Phóng viên và nhà báo làm gì để không "thất thế" trước CHAT GPT?
Ngày càng nhiều cơ quan báo chí và hãng tin tức lớn trên thế giới triển khai sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thông qua các ứng dụng như Chat GPT để khai thác, xử lý thông tin. Vậy phóng viên, nhà báo cần làm làm gì trước nguy cơ bị trí tuệ nhân tạo (AI) thay thế trong tương lai?
Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, các chuyên gia truyền thông đã có những chia sẻ về vấn đề "nóng" này trên Tạp chí Gia đình Việt Nam.
Trí tuệ nhân tạo (AI) có ảnh hưởng như thế nào đối với sự phát triển trong lĩnh vực báo chí truyền thông?
Tiến sĩ Phan Văn Kiền - Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn)
Tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0 mà cốt lõi là quá trình chuyển đổi số đang tạo ra những thay đổi to lớn trong đời sống xã hội toàn cầu. Chúng ta đang chứng kiến những chuyển biến toàn diện trong hoạt động báo chí truyền thông. Từ hoạt động quản lý nhà nước về báo chí đến hoạt động toà soạn và tác nghiệp của phóng viên, từ lý luận đến thực tiễn, từ pháp luật đến đạo đức, kinh tế báo chí... đều đang chuyển đổi từng ngày, từng giờ.
Sự xuất hiện của AI đã khiến hệ sinh thái báo chí thay đổi càng ngày càng toàn diện, từ việc xác lập lại từ khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của báo chí đến phương thức tác nghiệp của phóng viên, từ vai trò chức năng của báo chí trên không gian thực đến không gian mạng, từ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp đến các vấn đề luân lý, tư tưởng, từ nguồn thu nhập của toà soạn, phóng viên đến cách tư duy trên một nền tảng thông tin mới...
Nhà báo Nguyễn Chí Long - Phó Tổng Biên tập Báo Sức khoẻ và Đời sống
Một buổi sáng thức giấc, bạn vớ ngay lấy cái điện thoại. Và như một thói quen cố hữu, bạn bật nó lên và bập ngay vào mạng xã hội. Facebook hay Tiktok chẳng hạn. Lúc đó bạn ngạc nhiên vì một loạt những bài viết, quảng cáo điều trị đau mỏi vai gáy, các thủ thuật làm giảm đau mỏi vai gáy cho dân công sở, địa chỉ bấm huyệt vai gáy uy tín, cửa hiệu bán sản phẩm cho người đau mỏi vai gáy.
Chính thói quen đọc, thói quen tìm kiếm của bạn đã được các “bộ óc máy tính” ghi lại. Và hàng loạt thứ phục vụ cho nhu cầu tìm kiếm của bạn đã tuôn đầy trên tài khoản cá nhân của bạn. Đó chính là truyền thông, một dạng truyền thông theo thị hiếu mà trí tuệ nhân tạo đã hướng đến bạn. Tôi lấy một ví dụ thế để bạn thấy cái ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo với báo chí và truyền thông như thế nào.
Có rất nhiều ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo đối với báo chí truyền thông nhưng tôi cho rằng, ảnh hưởng lớn nhất là nó thay đổi cách tiếp cận của thông tin tới con người. Chủ động và thiết thực hơn. Toàn diện và cá nhân hóa hơn. Khi có AI, báo chí và truyền thông được “chắp cánh” nhiều hơn, nhanh, mạnh và hữu ích hơn.
Nhà báo Trần Lan Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận
Trước hết phải khẳng định rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang thay đổi một cách căn bản cách thức tạo ra tin tức trở nên nhanh hơn, phần nào đó hiệu quả hơn, đồng thời AI cũng là liều doping khiến những người làm báo buộc mình phải thay đổi hơn, sáng tạo hơn để có thể cạnh tranh được với AI.
Đặc biệt, AI vô cùng hữu ích với loại hình báo chí dữ liệu hay những bản tin mang tính format khá cao. Một số thực hiện đã chứng minh có những phần trong một bài báo, một công cụ AI là ChatGPT viết ra và người BTV thực sự đã phải phải chỉnh sửa, bổ sung gì vì “khá hoàn chỉnh”.
Tuy nhiên, những hệ luỵ mà AI tác động tới báo chí không phải là nhỏ. Trong đó, đáng kể nhất là việc AI sẽ lấy đi một phần không nhỏ việc làm trong ngành truyền thông khi một phần nào đó, các công cụ AI đang dần thay thế và có khả năng đảm nhiệm hoạt động đưa tin của con người. Tôi tin rằng sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của AI sẽ có những tác động, thậm chí mối đe doạ với ngành báo chí sẽ còn mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa.
Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thay thế hoàn toàn phóng viên, nhà báo trong việc sản xuất tin bài?
Nhà báo Nguyễn Chí Long - Phó Tổng Biên tập Báo Sức khoẻ và Đời sống:
Sử dụng trí tuệ thông minh là xu hướng thời đại và báo chí cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Việc sử dụng Chat GPT để khai thác và xử lý thông tin đã từng gây ra sự sửng sốt cho con người về độ thông minh, linh hoạt và “thấu thị cảm xúc” của máy móc. Người máy dẫn chương trình truyền hình, đọc bản tin… Và tôi cho rằng, đó là xu thế tất yếu mà báo chí sẽ vận hành trong tương lai.
Tuy nhiên, để nói rằng thời gian tới trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế phóng viên nhà báo trong việc sản xuất tin bài thì tôi cho rằng khó xảy ra. Bởi câu chuyện Chat GPT cho ra đoạn văn hài hước khi viết về nàng Kiều trong thơ Nguyễn Du đã từng khiến mạng xã hội cười nghiêng ngả. Sự lắp ghép thông tin máy móc, vô cảm và thậm chí là tổng hợp thiếu khoa học dựa trên các dữ liệu không phải và cũng chưa bao giờ là công việc của các nhà báo, phóng viên chân chính.
Nhà báo Trần Lan Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận
Trí tuệ nhân tạo (AI) chắc chắn sẽ tác động rất mạnh mẽ, sâu rộng tới ngành báo chí truyền thông bởi báo chí là một trong những ngành chịu tác động mạnh mẽ nhất của công nghệ. Nhưng tác động mạnh mẽ không đồng nghĩa tới câu chuyện thay thế. Thực tế, Chat GPT đã được thừa nhận là có thể viết nên một đoạn sapo, một vài dạng tin tức, có thể thay thế một số công đoạn trong quy trình làm báo.
Tuy nhiên, Chat GPT có thể tạo nên một bài nhận định, góc nhìn mang tính riêng hay những dạng thể tin tức độc đáo hay không, thời điểm này có thể khẳng định là không thể. Các hệ thống AI tạo nội dung mới (generative AI) là công nghệ dựa trên máy học. Mà đã là máy học thì tính automatic- tự động và routine- lặp đi lặp lại sẽ rất cao, nên thông tin được tạo ra sẽ mang tính form- mô hình là chính mà tính riêng, tính sáng tạo, độc đáo sẽ rất thấp.
Trong khi đó, nghiệp báo chí là nghiệp viết lách, thông tin không mang tính riêng, tính độc đáo sẽ không thu hút, không giữ chân được công chúng. Vì thế, nói AI, cụ thể là Chat GPT có thể thay thế phóng viên, nhà báo trong việc sản xuất tin bài là chưa chuẩn xác, ít nhất là tới sự phát triển của công nghệ truyền thông thời điểm này. ChatGPT, theo tôi, nên được hiểu theo góc nhìn là một trợ thủ đắc lực của các nhà báo, phóng viên, là “nhân viên” có thể tham gia vào công đoạn chuẩn bị cho bài báo chẳng hạn như lên ý tưởng.
Tiến sĩ Phan Văn Kiền - Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn)
Nói trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thay thế phóng viên, nhà báo trong việc sản xuất tin bài vừa đúng vừa sai. Đúng vì hàng loạt công việc của nhà báo đang có nguy cơ bị AI thay thế. Nói như vậy để thấy, sự biến động, chuyển đổi trong hệ thống báo chí truyền thông khi có sự can thiệp của AI là rất lớn.
Tuy nhiên, câu hỏi vẫn được đặt ra là: AI liệu có thay thế nhà báo trong mọi lao động? Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay thế phóng viên ở một số đầu việc cơ bản như đưa tin, kỹ thuật viết lách đơn thuần, thu thập và xử lý dữ liệu…
Trí tuệ nhân tạo (AI) dù có thông minh đến đâu thì cũng chỉ là trí tuệ nhân tạo, là học máy, tức là phải có người lập trình, có hệ thống cài đặt sẵn để thực hiện các thao tác. Bởi vậy, thay vì lo lắng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay thế mình thì các phóng viên, nhà báo nên nghĩ phải thay đổi mình như thế nào để không bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo.
Điều gì tạo nên sự khác biệt căn bản trong hoạt động báo chí của phóng viên, nhà báo và các ứng dụng thông minh?
