Dạy con thông minh cảm xúc mang lại nhiều lợi ích
Khi một trong những đứa trẻ sinh ba 5 tuổi của Supna Shah khó chịu, chúng không giận dữ hay ném đồ chơi. Thay vào đó, chúng sẽ ngồi xuống sàn, nhắm mắt lại và bắt đầu hít thở sâu. Ðây là biểu hiện điển hình của những đứa trẻ thông minh về mặt cảm xúc - điều được đánh giá cao hơn cả chỉ số thông minh (IQ).
Tôi có hai con trai và một con gái, tuy chúng có tính cách khác nhau, nhưng mỗi đứa đều học cách xác định những cảm xúc như thất vọng, tức giận hoặc sợ hãi và có cách xử lý những cảm xúc đó mà không mất kiểm soát. Chúng thậm chí biết nhận diện cảm xúc ở người khác.” - Shah chia sẻ. Ngay từ khi còn rất nhỏ, Shah đã giúp các con mình trau dồi trí tuệ cảm xúc.
Thông minh cảm xúc (Emotional Intelligence - EI) hay chỉ số cảm xúc (Emotional Quotient - EQ) là khái niệm ngày càng được áp dụng nhiều trong đánh giá trí tuệ cá nhân ở nhiều môi trường khác nhau, như trường học, cộng đồng và nơi làm việc. Khái niệm này xuất hiện từ những năm 1970, nhưng nổi lên vào năm 1996, khi phóng viên khoa học Daniel Goleman xuất bản cuốn sách bán chạy nhất mang tên Emotional Intelligence: Why It Can Matter More Than IQ (tạm dịch: Trí tuệ cảm xúc: Tại sao nó có thể quan trọng hơn IQ).
Tầm quan trọng của EQ trong học đường và cuộc sống
Tại Mỹ, ngày càng có nhiều trường học giúp học sinh trau dồi EQ, bằng cách tích hợp vào chương trình giảng dạy bên cạnh những kỹ năng đọc hiểu, khoa học và toán học. Mục tiêu là giúp trẻ phát triển các kỹ năng giữ bình tĩnh khi tức giận, kết bạn, giải quyết xung đột, đưa ra các lựa chọn hợp đạo đức và an toàn. Các chuyên gia cho biết, dạy trẻ cách nhận ra cảm xúc của mình, xem chúng đến từ đâu và đối phó với chúng là những kỹ năng sống cần thiết. Nhiều nghiên cứu ủng hộ ý tưởng này.
Một phân tích tổng hợp 668 nghiên cứu về các chương trình Học tập cảm xúc-xã hội (SEL) dành cho trẻ em từ mẫu giáo đến trung học của Ðại học Illinois-Chicago (Mỹ) cho thấy, ở những trường kết hợp SEL, có tới 50% học sinh đã cải thiện thành tích học tập nói chung và 38% cải thiện điểm trung bình. Chương trình SEL cũng tác động đến sự an toàn của trường học: Mức độ vi phạm nội quy giảm trung bình 28%, đình chỉ học tập giảm 44%, các biện pháp kỷ luật khác giảm 27%. Trong khi đó, tỷ lệ chuyên cần được cải thiện và 63% học sinh thể hiện hành vi tích cực hơn. EQ cao còn giúp ích cho các em sau khi tốt nghiệp.
Trong cuốn sách của Goleman, ông khẳng định chỉ số IQ chỉ chiếm 20% yếu tố quyết định thành công của một người, 80% còn lại có thể xuất phát từ khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin cảm xúc. Shah, người làm việc trong lĩnh vực nhân sự hơn một thập kỷ, xác nhận tầm quan trọng của EQ cao tại nơi làm việc. Theo cô, những người có EQ cao hơn kiếm nhiều hơn trung bình 29.000 USD/năm và được các nhà tuyển dụng săn đón. “Tôi thấy EQ thực sự là yếu tố dự đoán số 1 về thành công cá nhân” - cô nhấn mạnh.
4 bước giúp trẻ cải thiện EQ
Mặc dù một số trẻ có thể bẩm sinh đã có EQ cao, những trẻ khác có thể cần một chút trợ giúp từ người lớn để phát triển trí tuệ cảm xúc, thông qua 4 bước như sau:
1. Giúp trẻ xác định cảm xúc của mình
Yêu cầu trẻ đặt tên những gì bé đang cảm thấy, chẳng hạn như thất vọng hay sợ hãi. Gọi tên cảm xúc giúp trẻ làm chủ chúng và nhận biết không chỉ cảm giác bản thân mà còn cả cảm giác của người khác. Làm điều này thường xuyên để trẻ hiểu được cảm giác buồn bã hay hạnh phúc là như thế nào.
