Cha đã dạy con sớm trưởng thành
"Thưa cha, con gái từ nước Đức xa xôi về thăm cha đây. Ở trên đó hãy bình an cha nhé. Dù âm dương cách biệt nhưng con luôn cảm nhận Người mãi mãi dõi theo con, soi rọi mỗi bước con đi trong suốt cuộc đời này. Cảm ơn cha đã dạy con sớm trưởng thành..."
Cha mẹ sinh tôi ra khá muộn mằn. Hai năm sau chiến trường miền Nam cha trở về. Trên người còn mang những vết thương nhức nhối. Lúc đó, cha đã gần bốn mươi tuổi.
Mẹ kể lại, hồi còn ở với ông bà nội, cha cưng tôi lắm, nhong nhong trên vai đi khắp xóm, dạy tôi nói ngọng líu ngọng lô "Cá xịt, cá xịt". Rồi cha đưa cả hai mẹ con ra Hà nội. Mẹ mang bầu lần hai, ca sinh mổ thiếu tháng khiến mẹ và em đều rất yếu.
Giữa thời bao cấp đầy khó khăn, mình cha loay hoay lo cơm áo gạo tiền ở nơi họ hàng xa lắc. Cha không còn thời gian cưng nựng tôi như trước nữa. Tôi lủi thủi một mình, len lén nhìn cha chăm sóc mẹ và em, chút ghen tị thoáng qua.
Cha hiền nhưng cục tính, ông tỏ ra nghiêm khắc hơn khi tôi bước chân vào lớp một. Chữ xấu, vết mực bôi bẩn, cái thước kẻ tét vào tay tôi không thương tiếc. Cha quát rất to khi thấy tôi lười học. Đôi mắt ngây thơ của tôi bắt đầu sợ sệt khi bắt gặp ánh mắt cương nghị của cha. Tôi cố học thật giỏi, cố làm tốt mọi việc, cốt để cha hài lòng.
Nhưng, tôi vốn vẫn chỉ là một đứa trẻ còn ngây thơ trong suy nghĩ. Mải chơi và đôi lúc rất bướng bỉnh. Trận đòn đầu tiên tôi đã khóc đến lạc cả giọng vì không biết bấu víu vào đâu. Mẹ là kế toán kiêm thủ quỹ của một đơn vị. Hàng tháng, mẹ hay mang tiền về cất trong hòm sắt. Có lần không khóa. Lúc đó tôi còn nhỏ, cũng chưa biết tiêu tiền. Chỉ biết tiền mua được kẹo bánh. Thừa cơ, tôi rút trộm một hai đồng, ai dè đúng đồng to. Khi mua người ta trả lại nhiều lắm. Tôi chia hết cho bọn trẻ con trong khu tập thể. Đứa được, đứa không, bọn nó tị nạnh mách đến tai mẹ. Cha mẹ tá hỏa, cả tháng lương chứ chẳng đùa.
Mẹ giận tái mặt. Còn cha, cái roi mây quất vào mông tôi vun vút không chừa chỗ nào. Trận đòn dữ quá khiến tôi có ý nghĩ "Cha ghét mình". Khi đã nguôi cơn giận, cha nghiêm giọng " Ra đời nếu con dám làm như vậy, đời cho con đi tù. Con biết không!".
Hai năm sau, mẹ mang bầu lần ba. Sức khỏe của mẹ yếu nhiều. Cha xin về hưu sớm để đỡ mẹ chăm sóc gia đình. Ai cũng bảo cha chịu khó, nghĩ ra đủ thứ việc để làm. Tôi trở thành phụ tá đắc lực của cha. Nấu cơm, kéo nước, giặt giũ quần áo và bế em như con mèo tha con chuột. Cha dạy tôi tất cả những công việc nữ công gia chánh. Với cha, chị cả phải đảm đang khéo léo, ăn trông nồi, ngồi trông hướng, biết nhường nhịn và trông nom hai em cho bố mẹ. Ngoài ra, mỗi lần có công có việc gì, cha lại kéo tôi đi. Vừa giúp cha, vừa để tôi va chạm học hỏi cách làm.
Có đợt trời mưa to, một mình cha thức suốt đêm bên bờ sông kéo vó. Những mẻ cá thầu dầu, cá diếc, cá mè...óng ánh sắc bạc, nằm trong cái xô sắt của cha. Tôi theo chân cha ra chợ bán cá. Mùi cá tanh ngòm. Tôi ngượng ngùng đứng nép phía sau, chỉ sợ có đứa bạn trông thấy. Cha nói, công việc nào cũng tốt, con không phải xấu hổ. Người mặc cả lên xuống, ít nhiều. Cha xởi lởi bán, chả mấy mà hết.
