Chiếc bánh Trung thu của những mùa trăng năm cũ
“Giờ này năm trước, bánh trái, lồng đèn, công tác chuẩn bị cho thiếu nhi vui Trung thu đã sẵn sàng hết rồi. Năm nay giãn cách xã hội chống dịch Covid-19 nên chương trình vui Tết Trung thu cho trẻ nghèo đành phải lỗi hẹn. Buồn, tiếc nuối cho các em nhỡ mất một mùa vui trung thu cùng đèn bánh...”, ông Phương Nguyên, trưởng BTC Chương trình “Đêm hội Trăng rằm – San sẻ yêu thương” của Tạp chí Gia đình Việt Nam cảm thán. Nỗi buồn của ông khiến tôi bỗng bồi hồi nhớ mùi vị bánh Trung thu trong ký ức của những mùa trăng năm cũ.
Cần Thơ hồi đó chỉ là một thành phố trực thuộc tỉnh, nhỏ xíu và buồn tẻ. Chỉ những tuyến đường chính trong trung tâm mới được chiếu sáng bằng dãy đèn né-on, hắt bóng trắng nhờ nhạt. Các tuyến đường 30/4, đường 3/2 bây giờ rực rỡ đèn cao áp sáng quắc thì lúc bấy giờ được xem là ngoại ô, không có đèn đường. Nhưng có lẽ vì vậy mà vầng trăng thu của thời niên thiếu thế hệ chúng tôi được cảm nhận một cách tròn vành, rõ nét hơn trong trí tưởng tượng với chị Hằng, chú Cuội, cây đa, lồng đèn thắp bằng đèn cầy…
Ký ức nào mà không đong đầy những kỷ niệm của tuổi thơ vì đó là khoảng thời gian đẹp nhất, hồn nhiên nhất trong cuộc đời mỗi con người, dù giàu hay nghèo, thất bại hay thành công. Thời bao cấp gian khó, miếng ăn hàng ngày còn chưa đủ nên lứa tuổi chúng tôi, mùi vị của chiếc bánh Trung thu nó cao sang đến nỗi theo hoài trong những giấc chiêm bao.
Mẹ tôi là cô giáo. Hàng năm, cứ đến gần ngày Trung thu cũng được trường dùng quĩ công đoàn cấp cho giáo viên có con ở lứa tuổi thiếu nhi hộp bánh qui, vài cái bánh in không nhân. Thỉnh thoảng, Trung thu năm nào được trường mẹ dạy phát cho cây bánh pía là anh em chúng tôi reo mừng vì được đổi vị. Bánh Trung thu là loại bánh “cao cấp”, chỉ dành cho người có nhiều tiền, con nhà nghèo không dám mơ.
Năm học lớp 6, tôi chơi thân với Kiệt. Ba của bạn làm nghề mua bán xe hơi, mô tô phân khối lớn (xe tân trang), được xem là nhà giàu có lúc bấy giờ. Ba má Kiệt cũng quí tôi, khen tôi hiền lành và có người mẹ là cô giáo được nhiều thế hệ học sinh lẫn phụ huynh yêu mến.
Đêm Trung thu năm ấy, Kiệt rủ tôi đến nhà nó chơi. Tôi thích thú, trầm trồ trước dàn lồng đèn khổng lồ được làm bằng khung tre, dán giấy kiếng lộng lẫy treo trong sân nhà bạn với đủ hình thù: ông sao, cá chép, gà trống, phi thuyền Apollo…
Tuổi thơ hồn nhiên. Nhìn chiếc lồng đèn Trung thu được chế từ một hộp lon sữa bò cũ mình cầm trong tay, tôi không hề mặc cảm mà còn thầm so sánh: “Lồng đèn nhà bạn dán bằng giấy kiếng nên chắc chắn sẽ bị cháy nếu chẳng may đèn cầy bị ngã. Chả bù lồng đèn của mình bằng thiếc, đèn cầy có ngã cũng không sao”. Tính đố kỵ, ganh ăn tức ở của con người chắc được hình thành trong quá trình tranh cạnh mưu sinh, chứ tuổi thơ nào mà chả trong veo?
Đến giờ phá cỗ. Những chiếc bánh pía tròn trịa, mâm trái cây chín mọng căng tròn đối với tôi không hấp dẫn bằng những chiếc bánh Trung thu quí phái, sang trọng nằm ở giữa mâm cúng. Có lẽ bắt gặp ánh mắt háo hức của tôi nên mẹ của Kiệt cắt bánh Trung thu, trìu mến trao cho tôi hẳn nguyên một góc tư của cái bánh.
Tội chạy vội ra góc sân đứng riêng vì muốn được một mình cảm nhận hương vị của loại bánh trong mơ. Ôi chao, bánh Trung thu là vậy đó sao? Nó ngọt, nó thơm, nó béo, nó bùi… quá chừng! Tôi cắn miếng bánh từng chút một vì sợ miếng bánh mau hết, vị ngon của nó khiến đầu lưỡi tôi tê rần.
Bất chợt, con chó tên Lu của nhà Kiệt nuôi từ hướng nào nhảy xổ đến, đớp gọn miếng bánh Trung thu dang dở trên tay tôi rồi chạy đi mất. Tôi đứng chết trân, nước mắt chực trào: “Lu ơi, nhà mày giàu, xíu nữa mày ăn bánh thừa cũng được, mày giành của tao chi vậy hả Lu?”.
