“Người Việt nói tiếng Việt” của nhà báo Nguyễn Quang Thọ
NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh vừa ra mắt sách “Người Việt nói tiếng Việt” của nhà báo Nguyễn Quang Thọ. Tập sách như một cẩm nang sưu tập, khảo cứu về thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt bị các từ điển bỏ sót, hoặc trao đổi lại phần giải nghĩa.
Do cần tham khảo cho nghiệp vụ báo chí và nghiên cứu, nên nhà báo Nguyễn Quang Thọ đã tiếp cận nhiều nguồn từ điển. Qua đó, tác giả có những ghi nhận ban đầu về sự vắng mặt của các thành ngữ vốn xuất hiện theo quy luật không ngừng phát triển của xã hội, lại thêm tiếng Việt vô cùng phong phú, nhiều từ ngữ mới xuất hiện, nên thành ngữ cần giải nghĩa trọn vẹn ngày một nhiều hơn. Đây thật sự là một thách thức vừa khó khăn vừa thú vị mà tác giả muốn dấn thân để tìm lời giải.
Để có chất liệu cho “Người Việt nói tiếng Việt”, nhà báo Nguyễn Quang Thọ đã dành khoảng 10 năm để đọc, nghiền ngẫm loạt từ điển đã ấn hành. Tác giả mày mò, căm cụi nhẫn nại ghi chép và bắt đầu quá trình viết từ 1 từ đến hơn 100.000 từ. Dần dà tác giả thấy cần đối chiếu với những từ điển của các tác giả khác. Càng nhiều lần sử dụng từ điển, tác giả chia sẻ là càng học được nhiều hơn, hiểu kỹ hơn và yêu quý hơn tiếng mẹ đẻ; nhưng đồng thời là cảm giác tiếc nuối, lo âu cũng lớn dần lên khi thấy nhiều từ ngữ bị bỏ sót hoặc giải nghĩa sai lệch.
Cuốn sách “Người Việt nói tiếng Việt” dày hơn 380 trang, sưu tập hơn 600 thành ngữ và tục ngữ không có trong từ điển, mặc dù rất thông dụng trong đời sống. Sách gồm 3 phần chính: Chương 1 “Mắt thấy tai nghe, Chương 2 “Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật”, Chương 3 “Đánh trống qua cửa nhà sấm”. Phần Ghi thêm có: “Trông người lại ngẫm đến ta”, “Nhìn vào miệng người bình dân”, “Lời cuối sách”.
Đọc sách, độc giả sẽ tiếp cận những thành ngữ, tục ngữ còn bị bỏ sót, hoặc từ điển giải thích mà tác giả cho rằng chưa chính xác như: “Nhạt như nước ốc ao bèo”, “Bầu sao nấu nước ao cũng ngọt”, “Làm ruộng thì gia, làm nhà thì tốn”, “Bảo hoàng hơn vua”, “Mồm như cái tỉ vịt”… Hoặc các cách nói thú vị trong đời sống hiện nay như: “Để Mị nói cho mà nghe”, “Ăn cơm trước kẻng”, “Chạy mất dép”, “Tiền trao cháo múc”, “Nằm mơ giữa ban ngày”, “Xuống dốc không phanh”, “Cạp đất mà ăn”, “Hái ra tiền”, “Liều ăn nhiều”, “Trả dép tôi về”, “Lặn không sủi tăm”… Do còn là một nhà nghiên cứu, nên trong tập sách này, tác giả còn trình bày quan điểm về thành ngữ, thành ngữ là gì - vốn là vấn đề nhiều nhà nghiên cứu chưa đồng thuận.
Tác giả Nguyễn Quang Thọ chia sẻ: “Cuốn sách này không giúp bạn trả lời được hết mọi câu hỏi, thậm chí còn làm bạn đặt ra nhiều câu hỏi, nhưng chúng tôi hy vọng đem đến cho bạn đọc một cách tiếp cận mới với những vấn đề còn đang vướng mắc, cung cấp ngữ liệu cho nhiều thành ngữ, tục ngữ bị bỏ sót, trao đổi về những lời giải nghĩa theo chúng tôi là chưa chuẩn và lưu ý vài sai sót kỹ thuật khá nghiêm trọng trong từ điển… Vốn từ của một dân tộc là vô cùng lớn, không ai biết hết được. Muốn biết nhiều thì phải học nhiều. Học từ lúc nằm nôi cho tới khi xuống lỗ. Mỗi ngày sống là một ngày điền dã”. Còn theo nhà văn, nhà báo Lê Minh Quốc thì: “Không những thế, nhà báo Nguyễn Quang Thọ còn bổ sung thêm một loạt từ mới/cách nói mới vừa xuất hiện trong đời sống gần đây, đa dạng, biến hóa tài tình trong hành trình phát triển của tiếng Việt. Không chỉ kỳ công mà còn là một trong những cách thể hiện tấm lòng mình về tình yêu máu thịt dành cho tiếng Việt. Mà, một khi yêu lấy tiếng Việt tận xương tủy cũng chính là yêu lấy non sông gấm vóc nước Việt đấy thôi”.
