Bước qua gian khó
(NSMT) - Trong cuộc sống, không phải ai cũng may mắn, lúc nào mọi việc cũng suôn sẻ, thuận lợi. Có những thời điểm công việc gặp trắc trở, hoặc bệnh tật, hoặc đổ vỡ hạnh phúc… Người trong cuộc cần mạnh mẽ đứng dậy, tìm cách sắp xếp, tái tạo năng lượng tích cực, tạo dựng hướng đi mới cho mình.
Hơn 4 năm trước, cú sốc mất việc đột ngột khiến chị Thanh Tú ở huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) gần như suy sụp, vì kinh tế gia đình chủ yếu trông cậy vào thu nhập của chị. Thời điểm đó, em chồng làm ăn thất bại cũng đưa con về nương tựa. Không dám cho ba má chồng biết sự việc, chị Tú bàn với chồng tìm cách tính toán. Sau những trăn trở, chị quyết định lấy số tiền dành dụm mở tiệm tạp hóa nhỏ cho má và em chồng bán, có thêm đồng ra đồng vào. Chị Tú nhờ người quen xin việc khác, lương chỉ bằng một nửa so với trước. Áp lực công việc, môi trường mới cùng bao nỗi lo khiến chị Tú thường xuyên bị căng thẳng, mất ngủ, sinh cáu gắt…
Nhận thấy kéo dài tình trạng này không ổn, chị Tú tìm đến thể dục, tập thiền để xả stress. Trong lớp học, chị Tú gặp những người bạn cùng cảnh ngộ, động viên, chia sẻ kinh nghiệm. Chị Tú lên kế hoạch sắp xếp lại mọi thứ, nhờ em chồng phụ việc nhà, nấu ăn để chị tập trung vào công việc chuyên môn.
Qua thời gian thử thách, lãnh đạo công ty đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và năng lực của chị Tú, chị được nhận vào làm chính thức, lương và phúc lợi cũng tăng. Chị Tú tiếp tục đăng ký học các khóa nâng cao nghiệp vụ, quan tâm chăm sóc bản thân để có sức khỏe đi “đường dài”. Chia sẻ khó khăn với vợ, chồng chị Tú lo các con chu đáo. Được gia đình ủng hộ, chị Tú thêm tự tin phát triển bản thân.
Chị Tú tâm sự: “Từng trải qua những cảm xúc tiêu cực, thất vọng, tôi thấy buồn phiền không giải quyết được gì. Vì vậy, tôi nghĩ khi gặp chuyện không như ý, thay vì tránh né thì mạnh dạn chấp nhận thực tế, bình tĩnh tìm cách vượt qua”.
Còn với chị Thu Ngọc ở quận Bình Thủy (TP. Cần Thơ), nhìn sự tươi trẻ, yêu đời của chị thật khó hình dung cách đây 7 năm, chị đã từng nếm trải biết bao cay đắng. Trước đây, vướng phải người chồng bài bạc, ghen tuông vô lối, có khi chị Ngọc đi làm với vết bầm tím trên mặt; điện thoại thường xuyên bị chủ nợ của chồng nhắn đòi tiền. Thương con, chị Ngọc cố gắng chịu đựng. Đến khi chồng mang giấy tờ nhà cầm cố để cá độ thì chị quyết định ly hôn. Chị vay mượn tiền để trả nợ, tìm cách giữ lại căn nhà cho con. Sau khi đường ai nấy đi, chị Ngọc vất vả đi làm, xong việc cơ quan thì vào ca tối phụ quán cho người quen. Chồng không thực hiện nghĩa vụ trợ cấp, chị gói ghém chi tiêu để lo chi phí học tập cho con, trả nợ hàng tháng. Con trai chị hiểu chuyện, biết đỡ đần, giúp chị vơi bớt sự căng thẳng, vất vả.
Theo thời gian, chị Ngọc bình tâm suy nghĩ, buông bỏ những oán hờn với chồng, tạo điều kiện để cha con gặp mặt. Chị tự tìm niềm vui, làm mới cuộc sống của mình bằng cách trân trọng những gì đang có, quan tâm chăm sóc bản thân, tham gia các nhóm bạn cùng sở thích… Năm nay, con chị Ngọc vào lớp 12, học rất giỏi. Hai mẹ con giờ như đôi bạn cùng tiến, phối hợp tạo dựng tương lai.
Cách đây 2 năm, khi phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo, chị Cẩm Thúy ở quận Ninh Kiều (TP. Cần Thơ) không biết xoay xở ra sao vì số tiền điều trị quá tốn kém, kéo dài. Nỗi đau từ chuyện hôn nhân đổ vỡ chưa nguôi, giờ chị lại đối mặt với nghịch cảnh.
