Cốm nổ: Ký ức tuổi thơ
Nhớ một thời công nghệ chưa phát triển, đám trẻ con miền quê chỉ biết mải mê với những trò chơi dân gian và vài ba món bánh dân dã. Cuộc sống ngày càng phát triển, để rồi một ngày nào đó, bắt gặp xe cốm gạo ven đường quê, ký ức tuổi thơ lại ùa về...
“Đùng!”, sau tiếng nổ, những hạt gạo trắng ngần đã thành cốm nóng hôi hổi. Mỗi khi có tiếng nổ ấy, trẻ con trong xóm lại í ớ gọi mẹ để đong gạo nổ cốm. Chúng xếp hàng, mang theo những túi gạo chờ đến lượt mình, nhộn nhịp và đông vui lắm! Để có được mẻ cốm, người ta cho gạo vào quả nổ được thiết kế bằng gang hình trụ tròn hai đầu, tay quay có gắn đồng hồ đo áp suất, đầu còn lại có nắp cài cứng. Sau khi đặt quả nổ lên bếp lửa, người thợ phải liên tục quay đều tay. Công đoạn này đòi hỏi sự nhẫn nại và khéo léo sao cho tay quay vừa đều, vừa nhanh. Vô số hạt gạo con con được tiếp lửa đều qua những vòng quay rồi cũng đến lúc chín căng, mẻ cốm chuẩn bị ra lò. Lúc này, người thợ mang quả nổ rời khỏi bếp lửa, đặt một phần vào túi mành, trong khi chân cẩn thận đạp quả nổ thì tay cầm cây đập lẫy cò trên nắp. Tiếng nổ lớn vang lên, bọn trẻ reo hò thích thú!

Chuẩn bị nổ cốm
Bà Trần Thị Lan Thanh (xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) cho hay: “Hồi đó, vào mùa lúa, nhiều người chèo ghe sống bằng nghề nổ cốm. Vài chục năm trước, đây là món ăn phổ biến của những đứa trẻ vùng quê. Giờ thì hiếm lắm, thỉnh thoảng mới thấy có người nổ cốm. Trẻ con bây giờ ít biết đến món này nhưng những người trung niên khi thấy cốm nổ như được tìm về một thời thơ bé".

Đường được nấu tan đến khi có màu cánh gián đẹp mắt thì sẽ cho vào, trộn đều với cốm
Cốm sau khi nổ xong được cho thêm đường để tạo vị ngọt hoặc mang về nhà ăn bao nhiêu ngào đường bấy nhiêu. Anh Trần Văn Nghĩa (quê An Giang, thợ nổ cốm) chia sẻ: “Công đoạn ngào cốm cũng khá đơn giản. Tôi chọn một cái chảo to, bỏ đường, một ít gừng bào mỏng rồi bắc lên bếp đảo đều cho đường tan thành chất lỏng màu cánh gián.
Sau đó, đổ cốm gạo vào, dùng hai chiếc đũa tre loại to để đảo nhanh, các hạt cốm sẽ được kết dính qua lớp đường, sau đó cho thêm đậu phộng. Cốm đã ngào đường được đổ ra một cái khuôn bằng gỗ với độ dày chừng 3cm, rồi cán đều. Đợi vài phút, khi khối cốm đã kết dính lại và nguội bớt thì lấy dao chia nhỏ để miếng cốm cầm vừa tay người ăn”.

Người thợ ép cốm cho thật chặt, sau đó dùng dao cắt để miếng cốm cầm vừa tay người ăn
Anh Nghĩa gắn bó với nghề nổ cốm gần 20 năm. Hàng ngày, anh cùng vợ là chị Trần Thị Loan chạy ghe len lỏi các kênh, rạch khắp các tỉnh, thành miền Tây sống bằng nghề nổ cốm với thu nhập trên 400.000 đồng/ngày. Dù nghề này bấp bênh, nhiều người bỏ nghề nhưng vợ chồng anh Nghĩa, chị Loan vẫn cố gắng giữ nghề. Chị Loan trải lòng: “Trẻ con bây giờ ít biết đến cốm nổ bởi thị trường có nhiều quà bánh khác. Riêng thế hệ từ 9X trở về trước, thấy nổ cốm là vui lắm, háo hức xin chụp ảnh. Thấy vậy, vợ chồng tôi càng có thêm động lực để gắn bó với nghề”.
Nhớ cốm, nhớ những kỷ niệm tuổi thơ là tâm trạng chung của nhiều người. Nổ cốm đâu chỉ đơn thuần được món ngon mà còn da diết hoài ký ức thời thơ ấu. Để rồi một ngày khi bắt gặp những hình ảnh thân thương ấy, chúng ta không khỏi bồi hồi với hương vị ngày xưa.
Theo Lê Ngọc/ Báo Ấp Bắc
Mua vàng ngày vía Thần Tài nắm kỹ những điều này để hút tài lộc
Mua vàng ngày vía Thần Tài nắm kỹ những điều này để hút tài lộc khi ngày vía Thần Tài năm Ất Tỵ 2025 rơi vào thứ Sáu, ngày 7/2 Dương lịch, ngày làm việc trong tuần.
Có nên mua vàng trước ngày Vía Thần Tài?
Ngày vía Thần Tài nhiều người thường có thói quen đi mua vàng nên thường xảy ra tình trạng chen chúc, giá tăng vọt. Vậy có thể mua vàng trước ngày vía Thần Tài hay không?
Giữ Tết truyền thống trong lòng con trẻ giữa thời đại số hóa
(NSMT) - Nhiều người cứ than thở Tết trong mắt con trẻ bây giờ “nhạt” lắm, chẳng còn háo hức và mong ngóng như xưa…
Tản mạn với làng nghề gạch - gốm trăm năm
Năm 2024, tỉnh Vĩnh Long có một sự kiện quan trọng, tiêu biểu: Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh Tế Xanh lần thứ nhất nhằm tôn vinh nghề gạch - gốm trăm năm tồn tại ở xứ này; qua đó quảng bá thương hiệu, đồng thời bảo tồn, phát huy di sản, kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch, thu hút khách trong và ngoài nước đến với làng nghề độc đáo, hiếm có ở miền Tây Nam Bộ.
Độc đáo Lễ cúng Trăng của đồng bào dân tộc Khmer
(NSMT) - Lễ cúng Trăng là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc, phản ánh nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer Nam Bộ. Với hoạt động đặc trưng là đút cốm dẹp, hay còn gọi là Oóc Om Bóc trong tiếng Khmer, lễ cúng Trăng còn được biết đến rộng rãi với cái tên Lễ Oóc Om Bóc.
Lung linh đêm hội sông Trăng
(NSMT) - Trong khuôn khổ Lễ hội Óoc Om Bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ 6 và Tuần lễ VHTT-DL Sóc Trăng lần thứ nhất năm 2024, tối ngày 12/11, trên đoạn sông Maspero (tên khác là Nguyệt Giang, Sông Trăng), Sở Văn hoá – Thể thao – Du lịch tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thi Lôiprotip (thả Đèn nước), trình diễn Đèn nước và ghe Cà Hâu. Đêm hội có sự góp mặt của 20 đèn nước và 5 ghe Cà Hâu đến từ các chùa trong tỉnh.
Cà Mau: Công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam
(NSMT) - Ngày 12/11, tỉnh Cà Mau tổ chức lễ công bố quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh và khánh thành “Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa Miền Nam”. Buổi lễ được tổ chức vào Tuần lễ cao điểm với các hoạt động tái hiện 200 ngày Sự kiện Tập kết ra Bắc.