Lời nói dối cuối cùng
Con cứ lang thang trong mớ kí ức như thế, đã non nửa thập kỷ. Từ ngày ba qua cầu ái tử, con như bị buộc trưởng thành sau một đêm dài ác mộng.
Ba thương!
Đã quá trễ cho một lời chào trực tiếp. Có lẽ hai ba con mình đều chẳng ngờ được câu nói cuối cùng với nhau lại là một cuộc điện thoại đường dài. Con từng tự nhủ cuộc đời này ngắn lắm, kiếp sau thì chẳng biết có gặp lại, nên mỗi phút giây hiện tại đều nỗ lực nắm lấy và trân trọng. Thế mà trong phút giây nào đó lơ đãng, con vẫn để vụt mất sự quan tâm cho ba khi ngây ngô tin vào những lời nói dối.
Lời nói dối thứ nhất, có lẽ chính là những dỗ dành vụng về trong mấy năm đầu chập chững.
Con nhớ lúc nhỏ mình rất thích chơi phi ngựa. Cứ hễ thấy nơi nào có trò này là chân đi chẳng đặng nữa. Ngày Tết, ở những khu đất rộng rãi như nhà văn hóa xã hoặc gần chợ, người ta thường đặt cái đu quay bằng sắt treo đủ loại thú cưỡi. Một vòng quay lúc ấy hình như là 200 đồng. Trên chặng đường về nội phải đi qua vô số cái chợ trời như thế.
Một hai lần đầu, ba chiều theo con chơi tới hơn ba chục vòng xoay. Mấy đợt sau, cứ gần tới nơi là ba lại đánh lạc hướng bằng những cái chỉ tay tận đâu tận đẩu: con cò trắng ngoài ruộng, chú bò gặm cỏ nhởn nhơ, hay đàn gà mái mơ mới nở. Lúc con nhận ra mình bị “lừa” thì mấy cái vòng xoay đã ở sau lưng tít tắp.
Sau này ba kể nhỏ, chẳng phải vì ba sợ tốn kém đâu, mà là lo trễ giờ về thăm nội. Đoàn tụ, lúc nào cũng cần quý trọng từng phút từng giây.
Lời nói dối tiếp theo, là những món quà lén mua ngày lên tiểu học
Như bao đứa nhỏ khác, con rất thích thú bông. Có lần đứa bạn ôm gấu bông sang chơi, con đã chẳng cách nào rời nổi mắt. Lúc ấy con nghĩ, nếu được ôm nó vào lòng, hẳn là điều rất tuyệt vời.
Trong một sáng mờ sương vào hai tháng sau, ba như một ông bụt thần kì, biến điều tuyệt vời con chỉ dám ước ao thành sự thật. Về nhà sau một chuyến biển, ba chào đón con không phải là một cái xoa đầu như mọi bữa, bởi hai tay của ba đang ôm một con gấu bông lớn bằng nửa người. Con gấu tuy không làm bằng lông mịn như của đứa bạn, nhưng trong mắt con, nó là món quà mỹ diệu nhất. Ba bảo mình mua giùm một bà cụ bán ế ở bến xe, chẳng tốn bao đồng. Vậy mà sau này nghe mẹ kể, con gấu đó được mua bằng chục kí cá ba hì hục thức đêm để câu.
Lời nói dối ngày con lên trung học, là những lần ba bảo “không sao”
Con lớn dần, cũng nhận ra ngoài giàu tình thương, thì nhà mình mang nặng cái nghèo cơm áo. Ba vắng nhà thường xuyên hơn, vì đánh bắt gần bờ đã chẳng thể trang trải đủ chi phí cho bốn đứa con thơ nheo nhóc.
Cùng ăn một bữa cơm trở thành điều xa xỉ. Con với ba cũng ít dần những cuộc trò chuyện như ngày bé. Có phải vậy chăng mà con dễ tin vào những câu “không sao” của ba mỗi lần ba bị ốm. Cái buổi chiều ba thẫn thờ ngồi trước hiên cùng cuốn sổ khám bệnh trên tay, đến giờ này vẫn là một dấu chấm lửng trong tim con. Nó nặng nề đến nỗi, con đã chẳng dám nghĩ sâu hơn tại sao lúc đó mình lại vô tâm với người đàn ông quan trọng nhất đời mình nhường ấy.
Thỉnh thoảng, trong những nỗi nhớ đan xen sau này, con thường tự hỏi, nếu ngày đó con quan tâm ba nhiều hơn, phải chăng ba sẽ ở cạnh con lâu hơn một chút?
Lời nói dối cuối cùng
Ngày con đậu Đại học, ba ngồi cả đêm ngoài sân. Khói thuốc quyện cùng sương lạnh điểm bạc mái tóc sờn màu thời gian của ba. Con không thấy rõ mặt ba dưới ánh đèn mờ tối, chỉ kịp phát giác bả vai ba khẽ run từng chặp. Là vì lạnh, hay là đang khóc, ba ơi?
Ngày con tốt nghiệp, ba còn lênh đênh trên biển. Vừa vào bờ ba liền gọi cho con, chưa kịp nói vài câu đã khẽ nghẹn ngào. Ba bảo, chắc hôm nay con tủi thân lắm vì chẳng có ai bên cạnh. Cố nén lòng, con cười xòa nói không sao. Ba lặng im thở dài.
Suốt thời gian sau đó con chẳng dám gọi về, vì tự ti, vì hụt hẫng. Con đã chẳng tìm nổi một công việc với tấm bằng đỏ mình từng tự hào. Con sợ ba lo lắng.
