Giá trị đồng quê
Ðứa em tôi đang sống trong tâm dịch TP Hồ Chí Minh đăng trên Facebook hình ảnh bữa cơm kèm dòng trạng thái: “Khổ qua tây Ðầm Dơi xào tôm ngã ba Xóm Ruộng thuộc xứ Ðầm. Ăn kèm cá khô Cà Mau, nhớ quê quẹt nước mắt…”.
Mấy ngày đầu, khi TP Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 16, em ấy đã phải thảng thốt kêu lên trên mạng xã hội: “Ði khắp chợ, siêu thị, tạp hoá, chợ chồm hổm... mà không mua nổi một bó rau, một cọng hành”. Thế là dưới quê nhà, ba mẹ em tức tốc gởi cua, tôm, cá, rau, củ... đủ loại để viện trợ cho con gái. Ước muốn của em giờ chỉ quẩn quanh việc làm sao được trở về với đồng quê, với những gì máu thịt, thân thương nhất của đời mình.
Ngóng về quê nhà, muốn được trở về quê nhà là tâm trạng của hơn 30.000 người Cà Mau xa xứ mưu sinh, đa phần là lao động tự do trong cơn đại dịch Covid-19 bùng phát. Lý do thì chỉ có một, người xa quê muốn trở về nguồn cội, nơi chôn nhau cắt rốn để mà nương náu, tìm chỗ dựa trong lúc nguy nan. Không đâu hơn quê nhà, không chỗ nào bằng nhà mình, giờ thì những người xa quê đã rất thấm thía điều giản dị ấy. Và nữa, quê hương Cà Mau vẫn là vùng xanh khá an toàn trước đại dịch.

Ðồng quê bình yên, trù phú, bao dung đang chờ đón những người con xa xứ trở về, để khai phá tiềm năng, xây dựng tương lai.
Ðến lúc này, những người cực đoan lên tiếng. Lý lẽ của họ rằng, trong dòng người quyết chí đổ xô đi kiếm tìm cơ hội đổi đời ở nơi khác, có không ít người đã quay lại chê bai, rẻ rúng chính quê hương mình. Nhiều người dứt khoát nói rằng phải ở chỗ khác mới có cơ may phát triển, còn ở quê thì vẫn mãi nghèo khó. Ðể rồi khi dịch giã bùng lên, hết phương cầm cự, chính những người muốn chối bỏ quê hương quyết liệt nhất lại là những người tha thiết nhất, khẩn cầu nhất để được trở về quê nhà. Ðời đâu có cái lý nào như thế ấy!
Khoan hãy bàn chuyện đúng sai. Bởi trong cơn hoạn nạn lần này, dịch Covid-19 không chỉ là chuyện âm tính, dương tính, số ca bệnh, mà dịch bệnh còn là thuốc thử để thấu tỏ lòng người. Chuyện một anh thợ hồ lội bộ 4 ngày từ Bình Phước về Cà Mau đã lấy nước mắt của không ít người. Vậy thì khắt khe, bắt bẻ làm gì với những người Cà Mau tha hương đang khốn cùng vì dịch bệnh? Và chắc rằng, những người cực đoan chỉ là một phần rất nhỏ thôi, còn tấm lòng quê hương Cà Mau lúc nào mà không bao dung, nhân hậu. Cũng có thể, họ nói cho đã nư, bõ tức đó, để rồi lại chính là những người hăng hái nhất thể hiện tình nghĩa đồng hương. Chuyện bao đời qua ở quê mình vẫn thế...
Má tôi ở quê chống dịch khá nhàn nhã. Những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 không làm thay đổi nhiều nếp sống của má. Cá, tôm có sẵn dưới vuông, rau sau vườn, nhà một mình, miễn tiếp khách. Những thứ thiết yếu khác thì có tiệm tạp hoá đến giao hàng tận nơi. Hàng hoá đem tới để ở đầu ngõ, tiền bạc để đó tính sau vì là mối quen lâu nay. Tuổi già, má cũng không có nhu cầu đi đâu. Rảnh thì nghe radio, xem tivi. Còn phần nhiều thì quẩn quanh ở khoảng vườn, miếng vuông.
Trong khi nhiều lĩnh vực ngưng hoạt động, má tôi cùng những nông dân thôn quê Cà Mau vẫn lao động sản xuất. Nhiều thì đem bán, ít để tự sinh hoạt, nhưng không có bất cứ biến động lớn nào trong đời sống vì dịch bệnh. Bất quá thì giá bán nông sản rẻ hơn một chút, thu về ít hơn một chút, nhưng vẫn đều đặn. Lối sống mà nhiều người trước đây coi là tiểu nông, tự sản tự tiêu, hoá ra lại đầy ưu điểm trong hoàn cảnh dịch bệnh. Tất nhiên chỉ là ở phương diện an toàn thôi. Nhưng an toàn, nhàn nhã, vô ưu, vô lo giờ lại là cái đáng trân quý nhất mà thời điểm này nhiều người tìm kiếm. Một cuộc sống đáng mơ ước trong bối cảnh đại dịch hoành hành.
