Chuyện bếp nhà trong thời gian giãn cách
Nhiều bà nội trợ đã linh hoạt biến gian bếp không chỉ là nơi nấu nướng, thử nghiệm các món ăn mà còn để con cái trải nghiệm những hoạt động bổ ích, gắn kết tình cảm gia đình.
Những ngày thực hiện giãn cách xã hội, chuyện ăn uống trở thành vấn đề không nhỏ của mỗi gia đình khi phải tính toán để tổ chức các bữa ăn sao cho vừa đủ chất vừa phù hợp điều kiện kinh tế và thuận tiện việc đi chợ...
Nấu ăn tại nhà cũng là dịp để trẻ phụ giúp bằng những việc phù hợp như lặt rau, dọn bàn ăn…
Trước đây, chị Hồng Ngọc ở quận Ninh Kiều ít khi vào bếp nấu nướng vì công việc quá bận rộn và bản thân chị cũng không khéo khoản này. Hằng ngày, chị thường đặt món ở các tiệm quen, hết giờ làm đến lấy, chỉ cần cắm điện nồi cơm là xong. Từ ngày thực hiện giãn cách xã hội, quán nghỉ bán, chị phải sắp xếp để ở nhà vừa làm việc vừa lo chuyện ăn uống. Việc đi lại bị hạn chế cũng như thực phẩm không phong phú như trước nên chị Ngọc phải tính toán thực đơn ăn vừa đủ, không ngán.
Chị Ngọc kể: “Ðể đảm bảo an toàn, mỗi tuần tôi đi chợ 1 lần nên phải suy nghĩ món cho mỗi ngày, rồi mua cá thịt, rau củ, sơ chế để dành. Tôi động viên 2 con mùa dịch ăn uống đơn giản. Tuy vậy, thỉnh thoảng tôi cũng nấu những món con thích như cà ri, bò kho. Muốn vậy, tôi phải lên mạng coi hướng dẫn cách chế biến. Ngoài các bữa ăn chính, mấy mẹ con làm thử bánh bông lan, rau câu, gỏi cuốn, cơm cuộn, nấu chè… Ban đầu làm chưa ngon, sau vài lần thử, tay nghề nâng lên rõ rệt. Tụi nhỏ rất hào hứng bày ra làm, cùng nhau dọn dẹp, rất vui. Sẵn dịp, tôi hướng dẫn con bảo quản các loại thực phẩm, nguyên liệu nấu, sắp xếp đồ đạc trong tủ lạnh cho ngăn nắp, cách vệ sinh tủ… Thà mình chịu cực chút nhưng các con học được nhiều kỹ năng, bớt xem ti vi, điện thoại. Mấy tuần qua, việc nấu ăn đối với tôi không còn là áp lực nữa, coi như cả nhà thư giãn trong thời điểm hạn chế giao tiếp”.
Ở trong khu vực bị phong tỏa, kinh tế khó khăn nên bữa cơm nhà chị Nguyễn Thị Mai ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng, khá đạm bạc, đơn giản. Nhà chị Mai 4 người, gồm vợ chồng chị, con trai lớn đang học năm thứ 2 đại học và con gái 10 tuổi. Trước giờ, cả nhà sống dựa vào gánh xôi của chị và nghề phụ hồ của chồng. Cả tháng nay, chị không bán, anh nghỉ làm nên chi tiêu khá chật vật. Có nguyên liệu sẵn nên buổi sáng chị Mai nấu xôi, có khi cháo trắng ăn với cá kho quẹt, hoặc chiên cơm còn từ hôm qua. Trưa và chiều thì cả nhà ăn cơm với canh rau tập tàng trong vườn, khô chiên… Nhà chị có nuôi gà, vịt nên thỉnh thoảng có trứng và thịt cải thiện bữa ăn. Chị Mai cho biết: “Ðể tiết kiệm, hằng ngày chồng và con trai tôi đi cắm câu ở cái mương nhỏ sau hè kiếm cá, con gái thì hái rau, phụ quét dọn nhà cửa. Chỉ cần được mạnh khỏe bên nhau, ăn cực cũng không sao”.
