Cần Thơ: “Ði từng ngõ, gõ từng nhà” để nói chuyện dân số
Lực lượng cộng tác viên dân số ở phường Trà An, quận Bình Thủy thời gian qua đã làm tốt vai trò là cầu nối đưa chính sách về dân số - kế hoạch hóa gia đình đến với người dân. Với phương châm “Ði từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, sự cần mẫn của đội ngũ này rất đáng trân trọng.
Năm nay 68 tuổi, bà Nguyễn Thị Tơ đã có 24 năm làm cộng tác viên (CTV) dân số ở khu vực 4, phường Trà An. Được địa phương vận động, bà Tơ đăng ký làm CTV dân số từ sau khi về hưu và gắn bó đến nay. Càng làm càng tâm huyết và càng thấy ý nghĩa của công việc nên bà Tơ rất xông xáo, nhiệt tình. Hiện nay, bà Tơ phụ trách cụm số 3, gồm 3 tổ của khu vực 4, với khoảng 150 hộ gia đình. Trong số này, phụ nữ trong tuổi sinh đẻ đã lập gia đình được bà “thuộc lòng” để kịp thời vận động các vấn đề về dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) như sinh có kế hoạch, sinh đủ 2 con, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con cái, nâng cao chất lượng dân số… Bà Tơ chia sẻ có một vấn đề bà cũng rất quan tâm là khám sàng lọc sức khỏe trước sinh, sơ sinh, tiêm phòng cho trẻ nhỏ… và đặc biệt là vận động thanh niên khám sức khỏe tiền hôn nhân. Dù tuổi cao, nhưng bà Tơ không ngại khó, tranh thủ giờ giấc phù hợp, không kể ban ngày hay ban đêm, để vận động, tuyên truyền đến người dân. “Tôi làm công việc này thấy vui lắm, lại ý nghĩa. Với lại, qua hơn 24 năm làm cộng tác viên dân số, tôi cũng có nhiều kinh nghiệm”, bà Tơ bộc bạch.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, năm nay 62 tuổi, cũng là một CTV dân số kỳ cựu ở phường Trà An, với hơn 16 năm kinh nghiệm. Thuận lợi của bà Thái là kiêm thêm nhiệm vụ Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực 3 nên có thể kết hợp vận động hội viên về DS-KHHGĐ tốt hơn. Bà Thái phụ trách cụm số 3, gồm tổ 1, 13 và 16, với 157 hộ gia đình. Bà Thái làm tốt công tác “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, kịp thời cung cấp kiến thức, thông tin đến với người dân, nắm bắt, thu thập thông tin biến động dân số trên địa bàn. Bà Thái cho biết: “Vấn đề ở cụm tôi phụ trách là nhiều phụ nữ chưa sinh đủ 2 con, với nhiều lý do như không có khả năng nuôi thêm con hoặc bận việc… Tôi cố gắng thuyết phục, dẫn chứng từ thực tế cuộc sống” .
Toàn phường Trà An hiện có 13 CTV dân số, phụ trách các cụm của 4 khu vực. Trong đó, người trẻ nhất gần 40 tuổi, còn người cao tuổi nhất đã 77 tuổi, đều rất tâm huyết với nhiệm vụ được giao. Theo bà Dương Thu Hà, Phó Phòng Dân số, Trung tâm Y tế quận Bình Thủy, lợi thế của đội ngũ CTV dân số phường Trà An là ổn định, có thâm niên, lại cư trú trên chính địa bàn phụ trách nên nắm bắt tình hình thực tế nhanh, kịp thời có hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp. Nhiều năm qua, đội ngũ này đã tích cực phát huy vai trò, góp phần tuyên truyền, vận động và cung cấp các phương tiện, dịch vụ KHHGĐ đến với người dân. Các CTV dân số cũng hiểu rõ phong tục tập quán của lối xóm, hộ gia đình, nên có những cách thức tiếp cận, trao đổi phù hợp.
