Tết năm nay về để đoàn viên
(NSMT) - Với mỗi người Việt, Tết là sự trở về, Tết là sum họp, Tết là đoàn viên. Những ngày Tết dù bận rộn, có nhiều thứ phải lo toan đến đâu, mỗi người đều mong muốn được đoàn tụ bên gia đình.
Suy nghĩ đó đã ăn sâu vào tiềm thức để rồi dù ai có đi xa đến đâu thì Tết đến, Xuân về cũng cố gắng trở về quê ăn tết. Có thể nói, quê hương có Tết, Tết là quê hương.
Bởi vì cảm giác “về quê” cũng đã gợi cho người ta sự bình yên. Bởi vì cảm giác trở về chính là được quay về mái ấm cho ta dựa dẫm suốt đời. Bởi vì cảm giác trở về cho chúng ta thôi bận tâm về quá nhiều mối lo khác trong cuộc sống, để chỉ chú tâm vào gia đình, để cho bản thân chúng ta thời gian nuôi dưỡng tâm hồn lớn lên.
Mỗi ngày lịch đi qua là mỗi ngày âm thanh giục giã ấy càng lớn. Không trở về gia đình, thì còn có thể đi đâu? Không trở về bên người thân, sẽ có cảm giác cô đơn đến nhường nào ?
Nhắc đến Tết Việt, chẳng thể nào quên được hai chữ “đoàn viên”. Khi cây cối đâm chồi, nảy lộc, những cành mai bắt đầu vàng tươi, những bông hoa đào đỏ thắm cũng là lúc Tết đến. Thời điểm này, ai nấy đều cố gắng hoàn thành nốt những công việc còn dang dở để cùng về đoàn tụ, đón Tết sum vầy bên gia đình, người thân và bạn bè.
Đối với mỗi người Việt Nam, Tết là dịp quan trọng nhất nên dù ở bất cứ nơi đâu, ai cũng muốn tìm về với những người thân yêu của mình, về nơi chôn rau cắt rốn, đó là những khoảnh khắc bình yên và hạnh phúc nhất. Dù giàu sang, đủ đầy hay thiếu thốn, khó khăn thì ai ai cũng cố gắng trở về nhà đón tết cùng người thân, cảm nhận sự yêu thương, đầm ấm.
Đây là khoảng thời gian thiêng liêng, ấm áp, bình yên và đem đến trong mỗi người một cảm xúc riêng biệt. Dù hiện đại hay truyền thống, dù hình thức đón Tết mỗi nhà có khác nhau, nhưng giá trị thiêng liêng khi sum vầy bên gia đình ngày Tết, đặc biệt là hương vị và không khí tết ở quê vẫn luôn được coi trọng.
Người ta thường nói, mỗi khi năm mới cận kề, hương vị của nó bắt đầu lan tỏa từ rất sớm, và dư âm thì đọng lại rất lâu. Chỉ một luồng gió mang mưa phùn lất phất đọng trên đầu nụ hoa e ấp cũng đủ khiến người ta có cảm giác nặng lòng, chỉ một khoảnh khắc dừng lại trước tiếng loa phường phát ca khúc giao thừa là trái tim có thể dễ dàng lay động. Chỉ muốn thật nhanh hòa lẫn vào biển người mênh mông để tìm về gia đình ấm áp. Vì thế, nên Tết mang âm hưởng như tiếng gọi của sự trở về.
Trước khi dịch bệnh xảy đến, có thể đối với nhiều người vẫn là những tháng ngày bon chen với cuộc sống, với công việc, thu nhập, sổ sách, tính toán, dự án… và nhiều lắm những thứ họ cần làm. Đâu đó có những người con bận việc đến mức chẳng thể cầm điện thoại lên gọi điện hỏi thăm cha mẹ, còn nói gì đến việc chạy về thăm.
