Văn hóa

Luôn giữ truyền thống gia đình

Chủ nhật, 09/07/2023, 12:03 PM

Không ngờ ở ấp Hoà Ðức, xã Tân Ðức, huyện Ðầm Dơi, tỉnh Cà Mau có nhiều người tên Hận lại cùng thứ Tư. Và sau không ít lần lộn địa chỉ, chúng tôi cũng tìm được nhà ông Út Hận (Nguyễn Quốc Hận, cán bộ hưu trí).

“Người ta gọi tôi là Tư Hận vì tôi chỉ có 3 anh em ruột, còn gọi Út Hận vì trong gia đình tôi là con út. Lúc đầu, tôi quên nói chú mày có hỏi đường thì nói tìm Út Hận thì sẽ dễ dàng hơn, còn nói tìm Tư Hận thì xóm này có đến mấy người nên lộn địa chỉ cũng phải thôi”.

Ông Út Hận cười xoà, đón chúng tôi vào nhà rồi nhanh nhảu đi lấy cuốn sách có tựa đề “Ngày ấy đã lùi xa” của tác giả Nguyễn Hải Tùng và lật từng trang để tìm kiếm thông tin gì đó. Song, lật hết cuốn sách, ông tặc lưỡi: “Cuộc đời hoạt động cách mạng của ba tôi có lẽ không dài lắm nên rất ít thông tin tài liệu nói về ông ấy. Tôi nhớ có lần đọc trong cuốn sách “Ngày ấy đã lùi xa” này, có một đoạn tác giả nhắc về ba tôi nhưng sao bây giờ tìm lại không thấy. Có thể là trong cuốn sách khác mà lâu quá tôi không nhớ nổi”.

Vẻ đăm chiêu, ông Út Hận tâm tình: "Tháng 6/1958 ba tôi hy sinh thì đến tháng 10/1958 tôi mới chào đời, nên những gì tôi biết về ba chỉ nghe qua lời kể của mẹ. Ba tôi (Liệt sĩ Nguyễn Tạo - PV) sinh năm 1919, trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở tỉnh Nghệ An".

Di ảnh Liệt sĩ Nguyễn Tạo.

Di ảnh Liệt sĩ Nguyễn Tạo.

Theo lời kể của ông Út Hận, 2 năm đầu vào Nam, đồng chí Nguyễn Tạo hoạt động ở Nhà Dây thép Sài Gòn. Khoảng năm 1947, ông xuống Bạc Liêu thành lập Ban Giáo dục (với chức vụ Phó ban). Ông là một trong những người tiên phong vận động phong trào bình dân học vụ ở phía Nam, hưởng ứng theo chiến dịch “Chống nạn mù chữ”, vì “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, vào ngày 3/9/1945, tại Hà Nội.

Ở Bạc Liêu một thời gian ngắn, đồng chí Nguyễn Tạo đến hoạt động tại Cà Mau và điểm đến thường xuyên là huyện Ðầm Dơi, với nhiệm vụ công tác chủ yếu là phát triển giáo dục. Tại đây, ông đã quen biết và kết nghĩa vợ chồng với bà Dương Thị Mùi, người con của xã Tân Ðức. Họ có với nhau 3 người con, gồm Nguyễn Phùng, Nguyễn Thu Mai và Nguyễn Quốc Hận.

Tháng 6/1958, đồng chí Nguyễn Tạo đang họp chi bộ tại Nhà Cũ (nay thuộc xã Quách Phẩm Bắc, huyện Ðầm Dơi) thì bị địch giả dạng thường dân bao vây (do có chỉ điểm của bọn tay sai). Các đồng chí trong cuộc họp đã nhanh chân chạy thoát, còn đồng chí Nguyễn Tạo thì bị vây bắt. Biết ông là dân trí thức nên quận trưởng Ðầm Dơi đã ra lệnh cho binh lính phải bắt sống, hòng chiêu dụ ông quy hàng, nhưng ông đã bắn trả và hy sinh. Bà con trong vùng kháng chiến đưa thi thể ông ra Cà Mau biểu tình chống đối, dấy lên phong trào đấu tranh Nhân dân dữ dội. Sau đó, thi thể ông được bà con an táng ở phần đất gần nơi ông hy sinh. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, hài cốt của ông được quy tập về Nghĩa trang Năm Căn.