Nhà báo Trần Lan Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận
Sự khác biệt căn bản trong hoạt động báo chí của phóng viên, nhà báo và các ứng dụng thông minh là tính cá thể hoá và sáng tạo. Chỉ có con người mới tạo ra được những bài báo, chung một vấn đề thời sự nhưng với nhiều góc nhìn phản biện khác nhau, từ đó tạo sức hấp dẫn, phong phú cho mỗi trang báo, số báo, chương trình.
Ứng dụng Chat GPT chỉ có thể tạo ra 10 bài báo như nhau, 10 chương trình như nhau. Và cũng chỉ có con người, mới có thể cân nhắc có nên viết về một vấn đề, một vụ việc này hay không, dựa nên tính thời điểm, tính nhân văn, góc nhìn đạo đức, lương tâm con người. Những điều này thì trí tuệ nhân tạo (AI) không thể có.
Tiến sĩ Phan Văn Kiền - Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn)
Theo tôi, có hai hoạt động mà trí tuệ nhân tạo (AI) hiện chưa thay thế được con người, và trong tương lai cũng khó có thể thay thế được con người, đó là hoạt động sáng tạo (tạo ra cái mới hoàn toàn) và cảm xúc.
Tôi không dám tưởng tượng đến viễn cảnh có một ngày nào đó AI có cả hai khả năng này. Bởi nếu điều đó xảy ra, AI sẽ trở thành chủ nhân mới của hành tinh chúng ta và những gì chúng ta xem trong phim viễn tưởng sẽ không còn là chuyện ở trên phim ảnh nữa.
Nhà báo Nguyễn Chí Long - Phó Tổng Biên tập Báo Sức khoẻ và Đời sống
Tôi cho rằng sự khác biệt căn bản trong hoạt động báo chí của phóng viên, nhà báo và các ứng dụng thông minh đó chính là nhãn quan và cảm xúc! Nhà báo có thể viết một bản tin, một bài báo trung thực, khách quan và không lồng yếu tố cảm xúc vào đó nhưng trước đó, khi đứng trước thông tin, trước sự kiện họ phải có nhãn quan và cảm xúc.
Cái nhìn của nhà báo, cảm xúc của nhà báo trước các thông tin, sự kiện sẽ mang lại cho họ năng lượng cũng như cách để thể hiện nội dung bài viết. Và đó chính là tính định hướng thông tin của báo chí, tính hướng thiện, hướng mĩ nhân bản của truyền thông.
Nhà báo không phải là cái máy để mô tả một cách trần trụi và vô cảm mọi thông tin mà họ có giống như các dữ liệu có sẵn trong “bộ óc máy tính” sẽ được phơi ra trong một sản phẩm từ máy móc… Chưa kể, giọng điệu, câu chữ, cách khai thác, triển khai đề tài, văn phong báo chí… lại là đặc trưng cá nhân, bản sắc riêng của từng nhà báo, cái mà trí tuệ nhân tạo khó có thể bắt chước được. Cái bản sắc cá nhân riêng biệt của từng nhà báo chính là sự khác biệt của họ với những gì máy móc có được.
Trước những thuận lợi và thách thức mà các ứng dụng thông minh như Chat GPT đem lại, các toà soạn nói chung và các phóng viên, nhà báo cần làm gì?
Tiến sĩ Phan Văn Kiền - Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn)
Hệ sinh thái báo chí truyền thông cần có sự thay đổi toàn diện để đáp ứng tình hình mới. Các toà soạn cần thay đổi chiến lược cũng như mục tiêu hoạt động. Bên cạnh duy trì những giá trị cốt lõi, bất biến của báo chí thì các cơ quan cần khẩn trương bắt tay vào công cuộc chuyển đổi số. Cùng với quá trình chuyển đổi số, "sinh kế" của toà soạn cũng cần phải tiếp cận dần với kinh tế số.
Đối với phóng viên, cần nhận thức rằng nếu mình chỉ làm "thợ viết" như trong bối cảnh báo chí truyền thông truyền thống thì sẽ nhanh chóng bị trí tuệ nhân tạo (AI) thay thế. Vì vậy, các phóng viên cần tiếp cận và phát triển ngay các năng lực phù hợp với nền báo chí sáng tạo, cảm xúc. Cùng với đó, thay vì tư duy tác phẩm, nhà báo phải làm quen và tư duy với sản phẩm báo chí.
