Vì sao Đồng bằng sông Cửu Long thiếu máu trầm trọng trong các cơ sở Y tế?
Do khó khăn trong công tác đấu thầu, tới nay bệnh viện Huyết học- Truyền máu TP. Cần Thơ không có túi lấy máu, các hoá chất sàng lọc máu nên không thể đi tiếp nhận máu tại các tỉnh; mặt khác phải có công văn gửi đến 74 bệnh viện, cơ sở y tế trong khu vực ĐBSCL đề nghị sử dụng máu… tiết kiệm
Lời xin lỗi của một bác sĩ
Ngày 31.5, trên mạng xã hội lan xuất hiện lời xin lỗi của một bác sĩ ở Trà Vinh trước thực trạng không đủ máu để thực hiện công tác khám, chữa bệnh với nội dung: “Thật buồn khi phải nói những lời này. Trước tiên tôi xin cúi đầu xin lỗi những bệnh nhân đang thiếu máu và cần truyền máu, những bệnh nhân đang chờ mổ chương trình mà không có máu… Giờ chúng tôi phải làm sao đây khi quá nhiều bệnh nhân cần truyền máu, và cũng quá nhiều bệnh nhân tối cấp nếu không có máu sẽ chết. Với một người thầy thuốc thật sự rất đau lòng khi nhìn bệnh nhân chết mà không có máu truyền. Kính mong các cấp giải quyết vấn đề này càng nhanh càng tốt. Chúng tôi đang chờ đợi tùng giây từng phút, từng giờ những giọt máu hồng để giành giật sự sống cho bệnh nhân. Một lần nữa thành thật xin lỗi”.
Liên hệ với Trưởng khoa Xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh, bác sĩ Thạch Ngọc Tiên, tác giả lời xin lỗi nói trên, bác sĩ Tiên cho biết, tình trạng các bệnh viện ở ĐBSCL thiếu máu cho công tác cấp cứu và điều trị đã kéo dài. Tuy nhiên mới đây, các bệnh viện nhận được công văn của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP. Cần Thơ đề nghị các bệnh viện sử dụng máu tiết kiệm, chỉ dùng trong trường hợp cấp cứu.
Tình trạng thiếu máu và các chế phẩm từ máu thời gian dài cũng gây nhiều khó khăn cho công tác điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ - Bệnh viện tuyến cuối của khu vực ĐBSCL.
Thông tin từ Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bác sĩ Lê Hoàng Phúc cho thấy: Trung bình mỗi tháng bệnh viện cần dùng từ 5000 - 6000 đơn vị máu, trong đó tiểu cầu là từ 2000 đến 3000 đơn vị. Tuy nhiên thời gian gần đây, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP. Cần Thơ chỉ cung ứng được khoảng 25% nhu cầu. Đặc biệt là các chế phẩm tiểu cầu (là loại tế bào giúp cho việc đông cầm máu).
Bệnh viện ưu tiên cho các trường hợp cần phải truyền máu cấp cứu như đang xuất huyết, cần phẫu thuật cấp cứu. Một số phẫu thuật chương trình phải dừng lại để chờ có chế phẩm máu mới thực hiện phẫu thuật. Bệnh viện đã chủ động ký hợp đồng với Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ cung ứng máu. Tuy nhiên đối với khối tiểu cầu thì không thể tiếp nhận được do thời hạn bảo quản rất ngắn (khoảng 3 ngày). Một số trường hợp bệnh giảm tiểu cầu nếu không được truyền bổ sung có nguy cơ dẫn đến các biến chứng xuất huyết nghiêm trọng đặc biệt là xuất huyết não ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân.
Từ thông tin trên, chúng tôi liên hệ với Giám đốc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, bác sĩ Nguyễn Xuân Việt được biết, do khó khăn trong công tác đấu thầu, tới nay bệnh viện vẫn chưa có túi lấy máu, các hoá chất sàng lọc máu nên không thể đi tiếp nhận máu các tỉnh. Do đó, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP. Cần Thơ không có chế phẩm máu cung cấp cho các bệnh viện.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Việt cho biết thêm: Từ tháng 3. 2023 đến nay, bệnh viện tranh thủ lấy máu thành phẩm từ TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để cấp phát lại cho các bệnh viện trong khu vực. Tuy nhiên do các bệnh viện nói trên cũng có khó khăn nên trong thời gian tới sẽ thiếu chế phẩm khối hồng cầu.
