Tình già
Mấy hôm nay, cậu tôi ra vào ho sù sụ. Ông bắt đầu thói quen mấy mươi năm trước: hút thuốc thật nhiều. Dù cách đây hơn 2 năm, khi mợ tôi trở bệnh nặng, ông đã bỏ thuốc. Cậu nói cậu thấy buồn, cậu muốn nghe tiếng càm ràm của mợ - là tiếng càm ràm mỗi khi thấy cậu làm việc gì đó trái ý mợ... Nhưng làm sao nghe được khi thế giới hai người không còn chung nữa...

Tình già. Ảnh: Phượng Hà
Cậu mợ quen rồi cưới nhau cũng như bao nhiêu cặp vợ chồng trạc tuổi cậu mợ bây giờ, sáu mươi, bảy mươi, tám mươi tuổi và già hơn nữa. Họ yêu nhau bằng một đám cưới, hay nói cho chính xác, họ cưới nhau rồi mới biết chuyện vợ chồng, sinh con đẻ cái cùng nhau. Họ gắn bó với nhau bằng thời gian, bằng những bữa cơm, bằng sự chung tay chăm lo những đứa con. Cũng có những cặp vợ chồng yêu nhau đậm sâu hơn theo thời gian, cũng có người chắc chỉ gắn bó với nhau cả đời vì cái nghĩa hơn cái tình. Nhưng dù bằng tình hay nghĩa thì sự keo sơn, gắn bó luôn hiện hữu. Ít có cặp đôi nào nghĩ đến chuyện bỏ nhau, hai từ “ly hôn” đối với những cặp đôi thuở trước nghe xa lạ lắm...
Có một ca khúc so sánh tình yêu của người già với tình yêu bọn trẻ bây giờ, ca khúc “Ông bà anh” của Lê Thiện Hiếu. Hồi xưa, “Ông bà anh yêu nhau thời chưa có tivi/Ông bà anh yêu nhau thời chưa có xe hơi”, còn bối cảnh của tình yêu tuổi trẻ hôm nay là “Anh và em yêu nhau thời xe máy ô tô/Anh và em yêu nhau thời Facebook, Zalo/Anh và em yêu nhau thời tay cầm Oppo, that’s right/Anh và em yêu nhau ngày tháng trôi mau vì /Ta chẳng nói chuyện gì với nhau/Ngồi bên nhau cầm điện thoại thật lâu”. Thời nay, giới trẻ có thể nhấn một cái like để làm quen, rồi tán gẫu, rồi... yêu nhau qua màn hình, tin nhắn! Đơn giản vậy! Cũng không biết đó có phải là tình yêu hay không khi không ít cặp đôi dễ dàng phải lòng nhau như thế. Những đám cưới linh đình, những khung trời lãng mạn được sẻ chia ngập mạng xã hội rồi không bao lâu thì đường ai nấy bước...
Nhìn cậu tôi mỗi ngày hiu hắt buồn bên chiếc bàn thờ của mợ mà thấy xót xa. Tôi chợt nhớ ông bà nội mình ngày đó qua đời cũng chỉ cách nhau hơn một năm. Dù sức khỏe của bà rất tốt. Khi ông nằm viện, bà còn là người túc trực thường xuyên để chăm ông, vậy mà khi ông ra đi, bà ngày một yếu, cứ ngơ ngẩn nhớ quên, nhắc mãi kỉ niệm về ông. Rồi bà lâm bệnh, mất cách ông chỉ hơn một năm. Những mối tình già như ông bà, cậu mợ tôi và cũng như biết bao mối tình già khác, cứ gắn bó bên nhau cả đời như thế, chưa hẳn bắt đầu từ một cuộc tình đẹp như mơ. Có khi chỉ là sự sắp đặt của ông mai bà mối, của mẹ cha hai bên, rồi tháng năm mặn nồng cùng nhau bằng cái đạo nghĩa vợ chồng. Những xích mích, bất hòa làm sao tránh khỏi, nhưng vượt qua tất cả, ràng buộc bởi đạo lý, trách nhiệm và vì hạnh phúc của những đứa con chung, họ lại bên nhau cho đến ngày răng long đầu bạc.
Nhìn hạnh phúc bình dị, đơn sơ của những mối tình già, mới thấy mơ ước được cùng già, được cùng đi hết đoạn đường đời với một nửa của mình đủ là hạnh phúc của đời người.
Nhật Quỳnh
Tỉnh thành nào ở Việt Nam kết hôn muộn nhất và ly hôn nhiều nhất?
Độ tuổi kết hôn trung bình tại Việt Nam là 27,3 tuổi, trong đó nam là 29,4 tuổi và nữ là 25,2 tuổi. Tỉnh có độ tuổi kết hôn muộn nhất chênh lệch gần 3 tuổi so với trung bình.
Vì sao người xưa lấy nhau khi chưa biết mặt nhưng lại ít ly hôn?
Đàn ông thời xưa muốn ly dị vợ vì bất hòa trong hôn nhân không hề dễ dàng bởi cuộc hôn nhân này không đơn giản chỉ là người chồng muốn ly hôn.
Chia tay ngày Valentine
Chia tay đã khó khăn, chia tay với ai đó ngay trước thềm Valentine càng khiến nhiều người cảm thấy nhẫn tâm và tội lỗi.
Vì sao có tới 3 ngày Valentine?
Bên cạnh ngày Lễ tình nhân mà phần lớn mọi người đều biết vào ngày 14/2 hay còn được gọi là Valentine đỏ, thế giới còn có nhiều ngày “Lễ tình yêu” vô cùng thú vị là Valentine Trắng và Valentine Đen.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân gồm những gì, những ai nên thực hiện?
Khám sức khỏe trước khi kết hôn là hình thức sàng lọc quan trọng để xây dựng cuộc sống gia đình bền vững và góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều cặp đôi chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.
Trẻ vị thành niên chiếm 20% các ca mang thai tại Việt Nam
Thông tin từ Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho thấy, tỷ lệ trẻ vị thành niên có thai ngoài ý muốn đang chiếm khoảng 20% các ca mang thai ở nước ta.
Con nhà lính
Là con nhà lính, chơi đánh trận giả, tôi luôn phải dũng cảm và… hy sinh trên tuyến đầu lửa đạn. Là con nhà lính, tuổi thơ tôi sống trong gia đình mà như doanh trại.