Mương nước ngay gần nhà cha tận dụng làm chuồng nuôi ngan, vịt, gà ta, lợn nái...Chị em tôi sau khi đi học về, được cha giao cho biết bao nhiêu việc. Mùa đông hay mùa hè, quần xắn móng lợn, cái liềm cái xảo trong tay là tôi chạy khắp cánh đồng. Nhiều lúc tôi ứa nước mắt. Trời buốt lạnh thấu xương, cỏ cây khô cằn, đi cả buổi không kiếm đủ rổ rau cho nồi cám lợn. Nhìn đám bạn má nẻ hây hây, đuổi nhau chơi bắn bòm vang cả triền đê mà tôi thèm, tôi tủi. Có bữa mải chơi chạy theo tụi nó quên hết việc nhà. Cha biết được lôi về đánh cho một trận no đòn. Tôi khóc thút thít giận cha "Sao mà cha ác vậy?".
Là con gái nhưng cha không chiều tôi đâu. Mỗi năm tôi chỉ được phép may một bộ quần áo vải xanh chéo, còn lại mặc áo cũ của mẹ. Trên người cha cũng toàn những bộ quân phục bạc phếch. Cha bảo, sống phải biết tiết kiệm, biết lo cho ngày mai. Người ta hơn nhau ở nhân cách chứ không phải ở manh quần, tấm áo. Chăm lao động vứt đâu cũng sống được con à. Tôi im lặng, thoáng nghĩ trong đầu "Cha tằn tiện quá".
Chúng tôi càng lớn cha càng vất vả. Suốt ngày chỉ đạo chuyện lợn gà, cám bã, vườn rau, sạp tạp hóa đầu hồi, nồi rượu gạo thơm lừng trong căn bếp nhỏ. Chiều đến, dáng người lại âm thầm kẽo kẹt chở xe than đi giao cho đến tận tối mịt mới về. Thương cha nhưng chẳng bao giờ tôi nói ra lời, chỉ thầm trách cha tham công tiếc việc.
Cha đột ngột ngã bệnh vào một đêm mùa thu trăng lạnh. Tôi thất thần đạp xe đến bệnh viện khi biết tin cha không thể qua khỏi. Ôm chặt lấy cha tôi gào khóc thảm thiết, những lời xin lỗi muộn màng vì lâu nay đã nghĩ không tốt về cha. Tôi nói thương cha, yêu cha...nhưng tất cả đã quá muộn...
Đám tang chầm chậm đưa cha đi. Tôi như người chết lặng... nước mắt chẳng còn.
Hình ảnh những lần tôi sốt cao, cha lo lắng thức trắng suốt đêm, chốc chốc lại sờ trán, dấp khăn mát cho tôi hạ sốt. Rồi khi thời tiết thay đổi, tôi hay bị dị ứng. Cha ngồi tỉ mẩn hơ giẻ nóng, xát từng chút lên người cho tôi bớt ngứa, đôi mắt xót xa. Nghĩ lại, tôi chỉ biết nấc lên từng tiếng nghẹn ngào. Cha là vậy, nghiêm khắc nhưng luôn mẫu mực nhân từ. Lúc đó tôi mới mười tám tuổi.
Thiếu bờ vai vững chắc của cha, mẹ đã yếu càng yếu hơn. Hai đứa em đang tuổi ăn, tuổi học bơ vơ, ngơ ngác. Tôi chợt nhận ra, phải chăng những gì cha dạy tôi, chính là sự lo xa của cha trước cuộc sống vô thường này. Trọng trách được đưa lên vai tôi quá sớm. Nhưng tôi đã học được tính cần cù chịu khó từ cha, bản lĩnh năng động dám nghĩ dám làm. Đã giúp tôi từ từ vượt qua những trông gai thử thách. Tôi lao vào đời chẳng nề hà bất cứ công việc gì... Đi buôn sách, đi tiếp thị, may hàng da công, dệt len, đóng hộp mứt thuê... miễn kiếm được đồng tiền chân chính phụ lo giúp mẹ.
Tôi sắp xếp vừa làm vừa hoàn thành việc học của mình một cách tốt nhất. Ai cũng khen mẹ tôi có phước. Chồng mất sớm mà đứa con nào cũng biết tự lập vươn lên. Người ta trưởng thành trong sóng gió. Còn cha đã trang bị cho chúng tôi đủ cứng cáp, để đương đầu với bão táp phong ba.
