Vẻ đẹp của những bông hoa "khuyết"
Dẫu không thể lắng nghe âm thanh sống động hay nhìn đời bằng đôi mắt trong veo nhưng các em tại Trường dạy trẻ khuyết tật TP. Cần Thơ lại mang vẻ đẹp của những bông hoa “khuyết”, rực rỡ theo cách riêng. Những đứa trẻ ấy, nỗ lực gấp nhiều lần để vươn lên và lan tỏa sự lạc quan, yêu đời đến cho những người xung quanh.
Bước vào cổng trường, tiếng trống giục giòn đầu giờ vang lên cắt ngang luồng ý tưởng bài vở, thứ âm thanh quen thuộc dường như đưa tôi trở về những năm tháng cắp sách, tiếng ê a đánh vần rồi phồng má tập đọc theo nhịp thước của thầy cô, rôm rả trò chuyện hay la hét đùa nghịch mỗi giờ ra chơi. Nhưng, đằng sau cánh cổng trường này, tôi đã cảm nhận đây thật sự là một chuyến tác nghiệp đặc biệt, được gặp gỡ và ghi hình những đứa trẻ đặc biệt tựa như “những bông hoa nhỏ” dù hao khuyết nhưng vẫn tỏa sáng rực rỡ theo cách riêng nào đó.
Những bông hoa “khuyết” mang vẻ đẹp tròn đầy và rực rỡ
Xin phép thầy Hiệu trưởng đến tác nghiệp từ nhiều ngày trước, mà lòng tôi vẫn đau đáu, tôi lo những nỗi đau của các em thêm một lần nữa khơi dậy, liệu các em có muốn hình ảnh của mình xuất hiện hay chính sự lành lặn của tôi đã là một sự tổn thương chạm ngưỡng mặc cảm, tự ti? Nhưng có thể do chính mong muốn được hiểu hơn về thế giới của các em, được lắng nghe và nhìn ngắm những gương mặt ngây thơ, đáng yêu đã thôi thúc tôi đến tác nghiệp như lịch hẹn.
Đón tôi là thầy Nguyễn Văn Điệp - Phó Hiệu Trưởng, thầy niềm nở rồi chậm rãi giới thiệu về Trường dạy trẻ khuyết tật TP. Cần Thơ, ngôi trường đặc thù giáo dục chuyên biệt với hơn 30 năm hoạt động, là nơi 129 em khiếm thị, khiếm thính và trẻ can thiệp sớm đang theo học. Thầy Điệp có gần 15 năm gắn bó với trường và phụ trách đứng lớp dạy các em từ lớp 3 - 5 và THCS, thầy chia sẻ: “Từng ấy thời gian, thầy chứng kiến biết bao nhiêu hoàn cảnh thương tâm nhưng cũng không biết giúp sao cho hết khổ. Thầy cô ở đây chỉ biết dốc hết sức dạy dỗ bằng cái tâm thương yêu cũng như thông qua dạy chữ để dạy người, dạy nghề, phục hồi chức năng, can thiệp sớm và giúp các em hòa nhập cộng đồng, có tương lai tươi sáng hơn”.
Mỗi em mỗi hoàn cảnh, tuỳ năng lực khác nhau sẽ được xếp lớp phù hợp. Có lớp ghép đa trình độ, độ tuổi, gộp lại để dạy vì nếu chia tách lớp sẽ thiếu giáo viên. Các cô vừa dạy em này đọc chữ, vừa cho em nọ làm toán, dày công xoay vòng bám sát bài vở hết em này đến em khác. Tuy vất vả hơn những lớp dạy trẻ bình thường nhưng đổi lại các em nhỏ tiến bộ từng chút một, tự tin và vui vẻ đến trường đã là một sự đền đáp quý giá.
Theo chân thầy lên lớp, dọc hành lang nhìn vào các lớp khoảng 5 - 7 em khiếm thị, có em mù hoàn toàn, có em nhìn kém và chạy chữa khắp nơi từ bé nhưng vẫn không cải thiện thị lực. Nhìn cô bé ngồi bàn đầu, em có gương mặt sáng, đôi môi tròn xinh, những đầu ngón tay bé xíu di chuyển thành thục trên sách chữ nổi đang cất vang bài tập đọc “Ông Trạng thả diều” hết sức trong trẻo và diễn cảm. Thầy kể, đó là Phương Linh đang học chương trình lớp 4, cũng chính là con gái của cô Dung đang đứng lớp “May mắn, mẹ Linh là cô giáo nên luôn biết cách dạy và đồng hành cùng em từ nhỏ, từ chối làm việc tại trường công dạy trẻ bình thường ở Hậu Giang mà xin về đây gắn bó với những đứa trẻ khiếm thị, nhất là được gần chăm sóc Linh”. Không khỏi bất ngờ, trước mắt tôi là cô Dung - vừa là giáo viên vừa là người mẹ đang say mê giảng bài cho cô con gái bé bỏng, vẫn xưng hô cô trò như những em học sinh khiếm thị khác, lòng tôi lại dâng lên một sự nể phục, trân quý tận đáy lòng.
