Nhịp sống

Những chuyến đi trả nợ ân tình của một cựu chiến binh

Thứ tư, 24/07/2024, 11:06 AM

Nhiều năm qua, người dân ở các địa phương của huyện Mỹ Xuyên và các huyện trong tỉnh Sóc Trăng rất ấn tượng về một người cựu chiến binh - thương binh giàu tình nghĩa - ông Phùng Minh Út.

Ông Phùng Minh Út sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng ở ấp An Hòa, xã Gia Hòa 2, xã giàu truyền thống cách mạng, xã anh hùng của huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng).

Năm 1970, ông tham gia hoạt động cách mạng với nhiệm vụ làm giao liên ở địa phương. Đến năm 1972, ông gia nhập bộ đội chủ lực tỉnh, là chiến sĩ của Tiểu đoàn Phú Lợi anh hùng của tỉnh Sóc Trăng. Giải phóng miền Nam, ông công tác tại Tiểu đoàn trinh sát của Quân khu 9, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây - Nam rồi sang làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Cam-pu-chia. Kết thúc chiến tranh, ông chuyển ngành, rời quân ngũ với thương tật trên mình, được công nhận thương binh hạng 4/4 trở về quê hương, tham gia công tác ở nhiều đơn vị ở địa phương. Cơ quan cuối cùng ông công tác trước lúc nghỉ hưu (năm 2017) là Hội Cựu chiến binh xã.

Ông chia sẻ: "Những năm mới giải phóng, Gia Hòa quê tôi đất đai nhiều nhưng cằn cỗi, nhiễm phèn, nhiễm mặn nên dù người dân rất cần cù nhưng cũng không đủ ăn, thiếu trước hụt sau. Cuộc sống gia đình tôi vào thời điểm đó cũng như bà con, vô cùng khó khăn. Là một người lính, chiến thắng kẻ thù trở về, tôi rất trăn trở phải làm sao để thoát nghèo".

5a

Từ đó, ông luôn mày mò, học hỏi, tìm hiểu cách làm ăn của những người khác, tham gia các chương trình tập huấn kỹ thuật canh tác tiên tiến do địa phương và ngành chuyên môn tổ chức với quyết tâm phải làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

Nghĩ là làm, ông cùng gia đình đổ công khai phá hơn 20.000m2 đất để trồng lúa, nuôi tôm. Sau đó làm thêm nghề ương tôm giống để vừa phục vụ cho gia đình, vừa cung cấp con giống cho các hộ nuôi tôm ở địa phương. Tích tiểu thành đại, với ý chí và nghị lực của một người lính, sự cần cù, năng động, đột phá của ông đã thành công. Gia đình ông đã “qua cơn lận đận”, thoát khỏi cảnh nghèo khó, trở thành một trong số ít hộ có của ăn của để ở địa phương, bà con ai cũng nể phục Đến nay, ông Út đã thành công với mô hình tôm - lúa, phát triển trồng trọt và cung cấp con giống cho các hộ nuôi tôm...

Sau khi kinh tế gia đình mình đã ổn định, thấy nhiều người dân ở địa phương còn khó khăn, ông bắt đầu hành trình làm công tác an sinh xã hội, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có nhiều người là đồng đội của ông, là gia đình thương binh, Liệt sĩ.

Ông cho biết: “Mình đã qua khó khăn, trong khi nhiều đồng đội mình không được may mắn, nhiều gia đình thương binh, Liệt sĩ, nhiều bà con nông dân ở địa phương còn nghèo khó, trách nhiệm của mình là phải lo được cho những hoàn cảnh đó”.

Vậy là ông tự nguyện xin chính quyền cho thành lập Hội từ thiện Cựu chiến binh để cùng các thành viên trong hội đi vận động gạo, nhu yếu phẩm, tiền bạc... nhằm giúp đỡ người nghèo, đồng thời tuyên truyền, vận động nhiều tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động của hội.

Nói về những chuyến đi về lại chiến trường xưa, ông kể: “Những năm đi bộ đội, tôi và đồng đội được người dân đùm bọc, nuôi dưỡng, chở che. Nếu không có bà con, chúng tôi làm sao sống được đến bây giờ. Công ơn đó lớn lắm, không thể nào đong đếm được. Trong những năm gian lao kháng chiến, nhân dân dám đứng ra bảo bọc mình. Tôi vẫn nhớ có lúc hũ gạo trong nhà sắp hết nhưng các mẹ vẫn vét hết những hạt gạo cuối cùng để nấu cơm cho bộ đội ăn".

3b

Ông Tô Văn Cầu (Phó Chủ tịch Hội CCB xã Gia Hoà 2) cho hay, để Hội từ thiện đi vào hoạt động, ông Út là người đầu tiên tự nguyện đóng góp, vận động người thân trong gia đình, bạn bè ủng hộ kinh phí gây quỹ. Khi có kinh phí, ông và các thành viên trong hội đã tiến hành khảo sát, xây nhà tình nghĩa cho các đồng đội, nhà tình thương cho những người nghèo khó; hỗ trợ cho những gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn, bệnh tật, ốm đau...

