Ông bà chăm cháu - Nghĩa tình gia đình thêm đong đầy
Mấy tuần nay, nhiều người đã đi làm trở lại trong khi con cái vẫn chưa học tập trung. Để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh, cha mẹ không thể đưa con theo vào nơi làm việc như trước đây, còn thuê người giúp việc hay giữ trẻ vào thời điểm này lại không an tâm. Trong tình cảnh khó khăn, nhiều gia đình may mắn được ông bà hỗ trợ, chăm sóc cháu cho các con đi làm...
Chị Cẩm Thúy ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ có con gái học lớp 4 và con trai hơn 4 tuổi. Mấy tháng qua, do tình hình dịch bệnh, vợ chồng chị thay phiên nhau người đi làm, người ở nhà giữ con kết hợp làm việc online. Hiện tại, công việc anh chị đã trở lại bình thường mà các con chưa đi học. Vợ chồng chị Thúy chưa biết tính sao vì các con quá nhỏ, không thể để ở nhà tự trông nhau được. Trong lúc bối rối thì má chồng chị gợi ý sẽ tạm thời đóng cửa tiệm tạp hóa để giữ cháu giúp. Do ở gần nhau nên các con chị Thúy thường qua lại giữa 2 nhà chơi, trưa và chiều bà nội nấu cơm cho ăn. Hôm nào cô giáo giao bài tập thì chị Thúy in ra sẵn, nhờ má chồng nhắc con gái làm.
Chị Thúy bộc bạch: “Thời điểm hiện tại, thuê người giúp việc và giữ con rất khó mà chi phí cao. Nhờ có má giúp đỡ, chúng tôi rất an tâm, nhất là những khi tăng ca hay có việc đột xuất. Để má đỡ cực, tôi mua và sơ chế sẵn thức ăn cho má nấu, còn buổi tối tranh thủ dọn dẹp, giặt giũ. Các con ở với nội rất ngoan”.
Chị Hồng Ngọc và em gái đã lập gia đình, ở gần nhà cha mẹ ruột tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Chị Ngọc có con gái học lớp 8, con trai 5 tuổi; còn em gái chị có con gái học lớp 6. Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, các con và cháu chị Ngọc thường được ông bà ngoại phụ giúp chăm sóc để cha mẹ làm việc online. Những ngày này, cha mẹ đi làm thì các cháu qua nhà ngoại. Hai bé lớn học online, được ông ngoại hướng dẫn, hỗ trợ khi máy móc, đường truyền internet trục trặc; bé nhỏ thì được ông ngoại rèn chữ, dạy vẽ, làm phép tính. Những lúc rảnh rỗi, ông bà ngoại hướng dẫn các cháu chăm sóc vườn rau, chơi trò chơi…
Chị Ngọc kể: “Má của tôi sức khỏe dạo này không được tốt, cần yên tĩnh nghỉ ngơi, trong khi con trai tôi lại quá nghịch. Vì vậy, ban đầu tôi định gởi con trai ở nhà cô bảo mẫu cũ nhưng cô về quê, gởi con cho người lạ tôi lại không an tâm. Thương cháu, ba má tôi không ngại cực khổ, sẵn lòng lo cho tụi nhỏ. Sáng tôi dậy sớm, nấu sẵn thức ăn mang qua nhà, trưa ba má chỉ cần làm nóng lại. Tôi mong dịch bệnh qua mau để các con sớm vào trường học, ông bà đỡ vất vả”.
Chị Ngọc Hân làm công nhân ở quận Bình Thủy. Dịch bệnh, công ty tạm đóng cửa, chị Hân ở nhà phụ giữ 2 cháu ngoại. Con gái chị Hân bán hàng online, mấy hôm nay bắt đầu hoạt động trở lại, thường xuyên đi giao hàng nên gởi 2 con ở nhà mẹ ruột. Con dâu chị Hân mới sinh con được vài tuần, con trai đi làm cả ngày, chị sui ở quê không lên phụ được nên đầu tháng 10, chị Hân quyết định nộp đơn nghỉ việc để có thời gian lo cho con cháu. Những lúc bận nấu ăn hay làm việc nhà thì chị Hân nói cháu lớn tự bày đồ ra chơi, phụ giữ em.
Chị Hân chia sẻ: “Tôi đi làm hơn 10 năm, thu nhập ổn định, nghỉ cũng tiếc nhưng thương con cháu, mình phải ráng lo. Trước đây, cuối tuần tụi nhỏ mới về chơi. Nhưng cả tháng nay, gần như tụi nhỏ ở suốt với tôi. Công việc chăm cháu đối với tôi thực ra không quá cực, chỉ cần mình biết cách sắp xếp, dạy tụi nhỏ vào nền nếp. Bây giờ sức khỏe là quan trọng nhất nên phải kỹ càng trong sinh hoạt, ăn uống, tự tay mình lo cho an tâm”.