Nấn ná một lúc đến giờ chơi để xin phép phỏng vấn cô Nguyễn Thị Dung về hành trình đặc biệt của hai mẹ con, hẳn đó cũng là động lực giúp cô mạnh mẽ vượt lên khó khăn trăm bề để gắn bó với nghề hơn hai năm ở ngôi trường đặc biệt này. Cô Dung xúc động, Phương Linh sinh ra bình thường như những đứa trẻ khác nhưng đến 18 tháng tuổi được chẩn đoán bị u nguyên bào võng mạc. Mất hơn 1 năm điều trị tại 2 bệnh viện Mắt và bệnh viện Ung Bướu TP. Hồ Chí Minh với chi phí đắt đỏ nhưng do cơ thể Phương Linh không đáp ứng với thuốc nên không khống chế được các khối u và vĩnh viễn không thể nhìn thấy. Đã không có kỳ tích nào xuất hiện với gia đình cô, dù rằng “Phương Linh là nỗi trăn trở lớn nhất của hai vợ chồng, nhưng có thể vì có con là trẻ khiếm thị nên cô dễ đồng cảm và thấu hiểu với các em ở đây nhiều hơn. Nên, chỉ mong dạy dỗ và dìu dắt các em trong học tập lẫn cuộc sống để các em có cuộc đời rực rỡ hơn”.
Như chuyện của Hoài Mỹ khiếm thị - một cô bé nhỏ nhắn, dáng gầy nhưng học giỏi. Không những thế, em còn là cây văn nghệ năng nổ của trường, sở hữu một giọng hát ngọt ngào và da diết, mỗi lần cất lên đều khiến người nghe không khỏi xúc động. Còn Trâm Anh khiếm thính, ba vào tù, mẹ bỏ đi, hiện em sống cùng bà và em gái nhưng em vẫn cố gắng vươn lên đạt thành tích đáng khen trong học tập.
Dẫu những thước chuyện buồn vui lẫn lộn, nhưng các cô cậu bé ấy không hề bỏ cuộc, vẫn nỗ lực, chăm chỉ bội phần và ngày ngày đến trường trong vòng tay yêu thương của thầy cô, bạn bè cũng như sự chung tay hỗ trợ kịp thời từ các mạnh thường quân, nhà hảo tâm từ ái.
Thầm lặng tận tuỵ “vun bồi” những bông hoa nhỏ
Tôi lảo rảo trong sân trường giờ chơi, nhìn các em khiếm thính chạy giỡn, đùa nghịch vô tư rồi lâu lâu dừng lại nói gì đó với nhau bằng ký hiệu tay, có em tăng động không kiểm soát được, có nhóm trẻ khiếm thị ngồi trên ghế đá tập hát… và, trên môi lúc nào cũng sẵn nụ cười trong veo, ngọt như kẹo. Nhiều người trong chúng ta vẫn nghĩ rằng, một đứa trẻ khiếm khuyết thị giác hay thính giác, các giác quan khác sẽ phát triển hơn như để bù lại sự mất mát, nhưng đó không hoàn toàn là một quá trình bù đắp chức năng tự nhiên mà phải trải qua cả một quá trình dài luyện tập vất vả và tốn thời gian.
Thế nên, mỗi lần sát hạch giáo viên, thầy Điệp đều hỏi mong muốn của các thầy cô khi về trường. Bởi, để dạy được các em khuyết tật thì thầy cô cần dành nhiều thời gian, công sức và kiên nhẫn với từng em. Vừa đảm bảo giờ dạy theo quy định, vừa thực hiện can thiệp sớm ngoài giờ nhưng thầy cô không được hưởng phụ cấp “Phải thật sự tâm huyết và yêu trẻ như con cháu trong gia đình mới có thể gắn bó lâu dài được, vì ở đây lương bổng hay chế độ đều không tương xứng với công sức thầy cô bỏ ra”. Dẫu vậy, 30 giáo viên được phân công đứng lớp vẫn ngày đêm miệt mài và tận tâm truyền dạy kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống, giúp học sinh định hướng học nghề phù hợp theo năng lực và khuyến khích các em dám ước mơ cũng như từng bước thực hiện nó.
Nhờ thầy Minh Diễn phiên dịch câu hỏi về ước mơ bằng ngôn ngữ ký hiệu, tôi mới hiểu được ước mơ của Kim Xuyến khiếm thính, học lớp 8 - cô gái nhỏ có gương mặt xinh xắn, nước da trắng hồng và nụ cười rạng rỡ “Em thích trở thành thợ làm tóc giỏi để làm đẹp cho tất cả mọi người và sống cuộc sống bình thường như bao người mà không bị kỳ thị hay phân biệt đối xử”. Có thể, đây cũng là một trong những ước mơ của rất nhiều em nhỏ khác, các em đều cần được tôn trọng và yêu thương. Chính nhờ những bàn tay cần mẫn chăm chút, dồn hết tâm sức vun bồi mỗi ngày mà những bông hoa nhỏ hao khuyết ấy được lớn lên trong tình yêu thương, xóa bỏ mặc cảm để ngày càng tự tin toả sáng và rực rỡ.
