Nếp nhà

Thư tía gửi từ miền xa

Chủ nhật, 21/05/2023, 17:07 PM

Tía mong lúc con cầm và đọc những điều tía viết sẽ cảm thấy an lòng. Sẽ thấy một tía của con cố gắng gạt bỏ lời mời gọi của tử thần cho đến tận phút cuối.

Thương gửi Bảo Ngọc – Con gái ngoan của tía!

Tía không muốn con phải nghe qua lá thư này từ một người nào cả. Không cần phải nôn nóng đọc. Từ từ thôi nghen con. Xem nó như một món quà, một lời phân trần trước phút tía đi xa, không thể quay lại với đầy đủ hình hài. Con có thể đọc lá thư này nhiều lần trong đời, như khi con mới bắt đầu biết ê a con chữ, hoặc khi con trải được ít nhiều những dư vị của một kiếp người. Miễn là con thật lòng muốn đọc. Miễn là con vẫn tin rằng tía con vẫn còn đây, trong vùng trời hoài thương của con ngày bé.

Tía luôn tin vào duyên phận. Bởi nó vốn là một điều rất diệu kỳ đeo mang vào tim của mỗi người. Tía thấy mình may mắn biết nhường nào khi có con. Cuộc đời đã mỉm cười cho tía được làm tía của con. Dù là tía chưa từng nghĩ và cũng chưa từng mong kỳ hạn đời mình sẽ ngắn ngủi như lúc này đây.

Tía không sợ việc phải chết đi. Tía chỉ lo ngày tía thác thì con vẫn còn quá bé nhỏ. Đón con chào đời bằng tiếng khóc buổi đầu nôi. Nhưng tía biết mình sẽ không thể cho con được một mái ấm đủ đầy yêu thương của tía má. Con có giận tía không, Bảo Ngọc?

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Lúc con mở đọc những dòng chữ này, tía nghĩ mình đã sớm nằm sâu dưới mấy gốc mãng cầu sau nhà. Con đừng buồn và cũng đừng tự dằn vặt bản thân. Chúng ta từ đầu đến cuối vốn không có tội tình gì để đáng bị chia cách cả. Chỉ là sau ngần ấy thời gian tía cùng bạn bè đấu tranh với đại dịch Covid-19 trong bệnh viện, tía dần hiểu ra phận số của một con người chưa bao giờ là miên man vô tận. Con cũng đừng trách cứ bất kì ai hay điều gì sau ngày tía thác, nhớ không.

Dịch bệnh bùng phát là chuyện không ai muốn. Đời sống trêu ngươi, bỡn cợt với chúng ta cốt cũng là một cách để thử thách sự kiên định. Có lúc, tía đã nghĩ mình sẽ xuôi tay mà không kịp trao lại cho con điều gì, dù chỉ là nhỏ nhất.

Nhưng không con à! Tía vẫn cố gắng không buông bỏ cho đến tận giờ phút này đây. Nếu tía may mắn, thì mùa Tết này gia đình chúng ta sẽ đoàn viên. Còn bằng không, tía coi như mình hết nợ trần, lá thư này sẽ là hóa thân mới của tía, để dõi theo con ở những dặm đường khôn lớn ngày sau. Và dù cho kết quả có thế nào, tía mong lúc con cầm và đọc những điều tía viết sẽ cảm thấy an lòng. Sẽ thấy một tía của con cố gắng gạt bỏ lời mời gọi của tử thần cho đến tận phút cuối.

Quê mình đẹp lắm con ơi! Mảnh đất nhỏ An Giang đã nuôi nấng tía từ những ngày rất xưa, lúc mới vừa lọt lòng bà nội con. Sau này con khôn lớn, bao nhiêu là cơ hội cuộc đời và những chuyến đi đến muôn trùng cảnh vật. Tía mong con vẫn dành đâu đó trong tim là một khoảng lặng trang nghiêm thật vừa, cho hình hài của một miệt đồng bưng khi thì chay cháy cơn nắng, lúc lại da diết cơn mưa. Tía chưa từng nói cho con nghe về ước mong của tía, lúc nhìn má con sinh con ra. Không phải là tía không muốn nói để khiến con bâng khuâng đâu. Chỉ là tía nghĩ mình sẽ để dành lại đến một lúc nào đó thích hợp, thì mới kể con nghe.