Cha mẹ đi làm, con ở nhà là tình cảnh chung của nhiều gia đình hiện nay. Phụ huynh có con nhỏ, độ tuổi mầm non, tiểu học thì sự lo lắng càng cao. Những gia đình không có ông bà hỗ trợ đã xoay xở bằng cách gởi bạn bè, hàng xóm thân thiết có con cùng tuổi để trẻ cùng học online, cùng chơi với nhau. Đơn chiếc quá thì cha mẹ nấu đồ ăn để sẵn, dặn dò anh chị lớn ở nhà trông em, bảo ban nhau học hành,… Dẫu gặp không ít khó khăn nhưng nhiều gia đình cố gắng tìm cách thích nghi, sắp xếp để vừa đảm bảo công việc cho cha mẹ, sự an toàn của con cái, vừa không ảnh hưởng việc học. Mọi người đều tin tưởng rằng cuộc sống với trạng thái bình thường mới sẽ trở lại không xa…
Yêu thương bản thân để sống vui, sống khỏe
(NSMT) - Dẫu bận rộn, nhiều phụ nữ vẫn cố gắng sắp xếp, cân bằng giữa công việc, gia đình và nghỉ ngơi, thư giãn để nâng cao chất lượng cuộc sống. Các chị thể hiện tình yêu bản thân bằng sự quan tâm đến cảm xúc cá nhân, nuôi dưỡng thể chất và tâm hồn, xây dựng lối sống lành mạnh. Những thói quen tốt giúp các chị tái tạo năng lượng tích cực, vui vẻ, lạc quan, khỏe đẹp hơn…
Hơn 150 vận động viên tranh tài sôi nổi tại Giải đua vỏ Composite TP Cần Thơ mở rộng
(NSMT) - Ngày 30/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ tổ chức Giải đua vỏ Composite TP. Cần Thơ mở rộng năm 2024. Tham gia giải có 164 vận động viên thuộc 9 tỉnh, thành phố.
Tất cả đã sẵn sàng cho đêm chung kết Hội thi Nét đẹp Áo bà ba Xưa và Nay năm 2024
(NSMT) - Sau 3 tháng tạm hoãn, vòng chung kết Hội thi Nét đẹp Áo bà ba Xưa và Nay lần II năm 2024 đã trở lại, hứa hẹn với nhiều phần thi đầy hấp dẫn.
Độc đáo Lễ cúng Trăng của đồng bào dân tộc Khmer
(NSMT) - Lễ cúng Trăng là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc, phản ánh nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer Nam Bộ. Với hoạt động đặc trưng là đút cốm dẹp, hay còn gọi là Oóc Om Bóc trong tiếng Khmer, lễ cúng Trăng còn được biết đến rộng rãi với cái tên Lễ Oóc Om Bóc.
Những “bông hoa khuyết” tỏa sáng trên đường chạy
(NSMT) - “Những đoá hoa khuyết” phá rào cản, vượt qua giới hạn bản thân để tỏa sáng trên đường chạy “Bước chân hòa nhập 2024” – Mùa 2 do Hội Người khuyết tật TP. Cần Thơ (CAPD) tổ chức.
Giải trí ảo, hậu quả thật
Hiện nay, sử dụng mạng xã hội là hình thức giải trí phổ biến, nhất là đối với chị em phụ nữ. Các chị lên mạng cập nhật kiến thức, mở rộng quan hệ, kết giao bạn bè, nhiều chị đầu tư viết nội dung, xây dựng hình ảnh trên trang cá nhân thật lung linh để có like… Và rồi không ít trường hợp bị các thiết bị công nghệ cùng thế giới ảo chi phối quá mức, xao nhãng trách nhiệm đối với người thân, gây bao hệ lụy…
Đôi chân từng chạy loạt sự kiện lớn, bất ngờ sau 6 tháng phải sống nhờ... chống nạng
(NSMT) - Sống một mình trong căn trọ nhỏ cặp khu dân cư Bình Nhựt, quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ, chàng trai Dương Hữu Nghĩa (32 tuổi, ngụ tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) từng là đôi chân chạy hàng loạt các sự kiện lớn nhỏ ở miền Tây, bất ngờ gặp "bạo bệnh" với di chứng "Viêm hoại tử chỏm xương đùi", khiến việc đi lại với anh giờ đây trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.