Nhớ hương vị bánh xèo của mẹ
Không biết từ bao giờ, bánh xèo trở thành món ăn yêu thích của tôi, lâu không ăn là thấy thiếu, lại thèm. Đám bạn thân trêu tôi: “Bánh xèo là món ruột của nó”. Tôi thích bánh xèo vì đó là món ăn gắn với tuổi thơ, một thời hồn nhiên bên mái tranh nghèo, bên ba mẹ.
Thuở nhỏ, mỗi lần nghe mẹ tôi nói ngày mai làm bánh xèo là chị em tôi hào hứng lắm. Mẹ tôi khéo tay nên làm bánh gì cũng ngon. Tôi mê nhất là món bánh xèo vàng ươm, thơm phức của mẹ.
Những năm tôi còn đi học, gia đình nghèo, ba mẹ phải làm việc vất vả để trang trải cuộc sống, lo cho hai con ăn học. Ngày hai bữa cơm, bữa nào có ít thịt cá đã mừng, làm gì được thưởng thức bánh trái như những đứa trẻ con nhà khá giả. Thỉnh thoảng, chúng tôi mới được mẹ làm bánh xèo cho ăn. Chị em tôi, đứa 7 tuổi và đứa 6 tuổi ước nhà mình giàu để được ăn nhiều món ngon, nhất là bánh xèo.
Rồi ngày vui cũng đến, ngày mẹ tôi làm bánh xèo đãi cả nhà. Sáng sớm, mẹ đong 4 lon gạo, vo sạch rồi ngâm, sau đó đi chợ mua tôm, thịt, giá, rau sống. Mẹ tôi đi chợ về thì gạo ngâm trong thau đã mềm, bắt đầu khâu xay bột, tôi phụ mẹ xay bằng cách múc từng muỗng gạo, nước cho vào cối xay.
Có lần tôi đòi mẹ cho thử xay bột nhưng dù tôi cố gắng hết sức mà chiếc cối đá vẫn không nhúc nhích, trong khi mẹ tôi chỉ cần nhích tay là chiếc cối nhẹ nhàng quay. Vừa xay bột mẹ vừa nói với tôi: “Cối đá xay bột này có từ hồi bà nội con, là đồ kỷ niệm bà nội giữ gìn hơn chục năm, nó nặng lắm, không biết cách là không quay được, để con lớn chút nữa mẹ chỉ con cách làm ”.
Không khí cả gia đình tôi quây quần làm bánh xèo rất vui. Tôi giúp mẹ xay bột, ba lặt rau, em trai lột tôm để làm nhân bánh. Mỗi lần mẹ làm bánh xèo đều dùng nguyên liệu khác nhau, khi thì củ sắn thái sợi cùng thịt ba chỉ với tép bạc, có lúc mẹ dùng củ hũ dừa, khi thì măng tre tươi thái sợi xào ngon tuyệt. Tôi thích nhất là nhân bánh xèo có bông điên điển. Điên điển quê tôi thường trổ bông khi mùa nước lên, mẹ chèo xuồng hái bông điên điển từ chiều hôm trước để sáng hôm sau làm bánh.
Lần này mẹ làm nhân bánh xèo bằng tôm, thịt ba chỉ xào với giá, củ sắn. Mất cả buổi xay bột, mẹ đem nồi bột vào bếp rồi lặt hành lá, rửa sạch và cắt nhỏ rồi cho vào nồi bột. Mẹ cho ít bột nghệ vào nồi bột bánh, mẹ nói làm như vậy để bánh có màu vàng đẹp. Tôm và thịt ba rọi cắt mỏng xào vừa chín.
Cuối cùng, khâu sơ chế hoàn tất, tô nước mắm tỏi ớt chua ngọt được mẹ làm sẵn để ăn với bánh xèo, chỉ còn khâu đổ bánh xèo. Giá bột đầu tiên đổ vào chảo được mẹ tráng kỹ, tiếng bột áp chảo kêu xèo thiệt to, tôi hỏi mẹ: “Mẹ ơi, sao lại có tên gọi là bánh xèo?”. Mẹ cười bảo: “Chắc tại khi đổ bột vào chảo kêu cái xèo nên gọi là bánh xèo”. Mãi đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu vì sao món bánh lại có tên là bánh xèo. Chị em tôi thích nhất là khi những cái bánh đầu tiên ra lò. Mẹ nói, bánh xèo đổ tới đâu ăn tới đó mới ngon, vậy là chị em tôi xúm quanh bếp, mẹ luôn tay đổ bánh còn tôi với em trai tôi vừa ăn vừa xuýt xoa: “Ngon quá mẹ ơi”.