Là chủ shop thời trang, những ngày dịch bệnh, chị Ngọc Hân ở quận Ninh Kiều, tạm ngừng kinh doanh, chuyên tâm với vai trò đầu bếp của cả nhà. Rất khéo tay và thích nấu ăn nên chị Hân thường đãi chồng con nhiều món ngon nhưng không quá tốn kém vì chị tận dụng những thực phẩm rẻ, dễ mua: khoai lang, đậu xanh, các loại bột… Ngoài các món mặn và canh cho bữa chính, chị thường rủ các con làm thử các món ăn chơi, như: bánh ít nhân dừa, há cảo bắp cải chay, khoai lang nướng mỡ hành, bánh bèo, mứt chùm ruột, bánh bò, snack khoai lang, trà sữa, mỳ Spaghetti…, cái nào chưa biết thì lên mạng coi hướng dẫn. Chị Hân chia sẻ: “Những thay đổi đột ngột trong cuộc sống có thể đem đến cho bạn khoảng thời gian rảnh rỗi mà trước đó chưa từng có. Cần lấp đầy bằng những công việc bạn yêu thích và tôi luôn ưu tiên dành phần lớn thời gian của mình cho gia đình, bên căn bếp đầy màu sắc, theo cách riêng của tôi. Gần như suốt ngày tôi ở trong bếp và cảm thấy rất vui vì các con ăn ngon và thích thú các món thử nghiệm của mẹ”.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, lương của chồng sụt giảm, việc bán hàng online cũng bị gián đoạn nên chị Quỳnh Trân ở quận Cái Răng phải tính toán kỹ mọi chi tiêu, mua thực phẩm đủ dùng, không bỏ phí. Nhà có con nhỏ hơn 4 tuổi nên chị phải thường xuyên đổi món để con ăn cơm được nhiều hơn. Mỗi khi đi chợ, chị ghi sẵn các món cần mua cho cả tuần. Giỏi nấu nướng nên chỉ cần vài miếng thịt, rau củ, bột đơn giản... chị cũng có chế biến thành món ngon, như: xíu mại, cháo thịt bằm ngũ sắc, canh chua tôm khô, bún riêu, tàu hũ dồn thịt, bánh củ cải nhân thập cẩm, bánh bông lan, bánh tiêu… Hơn tuần nay, vợ chồng chị dọn cái sân để có chỗ trồng rau, làm giá ăn. Chị Trân còn liên kết với nhóm chị em phụ nữ cùng khu vực chia nhau đi chợ, mua sắm theo combo, số lượng nhiều để đỡ tốn thời gian đi lại, được giá tốt, chia sẻ kinh nghiệm nấu nướng…
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, một số khu vực bị phong tỏa, cách ly, ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, thu nhập, sinh hoạt của nhiều gia đình. Một số người trước đây hay vung tay cho chuyện ăn uống, trong tình hình này bữa cơm cũng phải cân đối, thích hợp với lối sống tiết kiệm, gói ghém từng mớ rau, miếng thịt. Ðiều đáng quý là những bữa cơm gia đình trở lại đúng nghĩa, các thành viên quây quần bên nhau, không còn cảnh cha mẹ, con cái mỗi người tự ăn vì bận đi học, đi làm như trước đây. Bữa cơm dù đầy đủ hay thiếu món này món kia nhưng quan trọng vẫn giữ được sự đầm ấm, sum vầy. Và đó cũng chính là yếu tố quan trọng nuôi dưỡng năng lượng tích cực, để mọi người gắn kết, yêu thương nhau hơn.
Ở nhà thuê có cần cúng ông Công ông Táo không?
Cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp là truyền thống lâu đời của người Việt. Nhiều người thuê nhà đang phân vân liệu có phải thực hiện nghi lễ này hay không?
Dọn nhà cuối năm bỏ 7 loại cây để đón vận may
Việc dọn dẹp cuối năm cần phải vứt bỏ một số cây cảnh không tốt cho phong thủy gia đình, xua đuổi xui xẻo ra khỏi nhà.
Cổ nhân dạy tháng 12 âm lịch không làm 5 điều
Những điều cấm kỵ trong tháng 12 âm tuy có phần mê tín nhưng cũng thể hiện sự mong đợi, cầu phúc trong năm mới cũng như sự tôn trọng, kế thừa văn hóa truyền thống của người dân.
Phối cảnh Đường hoa nghệ thuật Cần Thơ Tết Ất Tỵ năm 2025
(NSMT) - Đường hoa nghệ thuật Cần Thơ Tết Ất Tỵ năm 2025 với chủ đề “Hội tụ và phát triển”. Dự kiến khai mạc đưa vào phục vụ ngày 27/01/2025 và hoạt động đến hết ngày 03/02/2025 (từ ngày 28 tháng Chạp đến hết ngày mùng 6 Tết) tại tuyến đường Võ Văn Tần – Nguyễn Thái Học, quy mô khoảng 310m, kinh phí thực hiện khoảng 5,5 tỉ đồng được xã hội hóa, không dùng ngân sách.
Vì sao tháng Chạp không nên chuyển nhà?
Tháng Chạp là tháng cuối cùng trong năm Âm lịch, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà còn được chứa đựng nhiều điều kiêng kỵ mang đậm dấu ấn tâm linh.
Xuân yêu thương 2025: Sự trở lại của hành trình trao gửi niềm vui dịp Tết cho trẻ em mồ côi
(NSMT) - Mùa xuân luôn là thời điểm sum vầy, chia sẻ những khoảnh khắc hạnh phúc bên gia đình, người thân. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng có được niềm vui ấy. Nhiều trẻ em mồ côi, cơ nhỡ và khuyết tật sống trong hoàn cảnh khó khăn, không có một mùa Tết đầy đủ như bao trẻ em khác. Để xoa dịu nỗi đau này, chương trình “Xuân yêu thương” tổ chức hàng năm tại TP Cần Thơ đã và đang trở thành một hành trình trao gửi yêu thương ý nghĩa, nối dài truyền thống tốt đẹp của dân tộc "Lá lành đùm lá rách".
Tản mạn với làng nghề gạch - gốm trăm năm
Năm 2024, tỉnh Vĩnh Long có một sự kiện quan trọng, tiêu biểu: Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh Tế Xanh lần thứ nhất nhằm tôn vinh nghề gạch - gốm trăm năm tồn tại ở xứ này; qua đó quảng bá thương hiệu, đồng thời bảo tồn, phát huy di sản, kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch, thu hút khách trong và ngoài nước đến với làng nghề độc đáo, hiếm có ở miền Tây Nam Bộ.