2. Hãy là một tấm gương tốt
Theo chuyên gia tâm lý Ari S. Yares, người lớn thường không dành thời gian để lắng nghe cảm xúc của chính mình. Nhưng cách tốt nhất để xây dựng EQ là phải nhận thức được cảm xúc của chính mình và thể hiện nó. Hãy kể cho con nghe bạn đang trải qua những cảm xúc khác nhau, chẳng hạn như vui mừng vì bà nội gọi điện hỏi thăm hoặc buồn bã vì hộp trứng rơi xuống sàn.
3. Xây dựng kế hoạch hành động
Một số cảm xúc, như tức giận hoặc sợ hãi, cần có phản ứng nhanh hơn. Theo Shah, giúp trẻ biết phải làm gì khi có những cảm xúc tiêu cực là điều hữu ích, đặc biệt là tìm ra “lối thoát” an toàn cho cảm xúc của chúng. Một số trẻ có thể bình tĩnh lại khi thực hiện các bài tập hít thở sâu, trẻ khác có thể thấy hữu ích khi vẽ hoặc viết mọi thứ ra giấy.
4. Nhận biết người khác đang cảm thấy thế nào
Ðồng cảm là một phần quan trọng của trí tuệ cảm xúc. Ví dụ, nếu một nhân viên thu ngân tại cửa hàng tạp hóa có vẻ nóng nảy hoặc ai đó cắt ngang xe của bạn khi tham gia giao thông, bạn có thể yêu cầu con xác định xem người đó có thể cảm thấy thế nào. “Việc này giúp trẻ hiểu rằng mặc dù ai đó có thể thô lỗ với chúng nhưng chúng có quyền kiểm soát cách phản ứng của mình” - Shah nói. Ðiều đó sẽ giúp con học cách phản ứng trước cảm xúc của người khác.
Hoàng Điểu (Theo Woman’s World) / Báo Cần Thơ
Uốn nắn con từ lời ăn, tiếng nói
Hiện nay, tình trạng trẻ vị thành niên nói tục, chửi thề, sử dụng tiếng lóng thiếu lành mạnh trong giao tiếp diễn ra khá phổ biến, gây không ít hệ lụy. Phụ huynh cần quan tâm uốn nắn, giáo dục con sửa đổi kịp thời những hành vi xấu…
Cùng con vui đọc sách
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhất là mạng internet, khiến cho mạng xã hội, trò chơi điện tử, phim ảnh... ngày càng phổ biến, trở thành những thú vui giải trí đầy hấp dẫn, lấn dần văn hóa đọc ở người trẻ. Ðiều này khiến không ít bậc phụ huyh lo ngại nhưng cũng có nhiều phụ huynh làm gương, kiên trì định hướng để xây dựng thói quen đọc sách cho con.
Bí quyết "5 chữ" dạy 3 con gái thành CEO và giáo sư đại học nổi tiếng thế giới
Gia đình giáo sư Stanley Wojcicki nổi tiếng khi có 3 cô con gái là CEO, giáo sư tài năng, nổi tiếng. Điều này xuất phát từ phương pháp dạy con đặc biệt gồm 5 chữ của ông và vợ.
4 điều về già tuyệt đối không nói với con nhất là chuyện tài sản
Cha mẹ có nhiều điều để nói nhưng có 4 điều về già tuyệt đối không nói với con trong đó quan trọng nhất là chuyện phân chia tài sản khi nói ra dễ sinh vấn đề.
Trẻ thích làm việc nhà ít thất nghiệp, hạnh phúc hơn trong tương lai
Một trong những cách hiệu quả để phát triển kỹ năng sống và tạo dựng nhân cách cho trẻ chính là khuyến khích các bé làm những việc nhỏ, ví dụ như một số việc nhà đơn giản.
Nêu gương sáng cho con
Những năm đầu đời, trẻ có khả năng học hỏi rất nhanh. Trẻ thường xuyên tiếp xúc với ba mẹ và có khả năng bắt chước những biểu hiện, lời nói, cử chỉ, thậm chí là cảm xúc tích cực và tiêu cực từ ba mẹ. Do vậy, tính cách của con trẻ phần lớn phụ thuộc vào sự dạy bảo, rèn giũa của cha mẹ. Có rất nhiều phương pháp giáo dục trẻ nhỏ và một trong những phương pháp tốt là sự gương mẫu của đấng sinh thành.
5 thói quen phải uốn nắn cho con trước 6 tuổi, sau tuổi này muốn dạy cũng khó
Những thói quen xấu của trẻ nếu không được chỉnh sửa, uốn nắn ngay từ khi còn nhỏ có thể hủy hoại tương lai của trẻ, cản trở khả năng giao tiếp và các mối quan hệ xã hội.