Sợ bánh nóng phỏng tay con, mẹ tôi để bánh vào đĩa. Chúng tôi cuốn bánh, kẹp rau, chấm nước mắm ăn. Bánh mẹ làm lúc nào cũng vàng ươm, giòn tan, có vị ngọt của tôm và vị béo của thịt ba chỉ, ăn kèm rau sống chấm nước mắm chua ngọt thì còn gì bằng. Từ vị quen thuộc của lá cách đến vị chát chát, chua chua của đọt xoài, đọt cóc đọng lại trên đầu lưỡi khiến hương vị bánh xèo khó thể nào quên. Mẹ nhìn tôi mỉm cười, lau mồ hôi rịn ra trên trán. Cứ thế, chị em tôi ăn bánh xèo đến no mới thôi.
Thời gian dần trôi, chị em tôi trưởng thành, có công việc ổn định, sống đúng với hoài bão của ba mẹ là trở thành người hữu ích cho xã hội. Chiều nay trời mưa, đi ngang tiệm bánh xèo tôi nhớ nhà, thèm món bánh xèo của mẹ, chợt mắt tôi cay cay vì giờ chị em tôi ai cũng phải công tác xa nhà, không được ở gần ba mẹ.
Những lần trở về nhà, tôi được mẹ làm bánh xèo cho ăn, hai mươi mấy năm rồi vẫn vậy, món bánh xèo của mẹ vẫn ngon không đâu sánh bằng. Bởi với tôi, bánh xèo không chỉ là thức ăn hấp dẫn vị giác mà còn là món ăn gây thương nhớ, đâu đó trong ký ức có hình ảnh thân thương của ba mẹ tôi, sự gắn bó của chị em tôi những năm tháng nghèo khó. Nơi đó là nhà, là điểm tựa tinh thần vững chắc, là động lực để tôi vui sống, làm việc tốt.
Theo Cẩm Tú / Báo Kiên Giang
Cà Mau: Khởi công Dự án di tích lịch sử chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là hơn 100 tỷ
(NSMT) - Ngày 19/11, tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi công xây dựng Dự án di tích lịch sử chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là được xếp hạng Di tích quốc gia ở huyện Đầm Dơi. Tham dự chương trình có ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cùng lãnh đạo và nhân dân địa phương.
Vì sao 19/11 được chọn làm Ngày Quốc tế Nam giới?
(NSMT) - Ngày Quốc tế Nam giới (còn gọi là Ngày Quốc tế Đàn ông) diễn ra vào ngày 19/11 hàng năm, là dịp quan trọng để tôn vinh những đóng góp của phái mạnh đối với xã hội và gia đình, đồng thời nâng cao nhận thức về các vấn đề sức khỏe, tâm lý và xã hội mà nam giới đang phải đối mặt. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ý nghĩa của ngày lễ, những lời chúc ý nghĩa dành tặng nam giới và những món quà đặc biệt dành cho bạn trai trong dịp này.
Cha mẹ hướng con học 4 ngành này ra trường không lo thất nghiệp
Những ngành học này không chỉ đáp ứng nhu cầu nhân lực hiện tại mà còn hứa hẹn cơ hội việc làm rộng mở trong tương lai.
Vĩnh Long: Khai mạc Liên hoan Gia đình tài tử và Liên hoan Tiếng hát thanh niên Kinh - Hoa – Khmer
(NSMT) - Tối 17/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long phối hợp UBND huyện Mang Thít tổ chức khai mạc Liên hoan Gia đình tài tử và Liên hoan Tiếng hát thanh niên Kinh - Hoa - Khmer tỉnh Vĩnh Long năm 2024.
Uốn nắn con từ lời ăn, tiếng nói
Hiện nay, tình trạng trẻ vị thành niên nói tục, chửi thề, sử dụng tiếng lóng thiếu lành mạnh trong giao tiếp diễn ra khá phổ biến, gây không ít hệ lụy. Phụ huynh cần quan tâm uốn nắn, giáo dục con sửa đổi kịp thời những hành vi xấu…
Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh tế Xanh Vĩnh Long bước đi tiên phong, thể hiện sự đổi mới sáng tạo của địa phương
(NSMT) - Tối 16/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức lễ khai mạc Festival Gạch Gốm đỏ - Kinh tế Xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 tại Làng nghề sản xuất gạch, gốm kênh Thầy Cai (xã Nhơn Phú-huyện Mang Thít). Ông Hồ Đức Phớc - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Vĩnh Long: Khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật Môi trường xanh – Cuộc sống xanh – Du lịch xanh
(NSMT) – Sáng 16/11, tại khu dân cư T&T Phước Thọ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long phối hợp cùng Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức tổng kết, trao giải và khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật chủ đề “Môi trường xanh – Cuộc sống xanh – Du lịch xanh”.