Nét đẹp văn hóa đồng bào Khmer Tây Nam Bộ qua những trang sách
“Cảm nhận về văn hóa đồng bào Khmer Tây Nam Bộ” là quyển sách của tác giả Huỳnh Duy Lộc (hội viên Hội Văn nghệ dân gian, Hội Nhà văn TP Cần Thơ), do NXB Dân Trí vừa xuất bản. Dù khiêm tốn gọi là những “cảm nhận” nhưng đọc sách, người đọc có thêm nhiều kiến thức về nét đẹp văn hóa Khmer miền Tây Nam Bộ.
Sách gồm 3 phần, lần lượt giới thiệu về những đặc trưng trong phong tục tập quán, lễ hội truyền thống và ẩm thực của đồng bào dân tộc Khmer. Sách được viết theo kiểu miêu tả và cảm nhận, nên người đọc dễ hình dung, tiếp cận và khơi gợi xúc cảm. Như trong phần viết về canh tác, tác giả giới thiệu về những loài cây trái đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer như cây quách, cây thốt nốt rất thú vị. Khi viết về mắm prohok, mắm bò-ót… tác giả miêu tả cặn kẽ từ cách tìm nguyên liệu, sơ chế đến cách làm, sao cho ra những hủ mắm ngon nhất. Khi viết về món khô nhái, tác giả Huỳnh Duy Lộc kỳ công miêu tả về kỹ thuật bắt nhái, cách làm khô. Tác giả kể, ngoài mùa bắt nhái là mùa mưa thì: “còn một mùa bắt nhái trong năm là vào dịp tháng 8 âm lịch, nước lên cao trên ruộng, nhái vạt vào vườn tìm thức ăn. Khi nghe tiếng bước chân người, chúng liền nhảy xuống ao, núp dưới các bụi cỏ cặp bờ hay giề nước bọt. Lúc này chỉ cần dùng chiếc vợt lưới xúc…” (trang 31).
Tác giả đặt tên tựa sách là “cảm nhận” cũng có ý riêng. Ông tiếp cận văn hóa Khmer Nam Bộ bằng sự yêu mến, học hỏi và khi đã hiểu biết thêm nhiều điều hay, điều mới, ông có những cảm nhận riêng mình. Do đó, khi viết sách, ông không kỳ vọng là một quyển biên khảo thực thụ, mà chỉ là tình cảm của mình, để lan tỏa tới người đọc. Vậy nhưng, khi đọc những chuyên đề trong sách như tục nhuộm răng đen, tục hớt tóc, đi tu báo hiếu, lễ cưới hỏi, tang ma… có thể thấy sự kỳ công và am hiểu của tác giả khi tường thuật tường tận từng lễ thức, ý nghĩa.
Trong phần những nghi lễ truyền thống, tác giả thành công khi mang đến cho độc giả không khí rộn ràng, trang nghiêm của những lễ hội như Ok-Om-Bok, đua ghe Ngo, lễ Dâng y Kathina, lễ dựng cột chùa, lễ vào hạ của các ông Lục… Như khi mở đầu phần viết về lễ Dâng y Kathina hay lễ Dâng bông, tác giả cảm xúc: “Tôi về Sóc Trăng trong những ngày vào trung tuần tháng 10 dương lịch, theo những cơn mưa đầu mùa đông… Không như Sene Ðôlta lần trước, gia đình tôi đi chùa Chén Kiểu; hôm nay đi dự lễ Dâng y Kathina ở chùa Ðay Ta Suốs vì ngôi chùa này tọa lạc nơi xứ sở, gốc rễ của gia đình mẹ vợ tôi. Cũng chính nơi chùa này, có phần tháp dành thờ cúng tro cốt của người thân trong gia đình” (trang 64).
