Người dân đổ xô mua vàng khi giá lập đỉnh: Chuyên gia tài chính nói gì?
Giá vàng liên tục phá đỉnh và đạt ngưỡng cao chưa từng có nhưng nhiều người dân vẫn đổ xô đi mua vàng. Trước sự việc này, chuyên gia tài chính lên tiếng lý giải.
Mua vàng như thời “bao cấp”
Những ngày vừa qua, giá vàng thế giới khiến nhiều người bất ngờ khi lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 2.600 USD/ounce - mức giá chưa từng có trong lịch sử. Giá vàng miếng trong nước cũng theo đà tăng của giá vàng thế giới để đạt ngưỡng 85 triệu đồng/lượng.
Đáng chú ý, giá vàng tăng cao, liên tục thiết lập kỷ lục mới nhưng người dân vẫn đổ xô đi mua vàng.
Thậm chí để có thể sở hữu được những chỉ vàng, người dân phải “canh” giờ xếp hàng và cửa hàng bán nhỏ giọt hơn cả thời “bao cấp”.
Chiều 8/10, có mặt tại phố vàng Trần Nhân Tông - Hai Bà Trưng (Hà Nội), dòng người xếp hàng dài tại một cửa hàng bán vàng nhẫn. Tuy nhiên, chỉ sau 5 phút phát 60 phiếu mua vàng, cửa hàng đã thông báo hết lượt bán vàng trong ngày. Thế nhưng, những người may mắn được xếp hàng vào mua nhưng mỗi người cũng chỉ được mua 2 chỉ vàng.
Bà Nguyễn Hoa (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, bản thân tích cóp được ít tiền, cộng thêm tiền từ con cái biếu nên bà quyết định mua vàng để tích trữ cho yên tâm. Tuy nhiên, sống nhiều năm tại Hà Nội, bà chưa bao giờ nghĩ việc mua vàng lại khó khăn đến vậy.
"Trước đây mua bao nhiêu vàng cũng được nhưng bây giờ phải mất 1 tuần canh giờ xếp hàng mới có cơ hội mua được 2 chỉ vàng. Hôm nay tôi mua vàng cũng chưa lấy được luôn, mà nhận giấy hẹn 2 tuần sau lấy. Như hôm nay, cửa hàng còn không có vàng để hẹn”, bà Hoa chia sẻ.
Vì sao giá vàng liên tục nhảy múa?
Ông Đỗ Tiến Vượng - Phó chủ tịch Viện Đào tạo và Chuyển giao công nghệ V-Connect, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tư vấn Tài chính doanh nghiệp Việt Nam (CFC Vietnam) cho biết, công bố mới đây của Tổng cục thống kê cho thấy 9 tháng đầu năm 2024, giá vàng đã tăng 126,27% so với 9 tháng đầu năm 2023.
Theo chuyên gia tài chính này, vàng không có nhiều chức năng tiền tệ mà có chức năng tích trữ và đầu tư. Do vậy, sự tăng giảm của vàng dựa trên nhu cầu tích trữ và đầu tư.
“Giá vàng tại Việt Nam tăng mạnh hơn thế giới trong thời gian qua do nhu cầu tích trữ và người ta muốn tích trữ khi nhận thấy những tài sản khác không an toàn bằng (chứng khoán trồi sụt, BĐS chưa ổn định, kinh tế đang giai đoạn dò qua đáy).
Khi lo ngại về rủi ro kinh tế và chính trị gia tăng, người dân và nhà đầu tư trong nước có xu hướng mua vàng, làm tăng giá nội địa”, ông Vượng cho hay.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát nguồn cung vàng thông qua việc hạn chế nhập khẩu để bảo vệ dự trữ ngoại hối, dẫn đến chênh lệch cung cầu, khiến giá trong nước cao hơn giá quốc tế. Việc này phản ánh chiến lược bảo vệ đồng tiền và thị trường tài chính, nhưng cũng làm giá vàng trong nước trở nên đắt hơn.
“Nên theo tôi việc giá vàng Việt Nam cao hơn thế giới là hệ quả tự nhiên của chính sách kinh tế và các biến động quốc tế đang diễn ra”, Giám đốc CFC Vietnam nói.
