Nếp nhà

Gia đình là nơi để sẻ chia, thấu hiểu và yêu thương

Thứ tư, 27/04/2022, 16:19 PM

(NSMT) - Mới đây, một đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn tại tỉnh Quảng Nam lan truyền trên mạng xã hội đã nhanh chóng gây sốt. Gây sốt vì sau một số sự việc đau lòng gần đây liên quan đến sự thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái, thì chủ đề này đã nói trúng được vấn đề cả xã hội quan tâm.

Từ một đề thi

Xin được trích nguyên văn đề thi gây sốt như sau:

“Trong bộ phim “Repply 1988” sau những ứng xử thiếu tinh tế đối với cô con gái tên Duk Sun, người bố giãi bày: Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố.

Trong bài viết: “Nếu ba mẹ lỡ không may đi xa lạc mình, hãy chỉ đường, hướng dẫn, kéo tay ba mẹ với nhé!”, nhà báo Trần Thu Hà chia sẻ: Mẹ tuy nhiều tuổi hơn nhưng về việc làm mẹ, mẹ cũng chỉ bằng tuổi con. Con lúng túng, mẹ cũng lúng túng; con sai lầm, mẹ cũng sai lầm. Con thất vọng về mẹ có khi còn ít hơn mẹ thất vọng về chính mình nữa.

Từ những lời tâm sự trên, em hãy trình bày suy nghĩ về vấn đề: sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ".

Đọc đề bài, nhiều người làm cha, làm mẹ đã giật mình nhìn lại, sao mà giống với bản thân mình đến thế! Vâng, dù yêu thương con hết mực, luôn mong muốn điều tốt đẹp nhất cho con nhưng chắc không nhiều người dám nhận rằng mình đã làm cha, làm mẹ một cách hoàn hảo.

Sự không hoàn hảo đó có nhiều nguyên nhân. Không ai từng có kinh nghiệm làm cha, làm mẹ khi vừa sinh ra một đứa con, như câu nhân vật trong bộ phim đã nói. Cho nên chúng ta vừa làm cha, làm mẹ vừa tự rút kinh nghiệm. Không phải cứ là người lớn thì luôn đúng nên cha mẹ cũng phải biết khắc phục những cái sai trong dạy dỗ, ứng xử với con để làm tròn bổn phận mình hơn.

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, không thể nhìn vào cách chăm sóc con của nhà này đem so sánh với nhà kia. Bản tính, nhu cầu của mỗi người con cũng không giống nhau nên sự uốn nắn, chỉ dạy như thế nào lại càng không thể giống nhau được. Cha mẹ luôn muốn tốt cho con, nhưng tốt cho con trong suy nghĩ của cha mẹ chưa chắc là tốt cho con theo chính suy nghĩ của những đứa con… “Con thất vọng về mẹ có khi còn ít hơn mẹ thất vọng về chính mình nữa”, nhiều người cha, người mẹ vẫn tự nhận ra mình chưa làm tốt vai trò của mình nên sự chia sẻ của con cái đối với cha mẹ vẫn rất cần! Cha mẹ đã sai gì, con cần cha mẹ như thế nào, đó là những câu hỏi mà người lớn đôi khi phải hỏi con mình để biết lắng nghe, thấu hiểu…

Một tiết mục văn nghệ trong Ngày hội gia đình kỉ niệm ngày gia đình Việt Nam 28/6 do Ban chỉ đạo công tác gia đình tỉnh tổ chức. Ảnh: C.T

Một tiết mục văn nghệ trong Ngày hội gia đình kỉ niệm ngày gia đình Việt Nam 28/6 do Ban chỉ đạo công tác gia đình tỉnh tổ chức. Ảnh: C.T

Thấu hiểu để yêu thương

Người này phải biết đặt mình vào vị trí của người kia mới có sự thấu hiểu để sẻ chia với nhau. Bắt đầu từ mối quan hệ vợ chồng. Nhiều cặp đôi khi yêu nhau rất ngọt ngào, lãng mạn nhưng khi về chung nhà thì rạn nứt dần xảy ra. Vì khi yêu nhau, người ta chỉ nhìn thấy những mặt tốt đẹp của đối phương, còn những khiếm khuyết luôn được giấu đi hoặc xí xóa. Khi về chung nhà thì ưu, nhược của mỗi người đều dần “lộ diện”.

