Nếp nhà

Đêm trước ngày con đi lấy chồng

Chủ nhật, 28/05/2023, 14:54 PM

Ngày mai con đi lấy chồng, vậy là con của ba sẽ thuộc về một gia đình khác, không còn bên ba nữa. Đêm nay, ba không ngủ được bởi lo lắng bộn bề, buồn vui lẫn lộn.

Thời gian trôi qua nhanh quá, phải không con? Mới ngày nào con còn là một bào thai bé xíu trong bụng mẹ, ba chỉ có thể nhìn thấy con qua những bức hình siêu âm đen trắng. Ba lắng nghe âm thanh của con mỗi lần áp tai lên bụng mẹ. “Nó đang gọi anh đấy.” Nghe ba nói thế, mẹ con lại cười khúc khích trêu ba ngốc nghếch, chỉ giỏi tưởng tượng linh tinh. Nhưng ba không hề tưởng tượng, ba nghe thấy con gọi thật mà, nhưng chắc con quên rồi, vì khi ấy, con còn nhỏ quá.

Ngày con sinh ra đời, trời mưa tầm tã, ba đứng ngồi không yên trước phòng sinh, lo cho mẹ, cho con đằng sau cánh cửa kia có vuông tròn thuận lợi không. Thời gian chờ đợi dài đằng đẵng, đồng hồ tích tắc, tích tắc, mẹ trở dạ suốt đêm, tới tảng sáng mới hạ sinh con.

“Người nhà của sản phụ…”

Không cần y tá gọi tên, ba đã biết đó chính là em bé của ba, biết ngay từ khi con khóc tiếng chào đời. Đó là thanh âm của thiên thần, và bằng một cách diệu kỳ nào đó, ba hiểu ngôn ngữ của con. Con nói: “Ba ơi, con đây”.

bo-3-1536

Con của ba là em bé xinh đẹp nhất trên đời, bàn tay tí xíu nắm lấy ngón tay ba như thể ba là mỏ neo vững chãi nhất của con trong thế giới mới mẻ và rộng lớn này vậy. Ba hạnh phúc xiết bao khi con bập bẹ “ba, ba”. Tiếng đầu tiên con gọi là “ba”, chứ không phải “mẹ”. Đó là “chiến thắng” duy nhất của ba trước mẹ. Cảm ơn con, đồng chí.

Từ ngày hôm đó, nhạc chuông điện thoại của ba chỉ toàn các bản ghi âm giọng nói của con, tiếng con gọi ba, con đọc thơ, con hát… Rồi đến một ngày nọ, ba chợt nhận ra đó là những lời hiếm hoi ba nghe từ con. Con không còn líu ríu trò chuyện, không còn chạy ào đến bên ba khi ba về, không còn ôm cổ ba đòi ba cho “đi tàu bay” nữa. Con đã lớn rồi.

Con gái lớn có bao điều cần quan tâm. Chuyện học hành trên lớp ngày càng vất vả. Ba học vấn thấp, trình độ phổ thông từ ngày xưa không đủ để chỉ bài cho con. Thấy con đôn đáo gọi điện hỏi hết bạn này tới bạn khác, ba tự giận mình kém cỏi, không đủ năng lực giúp con. Ba ước giá như mình thông minh hơn, tài giỏi hơn thì hẳn con gái ba đã có một môi trường giáo dục tại nhà tốt hơn rồi. Một cô bé xuất sắc như con không nên có một người ba dốt nát.

Tất cả những gì ba có thể làm là kiếm tiền cho con đi học thêm, mua sách, bù đắp cho con những điều ba không thể dạy. Những giải thưởng con đạt được là huân chương trên ngực ba, nhưng còn hơn thế, ba tự hào rằng con đã tự mình phấn đấu giành được vinh quang, tiến dần đến giấc mơ du học từ thuở nhỏ.

Ngày tiễn con ra sân bay, ba rất muốn giữ con lại, muốn bảo con đừng đi nữa, ở nhà với ba, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, nhưng ba không thể. Ba biết con đã nỗ lực biết chừng nào để cầm trong tay chiếc vé này, ba biết con cũng đang sợ hãi. Một thân một mình đến một đất nước xa xôi, giữa đám người xa lạ, gánh trên vai áp lực thành tích cao để duy trì học bổng hắn không dễ dàng gì đối với cô bé mười tám tuổi. Lại lần nữa, ba tự trách mình. Giá như ba có thể đi cùng con, ở cạnh con, không để con cô đơn nơi xứ lạ, không để ai ức hiếp con. Giá như ba đủ giàu để con mãi mãi là nàng công chúa nhỏ sống trong nhung lụa, cả đời không cần phải trưởng thành.