Nhà báo Nguyễn Quang Thọ sinh ngày 28-2-1949 tại xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, lớn lên tại Hà Nội. Ông là chiến sĩ sư đoàn 304 từ 1968 đến 1971; tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đức tại Trường Đại học Tổng hợp Karl Marx, TP Leipzig, Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1979 (nay là Đại học Tổng hợp Leipzig); thực hiện đề tài tốt nghiệp cao học “Thành ngữ so sánh tiếng Đức (đối chiếu với tiếng Việt)”, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh (2005). Ông từng là Biên tập viên NXB Thanh Niên; Chủ biên tập san Văn hóa & Đời sống, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh (1991-1992); Tổng Biên tập báo Yêu Trẻ từ 1997-2010. Hiện sống tại TP Hồ Chí Minh.
Theo QM/ Báo Cần Thơ
Có gì trên tờ báo thứ hai ở miền Tây?
Trong lịch sử báo chí Việt Nam, tên “Đại Việt tập chí” xuất hiện 2 lần và đều gắn với Hồ Biểu Chánh. “Đại Việt tập chí” đầu tiên ra đời ở Long Xuyên năm 1918 gồm 7 số, Hồ Biểu Chánh là một trong những chủ bút. “Đại Việt tập chí” bộ mới xuất bản ở Sài Gòn từ năm 1942 đến năm 1944 gồm 54 số, Hồ Biểu Chánh làm giám đốc. Trong bài viết này, chúng tôi xin phác họa về Đại Việt tập chí 1918. Do thời gian tồn tại ngắn ngủi, ít ai biết rằng, “Đại Việt tập chí” là tờ báo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên ở tỉnh An Giang, thứ hai ở ĐBSCL (sau An Hà báo ở Cần Thơ ra đời vào năm 1917).
Cần Thơ phát triển mô hình thư viện lưu động, thư viện kết hợp phục vụ người dân học tập suốt đời
(NSMT) - Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có công văn đề nghị phát triển mô hình thư viện lưu động, thư viện kết hợp với trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng phục vụ người dân học tập suốt đời tại cơ sở.
Cần Thơ trưng bày, giới thiệu sách của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
(NSMT) - Ngày 22/8, Công an TP Cần Thơ phối hợp Sở Văn hóa thể thao & du lịch thành phố, Thư viện thành phố tổ chức Lễ khai mạc trưng bày, giới thiệu sách của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và sinh hoạt truyền thống cho cán bộ chiến sĩ năm 2024.
Mùa vu lan nhớ mẹ
An bưng giỏ hoa nhẹ nhàng thướt tha trong tà áo dài trắng tinh khôi đi ngay sau lưng sư thầy. Mỗi lần thấy một bông hoa màu trắng được sư thầy chậm rãi cài trên ngực áo người đối diện, lòng An lại dâng lên niềm xúc động. Cho đến khi sư thầy dừng lại trước bé gái có hai bím tóc được cột gọn gàng bằng hai chiếc nơ màu hồng, sư thầy cầm bông hoa trắng cài lên áo người phụ nữ rồi cầm bông hoa đỏ muốn cài lên áo bé gái. Vậy mà bé gái lùi lại phía sau lắc đầu: - Con không muốn bông đỏ, con muốn bông trắng giống mẹ.
Nét đẹp văn hóa đồng bào Khmer Tây Nam Bộ qua những trang sách
“Cảm nhận về văn hóa đồng bào Khmer Tây Nam Bộ” là quyển sách của tác giả Huỳnh Duy Lộc (hội viên Hội Văn nghệ dân gian, Hội Nhà văn TP Cần Thơ), do NXB Dân Trí vừa xuất bản. Dù khiêm tốn gọi là những “cảm nhận” nhưng đọc sách, người đọc có thêm nhiều kiến thức về nét đẹp văn hóa Khmer miền Tây Nam Bộ.
Nhiều sách hay dịp hè
Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 và mùa hè, các NXB và công ty phát hành sách ra mắt nhiều truyện tranh, bộ sách, tác phẩm mới cho lứa tuổi thiếu nhi, thanh thiếu niên.
Phát hành sách “Cha và con gái”: Cuốn cẩm nang nuôi dưỡng tình cảm gia đình
Cuốn sách tuyển tập các tác phẩm xuất sắc trong cuộc thi viết “Cha và con gái” lần thứ 1 năm 2023 sẽ được Tạp chí Gia đình Việt Nam in và phát hành rộng rãi vào tháng 6 này.