Là con một, cha mẹ lớn tuổi, con còn nhỏ, nghĩ tới cảnh nhà đơn chiếc, chị Thúy tự nhủ không được buông xuôi. Chị bắt đầu tìm hiểu kỹ căn bệnh, chọn bác sĩ uy tín để chữa trị, bên cạnh đó điều chỉnh chế độ làm việc, ăn uống, sinh hoạt… để giữ sức khỏe. Thông cảm hoàn cảnh chị Thúy, bạn bè, cơ quan cùng hỗ trợ. Chị kiên nhẫn trải qua 7 đợt thuốc, cơ thể đáp ứng tốt, bệnh bắt đầu thuyên giảm.
Những lời thỏ thẻ của con trai: “Con sẽ ráng học để làm bác sĩ chăm sóc ông bà ngoại và mẹ” như tiếp thêm sức mạnh giúp chị vượt qua nỗi đau bệnh tật. Hiện tại, dẫu ngoại hình bị ảnh hưởng nhiều từ tác dụng phụ của thuốc, da sạm, tóc rụng, tăng cân… song chị Thúy vẫn giữ sự lạc quan, vững vàng. Cuối tuần, chị phụ cha chăm sóc mảnh vườn nhỏ ở quận Bình Thủy, trồng cây ăn trái, nuôi gà, có thêm thu nhập. Chị còn cùng nhóm bạn tham gia công tác từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn như mình, lan tỏa hành động đẹp.
Khi đối mặt với những trở ngại trong cuộc sống, người trong cuộc đừng vội nản lòng, buông xuôi. Suy nghĩ tích cực, quan tâm giữ gìn sức khỏe, cố gắng làm việc để tự chủ kinh tế... sẽ giúp mỗi người thêm tự tin, tạo dựng tương lai tốt hơn cho mình…
Cùng nhau vượt khó
(NSMT) - Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, thuận lợi mà có những “khúc quanh” đột ngột như mất việc làm, ốm đau… Ðiều quan trọng, người trong cuộc đừng bi quan mà hãy suy nghĩ tích cực, tìm cách vượt qua nghịch cảnh. Sẽ đáng quý hơn nếu như trong lúc thắt ngặt, thất bại, có sự chung tay trợ giúp của gia đình.
Hạnh phúc hơn khi sinh đủ 2 con
Nhiều hộ dân tộc Khmer ở TP Cần Thơ thực hiện tốt thông điệp của ngành dân số thành phố “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”. Dẫu có lúc khó khăn về kinh tế nhưng các cặp vợ chồng đều cùng nhau vượt qua để xây dựng gia đình tiêu biểu, hạnh phúc.
Nhà chật đến mấy vẫn phải tránh đặt bếp 4 hướng này để không lục đục, ốm đau
Bếp không chỉ đơn thuần là nơi nấu nướng mà còn mang theo nguồn năng lượng hỏa, ảnh hưởng đến tài vận của gia chủ. Có một số lỗi phong thủy khi đặt bếp nấu mà nhiều gia đình Việt thường mắc phải.
Giải trí ảo, hậu quả thật
Hiện nay, sử dụng mạng xã hội là hình thức giải trí phổ biến, nhất là đối với chị em phụ nữ. Các chị lên mạng cập nhật kiến thức, mở rộng quan hệ, kết giao bạn bè, nhiều chị đầu tư viết nội dung, xây dựng hình ảnh trên trang cá nhân thật lung linh để có like… Và rồi không ít trường hợp bị các thiết bị công nghệ cùng thế giới ảo chi phối quá mức, xao nhãng trách nhiệm đối với người thân, gây bao hệ lụy…
Khi mẹ là cô giáo
Chiến tranh kết thúc, mẹ tôi rời quân ngũ về làng rồi trở thành cô giáo. Làm con của cô giáo khiến tuổi thơ của tôi nhà cũng là trường mà trường cũng là nhà. Áp lực phải học giỏi, phải ngoan vì là con của cô giáo khiến tôi nhiều phen không còn là một đứa trẻ.
Hơn nửa thế kỷ đắp xây hạnh phúc
Cưới nhau từ năm 1973, ông Võ Văn Hai và bà Nguyễn Thị Điệp (ngụ khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) là tấm gương về xây dựng gia đình văn hóa, con cháu thành tài. Hơn nửa thế kỷ qua, họ đã nắm tay nhau vượt qua gian khó để cùng đi đến bến bờ hạnh phúc.
Tài sản lớn nhất cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách
Tục ngữ có câu: “Ba tài sản lớn nhất của cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách”, nó chiếm bao nhiêu trong cuộc đời còn lại của bạn?