Văn hóa

“Anh em như thể tay chân...”

Thứ ba, 16/11/2021, 09:46 AM

Sống thực dụng, ích kỷ; tranh giành tài sản, quyền lợi; đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau trong việc chăm lo, phụng dưỡng cha mẹ… là những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa anh chị em trong gia đình. Dù là nguyên nhân gì, khi anh em bất hòa, người buồn, khó xử nhất vẫn là các bậc sinh thành.

Nhiều mâu thuẫn, xung đột…

Mới sáng, hàng xóm đã nghe tiếng tranh cãi của hai người con bà S ở quận Cái Răng. “Đi thì thôi, hễ về là anh em như nước với lửa” - nhiều người buộc miệng than. Sau khi lập gia đình, cả hai người con của bà S ở riêng bởi hai cô vợ không chịu cảnh làm dâu. Tuy nhiên, các con trai bà S đều sớm đổ vỡ hôn nhân. Anh N, con út, sau khi chia tay vợ, đã đưa con trai 13 tuổi về tá túc nhà nội. Trong khi anh Th là con trai lớn, hậu ly hôn, vợ con dọn về nhà ngoại, anh thì đi làm ăn xa. Gần đây, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, anh Th mới quay về nhà mẹ ruột và phát sinh mâu thuẫn với em trai.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Anh Th phân trần: “Em trai tôi sống quá vô tư, ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân. Tôi đi làm ăn xa, hằng tháng đều gởi tiền về lo cho mẹ, em trai và cháu. Trong khi đó, em trai tôi không đi làm nhưng lại tiêu xài hoang phí”. Mới bước chân về nhà sau thời gian bị cách ly y tế, anh Th đã nhận hóa đơn 3 tháng tiền điện, gần chục triệu đồng. Anh Th cho rằng, trong khi kinh tế gia đình đang khó khăn nhưng em trai sống rất hưởng thụ, vô tư mở máy lạnh, tivi suốt ngày dù đôi khi không có người sử dụng. Còn N thì chống chế, anh trai cậy bản thân làm ra tiền, đối xử tệ với em út. Cứ vậy, hai bên lời qua tiếng lại khiến bà S rất đau lòng.

Bà N quê Cà Mau, lập gia đình sinh sống ở Cần Thơ hơn 30 năm. Nhà bà có 5 anh chị em và bà là chị lớn nhất. Cha mẹ mất để lại vỏn vẹn 2 công đất hương hỏa. Trước đây, kinh tế gia đình khó khăn, cha của bà N định bán đất. Hay tin, bà vay tiền để mua bằng được phần đất này. Hiện bà đã sang tên quyền sử dụng đất cho con trai. Gần đây, người em trai kế của bà lâm bệnh nặng, bác sĩ tiên lượng sự sống chỉ còn kéo dài một vài tháng. Em trai bà N có tâm nguyện được an nghỉ trên đất hương hỏa trong khi con trai bà N muốn bán đất để lấy vốn làm ăn. Thấy bà N khó xử, 3 người em làm áp lực, buộc bà phải quyết định nhanh bởi “nghĩa tử là nghĩa tận”. 

Gia đình chị H ở Cần Thơ, có 4 anh chị em - 2 trai, 2 gái. Các anh chị em đều lập gia đình và ra ở riêng nhưng cũng đang bất hòa vì 2 người con trai muốn mẹ bán nhà chia tài sản, trong khi 2 người con gái một mực phản đối bởi sợ mẹ không còn nơi nương tựa. Nhà nghèo, cha mất sớm, mẹ chị H làm lụng đủ nghề để nuôi các con khôn lớn. Tài sản duy nhất của gia đình chỉ là căn nhà cấp 4.

“Rách - lành, đùm bọc; dở - hay, đỡ đần”

Chứng kiến 2 con trai lúc nào cũng vì chuyện tiền nong mà cắn đắng, bà S rất khổ tâm. Sau bao ngày trăn trở, bà quyết họp gia đình, nhỏ nhẹ, thẳng thắn khuyên nhủ. Bà S bàn với các con, sau khi hết dịch, anh N phải theo anh trai học hỏi việc làm ăn để còn lo cho tương lai con cái. Bà cũng nhẹ nhàng góp ý với anh Th rằng em trai vừa gặp chuyện buồn trong hôn nhân, không phải ai cũng đủ bản lĩnh vượt qua cú sốc ly hôn, đứng lên làm lại từ đầu như anh Th. Bà S mong anh Th bao dung hơn với em trai. Ngoài ra, bà cũng đồng ý, nếu anh N chịu theo anh hai học hỏi làm ăn, anh em hòa thuận, bà sẽ bán căn nhà để giúp vốn cho các con. Nhờ mẹ khéo léo phân tích thiệt hơn mà hai anh em nhà anh Th nhận ra những thiếu sót, sự ích kỷ của bản thân, dần sửa đổi tính tình, cư xử thuận hòa.