Chưa nói cuộc sống với những tất bật lo toan sẽ khác hoàn toàn với thời yêu đương. Một người chồng cho phép mình được quyền giao lưu, vui vẻ bên ngoài để vợ đầu tắt mặt tối với việc nhà thì khó đòi hỏi được vợ mình mềm mỏng, dịu dàng. Khó có thể làm một người vợ chu toàn (về thể xác lẫn tâm hồn) nếu cơ thể rã rời, mỏi mệt. Đồng vợ đồng chồng từ trong suy nghĩ đến hành động mới mong tạo một mái ấm gia đình hạnh phúc. Ngược lại, nếu người chồng đã lu bù với công việc kiếm tiền mà suốt ngày vợ cứ càm ràm chuyện tiền bạc, vòi vĩnh những nhu cầu quá đáng thì cũng không anh chồng nào chịu thấu. Cứ đặt mình vào vị trí người kia, tự khắc sẽ thấu hiểu cho nhau.

“Chị A., anh B. thương con không đúng cách”, chúng ta thường nghe mọi người đánh giá về cách lo cho con của người nọ, người kia kiểu như vậy. Thực tế, không có một khuôn mẫu cụ thể nào để ấn định rằng người nọ thương con như vậy là đúng, người kia thương con như thế là sai. “Mỗi nhà mỗi cảnh”, mỗi người cha mẹ đều có cách ứng xử khác nhau, có khi thì theo khuôn mẫu truyền thống, cha mẹ lo mình thế nào thì mình lo lại cho con thế đó, nhưng có khi tùy thuộc hoàn cảnh, điều kiện thực tế nữa.

Rồi những người cha, người mẹ lớn tuổi ở chung với con cháu, đây luôn là câu chuyện dài tập. Bởi khác thế hệ thì từ suy nghĩ đến tình cảm, tâm tư, có thể nói khác biệt hoàn toàn. Tuổi già thì cần có người để chuyện trò, tâm sự, còn tuổi trẻ thì luôn với nhịp sống tất bật, ít chịu ngồi lắng nghe. Thế là sống chung một gia đình nhưng sự cô đơn ở người già, cảm giác “người lớn thật phiền hà” trong người trẻ đôi khi có thật. Không ít những người con đã để mẹ cha cô đơn chính trong ngôi nhà đầy ắp tiếng nói cười của trẻ thơ. Cho nên “con chăm cha không bằng bà chăm ông”, người xưa nói không sai, vì chỉ có ông bà chung thế hệ mới thực sự hiểu nhau cần gì.

Gia đình - tổ ấm của mỗi người

Sẻ chia, thấu hiểu là nền tảng để gia đình hạnh phúc. Ảnh: Internet.

Sẻ chia, thấu hiểu là nền tảng để gia đình hạnh phúc. Ảnh: Internet.

“Gia đình là nơi bạn hành động ngu xuẩn nhất nhưng lại được yêu thương nhiều nhất”. Sự yêu thương đó vô điều kiện. Nhưng trong thương yêu, lo lắng mà lại thiếu đi sự đồng cảm, thấu hiểu rất dễ dẫn đến những mâu thuẫn âm ỉ, những khoảng cách vô hình. Câu chuyện những đứa trẻ tự tử vì áp lực học hành vẫn còn làm đau cả xã hội. Cha mẹ luôn muốn tốt cho con nhưng chính con mới là người biết mình đang làm được gì trong khả năng của bản thân. Sự định hướng, bảo ban của cha mẹ là vô cùng cần thiết nhưng đôi khi lại đặt kề với lằn ranh mong manh là sự áp đặt, ràng buộc, thậm chí là bắt buộc con cái theo ý mình. Cùng ngồi lại để cha mẹ hiểu con, con cái chia sẻ suy nghĩ của mình với cha mẹ để tìm ra điểm chung, cần thiết vô cùng!