Tóm tắt tiểu sử của Liệt sĩ Nguyễn Tạo được đặt tại phòng truyền thống của Trường Tiểu học Nguyễn Tạo.

Tóm tắt tiểu sử của Liệt sĩ Nguyễn Tạo được đặt tại phòng truyền thống của Trường Tiểu học Nguyễn Tạo.

Tiếp nối bước đường hoạt động cách mạng vẻ vang của ba mình, năm 1962, lúc mới 14 tuổi, ông Nguyễn Phùng đã tham gia hoạt động ở Ðoàn Văn Công Cà Mau. Sau đó, ông được tổ chức cho đi học ở Trường Trung học kháng chiến Ninh Bình. Năm 1967, ông Phùng ra trường và về công tác tại Ban Binh vận Cà Mau. Năm 1969, ông được điều đi tăng cường hoạt động ở tỉnh Vĩnh Long. Trong một lần cùng đơn vị đi phát loa tuyên truyền thì bị địch pháo kích, ông Nguyễn Phùng đã hy sinh ở độ tuổi 21.

Thời điểm anh trai hy sinh, ông Út Hận đang học phổ thông ở Trường Lý Tự Trọng do Khu uỷ Khu Tây Nam Bộ chủ trương xây dựng để dạy văn hoá cấp 1, 2 trong vùng căn cứ kháng chiến cho con em của khu và của tỉnh. Ðến năm 1973, Út Hận được tuyển chọn đưa đi học trường thiếu sinh quân, nhưng nghĩ rằng anh trai mới hy sinh không lâu, chị gái lại có gia đình riêng, một mình mẹ già đơn chiếc không người chăm sóc... nên Út Hận đã cùng mẹ trở về quê ngoại ở Tân Ðức và tiếp tục học bổ túc sư phạm.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ông Út Hận tham gia công tác Ðoàn ở địa phương, được kết nạp đảng viên vào năm 1983. Năm 1984, ông về công tác ở huyện Ðầm Dơi, kinh qua các nhiệm vụ: Phó phòng Thống kê, Phó ban Kế hoạch - Thống kê, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện... Ðến năm 2018, ông Út Hận nghỉ hưu trở về quê cùng với vợ lao động sản xuất trên phần đất hơn 40 công của gia đình, tạo nguồn kinh tế để chăm lo mẹ già và nuôi dạy các con.

Ông Nguyễn Quốc Hận xem lại Bằng Tổ quốc ghi công khi nhắc nhớ về ba mình.

Ông Nguyễn Quốc Hận xem lại Bằng Tổ quốc ghi công khi nhắc nhớ về ba mình.

Cuộc sống hiện tại của ông Út Hận tương đối an nhàn khi các con đều đã trưởng thành và tạo lập gia đình riêng. Song, trong sinh hoạt hàng ngày, ông Út Hận vẫn luôn nghiêm túc giữ gìn phẩm chất của một đảng viên - cán bộ hưu trí. Hơn hết là giữ truyền thống cách mạng của gia đình khi có người cha là Liệt sĩ - Nhà giáo cộng sản mà tên ông đã được vinh danh tại một ngôi trường trong trung tâm nội ô thành phố (Trường Tiểu học Nguyễn Tạo, toạ lạc tại Phường 2, TP Cà Mau); ở trung tâm thị trấn Ðầm Dơi cũng có đoạn đường dài trên 1,4 km được đặt tên Nguyễn Tạo. Mẹ ông Út Hận cũng đã được phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào tháng 9/2014. Và người anh là liệt sĩ cách mạng.

