"Người hùng khiếm thị" Huỳnh Hữu Cảnh kiến tạo kỳ tích Half Marathon
(NSMT) - Không ai muốn chạm đáy trũng cuộc đời, nhưng chính vô vàn khó khăn và thử thách đó sẽ tôi rèn dũng khí đương đầu với nghịch cảnh, tạo nên những người hùng giữa đời thường. Như, anh Huỳnh Hữu Cảnh - “người hùng khiếm thị” đã vượt qua rào cản tối tăm để kiến tạo kỳ tích half marathon trên đường chạy tưởng chừng như không thể.
Chân chạy khiếm thị kiến tạo kỳ tích cự ly 21km
Bức rèm tối tăm buông xuống, vĩnh viễn đóng chặt nguồn sáng nơi đôi mắt anh Huỳnh Hữu Cảnh (ngụ xã Thạnh Trị, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) từ năm lên 8 tuổi. Trong một lần đi chơi, anh và người em họ lượm được quả bom cũ. Hai anh em định đập bỏ lớp đất để lấy sắt vụn bán ve chai thì quả bom phát nổ. Em họ tử vong tại chỗ, còn anh chịu cảnh mù lòa, chìm đắm trong cảm giác hụt hẫng và ám ảnh hãi hùng suốt mấy năm trời. Song, viễn cảnh tai ương ấy không lấy đi trong anh hết thảy nghị lực sống, sự bền chí kiên tâm và quyết lòng "chọn sống một cuộc đời khác hơn, thoát khỏi vũng lầy tăm tối để vươn mình tích cực, lạc quan và truyền cảm hứng tốt đẹp đến những người xung quanh”.
Từ tấm bằng loại giỏi ngành giáo dục đặc biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, hoàn thành chương trình thạc sĩ 2 năm ở Úc trong chương trình “Úc cùng Việt Nam phát triển Nguồn nhân lực” (thuộc Chương trình Hợp tác Phát triển Úc - Việt Nam) cho đến giấc mơ marathon tưởng chừng hoang đường trong mắt nhiều người. Như anh kể, “Chính những vết tích đau thương, rào cản đã thách thức và trui rèn cho anh một cái tôi mạnh mẽ, dám đương đầu và bản lĩnh hơn trong cuộc sống. Cũng như cuộc đua marathon, nếu chúng ta không nỗ lực về đích thì sẽ tụt về sau, đuối sức rồi bỏ cuộc giữa chừng”. Và, điều đó khơi dậy niềm khao khát mãnh liệt về bộ môn chạy bộ, bắt đầu nung nấu và thôi thúc anh vượt qua rào cản “bóng đêm” để bứt phá như những chân chạy bình thường, nhất là chinh phục đường đua half marathon - cự ly 21km vốn dĩ rất khó nhằn.
Hình ảnh anh Cảnh - người đàn ông khiếm thị và người dẫn đường Trương Việt Mỹ (Phó Chủ Nhiệm CLB Chạy bộ Cà Mau - CMRC) nối với nhau bằng một sợi dây khi chạy. Tay phải của người này cầm dây với tay trái của người kia, luôn chạy song song và không rời nhau nửa bước cùng nỗ lực cán đích cự ly 21km đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng đến những ai không may “hao khuyết” một phần thân thể hay đang bế tắc, buông xuôi theo nghịch cảnh. Gặp gỡ anh tại giải Cà Mau Marathon 2023, khi vừa trả lời phỏng vấn vừa sải bước không dừng trên đường chạy, anh cười rạng rỡ “Trước đó, anh không nghĩ mình có thể chạy bộ huống hồ tham gia giải chạy marathon với hàng nghìn runner như thế này. Khác biệt duy nhất là anh không nhìn thấy như họ, khó khăn và bất tiện trong tập luyện gấp nhiều lần họ nhưng quan trọng là mình đam mê và không từ bỏ thôi”.