Dẫn tôi xuống bếp ăn của trường, thầy Điệp hào hứng giới thiệu hôm nay có nhóm bạn trẻ đến nấu ăn cho các em. Bình thường thì bếp ăn mỗi ngày do các cô phụ trách chăm lo từng bữa ăn, thâm niên cũng trên 10 năm. Kinh phí eo hẹp nhưng các cô cố gắng mang đến bữa ăn thơm ngon và đảm bảo dinh dưỡng. Bếp ăn cũng được các mạnh thường quân, nhà hảo tâm san sẻ gạo, rau củ hay gia vị… ít nhiều giúp bữa ăn các em tròn vị yêu thương như “bữa cơm nhà mẹ nấu”.
Trưa nay các em được ăn mì Ý, em nào cũng thích thú ra hiệu hoặc nói lời cảm ơn các anh chị tình nguyện viên đã nấu đãi món ngon. Được dịp, trò chuyện cùng Thuý Quỳnh - cô bạn trong bộ bà ba xanh gấm, tất bật múc sốt, chia mì cho các em “Dự án của mình tên Bếp Xanh, mình kết nối với bạn bè để đến nấu ăn cho các em nhỏ kém may mắn, trẻ em đường phố, mồ côi hay nhà nuôi dưỡng người già… Chẳng đáng là bao, nhưng mình mong họ được ăn ngon và no bụng cũng như thông qua các hình ảnh mình ghi lại có thể lan tỏa những địa điểm này, nhiều nhà hảo tâm biết đến và chung tay san sẻ, hỗ trợ các em nhiều hơn”.
Quả thật, những trẻ khiếm thị, khiếm thính có cách bày tỏ tình cảm theo cách rất đặc biệt mà không cần đến ánh mắt hay lời nói. Hơn hết là nụ cười của các em có thể lan tỏa niềm vui đến mọi người xung quanh. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký - người thầy đầu tiên viết chữ bằng chân, liệt cả hai tay trong ký ức biết bao thế hệ học trò đã từng mang đến một thông điệp ý nghĩa, rằng “Khuyết tật cơ thể không phải là rào cản phát triển, chỉ sợ khuyết tật trong tâm hồn”. Khiếm khuyết cơ thể sẽ không còn là điều bất hạnh nếu các em bền chí kiên tâm vượt lên nghịch cảnh và sở hữu một tâm hồn đẹp, bởi điều này sẽ khiến các em trở nên hoàn hảo, trọn vẹn hơn rất nhiều trong mắt mọi người.
Chuông Mây - Ảnh: Tấn Kiệt - Hoàng Trường Vũ
Người hạnh phúc coi cuối tuần như kì nghỉ
Khi đo lường mức độ hạnh phúc, nhà nghiên cứu này thấy rằng những người có tư duy nghỉ dưỡng vào cuối tuần thể hiện sự hài lòng và tích cực hơn khi họ trở lại làm việc.
Yêu thương bản thân để sống vui, sống khỏe
(NSMT) - Dẫu bận rộn, nhiều phụ nữ vẫn cố gắng sắp xếp, cân bằng giữa công việc, gia đình và nghỉ ngơi, thư giãn để nâng cao chất lượng cuộc sống. Các chị thể hiện tình yêu bản thân bằng sự quan tâm đến cảm xúc cá nhân, nuôi dưỡng thể chất và tâm hồn, xây dựng lối sống lành mạnh. Những thói quen tốt giúp các chị tái tạo năng lượng tích cực, vui vẻ, lạc quan, khỏe đẹp hơn…
Những “bông hoa khuyết” tỏa sáng trên đường chạy
(NSMT) - “Những đoá hoa khuyết” phá rào cản, vượt qua giới hạn bản thân để tỏa sáng trên đường chạy “Bước chân hòa nhập 2024” – Mùa 2 do Hội Người khuyết tật TP. Cần Thơ (CAPD) tổ chức.
Tài không vào cửa gấp, phú không vào cửa lệch
Phát tài cũng có rất nhiều điểm khác biệt, trong đó có cả tiền của bất chính, loại tài sản này không ổn định, hơn nữa còn dễ dẫn đến rắc rối.
Lặng lẽ nghề pháp y
(NSMT) - Cũng khoác áo blouse để mưu sinh và cống hiến, thế nhưng chẳng mấy ai biết bác sĩ pháp y - nghề “lên tiếng thay người đã khuất” vẫn thầm lặng tìm công lý bên những xác chết, phục vụ công tác điều tra phá án. Và, đâu đó góc khuất của nghề chưa được kể, hiểu đúng cũng như cảm thông.
Chuyện về người thương binh “tàn nhưng không phế” ở Cà Mau
(NSMT) - Thương binh hạng 2/4 Nguyễn Văn Chà, sinh năm 1963, ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, luôn giữ được phẩm chất của người lính bộ đội Cụ Hồ "tàn nhưng không phế”, tích cực phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng và có nhiều đóng góp tích cực cho quê hương.
Lễ hội Oóc Om Bóc
Đua ghe Ngo Sóc Trăng, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024 diễn ra trong 7 ngày.