Chứng kiến cảnh bố chật vật đưa con đi hết viện nọ viện kia, khi bác sĩ cho biết con có nguy cơ bị liệt do thời gian không chữa trị quá dài, giọng bố nghẹn lại, lạc đi: “Tôi cầu xin bác sĩ, con tôi còn trẻ vậy, nó không thể nào thành người tàn phế được đâu, tôi xin bác sĩ, cầu xin bác sĩ cứu lấy nó”.

Lúc ấy, trái tim con như bị xé làm hai nửa, nửa run rẩy cho thân phận mình, nửa xót xa nhìn bố vì con mà không màng sĩ diện. Sau rồi bố đưa con về nhà, có những ngày bố đồng hành cùng con trên mọi chặng vật lý trị liệu. Rồi lại có những tháng bố xa nhà biền biệt lên tận Hà Giang tìm cây thuốc chữa trị cho con. Sau thời gian dài làm bạn với muỗi rừng, vắt đốt và những trận sốt rét triền miên, có lẽ ông trời cũng cảm động trước tấm lòng bao la của bố mà gần một năm sau, con đã có thể tự đứng lên mà không cần đôi nạng gỗ. Lần đó là lần thứ hai con thấy bố khóc, và những giọt nước mắt chan chứa yêu thương ấy đã mài mòn hết những gai góc xù xì ở thân tâm con, khiến con ôn hòa hơn, con nhìn cuộc đời, nhìn những người thân yêu của con bằng đôi mắt yêu thương cùng trân trọng.

 Khỏi bệnh, con lại miên mải bay như cánh nhạn trú đông không thấy ngày về. Lòng con tĩnh lặng, ấm áp bởi yêu thương thì cũng là lúc con khát khao có tổ ấm nhỏ của riêng mình. Nhưng nửa bước chân con đã muốn chùn lại khi nhà chồng con ở cách bố mẹ tận hai ngàn cây số. Thời gian đó con biết bố mẹ buồn thật buồn, nhưng bố vẫn nén ngược vào trong và khuyên con: “Ai cũng phải sống cuộc đời của riêng mình, bố mẹ không thể ở gần con mãi nên con phải tự tạo dựng hạnh phúc cho mình. Nghe bố, con hãy bước đi và nhìn về phía trước nếu cảm thấy lựa chọn của con là đúng đắn”.

Bố! Bây giờ con đã về đây rồi, nhưng sao bố cứ nằm yên thinh lặng như thế. Một ngày con ngồi thật lâu bên bố, tiếng máy thở vang vọng ráo riết từng hồi, cũng vọng vào tim con những nỗi đau đớn cắn rứt mà con biết sẽ không bao giờ có thể lành lặn.

Trong cơn hôn mê sâu, con nắm lấy bàn tay gầy guộc của bố, đôi tay cứng rắn đã thay con chống đỡ bao bão táp phong ba giờ cứ buông thõng xuống, tim con đau thắt lại. Con biết ai cũng có số phận của riêng mình, nhưng nếu có thể cho con một điều ước, con chỉ ước 35 năm đầu đời của con không trôi đi lãng phí như thế, con sẽ dành trọn cả mười hai nghìn bảy trăm bảy mươi lăm ngày ấy để yêu thương, lắng nghe và trân trọng bố. Những lời con nói ra có thể đã quá muộn màng khi bố không còn khả năng nghe được nữa.

Nhưng con tin với tình yêu thiêng liêng tròn đầy bố luôn dành cho con thì từng cái nắm tay, từng tiếng nghẹn ngào của con bố có thể cảm nhận được, đúng không bố? Con biết, con không cần xin bố thứ lỗi bởi bố không bao giờ giận con, nhưng nếu có thể ở kiếp sau, bố đừng chê con ngỗ ngược mà hãy có thể để con làm con gái bố, bao dung con như trong kiếp này, bố nhé!