Những khoảnh khắc đẹp đẽ, đầy xúc động của anh được ghi lại trên đường đua như một lần nữa khẳng định sự khắc nghiệt, thăng trầm của đời người không hẳn đáng sợ như chúng ta tưởng tượng. Chỉ cần chúng ta can đảm, nỗ lực đối mặt và nắm bắt cơ hội đằng sau nghịch cảnh để kiến tạo điều kỳ diệu, phá vỡ giới hạn bản thân tạo nên những người anh hùng giữa vô vàn người bình thường khác. Trước đó, anh còn thử sức cự ly 21km đầu tiên tại giải Đất Sen Hồng Marathon (Đồng Tháp) 2022, giải IRONMAN Đà Nẵng 2023, giải Can Tho Marathon - Heritage Race 2023 và dấu mốc đáng nhớ nhất là hành trình bứt phá tại giải BIM Group IRONMAN 70.3 Phú Quốc 2023 với ba môn phối hợp bơi - đạp - chạy cùng hai người đồng đội khuyết tật.
Không chỉ trải nghiệm thiên nhiên Đảo Ngọc hấp dẫn với cung đường đua “đẹp như mơ” gồm đường bơi biển dài 1,9km (Chị Trịnh Thị Bích Như khuyết tật chân), tiếp theo là chặng đường đạp xe dài 90km đi qua nửa phía nam của đảo (Anh Võ Huỳnh Anh Khoa khuyết tật chân trái), nối tiếp với đường chạy 21,1km gồm 2 vòng do anh Cảnh và người dẫn đường - Việt Mỹ hoàn thành. Anh Cảnh xúc động “Giây phút cán đích tại bãi biển Phu Quoc Marina, anh thấy mình đã phá vỡ kỷ lục cá nhân, giống như thông điệp “Best In Me” của giải đã thôi thúc anh vượt qua cái nắng nóng khắc nghiệt, gió thốc mạnh, sự bất lực của đôi chân, cơ thể cạn kiệt sức… để chinh phục chặng đua. Không tranh đua thứ hạng với các vận động viên khác, đơn giản là anh muốn được chạy và tìm thấy phiên bản tốt nhất của chính mình”.
Chia sẻ về hành trình lần đầu trở thành “đôi mắt của runner khiếm thị” - người dẫn dắt Việt Mỹ không khỏi bồi hồi “Cự ly 21km không hề dễ dàng, những đoạn lên dốc, xuống dốc, vài ba khúc cua, ngã rẽ có thể đơn giản với các chân chạy bình thường nhưng lại là thử thách đối với người khiếm thị. Để hoàn thành chặng đua, cả hai đã phải nỗ lực rất nhiều”. Không theo đuổi thành tích nào cả, Việt Mỹ trải nghiệm chạy với runner khiếm thị xuất phát từ mong muốn mang đến cho họ niềm vui khi sải bước chạy cũng như dùng lời nói để kể chuyện, mô tả đường chạy, cảnh sắc thiên nhiên hay bãi biển trải dài xinh đẹp… giúp anh Cảnh có thể mường tượng vẻ đẹp của đường đua một cách rõ ràng hơn.
Gia đình là “tấm khiên” vững chắc cho người hùng khiếm thị Hữu Cảnh
Anh Cảnh quan niệm rằng, marathon là một hoạt động tuyệt vời để gắn kết cộng đồng và lan tỏa những giá trị tinh thần tích cực. Nơi mà người khuyết tật phá vỡ những giới hạn bản thân, mở ra nhiều cơ hội mới, kết nối những mối quan hệ tốt đẹp. Rào cản giữa người khuyết tật và người không khuyết tật sẽ được xóa bỏ, thay vào đó là sự thấu hiểu và gắn kết yêu thương lẫn nhau. Đó cũng chính là nền tảng xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần hình thành nhân cách và sự phát triển toàn diện cho con cái.