Dù không có lương, chế độ thù lao hàng tháng khá thấp nhưng các CTV dân số ở Trà An vẫn gắn bó bằng cả sự nhiệt huyết, trách nhiệm. Theo bà Nguyễn Thị Tơ, làm công việc này cần thường xuyên học hỏi, trau dồi và cập nhật kiến thức về DS-KHHGĐ để vận động người dân. Trình độ dân trí của người dân bây giờ khá cao nhưng lời tuyên truyền, vận động của người CTV dân số vẫn rất ý nghĩa, như một sự nhắc nhớ. Còn bà Nguyễn Thị Hồng Thái thì nói rằng quá trình vận động cũng vấp phải phản ứng của bà con, như kiểu “chuyện nhà tôi, tôi tự biết”, nhưng người CTV dân số phải mềm mỏng, khéo léo trong vận động. Họ nói cho bà con nghe bằng tình làng, nghĩa xóm, “mưa dầm thấm lâu”. Ngoài ra, việc nắm rõ hoàn cảnh, đặc điểm của từng hộ gia đình tại khu dân cư là hết sức quan trọng bởi qua đó mới có cách tuyên truyền và vận động phù hợp.
Để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bên cạnh tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng, phương pháp truyền thông, vận động người dân, các CTV dân số ở phường Trà An còn có một điểm hẹn là quán cà phê trước Trạm Y tế phường. Các chị, các cô thường xuyên hẹn nhau gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, để hành trình “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nói chuyện dân số đạt hiệu quả tốt hơn.
Theo Duy Khôi/ Báo Cần Thơ
Trẻ có IQ cao mang 5 tật xấu khi còn nhỏ khiến không ít cha mẹ bực mình
Những “thói quen xấu” của trẻ có thể là biểu hiện chỉ số IQ cao. Mặc dù bố mẹ lo lắng và bực bội nhưng nhiều hành vi mà người lớn coi là không đúng mực thực ra có thể phản ánh sự sáng tạo, trí tưởng tượng và khả năng tư duy của trẻ.
Cha mẹ hướng con học 4 ngành này ra trường không lo thất nghiệp
Những ngành học này không chỉ đáp ứng nhu cầu nhân lực hiện tại mà còn hứa hẹn cơ hội việc làm rộng mở trong tương lai.
Uốn nắn con từ lời ăn, tiếng nói
Hiện nay, tình trạng trẻ vị thành niên nói tục, chửi thề, sử dụng tiếng lóng thiếu lành mạnh trong giao tiếp diễn ra khá phổ biến, gây không ít hệ lụy. Phụ huynh cần quan tâm uốn nắn, giáo dục con sửa đổi kịp thời những hành vi xấu…
Cùng con vui đọc sách
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhất là mạng internet, khiến cho mạng xã hội, trò chơi điện tử, phim ảnh... ngày càng phổ biến, trở thành những thú vui giải trí đầy hấp dẫn, lấn dần văn hóa đọc ở người trẻ. Ðiều này khiến không ít bậc phụ huyh lo ngại nhưng cũng có nhiều phụ huynh làm gương, kiên trì định hướng để xây dựng thói quen đọc sách cho con.
Bí quyết "5 chữ" dạy 3 con gái thành CEO và giáo sư đại học nổi tiếng thế giới
Gia đình giáo sư Stanley Wojcicki nổi tiếng khi có 3 cô con gái là CEO, giáo sư tài năng, nổi tiếng. Điều này xuất phát từ phương pháp dạy con đặc biệt gồm 5 chữ của ông và vợ.
4 điều về già tuyệt đối không nói với con nhất là chuyện tài sản
Cha mẹ có nhiều điều để nói nhưng có 4 điều về già tuyệt đối không nói với con trong đó quan trọng nhất là chuyện phân chia tài sản khi nói ra dễ sinh vấn đề.