Trước tình hình trên, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP. Cần Thơ phải gửi công văn đến 74 bệnh viện, cơ cở điều trị trong khu vực ĐBSCL đề nghị các bệnh viện sử dụng máu tiết kiệm, chỉ truyền máu trong trường hợp cấp cứu. Công văn cũng cho biết, từ ngày 1.6 Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP. Cần Thơ cũng hết hóa chất, vật tư y tế để sàng lọc, điều chế khối tiểu cầu và nhóm máu hiếm nên sẽ không thể cung cấp khối tiểu cầu, nhóm máu hiếm. “Bệnh viện chúng tôi sẽ cố gắng tranh thủ sự hỗ trợ từ Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để có thêm một số khối tiểu cầu, huyết tương tươi đông lạnh, tủa lạnh cung cấp cho các bệnh viện nhưng chắc chắn không đảm bảo nhu cầu cấp cứu của các bệnh viện. Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thành phố Cần Thơ xin thông báo để các bệnh viện có sử dụng máu, chế phẩm máu liên quan biết và có sự chuẩn bị trước”, công văn ghi rõ.
Không chỉ thiếu hóa chất sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường máu (HIV, HCV, HBV, Giang mai), hiện tại Bệnh viện Viện Huyết học - Truyền máu TP. Cần Thơ cũng không còn túi máu, kít thu nhận tiểu cầu, để tiếp tục tiếp nhận và cung cấp chế phẩm tiểu cầu, tủa lạnh, huyết tương tươi đông lạnh và nhóm máu hiếm Rh âm.
Liên tục có báo cáo và đề nghị
Từ tháng 6.2022, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP. Cần Thơ đã gửi các công văn và báo cáo về tình trạng thiếu vật tư, hóa chất để tiếp nhận và sàng lọc, cung cấp máu cho các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh trong khu vực. Trong đó, công văn số 380/ HHTM-KHTH ngày 16.5.2023 báo cáo một số vấn đề khẩn cấp: Đã hơn một năm qua không có thực hiện đấu thầu rộng rãi mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế, trong đó có túi để lấy máu và các hóa chất xét nghiệm sàng lọc nên Bệnh viện đã không còn túi đi lấy máu từ tháng 3.2023 và đến nay vẫn chưa có kết quả thầu 2023 - 2024.
Dù có sắp xếp dự trữ một ít hóa chất và vật tư y tế để điều chế khối tiểu cầu gạn tách từ một người cho để phục vụ công tác cấp cứu bệnh nhân nhưng công tác điều chế khối tiểu cầu tách cũng sẽ chấm dứt từ đầu tháng 6.2023 do không còn hóa chất, gạn tế, vật tư y tế.
Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TP. Cần Thơ cũng khẩn thiết đề nghị Sở Y tế và UBND TP. Cần Thơ nhanh chóng có phương án thay thế vì nếu không có tiểu cầu thì các trường hợp chấn thương nặng, phẫu thuật, sản khoa sẽ không thể can thiệp được và bệnh nhân nguy cơ xuất huyết, đe dọa tính mạng và tử vong. Trong trường hợp cấp cứu thì cũng không thể chuyển bệnh nhân lên TP. Hồ Chí Minh vì bệnh nhân sẽ tử vong trên đường vận chuyển do xuất huyết.
Các phương án mua sắm nhỏ lẻ theo thẩm quyền của bệnh viện và hỗ trợ từ các bệnh viện khác từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chỉ là giải pháp tình thế. Đồng thời, đến nay Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP. Hồ Chí Minh đã thông báo không thể tiếp tục cung cấp chế phẩm máu khối hồng cầu cho Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP. Cần Thơ. Lượng máu, các chế phẩm máu được Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương hỗ trợ cung cấp chế phẩm máu cho Bệnh viện Cần Thơ cũng hạn chế và không đủ theo yêu cầu.
Sẽ nhanh chóng tháo gỡ
Mỗi năm Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP. Cần Thơ cần khoảng 150 tỷ đồng để mua sắm hoá chất, vật tư y tế (trung bình mỗi tháng khoảng 12 tỷ đồng) mới bảo đảm nhu cầu hoạt động thu máu và cung cấp máu cho các bệnh viện, cơ sở y tế trong khu vực. Trước tình hình chậm trễ do các thủ tục đấu thầu, bệnh viện đã thực hiện nhiều gói thầu mua sắm dưới 100 triệu đồng, nhưng số lượng trên chỉ như muối bỏ biển. Bệnh viện cũng đã làm nhiều báo cáo, công văn gửi đến các cấp có thẩm quyền nhưng đến nay vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư thiết bị y tế năm 2023 - 2024.