Đâu đó có những người chồng, người vợ vì mưu sinh mà còn cố bươn chải thêm mấy đồng thu nhập, đến việc trở về nhìn nhau cũng còn phải hoãn lại. Đâu đó những đứa con đi học xa bốn phương trời còn đang mải chạy theo ước mơ và hoài bão, việc trở về với gia đình còn phải đợi có thời gian… còn nhiều lắm những việc quan trọng hơn là những khoảng khắc bên người thân.
Sau khi dịch bệnh xảy ra, nhiều người chợt nhận ra rằng, những khoảng khắc mà mình vô ý bỏ qua ấy thật đáng trân trọng biết nhường nào. Và rồi, với con số chết chóc trên mỗi bản tin Covid-19 hàng ngày trên khắp thế giới đã cho chúng ta một thông điệp rõ ràng nhất: những người thân yêu không biết lúc nào sẽ mất đi và không quay về nữa.
Trong những cái khổ của con người, như Phật giáo đã chỉ ra là do “ái biệt ly khổ”. Nghĩa là thương nhớ, muốn gặp mặt, muốn đoàn tụ mà phải xa nhau nên khổ. Thử hỏi ai làm việc cực nhọc quanh năm suốt tháng, xa quê, xa gia đình, xa bạn bè, xa người yêu... lại không có tâm lý thích được có một khoảng thời gian dài để gặp lại người thân, tâm sự về những tháng ngày đã qua?
Mỗi gia đình có một cái Tết khác nhau, nơi này thì vui, nơi kia lại lặng buồn, nhưng những giá trị gia đình vẫn còn nguyên vẹn đó, để khi có cơ hội được ở bên nhau mỗi người sẽ hiểu hơn ý nghĩa của gia đình, nhất là những gia đình Việt với truyền thống gắn bó yêu thương…
Một năm mới lại đến, dù trải qua nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh kéo dài, song vẫn không thể đổi thay thói quen lễ Tết. Chúng ta luôn muốn sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn và mong ngóng ngày đoàn tụ vào thời khắc thiêng liêng nhất trong năm để đón chào một mùa xuân mới với niềm hy vọng cho một năm đủ đầy, ấm êm, vạn sự như ý !
Và có lẽ, ai có quê hương cũng muốn về quê ngày Tết. Để rồi, vào ngày cuối cùng của năm cũ, lại được ngồi bên nồi bánh chưng thơm ngọt ngào hương gạo nếp, được cảm nhận hương thơm nồng nàn từ các loài hoa đang đua nhau khoe sắc, được cảm nhận tâm tình qua những phong bao lì xì chứa chan tình cảm hay những câu đối đỏ. Người lớn sẽ tấp nập chuẩn bị đầy đủ từ các món ăn tới trang trí nhà cửa, còn những đứa trẻ thì sẽ xúng xính quần áo mới, tụ tập và chạy nhảy rộn ràng quanh xóm.
Đến cuối ngày, mọi người cùng thức, đếm từng phút giây đợi khoảnh khắc giao thừa để cùng quây quần bên nhau bên vị ngọt ngào của Tết, cùng tận hưởng những cảm giác ấm áp và cùng nguyện cầu một năm mới an lành. Khắp nơi đều tràn ngập tiếng cười nói, bầu không khí chan hòa và ấm cúng giữa tiết xuân se lạnh đặc trưng của của những ngày Tết.
Cha mẹ, con cái, anh chị em, họ hàng,… dù đi muôn phương cũng sẽ ngồi lại với nhau để chuyện trò về tháng ngày đã qua, về những giá trị đến từ từng khoảnh khắc trong cuộc sống mà vẫn còn vẹn nguyên trong tiềm thức con người, về dự định sắp tới và kế hoạch trong tương lai, về nỗi nhớ nhung người thân yêu nơi phương xa và sự mong mỏi, khát khao được đoàn tụ cùng họ ...