Buổi chiều đầu tháng mười, ba chủ động gọi. Giọng ba có vẻ yếu hơn, thỉnh thoảng lại ho khan từng chặp. Ba nói: "Mệt mỏi quá thì về với ba". Những đứa trẻ nhà nghèo thường sớm hiểu chuyện, nhưng nếu con càng hiểu chuyện sẽ chỉ càng làm ba đau lòng. Lúc ấy, con ngồi trong căn trọ chật hẹp giữa thị thành, nghe vậy nước mắt chực trào ra. Trước khi tắt máy, con chỉ kịp hỏi ba khỏe không, rồi an tâm khi nghe ba bảo “Vẫn khỏe”.
Đúng một tuần sau, ba mất trên chiếc ghe đánh cá. Người ta nói ba bị ung thư phổi, ho ra máu nhuộm đỏ cả cái áo thun đã sờn vai. Lúc đó con như đứa trẻ ham chơi quên đường về, bơ vơ đứng khóc giữa những chuyến tàu, chẳng kịp bước lên gặp ba lần cuối.
Tại sao đến lời cuối cùng, ba vẫn chẳng chịu nói thật cùng con?
Muộn màng
Hơn sáu giờ, phố lên đèn. Thứ ánh sáng hắt ra từ mấy ngôi nhà cạnh đường chợt co lại thành những vệt ấm. Tháng Sáu ngày dài đêm ngắn, nhưng bởi những cơn mưa vắt ngang trời mà mọi thứ chợt tối sầm nhanh hơn. Con tan ca về sau một ngày nhoài mệt, bất giác trông sang. Hình như, le lói đâu đó là chiếc bàn tròn, vài ba món ngon và những nụ cười đoàn tụ. Mắt con bất giác cay cay.
Sài Gòn buổi đêm gió lộng ngang vòm cầu Bình Lợi. Cũng nơi này chín năm trước, ba xốc túi vải dù, dắt theo những kì vọng chưa tròn gửi theo đứa con gái nhỏ vào giảng đường. Những bỡ ngỡ ngày đầu cứ như một cái đập cánh nhẹ của chú bướm, xẹt qua hồi ức nhăn nhúm bởi những lắng lo gạo tiền. Hai triệu đồng duy nhất trong người được đong bằng hằng hà ngày đêm ba chong lưới ngoài biển dã. Giờ nhìn lại, cảm xúc chợt ngổn ngang.
Con cứ lang thang trong mớ kí ức như thế, đã non nửa thập kỷ. Từ ngày ba qua cầu ái tử, con như bị buộc trưởng thành sau một đêm dài ác mộng.
Điều con hối hận tới tận giờ này, chính là câu trăn trở:
“Giá mà ngày trước, con đừng vội tin vào những lời nói dối của ba..”
Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"
Tác giả: Trúc Nguyễn
Đôi chân từng chạy loạt sự kiện lớn, bất ngờ sau 6 tháng phải sống nhờ... chống nạng
(NSMT) - Sống một mình trong căn trọ nhỏ cặp khu dân cư Bình Nhựt, quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ, chàng trai Dương Hữu Nghĩa (32 tuổi, ngụ tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) từng là đôi chân chạy hàng loạt các sự kiện lớn nhỏ ở miền Tây, bất ngờ gặp "bạo bệnh" với di chứng "Viêm hoại tử chỏm xương đùi", khiến việc đi lại với anh giờ đây trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Khi mẹ là cô giáo
Chiến tranh kết thúc, mẹ tôi rời quân ngũ về làng rồi trở thành cô giáo. Làm con của cô giáo khiến tuổi thơ của tôi nhà cũng là trường mà trường cũng là nhà. Áp lực phải học giỏi, phải ngoan vì là con của cô giáo khiến tôi nhiều phen không còn là một đứa trẻ.
Cà Mau: Khởi công Dự án di tích lịch sử chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là hơn 100 tỷ
(NSMT) - Ngày 19/11, tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi công xây dựng Dự án di tích lịch sử chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là được xếp hạng Di tích quốc gia ở huyện Đầm Dơi. Tham dự chương trình có ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cùng lãnh đạo và nhân dân địa phương.
Vì sao 19/11 được chọn làm Ngày Quốc tế Nam giới?
(NSMT) - Ngày Quốc tế Nam giới (còn gọi là Ngày Quốc tế Đàn ông) diễn ra vào ngày 19/11 hàng năm, là dịp quan trọng để tôn vinh những đóng góp của phái mạnh đối với xã hội và gia đình, đồng thời nâng cao nhận thức về các vấn đề sức khỏe, tâm lý và xã hội mà nam giới đang phải đối mặt. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ý nghĩa của ngày lễ, những lời chúc ý nghĩa dành tặng nam giới và những món quà đặc biệt dành cho bạn trai trong dịp này.
Cha mẹ hướng con học 4 ngành này ra trường không lo thất nghiệp
Những ngành học này không chỉ đáp ứng nhu cầu nhân lực hiện tại mà còn hứa hẹn cơ hội việc làm rộng mở trong tương lai.
Vĩnh Long: Khai mạc Liên hoan Gia đình tài tử và Liên hoan Tiếng hát thanh niên Kinh - Hoa – Khmer
(NSMT) - Tối 17/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long phối hợp UBND huyện Mang Thít tổ chức khai mạc Liên hoan Gia đình tài tử và Liên hoan Tiếng hát thanh niên Kinh - Hoa - Khmer tỉnh Vĩnh Long năm 2024.
Uốn nắn con từ lời ăn, tiếng nói
Hiện nay, tình trạng trẻ vị thành niên nói tục, chửi thề, sử dụng tiếng lóng thiếu lành mạnh trong giao tiếp diễn ra khá phổ biến, gây không ít hệ lụy. Phụ huynh cần quan tâm uốn nắn, giáo dục con sửa đổi kịp thời những hành vi xấu…