“Hội từ thiện Cựu chiến binh của chúng tôi xác định mình làm từ thiện nên gia đình nào, người nào gặp khó khăn là mình giúp. Ai thiếu cái gì mình tạo điều kiện cho cái đó. Chỉ cần bà con báo tin đang gặp khó khăn cần sự giúp đỡ là chúng tôi có mặt ngay để hỗ trợ, không để bà con phải chờ đợi. Lo được cho bà con là hạnh phúc của ngươi cựu chiến binh chúng tôi. Để việc làm nhân đạo từ thiện ngày càng lan tỏa trong toàn dân, thời gian tới, tôi sẽ cố gắng, nỗ lực tiếp tục tuyên truyền; thực hiện phong trào tương thân tương ái; phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, mở rộng và đa dạng các hoạt động nhân đạo để giúp được nhiều người hơn”, ông Út vui vẻ nói.

“Khi chúng tôi lập hội từ thiện, cũng có lời ra tiếng vào của một số người có tư tưởng ngờ vực việc làm từ thiện của anh em nhưng chúng tôi động viên nhau mình làm việc thiện xuất phát từ tâm, không tư lợi thì không gì phải sợ cả. Tôi thường nói với anh em về câu nói của Bác Hồ “Một dân tộc biết cần, kiệm, liêm, chính là một dân tộc giàu vật chất, mạnh tinh thần”. Nếu mình không liêm thì không thể trong sạch; nếu không chính thì không thể làm được việc tốt, điều thiện, không thể phòng và chống được việc xấu, điều ác. Mình liêm chính thì sẽ không hổ thẹn với lương tâm, với bà con" - ông Út thẳng thắn. May mắn, chúng tôi được theo ông Phùng Minh Út trong một lần trở về chiến trường xưa - xã Lâm Tân (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) và chứng kiến tình cảm của bà con ở đây dành cho ông.

Ông Út kể: “Những ngày chống Mỹ, tôi chiến đấu ở khu vực này và nhiều vùng khác của tỉnh. Hồi đó khó khăn gian khổ lắm, cuộc sống của bộ đội cũng thiếu thốn trăm bề, may nhờ có bà con, nhất là các mẹ, cách chị, ở đây hỗ trợ nên mình rất yên tâm chiến đấu. Nói thật, nếu không có bà con, chưa chắc mình còn còn sống được đến hôm nay. Vì vậy, tôi muốn tri ân những người đã chở che mình ngày gian khổ đó”.

Khi thấy ông Út đến, nhiều người ùa chạy ra đón ông như đón người thân ruột thịt đi xa mới về, tay bắt mặt mừng, nước mắt lưng tròng. Đến một ngôi nhà, nắm tay bà chủ nhà, ông giới thiệu: “Đây là bà Nguyễn Thị Tạo (81 tuổi), là một trong những người dân ở địa phương đã giúp bộ đội rất nhiều, từ chuyện cơm nước đến dò la tin tức, nắm tình hình địch hỗ trợ bộ đội đánh đồn bót. Không có những người như bà, chúng tôi rất khó hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chồng bà cũng là một đồng đội với chúng tôi ngày đó nhưng đã mất cách đây mấy năm”. Nói xong, ông bước tới bàn thờ, rút nén hương thắp cho người đồng đội của mình.

01

Được biết, từ năm 2016 đến nay, ông và Hội từ thiện Cựu chiến binh xã Gia Hòa 2 đã vận động xây dựng được trên 38 căn nhà, căn thấp nhất là 30 triệu đồng, căn cao nhất trên 80 triệu đồng; vận động xây 2 cây cầu giao thông nông thôn trị giá hàng trăm triệu đồng; vận động hàng chục tấn gạo giúp người nghèo; mỗi năm, vào dịp tết Nguyên đán, tặng trên 200 phần quà cho hộ nghèo, gia đình chính sách, thương binh, Liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn; vận động hàng trăm triệu đồng tiền mặt hỗ trợ cho khoảng trên 500 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, người bị nhiễm chất độc da cam; tặng quà, học bổng cho học sinh nghèo hiếu học; vận động hàng trăm bao ximăng, sắt thép, tiền để xây dựng, sửa sang lại cầu, đường nông thôn, giúp người dân địa phương đi lại thuận tiện hơn.

Không chỉ làm từ thiện, nhiều năm nay, tại nhà mình, ông Phùng Minh Út cùng các Cựu chiến binh tổ chức 3 ngày họp mặt là ngày 30/4, ngày 2/9 và ngày 22/12. Trong đó, ngày 2/9 là điểm nhấn khi ông và các cựu chiến binh xã Gia Hòa 2 tổ chức ngày giỗ Bác Hồ nhằm tưởng nhớ ngày Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945, tưởng nhớ ngày Bác mất 2/9/1969; đồng thời là dịp để tri ân, tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì độc lập của dân tộc. Ngày giỗ ấy, bà con địa phương và rất nhiều người là lãnh đạo huyện, tỉnh tham gia.