Có ca khúc hát rằng: “Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình”, mênh mông vì đó là nơi mà tình yêu luôn luôn hiện hữu. Chúng ta dù có vui vẻ với những người mình thích, ngao du khắp những nơi mình say mê nhưng cuối cùng nhà mình mới thật là tổ ấm. Tuy nhiên, chỉ khi ở đó, mọi người tìm thấy sự bình yên, được chở che, yêu thương vô điều kiện thì gia đình mới đúng nghĩa là tổ ấm. Mà để có được thì rất cần sự thấu hiểu, sẻ chia dành cho nhau.

Cẩm Thúy  
Hãy thay bố chăm sóc mẹ khi bố đi xa

Hãy thay bố chăm sóc mẹ khi bố đi xa

(NSMT) - Câu nói cuối cùng của người cha trước khi rời bỏ thế giới khiến chị nhớ mãi. Cha chị vẫn như thế, lo lắng và chu toàn mọi điều đến tận giây phút cuối đời.

Bước qua đổ vỡ

Bước qua đổ vỡ

Khi lập gia đình, ai chẳng mong muốn có được hạnh phúc vững bền. Thế nhưng, vì nhiều yếu tố, không ít chị em phụ nữ phải dừng cuộc hôn nhân, chọn sống đơn thân. Bằng nghị lực, sự tự tin và tình yêu thương con, các chị đã vượt qua nghịch cảnh, xây dựng cuộc sống mới tốt hơn cho mình.

Cha yêu con bằng tình yêu của một người điên

Cha yêu con bằng tình yêu của một người điên

Một người cha không trọn vẹn, không ít lần những lúc điên dại sẵn sàng cầm roi đánh con không xót nhưng khi tâm hồn đó bình yên lại xót xa, chăm bẵm trong tâm thức của một người làm cha. Tình thương đó dù "khuyết tật" nhưng lớn lao, vĩ đại.

Cha cầu mong người đàn ông đó sẽ yêu thương con hơn cha

Cha cầu mong người đàn ông đó sẽ yêu thương con hơn cha

Ngày con rời vòng tay cha mẹ để sánh bước bên người khác, cha lặng lẽ giấu đi những giọt nước mắt trước vẻ bề ngoài cố tỏ ra mạnh mẽ để cầu mong người đàn ông đó sẽ yêu thương con hơn cha đã từng yêu con.

Thiêng liêng khoảnh khắc con gái chào đời

Thiêng liêng khoảnh khắc con gái chào đời

Khoảnh khắc con đến thế gian với niềm hy vọng của cha, tình yêu thương của mẹ khiến những người làm cha, làm mẹ nhớ mãi. Những rung cảm thiêng liêng đó đã được nhiều người cha gửi gắm thông qua cuộc thi viết "Cha và con gái".

Giá trị gắn kết trong từng bữa ăn gia đình

Giá trị gắn kết trong từng bữa ăn gia đình

Cuộc sống của mỗi người vẫn còn lắm những bộn bề, lo toan nhưng khi nhắc về gia đình không ai không khỏi bùi ngùi, xúc động và có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất với mỗi con người vẫn là những bữa cơm gia đình đầy đủ các thành viên.

Nhà thơ, nhà báo Hữu Việt:

Nhà thơ, nhà báo Hữu Việt: "Cha và con gái truyền đi những thông điệp yêu thương của cuộc sống"

Nhà thơ, nhà báo Hữu Việt cho rằng, những câu chuyện ý nghĩa, hấp dẫn từ cuộc thi "Cha và con gái" được kể ra một cách chân thực, sâu sắc sẽ truyền đi những thông điệp yêu thương trong đời sống.