Nếp nhà

Chuyện của cha dù khô khốc con sẽ kể các cháu nghe

Thứ năm, 27/07/2023, 09:34 AM

Cha ơi! Những câu chuyện về tình cha dù khô khốc thế nhưng con nghĩ ra rồi, mặc dù có muộn, con sẽ kể cho các con, các cháu nghe. Kể nhiều nữa mặc cho chúng luôn nói bà lại kể chuyện cổ tích.

Phố núi, mùa mưa năm 2023.

Gửi tới cha nơi miền xa thẳm!

Ngoài trời mưa rơi rơi. Cơn mưa đầu mùa hạ tưởng qua nhanh mà sao dai dẳng quá. Nhớ cha con lại giở trang thư cha viết cho con gái từ những năm xưa. Nước mắt đẫm mi và nỗi nhớ cứ tràn trong ký ức con suốt hơn ba mươi năm kể từ ngày cha đi xa, cha đã đi với mẹ con nơi miền xa thẳm... Con lại ngồi nói chuyện cùng cha như mỗi khi nỗi nhớ ùa về, bởi con biết ở nơi ấy cha vẫn dõi theo con…

Cha ơi! Con đã già rồi… Nhưng mỗi khi nghĩ về cha con vẫn thấy mình bé bỏng. Bé bỏng như ngày hôm qua dậm chân khóc lóc không chịu đến trường vì mải chơi chưa làm bài thủ công lớp 2 nặn con cá. Cha nghiêm nét mặt rồi đi tới chân vại nước moi một nắm đất dẻo quẹo ấn vào tay con hướng dẫn vo vo, nặn nặn thành hình con cá. Cha thận trọng đặt nó lên mảnh gỗ nhỏ, rút chiếc bút chì đang dắt trên tai cầm tay con khía khía thành vẩy vá, vây cá và dí hạt đậu đen thành mắt cá.

Bức thư của cha

Bức thư của cha

Quệt nước mắt, con cười, nhảy chân sáo. Cha gắt: "Nhanh! Đi học kẻo muộn!". Thế mà cũng gắt! Con ghét cha! Con hư quá phải không cha? Lại có hôm mấy anh em lên đồi hái quả mua chín ăn giữa trưa nắng nhễ, nắng nhại, miệng đứa nào cũng đen xì xì, mặt mũi đỏ như lửa. Cha cầm theo mấy cái nón lên tận nơi gọi về. Mẹ thì la mắng om sòm. Cha lôi mấy đứa vào bắt nằm sấp lên phản, con nhỏ nhất nằm ngoài thì bị cha xốc nách dúi vào giữa lọt thỏm rồi dùng roi mây quất đít mấy anh em. Chiếc roi chẳng hề chạm mông nhưng con gào rõ to và con ghét cha!

Trong mắt con, cha là một người không có tình yêu thương gì sất. Kể cả khi giặc Mỹ leo thang ném bom đánh phá Miền Bắc, cả nhà phải rời phố đi sơ tán. Cha gánh nặng trên vai bao nhiêu đồ đạc. Con chạy theo các anh chị, thỉnh thoảng vấp ngã sóng xoài sứt cả trán. Cha nặng lời "Đi đứng thế nào thế? Mắt cứ tớn lên!". Cha đặt gánh xuống ôm con dậy và bế thốc lên cho ngồi vắt hai chân lên cổ. Ngồi trên sống đòn gánh đau hết mông. Con vẫn thấy ghét cha!

Và con luôn để ý, tỵ nạnh. Hàng ngày tại sao cha cứ phân công con trai rửa bát buổi trưa, con gái buổi tối? Chúng con ngồi vào bàn học thì cha mẹ ngồi bàn trà chờ con cái học xong mới đi ngủ. Người lớn thật khó hiểu! Những đêm mùa đông rét ngọt, cha và mẹ mỗi người lên một giường chui vào chăn ủ hơi ấm cho đàn con. Anh em chúng con tranh nhau chui vào chăn bố vì bên đó nhiều hơi ấm hơn. Cha bảo con gái phải sang giường mẹ! Ôi… thật ghét cha!

Cứ thế năm tháng trôi. Mẹ mất. Cha không may bị trúng gió liệt nhẹ nửa người. Con học xong phổ thông và làm hồ sơ đi chuyên nghiệp. Trong lý lịch phải ghi thành phần gia đình và nghề nghiệp cha mẹ. Con buồn, con cảm thấy tự ti và nhăn mặt hỏi "Tại sao cha không đi công tác như cha của chúng nó mà lại làm nghề thợ mộc?". Cha kéo con vào lòng xoa tay lên mái tóc "Cha bố nhà cô! Không phải xấu hổ! Kệ họ! Cứ cố gắng nhẫn nhịn để học lên, để được đi thoát ly con ạ! Ở nhà sẽ khổ đấy con gái!" và con gái ông thợ mộc đã trở thành cô giáo.

 Ngày con đi lấy chồng, cha cầm tay con rể: "Phải yêu thương nhau! Nghe chửa? Nếu không tôn trọng nhau, nếu anh phản bội hoặc đối xử không tốt á, thì tôi sẽ tặng anh ba phát AK!...". Con thấy cha cười mếu máo, còn con cũng cười khi mọi người cùng cười và con thầm giận cha! Cha của con cục mịch không nói được một lời hoa mỹ trước nhà trai là sao? Ngày con sinh cháu đầu lòng, cha khập khiễng đi bộ hơn cây số đem sang con gà tần lá ngải với cao xương, bảo ăn đi cho có sức. Con cho đó là nghĩa vụ của người làm cha!