Hỏi ông về giỗ Bác Hồ, ông nói trong niềm xúc động: “Cha mẹ tôi sinh ra tôi nhưng Bác mói là người đem lại độc lập, tự do, cơm no áo ấm cho tôi và cho đồng bào ta. Từ đó tôi có sự tôn kính đối với Bác, Bác là tất cả, cuộc đời Bác là vì dân tộc, vì mọi người. Bác là người rất vĩ đại trong lòng tôi cũng như trong lòng mọi người. Hình ảnh Bác luôn hiện diện trong tôi với lòng kính trọng. Vì vậy, tôi và anh em tổ chức làm đám giỗ Bác để bày tỏ lòng tưởng nhớ, sự tri ân của chúng tôi với Bác. Đồng thời chúng tôi mời nhiều bà con tới dự với mong muốn ai cũng nhớ tới Bác mãi mãi”.

5b

Với những đóng góp đó, ông Phùng Minh Út đã được UBND tỉnh Sóc Trăng, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng và nhiều cơ quan ban ngành tặng Bằng khen, Giấy khen.

Đặc biệt, năm 2019 vừa qua, ông Phùng Minh Út là 1 trong 12 gương điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Trung ương chọn tham gia chương trình Giao lưu toàn quốc năm 2019, với tên gọi “Hồ Chí Minh – Hành trình khát vọng” tại Hà Nội và được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Nhắc về kỷ niệm chuyến đi Hà Nội này, ông Út không giấu được niềm hạnh phúc: “Từ khi còn trong quân ngũ, hình ảnh, lời dạy của Bác giúp tôi và đồng đội vượt qua bao khó khăn, thử thách. Khi được lựa chọn tham gia chương trình giao lưu về học tập và làm theo Bác, tôi rất vinh dự và xúc động lắm vì từ rất lâu, tôi đã ước mơ được ra Hà Nội, được đến viếng Bác nhưng không có điều kiện. Ra Hà Nội dự giao lưu lần này, tôi đã thỏa ước nguyện là được nhìn thấy Bác, chỉ tiếc rằng không được nhìn Bác lâu hơn. Được nhìn thấy Bác là động lực giúp tôi càng nỗ lực nhiều hơn nữa trong công việc của mình”.

Cao Xuân Lương   
6 chuyên đề trong công tác quản lý nhà nước về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình

6 chuyên đề trong công tác quản lý nhà nước về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình

(NSMT) - Ngày 18/9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị tập huấn công tác quản lý nhà nước về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024.

Không tháo dỡ 'Tòa nhà đẹp nhất Cà Mau'

Không tháo dỡ 'Tòa nhà đẹp nhất Cà Mau'

(NSMT) - Sáng 18/9, tại buổi họp báo quý III, UBND thành phố Cà Mau thông tin về việc xử lý ‘tòa nhà đẹp nhất Cà Mau’, đã thống nhất cho chủ căn nhà chuyển mục đích sử dụng đất.

Sở Y tế Cà Mau chi 3 tỷ đồng cho nhân viên y tế bị giảm phụ cấp ưu đãi nghề

Sở Y tế Cà Mau chi 3 tỷ đồng cho nhân viên y tế bị giảm phụ cấp ưu đãi nghề

(NSMT) - Ngày 18/9, tại buổi họp báo quý III/2024, Sở Y tế Cà Mau thông tin về vụ nhân viên y tế bị giảm phụ cấp ưu đãi nghề với số tiền chi trả khoảng 3 tỷ đồng .

Cà Mau: Nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc

Cà Mau: Nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc

(NSMT) - Sáng 18/09, tại buổi họp báo quý III/2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cung cấp thông tin các hoạt động kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954 -2024).

Đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán 2025 dài 9 ngày

Đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán 2025 dài 9 ngày

Theo phương án đề xuất lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 của Bộ LĐ-TB&XH, cán bộ, công chức, viên chức có thể được nghỉ 9 ngày liên tục.

Sinh viên Trường Đại học Nam Cần Thơ mang Trung thu ấm áp đến với các em thiếu nhi

Sinh viên Trường Đại học Nam Cần Thơ mang Trung thu ấm áp đến với các em thiếu nhi

(NSMT) – Ngày 17/9, anh Phạm Vi Khanh – Phó Bí thư Đoàn trường, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết, Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên Trường Đại học Nam Cần Thơ đã tổ chức hành trình thiện nguyện “Vui hội Trăng rằm – San sẻ yêu thương”. Hành trình diễn ra từ ngày 13/9 - 17/9.

Tích cực giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Tích cực giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Cần Thơ

(NSMT) - Theo đánh giá Ban Chỉ đạo 138 quận Cái Răng, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn TP Cần Thơ tiếp tục được giữ vững, ổn định. Lực lượng công an triển khai đồng bộ các mặt công tác phòng, chống tội phạm, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) và thực hiện Đề án chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội, đạt nhiều kết quả tích cực.