Mặc dù theo lý, phần đất mà bà N mua lại và hiện đã là tài sản của riêng con trai thì con trai bà được toàn quyền quyết định. Tuy nhiên, bà N sợ cư xử không khéo sẽ làm mất hòa khí gia đình. Mặt khác, em trai bà sau khi mất, nếu được nằm trên phần đất hương hỏa ông bà, con cháu có thể thường xuyên coi sóc mồ mả, trong khi gia đình bà N ở tận Cần Thơ, mấy năm qua cũng ít có điều kiện về quê. Sau khi nghe tâm sự của mẹ, con trai bà N thống nhất cắt ra 1 công đất để bán cho người ngoài, theo giá thị trường. Còn công đất có phần mồ mả ông bà, thì các anh em bà N cùng nhau mua lại. Để giữ tình cảm anh em, bà N đồng ý chỉ nhận một khoản nhỏ tương đương số tiền ngày xưa bà đã mua đất. 

Còn trong gia đình chị H, sau khi họp gia đình, nghe nguyện vọng của mẹ, mọi người thống nhất tiền bán nhà chia làm 5 phần, gồm 4 phần của anh chị em và 1 phần dành cho mẹ. Mẹ chị H bảo, không phải bà chịu áp lực từ hai người con trai nên mới đồng ý bán nhà mà thật ra bà đã có dự định này từ lâu. Sẵn dịp các con gặp khó khăn, bà thực hiện điều này sớm hơn. Hiện sức khỏe còn tốt nên sau khi bán nhà, bà sẽ thuê nhà ở riêng, tiếp tục bán tạp hóa mưu sinh. Chi phí hằng tháng anh chị em góp lại để chăm lo bà. Phần tiền riêng của bà sẽ gởi ngân hàng để dưỡng già. 

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Gia đình nào cũng có những bất hòa bởi các thành viên có suy nghĩ, tình cảm khác nhau... và không phải lúc nào cũng giải quyết được những mâu thuẫn trong anh em. Điều quan trọng là khi xảy ra mâu thuẫn, những người trong cuộc phải thực sự cảm thông, bao dung, lắng nghe và tìm cách giải quyết để gia đình giữ được hòa khí. Bởi ông bà ta có câu “gia hòa vạn sự hưng”, sau tất cả chỉ có tình thâm là còn mãi.

Theo Đồng Tâm (Báo Cần Thơ)

https://baocantho.com.vn/-anh-em-nhu-the-tay-chan--a139112.html

Con gái lớp 8 có người yêu, nghĩ về quá khứ mẹ giật mình lo sợ

Con gái lớp 8 có người yêu, nghĩ về quá khứ mẹ giật mình lo sợ

Thấy con gái mới chỉ học lớp 8 đã có người yêu lại hay nhắn tin và có những hành động thân mật quá đà với bạn trai, người mẹ lo lắng con sẽ theo "vết xe đổ" của mình ngày xưa.

Cần Thơ: Bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của Lễ hội Kỳ yên Thượng điền Đình Bình Thủy

Cần Thơ: Bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của Lễ hội Kỳ yên Thượng điền Đình Bình Thủy

(NSMT) – Ngày 19/5, Ủy ban nhân dân quận Bình Thủy phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ tổ chức khai mạc Lễ hội Kỳ yên thượng điền đình Bình Thủy năm 2024. Lễ hội diễn ra trong 03 ngày 19, 20 và 21/5 (nhằm ngày 12, 13, 14 tháng 4 Âm lịch).

Lão nông Sóc Trăng đam mê sưu tầm hình ảnh Bác Hồ

Lão nông Sóc Trăng đam mê sưu tầm hình ảnh Bác Hồ

(NSMT) - Người dân ở xã Thới An Hội nói riêng, người dân ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng nói chung đều biết chuyện ông Nguyễn Văn Nhung, một “anh Hai lúa” dù cuộc sống còn nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng có nỗi đam mê đặc biệt: Sưu tầm tài liệu, hình ảnh về Bác Hồ.

Nhớ lần đầu tiên đến thăm mộ bà Hoàng Thị Loan

Nhớ lần đầu tiên đến thăm mộ bà Hoàng Thị Loan

(NSMT) - Lối lên bên trái phần mộ bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh) có 269 bậc (con số 69 là năm Bác Hồ mất - 1969), lối xuống bên phải phần mộ có 242 bậc (con số 42 là năm ông Khiêm đưa hài cốt mẹ về đây - 1942). Trước phần mộ xuống sân bia có 33 bậc, ứng với con số 33 là tuổi đời của bà.

Bắt con xin lỗi ngay khi làm sai, cha mẹ không hay biết đang tạo thói quen nguy hiểm cho trẻ

Bắt con xin lỗi ngay khi làm sai, cha mẹ không hay biết đang tạo thói quen nguy hiểm cho trẻ

Trẻ nhỏ đều dễ phạm sai lầm và hành động theo cách người lớn không muốn. Khi đó, cha mẹ thường ngay lập tức bắt con “nói xin lỗi đi”. Tuy nhiên, việc bắt con cái xin lỗi ngay lập tức lại có thể gây hại cho nhận thức và hành vi sau này của trẻ.

Sôi nổi các hoạt động tại Lễ hội sen Đồng Tháp

Sôi nổi các hoạt động tại Lễ hội sen Đồng Tháp

(NSMT) - Lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc sen” được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, diễn ra từ ngày 16 – 19/5 tại Quảng trường Văn Miếu, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Rực rỡ sắc màu khai mạc lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ 2

Rực rỡ sắc màu khai mạc lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ 2

(NSMT) - Tối 16/5, tại Quảng trường Văn Miếu, TP. Cao Lãnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức khai mạc Lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc sen”. Lễ hội được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, diễn ra từ ngày 16 – 19/5.