Một vấn đề quan trọng nữa là các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông cũng phải nhanh chóng cập nhật các xu hướng mới của thời đại để có định hướng rõ ràng trong việc đào tạo người làm báo tương lai. Chúng tôi tin, thế hệ sinh viên do chúng tôi đào tạo ra sẽ trở thành những người bắt kịp xu hướng của thời đại và chắc chắn không thể để trí tuệ nhân tạo (AI) thay thế.
Nhà báo Trần Lan Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận
Xu hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) với những ứng dụng thông minh như Chat GPT là xu thế không thể cưỡng cầu của hết thảy tất cả các nền báo chí trên thế giới. Sự xâm nhập và tác động của của trí tuệ nhân tạo (AI) vào các công đoạn làm báo là không phải bàn cãi.
Vấn đề cần nhất mà các phóng viên nhà báo cần làm là làm thế nào để có thể tận dụng đối đa ưu thế đồng thời giảm thiểu những hệ luỵ do AI gây ra. Mà làm được điều đó cần nhất là sự sáng tạo, chủ động, linh hoạt và cả cái tâm của người làm tin tức, truyền thông. Những yếu tố đó sẽ là những mỏ neo, giúp những người làm báo đứng vững trong biển sóng thông tin công nghệ ngày càng tác động mạnh mẽ đến đời sống báo chí.
Nhà báo Nguyễn Chí Long - Phó Tổng Biên tập Báo Sức khoẻ và Đời sống
Vận dụng và hoàn thiện. Vận dụng các ứng dụng thông minh cho công việc của mình là điều bắt buộc trong xu thế chuyển đổi số báo chí hiện nay. Hoàn thiện mình để vận dụng được các ứng dụng thông minh một cách… thông minh nhất!
Vì sao 19/11 được chọn làm Ngày Quốc tế Nam giới?
(NSMT) - Ngày Quốc tế Nam giới (còn gọi là Ngày Quốc tế Đàn ông) diễn ra vào ngày 19/11 hàng năm, là dịp quan trọng để tôn vinh những đóng góp của phái mạnh đối với xã hội và gia đình, đồng thời nâng cao nhận thức về các vấn đề sức khỏe, tâm lý và xã hội mà nam giới đang phải đối mặt. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ý nghĩa của ngày lễ, những lời chúc ý nghĩa dành tặng nam giới và những món quà đặc biệt dành cho bạn trai trong dịp này.
Cha mẹ hướng con học 4 ngành này ra trường không lo thất nghiệp
Những ngành học này không chỉ đáp ứng nhu cầu nhân lực hiện tại mà còn hứa hẹn cơ hội việc làm rộng mở trong tương lai.
Vĩnh Long: Khai mạc Liên hoan Gia đình tài tử và Liên hoan Tiếng hát thanh niên Kinh - Hoa – Khmer
(NSMT) - Tối 17/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long phối hợp UBND huyện Mang Thít tổ chức khai mạc Liên hoan Gia đình tài tử và Liên hoan Tiếng hát thanh niên Kinh - Hoa - Khmer tỉnh Vĩnh Long năm 2024.
Uốn nắn con từ lời ăn, tiếng nói
Hiện nay, tình trạng trẻ vị thành niên nói tục, chửi thề, sử dụng tiếng lóng thiếu lành mạnh trong giao tiếp diễn ra khá phổ biến, gây không ít hệ lụy. Phụ huynh cần quan tâm uốn nắn, giáo dục con sửa đổi kịp thời những hành vi xấu…
Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh tế Xanh Vĩnh Long bước đi tiên phong, thể hiện sự đổi mới sáng tạo của địa phương
(NSMT) - Tối 16/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức lễ khai mạc Festival Gạch Gốm đỏ - Kinh tế Xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 tại Làng nghề sản xuất gạch, gốm kênh Thầy Cai (xã Nhơn Phú-huyện Mang Thít). Ông Hồ Đức Phớc - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Vĩnh Long: Khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật Môi trường xanh – Cuộc sống xanh – Du lịch xanh
(NSMT) – Sáng 16/11, tại khu dân cư T&T Phước Thọ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long phối hợp cùng Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức tổng kết, trao giải và khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật chủ đề “Môi trường xanh – Cuộc sống xanh – Du lịch xanh”.
Những cánh diều hòa cùng không khí kỷ niệm 70 năm tập kết ra Bắc tại Cà Mau
(NSMT) - Sáng 16/11, trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau phối hợp với UBND Huyện Trần Văn Thời tổ chức Ngày hội thả diều nghệ thuật năm 2024 tại thị trấn Sông Đốc.