 Con đi liền bốn năm không về. Ba mong ngóng con từng ngày. Ba biết con nhớ nhà mà không dám về, biết đằng sau những tấm ảnh chụp tại vườn táo trông có vẻ lãng mạn kia là lao động đổ mồ hôi sôi nước mắt. Ba biết con ra sức kiếm tiền và tiết kiệm tiền cho ba mẹ đi nước ngoài một chuyến. Con ơi, cả đời ba quanh quẩn trong ao đầm nhỏ, ba chỉ là con cá lòng tong không có vọng tưởng xa xôi. Con chính ước mơ của cha, là đôi mắt của cha. Chỉ cần con bơi ra biển lớn thì cũng là ba được mở mắt rồi. Ba không cần đánh đổi vất vả của con lấy một chuyến đi ngắn ngủi.

Con về nước, người đầu tiên con tìm là cậu ta, rồi con quay về với trái tim tan vỡ; cậu ta đã lừa dối con suốt hơn ba năm xa cách. Con giam mình trong phòng bao nhiêu ngày thì bấy nhiêu ngày ba đứng ngoài cửa phòng con xót xa. Thằng ranh con kia có tư cách gì khiến con gái ba đau khổ? Trong này, con khóc thầm; bên ngoài, mẹ con ra sức ngăn ba tìm cậu ta nói chuyện phải trái.

Cuối cùng, con bước ra khỏi phòng, mắt sưng húp. Ba vẫn nhớ như in lời con nói khi ấy: “Dẫu sao, con cũng phải cảm ơn anh ta đã cho con bốn năm yên bình, cho dù là lừa dối”. Thời khắc đó, ba hiểu con đã thực sự trưởng thành.

Ngày mai, con gái của ba đi lấy chồng. Con sẽ gọi một người đàn ông khác là ba. Ba hy vọng ông ấy thương yêu con, bênh vực con để xứng đáng với tiếng gọi thiêng liêng ấy. Ba biết con gái ba vô cùng mạnh mẽ, vô cùng giỏi giang, nhưng ba vẫn muốn nhắn rằng cho dù bất kỳ điều gì xảy ra, cho dù con đã rời khỏi vòng tay ba mẹ, ba và mẹ vẫn luôn ở đây vì con.

Hạnh phúc nhé, con gái của ba!

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt

Bài dự thi cuộc thi viết Cha và con gái

Tác giả: Trần Thành

Địa chỉ: Đoàn Thành, 33, Khu tập thể Hội Nông dân Việt Nam

Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"

Yêu cầu

- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.

- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…

Đối tượng dự thi

- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi

- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi.

- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.

Thời gian nhận bài thi

- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.

- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.

Địa chỉ nhận bài thi

- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].

- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).

Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.

Thông tin liên hệ

Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.

Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).

Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định.

Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem tại đây!

Ban Tổ Chức  
Bạn ghen tị với người khác giới điều gì?

Bạn ghen tị với người khác giới điều gì?

Đàn ông ghen tị với khả năng mang lại sự sống mới cho thế giới của phụ nữ, một số còn ghen tị cả với vai trò làm mẹ. Trong khi đó phụ nữ ghen tị với những điều bất ngờ khác.

Ước mơ làm mẹ của cô gái bại não

Ước mơ làm mẹ của cô gái bại não

Một phụ nữ Trung Quốc mắc bệnh bại não quyết tâm bảo vệ mong muốn được làm mẹ của mình trước những lời chỉ trích trực tuyến.

Phong thủy bàn làm việc giúp sự nghiệp “thăng hoa

Phong thủy bàn làm việc giúp sự nghiệp “thăng hoa" trong năm mới

Sự hài hòa trong việc sắp xếp bàn làm việc theo phong thủy sẽ giúp tâm trạng, sức khỏe, tiền tài và vận may trong công việc và sự nghiệp của gia chủ.

Tết vui, tiết kiệm

Tết vui, tiết kiệm

Còn hơn tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, các gia đình đã bắt đầu sắm sửa để chuẩn bị đón mừng năm mới. Với sự chu đáo, vén khéo, nhiều chị em lên kế hoạch chi tiêu hợp lý, tiết kiệm để cả nhà có một mùa vui ý nghĩa.

Giáo dục con truyền thống gia đình qua dịp lễ Noel

Giáo dục con truyền thống gia đình qua dịp lễ Noel

Giáng sinh đang dần trở nên quan trọng khi là dịp để mỗi gia đình đoàn tụ yêu thương, chia sẻ và tận hưởng không khí vui tươi bên bạn bè, người thân.

Cùng nhau vượt khó

Cùng nhau vượt khó

(NSMT) - Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, thuận lợi mà có những “khúc quanh” đột ngột như mất việc làm, ốm đau… Ðiều quan trọng, người trong cuộc đừng bi quan mà hãy suy nghĩ tích cực, tìm cách vượt qua nghịch cảnh. Sẽ đáng quý hơn nếu như trong lúc thắt ngặt, thất bại, có sự chung tay trợ giúp của gia đình.

Hạnh phúc hơn khi sinh đủ 2 con

Hạnh phúc hơn khi sinh đủ 2 con

Nhiều hộ dân tộc Khmer ở TP Cần Thơ thực hiện tốt thông điệp của ngành dân số thành phố “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”. Dẫu có lúc khó khăn về kinh tế nhưng các cặp vợ chồng đều cùng nhau vượt qua để xây dựng gia đình tiêu biểu, hạnh phúc.