Tác giả Huỳnh Duy Lộc có vợ là người dân tộc Khmer, vậy nên ông lại càng dành nhiều tình cảm cho văn hóa Khmer Nam Bộ. Những trang viết của ông thấm đẫm tình cảm ấy. Ông kể về mẹ vợ, về những người thân, lối xóm thực hành các nghi lễ, phong tục của đồng bào dân tộc Khmer. Ông viết về món canh simlo mùa hè, bánh gừng, bánh nùm-bon mùa Tết… cũng rất hấp dẫn, cho thấy sự trải nghiệm qua năm tháng đời người.
Vốn là nhà thơ kỳ cựu, “Cảm nhận về văn hóa đồng bào Khmer Tây Nam Bộ” được xem như một cuộc thử sức ở lĩnh vực mới, lĩnh vực khảo cứu và tác giả Huỳnh Duy Lộc đã thành công.
Theo Đăng Huỳnh/ Báo Cần Thơ
---> Phát hành sách "Cha và con gái": Cuốn cẩm nang nuôi dưỡng tình cảm gia đình
Có gì trên tờ báo thứ hai ở miền Tây?
Trong lịch sử báo chí Việt Nam, tên “Đại Việt tập chí” xuất hiện 2 lần và đều gắn với Hồ Biểu Chánh. “Đại Việt tập chí” đầu tiên ra đời ở Long Xuyên năm 1918 gồm 7 số, Hồ Biểu Chánh là một trong những chủ bút. “Đại Việt tập chí” bộ mới xuất bản ở Sài Gòn từ năm 1942 đến năm 1944 gồm 54 số, Hồ Biểu Chánh làm giám đốc. Trong bài viết này, chúng tôi xin phác họa về Đại Việt tập chí 1918. Do thời gian tồn tại ngắn ngủi, ít ai biết rằng, “Đại Việt tập chí” là tờ báo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên ở tỉnh An Giang, thứ hai ở ĐBSCL (sau An Hà báo ở Cần Thơ ra đời vào năm 1917).
Cần Thơ phát triển mô hình thư viện lưu động, thư viện kết hợp phục vụ người dân học tập suốt đời
(NSMT) - Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có công văn đề nghị phát triển mô hình thư viện lưu động, thư viện kết hợp với trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng phục vụ người dân học tập suốt đời tại cơ sở.
Cần Thơ trưng bày, giới thiệu sách của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
(NSMT) - Ngày 22/8, Công an TP Cần Thơ phối hợp Sở Văn hóa thể thao & du lịch thành phố, Thư viện thành phố tổ chức Lễ khai mạc trưng bày, giới thiệu sách của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và sinh hoạt truyền thống cho cán bộ chiến sĩ năm 2024.
Mùa vu lan nhớ mẹ
An bưng giỏ hoa nhẹ nhàng thướt tha trong tà áo dài trắng tinh khôi đi ngay sau lưng sư thầy. Mỗi lần thấy một bông hoa màu trắng được sư thầy chậm rãi cài trên ngực áo người đối diện, lòng An lại dâng lên niềm xúc động. Cho đến khi sư thầy dừng lại trước bé gái có hai bím tóc được cột gọn gàng bằng hai chiếc nơ màu hồng, sư thầy cầm bông hoa trắng cài lên áo người phụ nữ rồi cầm bông hoa đỏ muốn cài lên áo bé gái. Vậy mà bé gái lùi lại phía sau lắc đầu: - Con không muốn bông đỏ, con muốn bông trắng giống mẹ.
Nhiều sách hay dịp hè
Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 và mùa hè, các NXB và công ty phát hành sách ra mắt nhiều truyện tranh, bộ sách, tác phẩm mới cho lứa tuổi thiếu nhi, thanh thiếu niên.
Phát hành sách “Cha và con gái”: Cuốn cẩm nang nuôi dưỡng tình cảm gia đình
Cuốn sách tuyển tập các tác phẩm xuất sắc trong cuộc thi viết “Cha và con gái” lần thứ 1 năm 2023 sẽ được Tạp chí Gia đình Việt Nam in và phát hành rộng rãi vào tháng 6 này.