Vậy mà để dành lâu quá lại thành ra chẳng còn cơ hội. Tía không mong gì việc con sẽ thành đạt hơn vạn người, là người giàu có với điện ngọc cung son cả. Mà tía chỉ tâm nguyện với lòng mình, rằng chỉ cần đó là điều con muốn, chỉ cần phía kia là cuộc đời con chọn thì tía sẽ đi cùng con.

Mình bình dị một tí vậy mà vui khỏe qua ngày. Rực rỡ ánh hào quang cũng tốt, nhưng con phải hiểu áp lực cuộc sống chưa từng tha thân cho bất kì ai trong đời. Vị trí nhiều người ước ao, đổ xô nhau tìm đến ắt sẽ mang nhiều nguy cơ và chật vật. Nếu con đủ can đảm để tiến bước thì hãy hiên ngang đi tiếp. Không thì thôi, về nhà có má và các anh con. Về để thấy con nước trước nhà vẫn đều đặn lớn ròng mỗi bận sáng chiều. Về để hít hà cho thoải mái cái tình dân quê đong đầy trong mùi mạ non mới cấy. Gia tài lớn nhất của đời tía chưa bao giờ đo đếm được bằng vàng bạc hay tiền của đâu con à. Ai lại đi bán mua hạnh phúc gia đình mình. Con thấy có phải không?

Mỗi phút giây trôi qua, thiệt lòng mà nói tía sợ lắm con ơi. Người bạn giường bên của tía vừa được mang đi hỏa táng chiều hôm. Hơi thở cuối của người đó trao lại cho đời sao đầy bao điều nuối tiếc. Ừ, lỡ đâu tía không qua khỏi thì tía cũng tiếc nuối lắm. Nhưng tuyệt nhiên tía sẽ không bao giờ hối hận.

 Tía không giống ông nội con, khi cứ nghĩ chỉ có con trai mới mang lại niềm hạnh phúc cho gia đình. Với tía và với cả má con, chỉ cần là con mình mang nặng đẻ đau thì tía má đều thương cả. Tía vẫn còn nhớ ánh mắt của má con sướng vui đến nhường nào khi nhìn thấy con chào đời. Con không giống hai anh trai của con, vì con không sinh thường. Năm đó, má con vì cơm áo gia đình nên bóp bụng, nén đau mà làm phụ tía bất kể ngày tháng. Làm mãi và làm mãi, cho đến khi sinh non con ra. Bác sĩ mang con đến cùng lời chúc mẹ tròn con vuông. Tía thầm cảm tạ ơn phước cuộc đời đã đưa con kịp đến vòng tay của gia đình mình. Má nói con sinh mổ, sau này sẽ thông minh và đường đời xán lạn lắm. Tía cười cười, chỉ cần con nó khỏe mạnh, lớn khôn nên người là được.

Kỷ niệm lần đầu tiên trực chiếc lồng ấp có con, sẽ là điều khiến tía suốt đời không bao giờ quên. Tía vào ra sớm chiều vì sợ con không khỏe, vì sợ ai đó sẽ bồng nhầm con đi. Nhìn con mỗi ngày thêm khỏe khoắn, da dẻ con hồng hào là tía thấy mọi mệt mỏi tan đi hết cả.

Tía hay nói vui với má con, là chuyện được gặp gỡ, được yêu đương và rước má con về nhà còn may mắn hơn cả việc tía trúng số độc đắc. Má con hiền, biết chăm lo gia đình trước sau và vẹn tròn đạo dâu con, chồng vợ. Mai này tía thác rồi, con nhớ phải hiếu thảo với má. Hãy cùng các anh con thay tía mà chăm sóc cho má tụi con. Tía biết chớ. Biết đời mình mần quần quật mà không thể cho má tụi con được an nhàn. Giờ tía ngả lưng xuống, ắt người phụ nữ của đời tía sẽ cực hơn bất kì lúc nào. Hơn hai chục năm chung sống, má con chưa bao giờ than trách nhọc nhằn hay nghèo khó khi bên cạnh tía. Và tía cũng chưa từng ngơi nghỉ tay chân cho nguyện ước gia đình mình không thiếu ăn, thiếu mặc.

Sau này mong con cũng sẽ gặp được một người thương con chân thành. Người đó không cần phải như tía đâu, vì tía nhiều tật xấu lắm. Chỉ mong ngày con lên xe hoa cũng sẽ là ngày hạnh phúc nhất của đời con. Chỉ cần con thương người ta, và người ta cũng chọn con làm bến đỗ sau cùng. Một lần thôi và mãi mãi.