Nhiều năm đã trôi qua, mùi vị của chiếc bánh Trung thu năm nào vẫn luẩn quẩn hoài trong ký ức một đứa trẻ có quá trình trưởng thành trải dài suốt những năm bao cấp như tôi. Bây giờ cuộc sống khá hơn xưa rất nhiều nên đối với trẻ em, bánh Trung thu cũng trở nên bình thường như các loại bánh theo mùa khác. Thế nhưng vẫn còn đó những mảnh đời không may mắn, những trẻ em phải vất vả cùng gia đình mưu sinh, vẫn còn đó những ánh mắt khát khao về những chiếc lồng đèn rực rỡ, những miếng bánh Trung thu thơm ngon…
Đêm Trung thu năm ngoái, tại công viên Lưu Hữu Phước (Cần Thơ), CQĐD Tạp chí Gia Đình Việt Nam đứng ra tổ chức Đêm hội Trăng rằm để hàng ngàn trẻ em đường phố, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được đón tết Trung thu trong không khí tưng bừng, vui tươi. Nhiều lãnh đạo của thành phố cũng có mặt, hòa chung niềm vui với tuổi thơ.
Trong cái ồn ả của đêm hội trăng rằm, tôi tìm đến một cô bé bán vé số trạc 14, 15 tuổi đang đứng xem văn nghệ ở một góc công viên. Trên tay cô bé cầm rất nhiều quà: hộp bánh Trung thu, thú nhồi bông, đồ chơi… vừa được Ban Tổ chức và các nhà hảo tâm trao tặng. Cô bé cho biết: “Mỗi ngày con đi bán vé số lời khoảng từ 100 đến 120 ngàn đồng, cũng đủ ăn chú ạ. Con có học lớp bổ túc văn hóa do phường tổ chức nên con biết chữ và biết… làm thơ luôn đó chú. Con ước mình lớn lên sẽ trở thành ca sĩ như cái cô đang hát trên sân khấu. Mà chú thấy con làm ca sĩ được không chú?”.
Ừ, thì cứ ước mơ và cố gắng biến ước mơ, hoài bão của mình thành hiện thực đi cô bé. Xã hội của chúng ta được hình thành và vận hành trên nền tảng không bỏ rơi ai lại phía sau lưng trong dòng chảy phát triển. Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường đã từng nhấn mạnh: “Thành phố luôn cố gắng dành những điều kiện tốt nhất trong khả năng của mình vì sự phát triển của trẻ em” rồi đó. Chắp cánh cho những giấc mơ vươn cao, vươn xa trong tương lai là tình thương nhưng cũng là trách nhiệm của toàn xã hội hôm nay.
Tết Trung thu 2 năm nay, TP.Cần Thơ vẫn còn đang phải thực hiện giãn cách xã hội do tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn còn phức tạp, không thể tổ chức Đêm hội Trăng rằm như thường lệ… Hẹn lại Trung thu năm sau vậy...
Cà Mau: Công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam
(NSMT) - Ngày 12/11, tỉnh Cà Mau tổ chức lễ công bố quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh và khánh thành “Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa Miền Nam”. Buổi lễ được tổ chức vào Tuần lễ cao điểm với các hoạt động tái hiện 200 ngày Sự kiện Tập kết ra Bắc.
Sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc tại Cà Mau: Nhớ cây vú sữa miền Nam gửi tặng Bác Hồ
(NSMT) - Những ngày gần đây, Cà Mau đang chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc, nhằm tái hiện về lịch sử, vùng đất, con người, đấu tranh cách mạng hào hùng giải phóng dân tộc, cũng như trong xây dựng và phát triển quê hương tỉnh.
Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh Cà Mau
(NSMT) - Ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ký quyết định công nhận xếp hạng Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam là di tích lịch sử cấp tỉnh tại ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình.
Nhạc Ngũ âm của người Khmer ở Sóc Trăng
(NSMT) - Một điểm nhấn sẽ tạo sự quan tâm của du khách tại Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng, khu vực ĐBSCL lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I năm 2024, diễn ra từ ngày 9 - 15/11/2024 là trình diễn nhạc Ngũ âm - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam được xác lập Kỷ lục Guiness Việt Nam. Đó là thông tin được ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết.
Người xưa kiêng điều gì trong dịp Trung thu?
Người xưa cho rằng Tết Trung thu trăng sáng nhất nên âm khí dễ vượng. Do đó có thể sẽ đem lại những điều không tốt nên truyền tai nhau những điều cấm kỵ.
Mùa trăng tròn Trung thu cùng những hồi ức về chiếc lồng đèn tự chế
(NSMT) - Mỗi dịp Trung thu đến gần, không khí rộn ràng của lễ hội ánh trăng lại tràn ngập khắp nơi. Những ánh đèn lồng lung linh, những tiếng cười của trẻ em và những mâm cỗ đầy ắp bánh trung thu tạo nên một bức tranh sống động của mùa lễ hội. Nhưng trong lòng nhiều người, đặc biệt là những ai đã trải qua tuổi thơ ở những vùng quê, có một hình ảnh đặc sắc hơn cả là chiếc lồng đèn tự chế.
Vui Trung thu cùng cuộc thi làm lồng đèn "Ánh đèn tuổi thơ năm 2024"
(NSMT) - Cuộc thi làm lồng đèn "Ánh đèn tuổi thơ năm 2024" là hoạt động nằm trong khuôn khổ Đêm hội trăng rằm - San sẻ yêu thương do Văn phòng đại diện Tạp chí Gia đình Việt Nam tại TP Cần Thơ tổ chức vào ngày 15/9 sắp tới tại Công viên Lưu Hữu Phước (TP Cần Thơ).