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt

Bài dự thi cuộc thi viết Cha và con gái

Tác giả: Nguyễn Thị Hồng

Địa chỉ: Thôn 2, xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk

Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"

Yêu cầu

- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.

- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…

Đối tượng dự thi

- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi

- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi.

- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.

Thời gian nhận bài thi

- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.

- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.

Địa chỉ nhận bài thi

- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].

- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).

Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.

Thông tin liên hệ

Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.

Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).

Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định

Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem tại đây!

Ban Tổ Chức  
Nhớ lần đầu tiên đến thăm mộ bà Hoàng Thị Loan

Nhớ lần đầu tiên đến thăm mộ bà Hoàng Thị Loan

(NSMT) - Lối lên bên trái phần mộ bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh) có 269 bậc (con số 69 là năm Bác Hồ mất - 1969), lối xuống bên phải phần mộ có 242 bậc (con số 42 là năm ông Khiêm đưa hài cốt mẹ về đây - 1942). Trước phần mộ xuống sân bia có 33 bậc, ứng với con số 33 là tuổi đời của bà.

Bắt con xin lỗi ngay khi làm sai, cha mẹ không hay biết đang tạo thói quen nguy hiểm cho trẻ

Bắt con xin lỗi ngay khi làm sai, cha mẹ không hay biết đang tạo thói quen nguy hiểm cho trẻ

Trẻ nhỏ đều dễ phạm sai lầm và hành động theo cách người lớn không muốn. Khi đó, cha mẹ thường ngay lập tức bắt con “nói xin lỗi đi”. Tuy nhiên, việc bắt con cái xin lỗi ngay lập tức lại có thể gây hại cho nhận thức và hành vi sau này của trẻ.

Sôi nổi các hoạt động tại Lễ hội sen Đồng Tháp

Sôi nổi các hoạt động tại Lễ hội sen Đồng Tháp

(NSMT) - Lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc sen” được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, diễn ra từ ngày 16 – 19/5 tại Quảng trường Văn Miếu, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Rực rỡ sắc màu khai mạc lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ 2

Rực rỡ sắc màu khai mạc lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ 2

(NSMT) - Tối 16/5, tại Quảng trường Văn Miếu, TP. Cao Lãnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức khai mạc Lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc sen”. Lễ hội được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, diễn ra từ ngày 16 – 19/5.

Nữ sinh Nguyễn Huỳnh Hải Lam đăng quang Hoa khôi Trường Đại học Nam Cần Thơ

Nữ sinh Nguyễn Huỳnh Hải Lam đăng quang Hoa khôi Trường Đại học Nam Cần Thơ

(NSMT) – Ngày 16/5, ThS. Nguyễn Nhật Trường – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên & Hỗ trợ doanh nghiệp, Bí thư Đoàn Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết vừa tổ chức thành công đêm chung kết Hội thi Hoa khôi Đại học Nam Cần Thơ lần thứ IX năm 2024.

Con gái Nhà báo Yên Ba:

Con gái Nhà báo Yên Ba: "Cha dùng "chiêu" dụ tôi đọc sách"

Trong bài dự thi Cha và con gái gửi về Gia đình Việt Nam, chị Hoài Anh - con gái nhà báo Yên Ba tiết lộ, niềm yêu thích đọc sách của chị được hình thành từ bé và người "chắp mối" đam mê này không ai khác chính là người bố nổi tiếng.

Dạy trẻ bảo vệ môi trường: Ý thức hôm nay, môi trường sống ngày mai

Dạy trẻ bảo vệ môi trường: Ý thức hôm nay, môi trường sống ngày mai

(NSMT) - Trẻ em là tương lai của thế giới. Việc giáo dục những đứa trẻ về việc bảo vệ môi trường từ nhỏ giúp tạo ra một thế hệ có ý thức hơn về việc duy trì sự cân bằng và bền vững của môi trường. Thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường giúp trẻ em hiểu rằng họ là một phần của một cộng đồng toàn cầu và có trách nhiệm đối với tương lai của trái đất sau này.