Tấm lòng thiện nguyện của Cô giáo mầm non ở Sóc Trăng
(NSMT) - Trong những năm qua, ngành GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong hoạt động chuyên môn cũng như các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội. Trong số đó, cô giáo Trương Thị Thu Vân (giáo viên Trường Mẫu giáo dạy tại điểm lẻ Chông Chác thuộc trường Mẫu giáo Mai Hoa, phường 5, TP Sóc Trăng) là tấm gương tiểu biểu.
Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, cô Vân còn tích cực tham gia các phong trào do nhà trường, ngành giáo dục và địa phương phát động, như làm đồ dùng dạy học, thi giáo viên giỏi, tham gia các hoạt động đoàn thể, phong trào văn nghệ của trường và các hoạy động từ thiện, an sinh xã hội.....
Cô giáo có 41 lần hiến máu nhân đạo
Nói về việc hiến máu nhân đạo của mình, cô Thu Vân cho biết: “Lúc còn nhỏ, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, được nhiều bà con giúp đỡ. Đón nhận sự giúp đỡ đó, tôi rất xúc động và tự hứa với mình là sau này mình sẽ cố gắng giúp đỡ người khác. Vì thế, khi có phong trào hiến máu nhân đạo, tôi nghĩ đây là cơ hội để mình được giúp đỡ người khác. Tính đến nay, tôi đã tham gia hiến máu được 41 lần và tôi sẽ tiếp tục hiến máu cho đến khi nào không đủ tiêu chuẩn”.
Theo cô Vân, hiến máu tình nguyện là một việc làm mang tính nhân văn cao đẹp nên cô tham gia thường xuyên và đều đặn. Cô kể, lần đầu tiên hiến máu cô cũng “hơi sờ sợ” nhưng sau đó thấy sức khỏe vẫn bình thường nên mạnh dạn đăng ký cho những lần sau.
“Hơn nữa, những giọt máu của mình góp phần cứu sống được một người nào đó nên tôi rất vui. Vì vậy năm nào tôi cũng tham gia hiến máu. Tôi sẽ tiếp tục hiến máu cho đến khi nào không đủ điều kiện nữa mới thôi”, cô Vân tâm sự.
Kể lại kỷ niệm khó quên trong những lần hiến máu, cô Vân bùi ngùi: “Vào khoảng năm 2012, có một thanh niên công tác trong một đơn vị viễn thông bị tai nạn giao thông, mất rất nhiều máu. Khi nghe tin bạn này bị mất máu và rất cần người hiến máu, tôi đăng ký đến hiến máu cho bạn. Lúc đó bác sĩ lấy máu trực tiếp có hỏi tôi là hiến bao nhiêu đơn vị máu thì tôi nói bác sĩ cứ lấy thoải mái, miễn sao cứu sống được bạn đó. Lần đó tôi hiến máu liên tục, cho đến khi mọi người thấy tôi có dấu hiệu quá sức mới không cho tiếp máu nữa. Tiếc rằng, do bạn đó bị mất máu quá nhiều nên không qua được. Tôi buồn lắm!”.
Trong thời gian xẩy ra đại dịch Covid-19, cô Thu Vân đã tích cực tham gia các hoạt động chống dịch như trực chốt kiểm soát, hỗ trợ tiêm vắc-xin, nấu cơm phục vụ cho những người nghèo, những người yếu thế ở địa phương đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Mỗi ngày bếp của cô nấu khoảng 500 suất cơm.
Cô Trương Thị Thu Vân nhớ lại: “Khi dịch bùng phát, ở địa phương có nhiều ca mắc Covid-19, nhiều khu vực bị phong tỏa, cuộc sống của những người nghèo bị ảnh hưởng bởi không có việc làm, thu nhập giảm. Vì vậy, chúng tôi tổ chức bếp ăn để nấu cơm trao tặng bà con. Mỗi ngày bếp của chúng tôi đỏ lửa 2 lần, mỗi lần nấu khoảng 250 suất cơm. Cơm sau khi nấu xong được cho vào hộp, một số bà con ở gần sẽ đến bếp nhận cơm, phần còn lại chúng tôi sẽ mang đến cho những người không có điều kiện đến nhận được”.
Vận động hỗ trợ nhiều tỉ đồng cho công tác an sinh xã hội
Không chỉ tích cực hiến máu tình nguyện, cô Trương Thị Thu Vân còn rất tích cực trong kết nối, vận động các nhà hảo tâm, các Mạnh thường quân hỗ trợ hàng ngàn phần quà, xây nhà cho người nghèo, xây cầu nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Cô Thu Vân tâm sự: “Tôi may mắn có chồng ủng hộ những việc làm của mình. Ngoài việc hiến máu, tôi có duyên khi được kết nối với các nhà hảo tâm, các Mạnh thường quân và đã vận động được nhiều phần quà hỗ trợ học sinh nghèo ở địa phương, hỗ trợ những mảnh đời khó khăn như tặng gạo, nhu yếu phẩm, quần áo, xây nhà, xây cầu cho đồng bào vùng sâu, vùng xa”.
Tính đến nay, cô Thu Vân đã vận động được hàng ngàn phần quà trị giá hàng tỉ đồng để hỗ trợ cho các em học sinh nghèo, người nghèo ở địa phương.