Vàng là nơi gửi gắm niềm tin
Theo doanh nhân Đỗ Tiến Vượng, việc người dân đổ xô, xếp hàng để chờ mua vàng dù giá vàng tăng cao, ở mức đỉnh là điều dễ hiểu.
Đặc biệt, Việt Nam có lịch sử và truyền thống tích trữ vàng cho yên tâm, khi các vụ lừa đảo bằng công nghệ dẫn tới gửi tiền ở ngân hàng cũng có rủi ro thì tâm lý truyền thống mình tự giữ tài sản của mình là điều hiển nhiên.
“Tôi không cho rằng khi người dân mua vàng nhiều dù giá vàng tăng có nghĩa tài chính họ quá dư dả mà thể hiện tâm lý tài chính của họ khá thận trọng và ưu tiên tính an toàn, ổn định.
Điều này cũng phản ánh một thực tế là người dân Việt Nam vẫn có tâm lý tích lũy tài sản dưới dạng vật chất, đặc biệt là vàng, để bảo vệ giá trị tài sản trong bối cảnh biến động kinh tế và rủi ro lạm phát”, ông Vượng nói.
Thêm nữa, việc chỉ tập trung vào vàng mà không tìm hiểu các kênh đầu tư khác cũng có thể thể hiện sự thiếu ổn định với kiến thức về đầu tư và tài chính. Người dân có thể chưa có đủ kiến thức tự tin về tài chính để đầu tư vào các kênh khác như chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ, ...
Bên cạnh đó, khi vàng tăng mạnh lại tạo ra hiệu ứng tâm lý là nhiều người dân và nhà đầu tư bị kích thích tâm lý tích sản, tức là mua vàng để tích trữ tài sản với kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.
“Khi giá vàng tăng cao, dù đã ở mức đỉnh, người dân lại có tâm lý nếu hôm nay không mua thì ngày mai giá sẽ tăng tiếp, mua sẽ bị đắt.
Đồng thời, việc nhiều dự báo cho rằng giá vàng thế giới sẽ lên tới 3.000 USD/ouce càng khiến nhiều người tin vàng trong nước tiếp tục tăng theo và càng đổ xô mua”, ông Đỗ Tiến Vượng chia sẻ.
Cà Mau: Mô hình sản xuất hiệu quả từ việc nuôi chồn hương
(NSMT) - Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đã triển khai thực hiện mô hình nuôi chồn hương, mở ra hướng đi mới cho người dân, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương.
Rộ dịch vụ cho thuê vàng cưới trong thời giá vàng "lập đỉnh"
Giá vàng liên tục tăng đã tạo điều kiện cho dịch vụ thuê vàng cưới ra đời và phát triển rầm rộ. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái chiều về sự việc này.
Thành tựu mới từ lá khóm tạo ra cellulose
Hậu Giang có vùng trồng khóm (dứa) bạt ngàn. Tiếp sau trái khóm vàng óng, thơm ngon, kết quả công trình nghiên cứu công nghệ ứng dụng từ lá khóm tạo được nguồn vật liệu mới, công dụng tuyệt vời.
Làm giàu nhờ trồng mãng cầu xiêm
Theo chia sẻ của anh Phan Thanh Xuyên ở ấp Thới Bình, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, sở dĩ anh chọn cây mãng cầu xiêm để “đổi đời” là vì đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc; trái và các sản phẩm chế biến từ trái mãng cầu xiêm chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, được người tiêu dùng ưa chuộng. Anh đã quyết tâm thuê đất để trồng loại cây mà anh tin tưởng là sẽ giúp vực dậy kinh tế gia đình. Hiện tại, với 7 công mãng cầu xiêm, anh có thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.
Xóm trầu Vĩnh Lộc
Ít ai biết rằng, tại ấp Vĩnh Lộc xã Vĩnh Thạnh, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) vẫn còn những vườn trầu nép mình bên dòng sông Cái Bé. Vườn trầu cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình các mẹ, các chị. Tảo tần với vườn trầu cũng là cách người dân Vĩnh Lộc giữ lại hình ảnh một góc quê yên bình của vùng đất này.
Cái Đôi Vàm vào mùa khô tết
(NSMT) - Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết cổ truyền của dân tộc. Vào thời điểm này, làng nghề sản xuất cá khô biển thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân lại tất bật vào vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đang tập trung đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng cá khô đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.