“Tôi luôn trân quý, giữ gìn giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình mình, nên trong cuộc sống thường nhật không ngại giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, sẵn lòng đóng góp vật chất cho địa phương phát triển... Tin rằng thế hệ nối tiếp tôi sẽ phát huy giá trị ấy, bởi từ nhỏ tôi đã giáo dục các con ý thức về lối sống, đạo đức xã hội, giữ phẩm chất tốt đẹp của gia đình mà thế hệ đi trước đã xây dựng và được xã hội tôn vinh”.

Theo Mỹ Pha/ Báo Cà Mau

Xem bài viết gốc tại đây

Sôi nổi các hoạt động tại Lễ hội sen Đồng Tháp

Sôi nổi các hoạt động tại Lễ hội sen Đồng Tháp

(NSMT) - Lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc sen” được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, diễn ra từ ngày 16 – 19/5 tại Quảng trường Văn Miếu, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Rực rỡ sắc màu khai mạc lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ 2

Rực rỡ sắc màu khai mạc lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ 2

(NSMT) - Tối 16/5, tại Quảng trường Văn Miếu, TP. Cao Lãnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức khai mạc Lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc sen”. Lễ hội được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, diễn ra từ ngày 16 – 19/5.

Nữ sinh Nguyễn Huỳnh Hải Lam đăng quang Hoa khôi Trường Đại học Nam Cần Thơ

Nữ sinh Nguyễn Huỳnh Hải Lam đăng quang Hoa khôi Trường Đại học Nam Cần Thơ

(NSMT) – Ngày 16/5, ThS. Nguyễn Nhật Trường – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên & Hỗ trợ doanh nghiệp, Bí thư Đoàn Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết vừa tổ chức thành công đêm chung kết Hội thi Hoa khôi Đại học Nam Cần Thơ lần thứ IX năm 2024.

Con gái Nhà báo Yên Ba:

Con gái Nhà báo Yên Ba: "Cha dùng "chiêu" dụ tôi đọc sách"

Trong bài dự thi Cha và con gái gửi về Gia đình Việt Nam, chị Hoài Anh - con gái nhà báo Yên Ba tiết lộ, niềm yêu thích đọc sách của chị được hình thành từ bé và người "chắp mối" đam mê này không ai khác chính là người bố nổi tiếng.

Dạy trẻ bảo vệ môi trường: Ý thức hôm nay, môi trường sống ngày mai

Dạy trẻ bảo vệ môi trường: Ý thức hôm nay, môi trường sống ngày mai

(NSMT) - Trẻ em là tương lai của thế giới. Việc giáo dục những đứa trẻ về việc bảo vệ môi trường từ nhỏ giúp tạo ra một thế hệ có ý thức hơn về việc duy trì sự cân bằng và bền vững của môi trường. Thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường giúp trẻ em hiểu rằng họ là một phần của một cộng đồng toàn cầu và có trách nhiệm đối với tương lai của trái đất sau này.

Tâm sự của cha ngày con tròn 18

Tâm sự của cha ngày con tròn 18

Tuổi 18, chỉ mong con gái của cha vẫn đủ bản lĩnh, tự tin khi bước vào môi trường mới và vẫn luôn có chí hướng, có tinh thần cầu tiến. Đó là những tâm sự, mong mỏi của một người làm cha gửi con gái yêu.

Thư gửi con gái ngày sinh nhật

Thư gửi con gái ngày sinh nhật

Ngạn ngữ có câu "không ai hiểu con bằng cha”. Hơn ai hết ba hiểu con gái mình. Dù xuất giá theo chồng, toàn tâm toàn ý chăm lo cho trọn chữ "dâu hiền" nhưng trong mắt con vẫn ánh lên niềm hạnh phúc mỗi khi ai đó gọi Nga Nghi. Chỉ vậy thôi với ba đó cũng là niềm hạnh phúc vô bờ con à.