Cây lúa trở lại trên đất nuôi tôm
Sau nhiều năm vắng bóng, cây lúa đang dần trở lại trên đất nuôi tôm tại một số vùng trên địa bàn huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Đây là tín hiệu cho phát triển mô hình sản xuất tôm – lúa theo hướng bền vững.
Năm 2023, nhiều nông dân ở xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân chủ động sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm. Tuy lúa có trúng, có thất nhưng chắc chắn một điều, khi làm được lúa thì tôm nuôi sẽ phát triển ổn định và cho năng suất khá. Theo một số nông dân, việc làm được vụ lúa trên đất nuôi tôm là điều không khó, nhưng đòi hỏi nông dân phải quyết tâm, chủ động ngay từ đầu, cần có sự cần cù, chịu khó thì mới mang lại hiệu quả.
2 năm qua, năm nào ông Lâm Văn Tỷ, 54 tuổi, ở ấp Lung Môn, xã Phú Mỹ cũng làm lúa trên đất nuôi tôm. Hiệu quả của cây lúa đối với môi trường và sự phát triển của con tôm thì nhiều người thấy rất rõ. Năm 2022 là năm đầu tiên ông Tỷ làm lúa trên đất nuôi tôm đã cho hiệu quả vượt trội. Vào mùa mưa, sau khi rửa mặn, giữ ngọt, ông Tỷ sạ 8 công lúa. Đến cuối mùa, ông thu hoạch được 70 giạ lúa khô. Mục tiêu của ông Tỷ là trồng lúa chỉ để cải thiện môi trường, lấy gốc rạ làm thức ăn cho tôm nhưng lại thu hoạch được lúa là lợi ích kép. Điều đáng nói là tôm trúng gấp hai, gấp ba lần so với lúc chưa trồng lúa, thu nhập năm qua của gia đình ông trên 200 triệu đồng.
Năm 2023, ông Tỷ tiếp tục sạ lúa trên đất nuôi tôm. Hiện nay, lúa sạ của ông đã được trên 2 tháng và đang phát triển tốt. Ngay từ đầu, ông chủ động tháo nước rửa mặn để sạ lúa. Đến thời điểm này, lượng nước trong vuông vẫn còn ngọt để cây lúa phát triển đến khi thu hoạch. Bên cạnh đó, ông Tỷ tận dụng diện tích đất trước sân nhà khoảng 300m² để sạ lúa, lúa phát triển tốt và chuẩn bị thu hoạch. Ông Tỷ cho biết: “Với diện tích lúa trồng trên sân khi thu hoạch được khoảng 10 giạ lúa để nuôi gà, vịt. Việc trồng lúa trên sân không phải là chuyện khó, nó đòi hỏi người nông dân phải biết tranh thủ, bố trí thời vụ đúng theo chu kỳ của thời tiết. Trồng lúa không nhằm mục đích đem lại hiệu quả kinh kế, mà sau khi thu hoạch, những phần rơm, rạ mình rải xuống vuông nuôi tôm để cải tạo môi trường nước, tạo thức ăn cho tôm nuôi quảng canh truyền thống, đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái, tôm phát triển nhanh và sản lượng thu hoạch sẽ cao hơn”.
Năm nay là năm đầu tiên ông Nguyễn Thanh Bình, 61 tuổi, ở ấp Phú Thành, xã Phú Mỹ cấy lúa trên đất nuôi tôm. Ông Bình sạ lúa trên sân, sau khi được khoảng một tháng tuổi thì bắt đầu nhổ cấy xuống ruộng. Với 12kg giống một bụi đỏ, ông Bình gieo mạ và nhổ cấy được khoảng 8.000 m². Hiện nay, lúa phát triển tốt, đang làm đòng và sắp trổ bông. Bản thân ông Bình hiểu rằng, có cấy lúa thì môi trường nuôi tôm sẽ ổn định và thu hoạch tôm sẽ khá. Ông Bình cho biết: “Từ khi trồng lúa đến giờ, nuôi tôm không bị chết và tôm luôn trúng. Nếu như trước đây, mỗi đêm đến con nước đặt lú thu hoạch chỉ được từ 300 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng thì hiện nay 3 triệu đến 5 triệu đồng”.