Có vô vàn lời nói hay hành động mà chỉ có vào dịp Tết ta mới được được nghe, được chứng kiến. Bên cạnh những lời chúc thường thấy như: chúc sức khỏe, an khang, thịnh vượng, phát tài phát lộc, sống thọ,...
Tết cũng chính là dịp để ta trao nhau những lời tốt đẹp đẽ và thật lòng nhất và để những người thân xung quanh có thể cảm nhận được những tình cảm vô cùng ấm áp, thiêng liêng xuất phát từ tận tâm can. Có thể nói, đó chính là một phương thức để đón chào năm mới của người Việt: bằng tình thương và sự sẻ chia.
Cái không khí Tết không chỉ ở đất trời, ở tâm hồn con người mà còn ở truyền thống tốt đẹp của dân tộc, và truyền thống đó ta thường tìm thấy khi “về quê”. Dù trong tâm thức, mỗi người dân Việt Nam hiện đại đều hiểu được rằng sẽ thật khó khăn để có thể giữ lại được đúng cái phong vị ngày Tết xưa.
Có quá nhiều thứ đã thay đổi theo hướng tích cực lẫn tiêu cực, phong cảnh và “phong cách” đón Tết cũng không còn giống ngày xưa nữa. Nhưng ta vẫn luôn trân trọng những cảm xúc đẹp đẽ với hương vị Tết quen thuộc, bình dị mà thiêng liêng của Tết cổ truyền Việt Nam. Trong sâu thẳm mỗi người, niềm mong ngóng và háo hức được chìm trong không khí truyền thống ấy vẫn chẳng hề phai nhạt, dù là qua bao nhiêu dịp Tết đến Xuân về.
Giao tiếp kết nối yêu thương
Đối thoại, giao tiếp rất quan trọng trong đời sống gia đình, bởi có nói mới hiểu để chia sẻ, cảm thông. Các thành viên cùng một mái nhà hãy tăng cường tương tác, mở lòng trò chuyện cùng nhau. Khi có tiếng nói chung, sẽ giảm bớt những bất đồng, tình cảm thêm gắn kết.
Bạn ghen tị với người khác giới điều gì?
Đàn ông ghen tị với khả năng mang lại sự sống mới cho thế giới của phụ nữ, một số còn ghen tị cả với vai trò làm mẹ. Trong khi đó phụ nữ ghen tị với những điều bất ngờ khác.
Ước mơ làm mẹ của cô gái bại não
Một phụ nữ Trung Quốc mắc bệnh bại não quyết tâm bảo vệ mong muốn được làm mẹ của mình trước những lời chỉ trích trực tuyến.
Phong thủy bàn làm việc giúp sự nghiệp “thăng hoa" trong năm mới
Sự hài hòa trong việc sắp xếp bàn làm việc theo phong thủy sẽ giúp tâm trạng, sức khỏe, tiền tài và vận may trong công việc và sự nghiệp của gia chủ.
Tết vui, tiết kiệm
Còn hơn tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, các gia đình đã bắt đầu sắm sửa để chuẩn bị đón mừng năm mới. Với sự chu đáo, vén khéo, nhiều chị em lên kế hoạch chi tiêu hợp lý, tiết kiệm để cả nhà có một mùa vui ý nghĩa.
Giáo dục con truyền thống gia đình qua dịp lễ Noel
Giáng sinh đang dần trở nên quan trọng khi là dịp để mỗi gia đình đoàn tụ yêu thương, chia sẻ và tận hưởng không khí vui tươi bên bạn bè, người thân.
Cùng nhau vượt khó
(NSMT) - Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, thuận lợi mà có những “khúc quanh” đột ngột như mất việc làm, ốm đau… Ðiều quan trọng, người trong cuộc đừng bi quan mà hãy suy nghĩ tích cực, tìm cách vượt qua nghịch cảnh. Sẽ đáng quý hơn nếu như trong lúc thắt ngặt, thất bại, có sự chung tay trợ giúp của gia đình.