Cuộc đời tôi rẽ sang hướng khác khi lấy chồng xa xứ. Đầy rẫy khó khăn lạ lẫm ở quê người. Giữa những tòa nhà sang trọng, những cửa hàng hiện đại trên con phố Zeil nổi tiếng sầm uất của thành phố Frankfurt, tôi vẫn giản dị hiền lành. Tay ôm hộp cơm chuẩn bị từ sáng, ngồi lặng lẽ ăn dưới gốc cây chẳng chút ngại ngùng.
Vừa học xong lớp tiếng Đức là tôi chuẩn bị vào tiệm Nail kế bên để học nghề. Một công việc đối với vài người có thể là thấp kém nhưng với tôi nó đầy sáng tạo và thú vị. Tôi say sưa học, chăm chỉ làm, hòa nhã giống cha, nên nhiều khách hàng quý mến. Không lâu sau tôi mở được cửa tiệm riêng, ổn định cuộc sống nơi xứ người. Những gì cha dạy dỗ, đã trở thành tính cách tốt trong con người tôi mà tất cả gia đình và bạn bè đều yêu quý.
Mỗi lần về thăm quê, ngồi trước nấm mộ của cha, cẩn thận lau chùi lớp bụi phủ mờ, giọng tôi lại nghẹn ngào. "Thưa cha, con gái từ nước Đức xa xôi về thăm cha đây. Ở trên đó hãy bình an cha nhé. Dù âm dương cách biệt nhưng con luôn cảm nhận Người mãi mãi dõi theo con, soi rọi mỗi bước con đi trong suốt cuộc đời này. Cảm ơn cha đã dạy con sớm trưởng thành..."
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn biên tập
Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"
Tác giả: Trần Thủy
Địa chỉ: Thành phố Giessen, tiểu bang Hessen, CHLB Đức.
Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"
Yêu cầu
- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.
- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…
Đối tượng dự thi
- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi
- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi.
- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.
Thời gian nhận bài thi
- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.
- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.
Địa chỉ nhận bài thi
- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].
- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).
Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.
Thông tin liên hệ
Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.
Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).
Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định.
Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem tại đây!
Bạn ghen tị với người khác giới điều gì?
Đàn ông ghen tị với khả năng mang lại sự sống mới cho thế giới của phụ nữ, một số còn ghen tị cả với vai trò làm mẹ. Trong khi đó phụ nữ ghen tị với những điều bất ngờ khác.
Ước mơ làm mẹ của cô gái bại não
Một phụ nữ Trung Quốc mắc bệnh bại não quyết tâm bảo vệ mong muốn được làm mẹ của mình trước những lời chỉ trích trực tuyến.
Phong thủy bàn làm việc giúp sự nghiệp “thăng hoa" trong năm mới
Sự hài hòa trong việc sắp xếp bàn làm việc theo phong thủy sẽ giúp tâm trạng, sức khỏe, tiền tài và vận may trong công việc và sự nghiệp của gia chủ.
Tết vui, tiết kiệm
Còn hơn tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, các gia đình đã bắt đầu sắm sửa để chuẩn bị đón mừng năm mới. Với sự chu đáo, vén khéo, nhiều chị em lên kế hoạch chi tiêu hợp lý, tiết kiệm để cả nhà có một mùa vui ý nghĩa.
Giáo dục con truyền thống gia đình qua dịp lễ Noel
Giáng sinh đang dần trở nên quan trọng khi là dịp để mỗi gia đình đoàn tụ yêu thương, chia sẻ và tận hưởng không khí vui tươi bên bạn bè, người thân.
Cùng nhau vượt khó
(NSMT) - Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, thuận lợi mà có những “khúc quanh” đột ngột như mất việc làm, ốm đau… Ðiều quan trọng, người trong cuộc đừng bi quan mà hãy suy nghĩ tích cực, tìm cách vượt qua nghịch cảnh. Sẽ đáng quý hơn nếu như trong lúc thắt ngặt, thất bại, có sự chung tay trợ giúp của gia đình.
Hạnh phúc hơn khi sinh đủ 2 con
Nhiều hộ dân tộc Khmer ở TP Cần Thơ thực hiện tốt thông điệp của ngành dân số thành phố “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”. Dẫu có lúc khó khăn về kinh tế nhưng các cặp vợ chồng đều cùng nhau vượt qua để xây dựng gia đình tiêu biểu, hạnh phúc.