Thiệt tình là tía còn nhiều điều muốn kể cùng con lắm. Tiếc phúc phần mình giờ tựa ngọn đèn dầu sắp cháy cạn dây tim. Cùng cực của một đời người với tía chưa bao giờ là khó khăn cuộc sống, hay giã từ cuộc đời chóng vánh. Mà tiếc nuối nhất của tía chính là chưa kịp yêu thương trọn vẹn mái nhà của mình. Hứa với tía đừng khóc, đừng buồn thương nhiều. Tía thương má con, thương các con và thương cả nhà mình.

Tía của con!

Long Xuyên, ngày 24/11/2021

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn biên tập

Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"

Tác giả: Nguyễn Hoài Nam

Địa chỉ liên hệ: Số 282, Học viện Toà án, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội

Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"

Yêu cầu

- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.

- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…

Đối tượng dự thi

- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi

- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi.

- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.

Thời gian nhận bài thi

- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.

- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.

Địa chỉ nhận bài thi

- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].

- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).

Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.

Thông tin liên hệ

Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.

Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).

Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định

Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem tại đây!

Ban Tổ Chức  
Giải trí ảo, hậu quả thật

Giải trí ảo, hậu quả thật

Hiện nay, sử dụng mạng xã hội là hình thức giải trí phổ biến, nhất là đối với chị em phụ nữ. Các chị lên mạng cập nhật kiến thức, mở rộng quan hệ, kết giao bạn bè, nhiều chị đầu tư viết nội dung, xây dựng hình ảnh trên trang cá nhân thật lung linh để có like… Và rồi không ít trường hợp bị các thiết bị công nghệ cùng thế giới ảo chi phối quá mức, xao nhãng trách nhiệm đối với người thân, gây bao hệ lụy…

Khi mẹ là cô giáo

Khi mẹ là cô giáo

Chiến tranh kết thúc, mẹ tôi rời quân ngũ về làng rồi trở thành cô giáo. Làm con của cô giáo khiến tuổi thơ của tôi nhà cũng là trường mà trường cũng là nhà. Áp lực phải học giỏi, phải ngoan vì là con của cô giáo khiến tôi nhiều phen không còn là một đứa trẻ.

Hơn nửa thế kỷ đắp xây hạnh phúc

Hơn nửa thế kỷ đắp xây hạnh phúc

Cưới nhau từ năm 1973, ông Võ Văn Hai và bà Nguyễn Thị Điệp (ngụ khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) là tấm gương về xây dựng gia đình văn hóa, con cháu thành tài. Hơn nửa thế kỷ qua, họ đã nắm tay nhau vượt qua gian khó để cùng đi đến bến bờ hạnh phúc.

Tài sản lớn nhất cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách

Tài sản lớn nhất cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách

Tục ngữ có câu: “Ba tài sản lớn nhất của cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách”, nó chiếm bao nhiêu trong cuộc đời còn lại của bạn?

Vì sao ngày càng nhiều gia đình từ bỏ sàn gỗ?

Vì sao ngày càng nhiều gia đình từ bỏ sàn gỗ?

Xu hướng trang trí lát sàn gỗ từng rất phổ biến nhưng hiện nay nhiều gia đình không còn lựa chọn. Sàn gỗ có chăng chỉ được lắp trong phòng ngủ, các phòng khác đều được lát gạch men.

Về nhà - về với yêu thương

Về nhà - về với yêu thương

Ðối với nhiều người, ngôi nhà không chỉ để ở mà còn mang giá trị tinh thần đặc biệt. Ðó còn là gia đình với sự bao dung, chở che, nâng đỡ và trách nhiệm dành cho nhau. Cuộc sống đôi khi phải đối mặt với khó khăn, thử thách... những lúc ấy, điểm tựa lớn nhất không đâu khác mà chính là mái nhà và những người thân yêu của mình.

Có nên thiết kế phòng tắm trong phòng ngủ?

Có nên thiết kế phòng tắm trong phòng ngủ?

Với sự thay đổi trong lối sống và sự đa dạng hóa nhu cầu sinh hoạt, phòng ngủ chính có phòng tắm có còn đáp ứng được nhu cầu của các gia đình hiện đại hay không và nên giữ lại hay loại bỏ đã trở thành đề tài bàn luận sôi nổi.