Ngoài trời mưa vẫn rơi. Gió núi rít ào ào. Tâm sự cùng cha mà nước mắt tràn mi. Ở nơi xa ấy cha có biết con ân hận đến nhường nào không? Con muốn nói con không ghét cha! Vì cha thương con lắm! Thương theo cách của cha! Con tự hào vì may mắn được sinh ra trong ngôi nhà có cha làm thợ mộc!

Cha ơi con đã già! Càng có tuổi con càng thấu hiểu tình cha. Con đã là mẹ của hai đứa con trai và đã làm bà của các cháu nội. Hôm nay con hồi tưởng cùng cha cả những kỷ niệm thời thơ bé. Vì sao cha biết không? Vì chiều nay đứa cháu gái nó phụng phịu "Bà nội ơi! Cháu ghét bố! Bố cháu lúc nào cũng bận, bận, bận… Cháu sắp phải nộp sản phẩm thủ công. Cháu muốn bố mẹ cùng hướng dẫn đan rổ rá. Mẹ thì mắng có thế mà không làm được! Còn bố rút tiền trong túi đưa cho và bảo ra chợ mà mua!". Đỡ đứa cháu gái vào lòng âu yếm sao cháu không nói với bà? Ứ đâu, cháu muốn bố cơ!

Thế đấy cha! Thời buổi bây giờ lúc nào các con cũng kêu ca áp lực công việc. Tình cảm cha con dường như bị chia cắt bởi công việc của người lớn và sự học của con trẻ cha ơi! Con biết con trai của con nó chúng cũng thương yêu con gái theo cách của nó, song nó có cảm nhận được sự thèm khát tình cha của con gái nó đến nhường nào không?

Thôi nhé cha yêu của con! Con luôn cầu cho cha ngàn thu an nghỉ và cứ mãi dõi theo con. Tình cha là ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn con. Cha ơi! Những câu chuyện về tình cha dù khô khốc thế nhưng con nghĩ ra rồi, mặc dù có muộn, con sẽ kể cho các con, các cháu nghe. Kể nhiều nữa mặc cho chúng luôn nói bà lại kể chuyện cổ tích.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn biên tập

Bài dự thi cuộc thi viết cha và con gái  

Tác giả: Nguyễn Thị Thanh.

Địa chỉ: Số nhà 293, đường Hoàng Liên Sơn, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.

Ban tổ chức  
Hơn nửa thế kỷ đắp xây hạnh phúc

Hơn nửa thế kỷ đắp xây hạnh phúc

Cưới nhau từ năm 1973, ông Võ Văn Hai và bà Nguyễn Thị Điệp (ngụ khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) là tấm gương về xây dựng gia đình văn hóa, con cháu thành tài. Hơn nửa thế kỷ qua, họ đã nắm tay nhau vượt qua gian khó để cùng đi đến bến bờ hạnh phúc.

Tài sản lớn nhất cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách

Tài sản lớn nhất cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách

Tục ngữ có câu: “Ba tài sản lớn nhất của cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách”, nó chiếm bao nhiêu trong cuộc đời còn lại của bạn?

Vì sao ngày càng nhiều gia đình từ bỏ sàn gỗ?

Vì sao ngày càng nhiều gia đình từ bỏ sàn gỗ?

Xu hướng trang trí lát sàn gỗ từng rất phổ biến nhưng hiện nay nhiều gia đình không còn lựa chọn. Sàn gỗ có chăng chỉ được lắp trong phòng ngủ, các phòng khác đều được lát gạch men.

Về nhà - về với yêu thương

Về nhà - về với yêu thương

Ðối với nhiều người, ngôi nhà không chỉ để ở mà còn mang giá trị tinh thần đặc biệt. Ðó còn là gia đình với sự bao dung, chở che, nâng đỡ và trách nhiệm dành cho nhau. Cuộc sống đôi khi phải đối mặt với khó khăn, thử thách... những lúc ấy, điểm tựa lớn nhất không đâu khác mà chính là mái nhà và những người thân yêu của mình.

Có nên thiết kế phòng tắm trong phòng ngủ?

Có nên thiết kế phòng tắm trong phòng ngủ?

Với sự thay đổi trong lối sống và sự đa dạng hóa nhu cầu sinh hoạt, phòng ngủ chính có phòng tắm có còn đáp ứng được nhu cầu của các gia đình hiện đại hay không và nên giữ lại hay loại bỏ đã trở thành đề tài bàn luận sôi nổi.

Có nên tiết lộ cho con cái biết về tiền lương hưu, sổ tiết kiệm?

Có nên tiết lộ cho con cái biết về tiền lương hưu, sổ tiết kiệm?

Một người đàn ông 69 tuổi trăn trở: “Ở tuổi già, số tiền ký gửi này giống như một chiếc chìa khóa bí ẩn trong tay. Tôi không biết có nên trao lại cho con cháu hay không”.

Tâm thư gửi vợ ngày 20/10

Tâm thư gửi vợ ngày 20/10

Hạnh phúc là 365 ngày biết hài lòng chứ không phải chỉ một hai ngày hoan hỷ. Nếu không phải đánh đông dẹp bắc, anh cũng sẽ sẵn sàng ẵm con, nhặt rau để em lắp bóng đèn, sửa đường ống nước.