Trước tình hình thực tế trên, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu đã báo cáo Thường trực Thành ủy, HĐND thành phố, UBND thành phố, Sở Y tế và nhiều cơ quan liên quan xem xét chỉ đạo khẩn để bệnh viện nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Hoàng Quốc Cường cho biết, trước tình hình thiếu thuốc, vật tư y tế của ngành Y tế Cần Thơ nói chung và Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, lãnh đạo sở Y tế đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn giải pháp.
Cụ thể, liên quan đến việc tháo gỡ sự chậm trễ trong công tác đấu thầu, mua sắm vừa qua, Giám đốc sở Y tế TP. Cần Thơ cho biết: trong quá trình tổ chức đấu thầu mua sắm, Sở gặp phải một số thay đổi trong Thông tư 08/2023/TT-BYT thay cho thông tư 14/2020/ TT-BYT của Bộ Y tế nên thủ tục phải làm đi làm lại nhiều lần. Trong quá trình này, Sở cũng có nhiều giải pháp để bệnh viện mua sắm nhỏ, mua sắm trực tiếp nhằm tháo gỡ phần nào khó khăn. Tuy nhiên, những giải pháp trên cũng chỉ là những giải pháp tình thế, trước tình hình cấp bách hiện nay, Sở Y tế Cần Thơ sẽ tiến hành các thủ tục trong thời gian sớm nhất để Bệnh viện Huyết học - Truyền máu hoàn tất thủ tục đấu thầu. “Trong thời gian một tháng, chúng tôi sẽ cố gắng làm xong thủ tục để khắc phục tình trạng thiếu máu cho khu vực như hiện nay”. Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ cam kết.
Theo Vũ Châu/ Báo Đại biểu nhân dân
Hành trình em bé sinh non chỉ nặng hơn 1kg: Từ lưỡi hái tử thần đến sự sống mãnh liệt
(NSMT) - Một câu chuyện đầy xúc động về hành trình hồi phục của bé Đ.A.T – một em bé sinh non chỉ nặng hơn 1.000 gram tại tuần thai 29 tuần 3 ngày, vượt qua vô vàn thử thách để trở về với gia đình trong niềm hạnh phúc ngập tràn của các bác sĩ Bệnh viện phụ sản thành phố Cần Thơ.
Lạc nội mạc tử cung mang thai được không?
Lạc nội mạc tử cung là căn bệnh phụ khoa có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ. Chính vì thế, nhiều chị em băn khoăn và lo lắng liệu lạc nội mạc tử cung có thai được không, cũng như các ảnh hưởng khác của bệnh.
Gian nan căn bệnh 10 phụ nữ có 1 người mắc, "cản bước" hành trình làm mẹ
Làm mẹ là thiên chức cao cả và thiêng liêng của người phụ nữ. Thế nhưng chỉ vì căn bệnh này mà nhiều chị em vẫn chưa thể mang thai.
Cần Thơ: Nối thành công cánh tay bị đứt lìa do tai nạn lao động
(NSMT) - Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ vừa thực hiện phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp, nối liền và bảo tồn cánh tay trái của bệnh nhân bị đứt lìa do tai nạn lao động.
Cứu sống bệnh nhân viêm cơ tim biến chứng choáng tim ngưng bằng kỹ thuật ECMO
(NSMT) - Ngày 04/11, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực – Chống độc đã cứu sống bệnh nhân 26 tuổi bị viêm cơ tim biến chứng choáng tim – suy đa cơ quan bằng kỹ thuật ECMO (trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể ), lọc máu liên tục, hồi sức nội khoa tích cực.
Cháu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do thói quen ăn uống nhiều người mắc
Bệnh viện phát hiện cậu bé bị teo thị giác, tình trạng tế bào thần kinh thị giác co lại do tổn thương lâu dài. Các bác sĩ lo ngại cậu bé phải đối mặt với tình trạng mù vĩnh viễn.
Suýt tử vong do phình bóc tách động mạch chủ ngực
(NSMT) - Ngày 3/11, đại diện Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết vừa cứu sống người bệnh 65 tuổi bị phình bóc tách động mạch chủ ngực type A biến chứng tràn dịch màn tim, chèn ép tim cấp, có nguy cơ tử vong rất cao.