Ông Võ Văn Kiệt, 57 tuổi, ở ấp Phú Thành, xã Phú Mỹ trồng lúa trên đất nuôi tôm đã được 4 năm qua. Tổng diện tích đất sản xuất của gia đình ông khoảng 12.000m². Trong đó, ông cải tạo, rửa mặn khoảng 6.000m² để trồng lúa. Năm nay, ông chọn giống ST25 để sản xuất và sau 120 ngày đã cho thu hoạch. Do giống lúa ngắn ngày, thiếu kỹ thuật chăm sóc nên hiệu quả không cao, chỉ thu hoạch được gần 40 giạ lúa. Theo ông Kiệt, trồng lúa môi trường nước được cải thiện, tôm cua phát triển tốt, trung bình gia đình ông có thu nhập từ tôm, cua mỗi năm từ 100 triệu đến 150 triệu đồng và cao hơn mức thu nhập của nhiều hộ dân trong xóm.
Năm 2023, xã Phú Mỹ có trên 20 hộ dân ở các ấp Lung Môn, Phú Thành, Thọ Mai… trồng lúa trên đất nuôi tôm, với diện tích trên 15 ha. Trong quá trình sản xuất, hầu hết các trà lúa đều phát triển tốt và đây là tín hiệu cho phát triển sản xuất tôm – lúa theo hướng bền vững trong thời gian tới. Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ Nguyễn Trường Sơn, cho biết: “Cây lúa không chỉ giúp bà con tận dụng, khai thác tốt tiềm năng đất đai sẵn có, tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình mà còn giúp cải tạo môi trường đất, nước, tạo nguồn thức ăn cho con tôm, giúp nuôi tôm trúng gấp nhiều lần so với bình thường. Chính vì vậy, bà con nơi đây luôn ý thức và chú trọng thực hiện vụ lúa khi điều kiện thời tiết cho phép”.
Từ lợi ích và hiệu quả của việc thực hiện mô hình trồng lúa trên đất nuôi tôm, mong rằng ngày càng có nhiều hộ nông dân mạnh dạn “đưa cây lúa trở lại trên đất nuôi tôm” để thực hiện mô hình sản xuất theo hướng bền vững. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình, bảo vệ môi trường, thích ứng với với sự khắc nghiệt của biến đổi khí hậu như hiện nay.
Cà Mau: Mô hình sản xuất hiệu quả từ việc nuôi chồn hương
(NSMT) - Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đã triển khai thực hiện mô hình nuôi chồn hương, mở ra hướng đi mới cho người dân, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương.
Rộ dịch vụ cho thuê vàng cưới trong thời giá vàng "lập đỉnh"
Giá vàng liên tục tăng đã tạo điều kiện cho dịch vụ thuê vàng cưới ra đời và phát triển rầm rộ. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái chiều về sự việc này.
Người dân đổ xô mua vàng khi giá lập đỉnh: Chuyên gia tài chính nói gì?
Giá vàng liên tục phá đỉnh và đạt ngưỡng cao chưa từng có nhưng nhiều người dân vẫn đổ xô đi mua vàng. Trước sự việc này, chuyên gia tài chính lên tiếng lý giải.
Thành tựu mới từ lá khóm tạo ra cellulose
Hậu Giang có vùng trồng khóm (dứa) bạt ngàn. Tiếp sau trái khóm vàng óng, thơm ngon, kết quả công trình nghiên cứu công nghệ ứng dụng từ lá khóm tạo được nguồn vật liệu mới, công dụng tuyệt vời.
Làm giàu nhờ trồng mãng cầu xiêm
Theo chia sẻ của anh Phan Thanh Xuyên ở ấp Thới Bình, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, sở dĩ anh chọn cây mãng cầu xiêm để “đổi đời” là vì đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc; trái và các sản phẩm chế biến từ trái mãng cầu xiêm chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, được người tiêu dùng ưa chuộng. Anh đã quyết tâm thuê đất để trồng loại cây mà anh tin tưởng là sẽ giúp vực dậy kinh tế gia đình. Hiện tại, với 7 công mãng cầu xiêm, anh có thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.
Xóm trầu Vĩnh Lộc
Ít ai biết rằng, tại ấp Vĩnh Lộc xã Vĩnh Thạnh, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) vẫn còn những vườn trầu nép mình bên dòng sông Cái Bé. Vườn trầu cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình các mẹ, các chị. Tảo tần với vườn trầu cũng là cách người dân Vĩnh Lộc giữ lại hình ảnh một góc quê yên bình của vùng đất này.
Cái Đôi Vàm vào mùa khô tết
(NSMT) - Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết cổ truyền của dân tộc. Vào thời điểm này, làng nghề sản xuất cá khô biển thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân lại tất bật vào vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đang tập trung đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng cá khô đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.