Tổ thiện nguyện khu vực 6: Những suất cơm tình thương dành cho các bệnh nhân và gia đình
(NSMT) - Bếp ăn thiện nguyện của Tổ thiện nguyện khu vực 6 phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ với những suất cơm '0 đồng' dành cho bệnh nhân và người thân tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đã đều đặn "nóng lửa" khoảng 3 năm qua, mang đến những phần ăn ý nghĩa, góp phần tiếp thêm động lực, giúp họ vượt qua khó khăn bệnh tật.
Hằng tuần vào mỗi chiều thứ ba, thứ năm và thứ bảy, tại căn nhà nhỏ với những tấm lòng "lớn lao" trong hẻm 12, đường 3/2, phường Hưng Lợi, mọi người lại đến để chế biến nguyên vật liệu để hôm sau, các ngày thứ tư, thứ sáu và chủ nhật, những món ăn chay được Tổ thiện nguyện khu vực 6 nấu chín, nóng hổi, bổ dưỡng sẵn sàng mang đến Bệnh viện Ða khoa TP Cần Thơ vào buổi trưa để phát tặng bệnh nhân và thân nhân nuôi bệnh. Trong 3 năm qua đều đặn như thế, mỗi buổi phát cơm đều có từ 700-800 phần ăn được đưa đến những người cần. Đồng thời, 1 tuần 3 buổi, chi phí cho mỗi buổi lên đến 3-4 triệu đồng.
Chia sẻ về lí do tổ chức hoạt động nấu cơm tặng bệnh nhân khó khăn, đại diện Tổ thiện nguyện khu vực 6 cho biết, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nhận thấy nhiều bà con có nhu cầu cần giúp đỡ, nhóm đã thành lập tổ nấu cơm thiện nguyện. Ban đầu từ 50-60 suất mỗi lần nấu, nay đã thêm gấp hơn 10 lần. Hiện nay, việc làm của tổ ngày càng nhận được sự lan toả của nhiều người khi các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, các bạn sinh viên, thiện nguyện viên... tìm đến để chung tay không những về mặt vật chất mà còn về mặt tinh thần, giúp bếp ăn luôn đỏ lửa phục vụ được tốt nhất cho người bệnh và thân nhân cũng như cùng san sẻ tình yêu thương, lòng nhân ái.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thuý - thành viên của Tổ thiện nguyện khu vực 6 (Quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ) chia sẻ: "Tôi biết đến bếp thiện nguyện trên mạng và là thành viên của tổ chỉ mới mấy tháng gần đây thôi, nhưng tham gia vào việc nấu ăn để gửi đến những suất ăn cho các bệnh nhân và người thân là một trải nghiệm vô cùng ý nghĩa và sâu sắc đối với tôi. Thấy được những bữa cơm chay ngon, nóng hổi được chuyển đến cho những người cần thiết, tôi cảm thấy mình như đóng góp được một phần nhỏ vào việc giúp đỡ và chăm sóc cho những người đang ở trong hoàn cảnh khó khăn. Cảm giác được chia sẻ, được làm điều có ý nghĩa thực sự khiến tôi cảm thấy hạnh phúc.
Việc nấu ăn từ thiện không phải lúc nào cũng dễ dàng và không mệt mỏi. Nhưng những nỗ lực và công sức mà tổ thiện nguyện bỏ ra đều được đền đáp bằng những nụ cười, sự cảm kích và lòng biết ơn từ người nhận, đó chính là động lực lớn nhất để chúng tôi tiếp tục gắn bó với công việc từ thiện này".
Được biết, nguồn kinh phí được các thành viên đóng góp hoặc kêu gọi, vận động từ các mạnh thường quân. Có người tài trợ tiền, có người góp gạo, người góp thực phẩm hoặc nhiều bà con ở các chợ thường xuyên tặng rau, củ, quả, gia vị… Ai có bao nhiêu thì góp bấy nhiêu, ai không có thì góp bằng công, góp tấm lòng.
Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Minh Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho hay: "Tổ thiện nguyện khu vực 6, cùng với những tổ thiện nguyện khác, đã duy trì việc phát cơm miễn phí cho bệnh nhân và gia đình trong nhiều năm qua. Tôi thấy rằng, mỗi suất cơm tuy giá trị không quá lớn về mặt vật chất, nhưng đó là sự chia sẻ, giúp giảm bớt gánh nặng chi phí khi điều trị tại bệnh viện cho những người bệnh khó khăn, đồng thời động viên họ vượt qua bệnh tật. Hành động này không chỉ lan tỏa tinh thần thiện nguyện mà còn kết nối cộng đồng, khuyến khích mọi người cùng chung tay chia sẻ với những người nghèo.
Bên cạnh đó, ngoài các lương thực, thực phẩm từ các mạnh thường quân, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cũng thường xuyên chung tay cung cấp cho các tổ những phần gạo để hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và thiết thực này được duy trì lâu dài."
Có lẽ vì sự tận tâm, chu đáo đó mà bếp thiện nguyện của tổ thiện nguyện khu vực 6 luôn nhận được sự yêu thương, cảm kích từ mọi người.
Bà Nguyễn Thị Hoa (quận Ninh Kiều), người thân của một bệnh nhân đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ nghẹn ngào chia sẻ: "Hoàn cảnh của gia đình tôi cũng như nhiều gia đình tại đây đa phần khó khăn, thiếu thốn vì điều trị bệnh tật. Do đó, mọi sự giúp đỡ đều quý báu. Những ngày nhận những suất cơm từ bếp thiện nguyện, tôi cảm thấy vui vô cùng, chỉ mong bếp tiếp tục hoạt động để giúp đỡ, hỗ trợ được nhiều bệnh nhân hơn nữa"...
Người hạnh phúc coi cuối tuần như kì nghỉ
Khi đo lường mức độ hạnh phúc, nhà nghiên cứu này thấy rằng những người có tư duy nghỉ dưỡng vào cuối tuần thể hiện sự hài lòng và tích cực hơn khi họ trở lại làm việc.
Yêu thương bản thân để sống vui, sống khỏe
(NSMT) - Dẫu bận rộn, nhiều phụ nữ vẫn cố gắng sắp xếp, cân bằng giữa công việc, gia đình và nghỉ ngơi, thư giãn để nâng cao chất lượng cuộc sống. Các chị thể hiện tình yêu bản thân bằng sự quan tâm đến cảm xúc cá nhân, nuôi dưỡng thể chất và tâm hồn, xây dựng lối sống lành mạnh. Những thói quen tốt giúp các chị tái tạo năng lượng tích cực, vui vẻ, lạc quan, khỏe đẹp hơn…
Những “bông hoa khuyết” tỏa sáng trên đường chạy
(NSMT) - “Những đoá hoa khuyết” phá rào cản, vượt qua giới hạn bản thân để tỏa sáng trên đường chạy “Bước chân hòa nhập 2024” – Mùa 2 do Hội Người khuyết tật TP. Cần Thơ (CAPD) tổ chức.
Tài không vào cửa gấp, phú không vào cửa lệch
Phát tài cũng có rất nhiều điểm khác biệt, trong đó có cả tiền của bất chính, loại tài sản này không ổn định, hơn nữa còn dễ dẫn đến rắc rối.
Lặng lẽ nghề pháp y
(NSMT) - Cũng khoác áo blouse để mưu sinh và cống hiến, thế nhưng chẳng mấy ai biết bác sĩ pháp y - nghề “lên tiếng thay người đã khuất” vẫn thầm lặng tìm công lý bên những xác chết, phục vụ công tác điều tra phá án. Và, đâu đó góc khuất của nghề chưa được kể, hiểu đúng cũng như cảm thông.
Chuyện về người thương binh “tàn nhưng không phế” ở Cà Mau
(NSMT) - Thương binh hạng 2/4 Nguyễn Văn Chà, sinh năm 1963, ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, luôn giữ được phẩm chất của người lính bộ đội Cụ Hồ "tàn nhưng không phế”, tích cực phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng và có nhiều đóng góp tích cực cho quê hương.
Lễ hội Oóc Om Bóc
Đua ghe Ngo Sóc Trăng, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024 diễn ra trong 7 ngày.