Mỗi giải chạy bộ đối với anh Cảnh đều có ý nghĩa rất đặc biệt bởi sự có mặt của vợ - Chị Huỳnh Tố Nga và cậu con trai kháu khỉnh 3 tuổi - Huỳnh Thiện Đồng như tiếp thêm lửa và cổ vũ tinh thần anh thêm mạnh mẽ, vững vàng. Anh rạng rỡ khi nhắc về vợ con “Anh may mắn có vợ con bên cạnh đồng hành, chính gia đình là động lực để anh không ngừng cố gắng và hoàn thiện bản thân mình. Có hạnh phúc nào bằng khi vợ con ngóng chờ, đón mình ở vạch đích, tin tưởng và khích lệ, dành cái ôm ấm áp và trọn vẹn nhất cho mình”.
Hành trình cán đích half marathon ngoạn mục của anh đã minh chứng rằng, niềm vui của việc chạy bộ có thể đến với tất cả mọi người, không quan trọng họ là ai hay xuất phát điểm như thế nào, vẻ đẹp của đường chạy không chỉ có thể nhìn bằng mắt, mà còn “thấy” được bằng nhiều giác quan. Có thể, đúng như việc đứng chờ ở vạch đích, chứng kiến hàng ngàn người nỗ lực vượt lên cảm giác đau nhức của đôi chân, cơ thể cạn kiệt năng lượng để cán đích. Ở đó, có mồ hôi và những giọt nước mắt, không phải người về đích sớm nhất là người mạnh nhất mà với anh Cảnh “Người mạnh nhất là người “tự chiến thắng bản thân”, tạo ra những điều kỳ diệu với phiên bản chính mình tuyệt vời nhất” và anh mong những người thân yêu luôn chờ đón anh với niềm tự hào như thế!
Những “bông hoa khuyết” tỏa sáng trên đường chạy
(NSMT) - “Những đoá hoa khuyết” phá rào cản, vượt qua giới hạn bản thân để tỏa sáng trên đường chạy “Bước chân hòa nhập 2024” – Mùa 2 do Hội Người khuyết tật TP. Cần Thơ (CAPD) tổ chức.
Tài không vào cửa gấp, phú không vào cửa lệch
Phát tài cũng có rất nhiều điểm khác biệt, trong đó có cả tiền của bất chính, loại tài sản này không ổn định, hơn nữa còn dễ dẫn đến rắc rối.
Lặng lẽ nghề pháp y
(NSMT) - Cũng khoác áo blouse để mưu sinh và cống hiến, thế nhưng chẳng mấy ai biết bác sĩ pháp y - nghề “lên tiếng thay người đã khuất” vẫn thầm lặng tìm công lý bên những xác chết, phục vụ công tác điều tra phá án. Và, đâu đó góc khuất của nghề chưa được kể, hiểu đúng cũng như cảm thông.
Chuyện về người thương binh “tàn nhưng không phế” ở Cà Mau
(NSMT) - Thương binh hạng 2/4 Nguyễn Văn Chà, sinh năm 1963, ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, luôn giữ được phẩm chất của người lính bộ đội Cụ Hồ "tàn nhưng không phế”, tích cực phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng và có nhiều đóng góp tích cực cho quê hương.
Lễ hội Oóc Om Bóc
Đua ghe Ngo Sóc Trăng, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024 diễn ra trong 7 ngày.
Bữa cơm 0 đồng: San sẻ yêu thương với bà con khó khăn TP Cần Thơ
(NSMT) - Gần 3000 suất cơm "0 đồng” được phát cho bà con khó khăn, người lao động, học sinh sinh viên tại quán cà phê Ngọc Trương (Số 372D, đường Nguyễn Văn Cừ Nối Dài, Phường An Khánh, Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) trong hơn 2 tháng qua. “Bữa cơm 0 đồng” san sẻ yêu thương, phần nào giúp họ vơi bớt nhọc nhằn, “ấm bụng no lòng” nhất là trong những ngày mưa, triều cường ngập nặng, buôn bán chật vật…
Người trẻ sợ ngày cuối tuần
(NSMT) - Thay vì tận hưởng ngày nghỉ cuối tuần, hầu hết mọi người lại có cảm giác uể oải, chán nản vào ngày Chủ nhật vì hôm sau là một tuần làm việc mới.