Riêng trong ngày khai giảng năm học 2023-2024, cô đã vận động và tặng quà cho các em học sinh mẫu giáo tại điểm trường Chông Chác và học sinh trường Tiểu học phường 5 trị giá gần 300 triệu đồng. Còn tại phường 5 (TP. Sóc Trăng), trong năm 2023 vừa qua, cô đã vận động tặng quà cho người dân với tổng trị giá khảng 1 tỉ đồng. Bên cạnh đó, cô cũng vận động xây dựng 7 căn nhà, tặng quà, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình cho người có hoàn cảnh khó khăn, trị giá khoảng 700 triệu đồng. Hiện nay, cô cũng đã vận động và đã khảo sát chuẩn bị khởi công xây tặng 2 căn nhà cho người dân ở phường 5 (TP. Sóc Trăng), mỗi căn khoảng 100 triệu đồng (kể cả quà, vật dụng sinh hoạt trong gia đình).
Cũng trong tháng 5 này, cô đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ và đã tiến hành khởi công xây dựng cây cầu giao thông nông thôn ở ấp Tam Sóc C2 (xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú) trị giá 290 triệu đồng thay cho cây cầu khỉ lắt lẻo, gập ghềnh vốn có từ nhiều năm qua. Cây cầu này hoàn thành sẽ giúp người dân đi lại dễ dàng, thuận tiện hơn, nhất là với các em học sinh. Khi chưa có cầu, các em đến trường phải đi đường vòng mất nhiều thời gian vì xa mấy cây số, còn cầu xây xong, các em chỉ đi khoảng 500 mét là tới trường.
Cô Lê Thúy Vy (một đồng nghiệp của cô Thu Vân) nhận xét: “Cô Thu Vân là một giáo viên rất nhiệt tình với công việc, luôn nghiên cứu, tìm hiểu phương pháp giảng dạy mới, đầu tư công phu cho tiết dạy để thu hút trẻ. Cô quan tâm, chăm sóc cho các cháu rất chu đáo từ bữa ăn, giấc ngủ cho đến các sinh hoạt khác. Cô được đồng nghiệp kính trọng, học sinh yêu quý, phụ huynh tin tưởng”.
Ông Lý Kim Sươl, Phó Chủ tịch UBND phường 5 (TP.Sóc Trăng) cho biết: “Cô Trương Thị Thu Vân là một cô giáo rất tâm huyết với nghề, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, có tình yêu thương học sinh, được nhiều phụ huynh tin tưởng, kính trọng. Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ ở trường, cô còn vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ hàng ngàn phần quà cho các em học sinh và người dân ở địa phương”.
Lặng lẽ nghề pháp y
(NSMT) - Cũng khoác áo blouse để mưu sinh và cống hiến, thế nhưng chẳng mấy ai biết bác sĩ pháp y - nghề “lên tiếng thay người đã khuất” vẫn thầm lặng tìm công lý bên những xác chết, phục vụ công tác điều tra phá án. Và, đâu đó góc khuất của nghề chưa được kể, hiểu đúng cũng như cảm thông.
Chuyện về người thương binh “tàn nhưng không phế” ở Cà Mau
(NSMT) - Thương binh hạng 2/4 Nguyễn Văn Chà, sinh năm 1963, ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, luôn giữ được phẩm chất của người lính bộ đội Cụ Hồ "tàn nhưng không phế”, tích cực phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng và có nhiều đóng góp tích cực cho quê hương.
Lễ hội Oóc Om Bóc
Đua ghe Ngo Sóc Trăng, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024 diễn ra trong 7 ngày.
Bữa cơm 0 đồng: San sẻ yêu thương với bà con khó khăn TP Cần Thơ
(NSMT) - Gần 3000 suất cơm "0 đồng” được phát cho bà con khó khăn, người lao động, học sinh sinh viên tại quán cà phê Ngọc Trương (Số 372D, đường Nguyễn Văn Cừ Nối Dài, Phường An Khánh, Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) trong hơn 2 tháng qua. “Bữa cơm 0 đồng” san sẻ yêu thương, phần nào giúp họ vơi bớt nhọc nhằn, “ấm bụng no lòng” nhất là trong những ngày mưa, triều cường ngập nặng, buôn bán chật vật…
Người trẻ sợ ngày cuối tuần
(NSMT) - Thay vì tận hưởng ngày nghỉ cuối tuần, hầu hết mọi người lại có cảm giác uể oải, chán nản vào ngày Chủ nhật vì hôm sau là một tuần làm việc mới.
Con trai chủ tháp đôi Petronas từ bỏ thừa kế 5 tỷ USD để đi tu hành
Là con trai duy nhất của tỷ phú Ananda Krishnan, người có giá trị tài sản ròng 5 tỷ đô la, Ajahn Siripanyo được định sẵn sẽ thừa kế đế chế viễn thông khổng lồ của cha mình nhưng ông đã từ bỏ sự xa hoa và quyết định trở thành một nhà sư.
Có nên cho bạn bè, gia đình vay tiền?
Ngay cả giữa anh chị em, con cái đã trưởng thành và cha mẹ, những mâu thuẫn do vay mượn là điều không thể tránh khỏi. Nhiều người chủ trương dù ai vay tiền cũng phải từ chối.