Chắc chắn khi cơn đại dịch qua đi, nhiều người trong những người trở về sẽ có suy nghĩ khác, với quê hương và với chính đời mình. Họ lại ra đi hay chọn ở lại? Họ có thấy những người ở lại, chí ít cũng có cuộc sống vững vàng, một số đã vươn lên làm giàu từ chính quê cha, đất tổ. Họ có thương những ông già bà cả phải ở lại chốn quê mùa, sống đời nông dân dãi nắng dầm mưa làm thay việc của thanh niên trai tráng? Họ có nghĩ về những đứa con do họ sinh ra, bỏ mặc lại cho những ông già bà cả ấy gánh luôn phần làm cha mẹ? Họ có nhận ra rằng, trong những chuyến tha hương, phần họ đem về đâu chỉ là tiền bạc dư dật, đời sống phồn hoa, mà đâu đó còn có cả những ê chề, nhức nhối...
Ðại dịch cũng như bất cứ thử thách khốc liệt nào sẽ có những bài học đắt giá, khiến người ta vỡ ra nhiều thứ. Giá trị đồng quê không chỉ là nơi để trở về. Rất có thể, sau khi đại dịch qua đi, xu hướng ở lại quê hương sẽ là lựa chọn của không ít người. Quê hương, thật bất ngờ, sẽ lại chính là nơi nhiều người tìm kiếm cuộc đổi đời mới, tương lai mới. Nhiều người chắc sẽ tiếc nuối quãng thời gian mình đã lãng phí, mà giờ đây, họ phải bắt tay làm lại từ đầu.
Không thể chối bỏ những hằng số cơ bản của văn hoá Việt Nam là nông dân, nông thôn và nông nghiệp. Ðó là bệ đỡ ngàn đời qua, hôm nay và còn là cả tương lai nữa. Trong một nhận thức đúng đắn, đất nước ta đang đi lên, giàu mạnh lên từ việc nâng chất những hằng số ấy để phù hợp với xu thế thời đại. Làm những gì mình giỏi nhất, hiểu nhất, gắn bó lâu nhất với tâm thái an yên cũng là một lựa chọn rất đáng để cân nhắc. Và đồng quê đang chờ những người con trở về không chỉ để nương náu, mà là để chung sức khai phá ngày mai...
Theo Phạm Hải Nguyên (Báo Cà Mau)
Mua vàng ngày vía Thần Tài nắm kỹ những điều này để hút tài lộc
Mua vàng ngày vía Thần Tài nắm kỹ những điều này để hút tài lộc khi ngày vía Thần Tài năm Ất Tỵ 2025 rơi vào thứ Sáu, ngày 7/2 Dương lịch, ngày làm việc trong tuần.
Có nên mua vàng trước ngày Vía Thần Tài?
Ngày vía Thần Tài nhiều người thường có thói quen đi mua vàng nên thường xảy ra tình trạng chen chúc, giá tăng vọt. Vậy có thể mua vàng trước ngày vía Thần Tài hay không?
Giữ Tết truyền thống trong lòng con trẻ giữa thời đại số hóa
(NSMT) - Nhiều người cứ than thở Tết trong mắt con trẻ bây giờ “nhạt” lắm, chẳng còn háo hức và mong ngóng như xưa…
Tản mạn với làng nghề gạch - gốm trăm năm
Năm 2024, tỉnh Vĩnh Long có một sự kiện quan trọng, tiêu biểu: Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh Tế Xanh lần thứ nhất nhằm tôn vinh nghề gạch - gốm trăm năm tồn tại ở xứ này; qua đó quảng bá thương hiệu, đồng thời bảo tồn, phát huy di sản, kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch, thu hút khách trong và ngoài nước đến với làng nghề độc đáo, hiếm có ở miền Tây Nam Bộ.
Độc đáo Lễ cúng Trăng của đồng bào dân tộc Khmer
(NSMT) - Lễ cúng Trăng là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc, phản ánh nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer Nam Bộ. Với hoạt động đặc trưng là đút cốm dẹp, hay còn gọi là Oóc Om Bóc trong tiếng Khmer, lễ cúng Trăng còn được biết đến rộng rãi với cái tên Lễ Oóc Om Bóc.
Lung linh đêm hội sông Trăng
(NSMT) - Trong khuôn khổ Lễ hội Óoc Om Bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ 6 và Tuần lễ VHTT-DL Sóc Trăng lần thứ nhất năm 2024, tối ngày 12/11, trên đoạn sông Maspero (tên khác là Nguyệt Giang, Sông Trăng), Sở Văn hoá – Thể thao – Du lịch tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thi Lôiprotip (thả Đèn nước), trình diễn Đèn nước và ghe Cà Hâu. Đêm hội có sự góp mặt của 20 đèn nước và 5 ghe Cà Hâu đến từ các chùa trong tỉnh.
Cà Mau: Công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam
(NSMT) - Ngày 12/11, tỉnh Cà Mau tổ chức lễ công bố quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh và khánh thành “Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa Miền Nam”. Buổi lễ được tổ chức vào Tuần lễ cao điểm với các hoạt động tái hiện 200 ngày Sự kiện Tập kết ra Bắc.