Cha mẹ thiên vị, anh em bất hòa
Tình trạng thiên vị, đối xử không công bằng của cha mẹ đối với con cái đang xuất hiện không ít trong các gia đình Việt hiện nay. Ðiều này làm tổn thương đến tâm lý, sự phát triển của các con; đồng thời khiến cho mối quan hệ cha mẹ - con cái, anh chị em rơi vào xa cách, bất hòa.
Chị Minh An ở quận Ô Môn kể, nhà có 4 anh chị em, gồm anh Hai, chị và 2 em trai. Tất cả đều lập gia đình, ở riêng. Từ nhỏ, cha mẹ đã thiên vị anh Hai hơn 3 chị em chị An nên mọi người, nhất 2 người em trai không gần gũi với anh Hai. Theo lời chị An, anh Hai chị khéo léo, “dẻo miệng”, nói chuyện hợp tính ý cha mẹ nên ông bà rất thương yêu, tin tưởng. Khi anh cần vốn liếng làm ăn, cha mẹ sẵn sàng gom hết tài sản trợ giúp. Còn 2 người em trai thì tính tình thẳng thắn, bộc trực, nghĩ sao nói vậy, nên ít được cha mẹ ưu ái. Cũng vì vậy, anh em trong nhà không thuận thảo. “Nhìn nhà người ta anh em hòa thuận, giúp đỡ nhau, mỗi khi có đám tiệc tập hợp vui vẻ, lòng tôi cảm thấy buồn. Không chỉ anh em tôi mà thế hệ sau, các con cháu cũng không chơi chung vì sợ cha mẹ buồn lòng” - chị An tâm sự.
Chuyện gia đình bà Lan ở huyện Cờ Ðỏ cũng rất buồn, vì 3 người con trai không có tiếng nói chung. Hai người con lớn ăn học thành tài, kinh tế ổn định. Riêng con trai út - anh Tâm, không chịu học hành, lại mê cờ bạc. Từ lâu, bà Lan tuyên bố để lại toàn bộ nhà cửa, đất đai cho anh Tâm, với lý do con út là người phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già. Ðã vậy, lâu lâu, bà Lan lại báo tin anh Tâm “dính” nợ, nhờ 2 con trai lớn ứng cứu. Mới đây, anh Tâm sa đà vào trò đỏ đen, cầm giấy tờ nhà vay số tiền lớn. Khi sự việc vỡ lở, bà Lan họp gia đình, yêu cầu 2 người con lớn phải có trách nhiệm. Chủ nợ gợi ý, chỉ cần 2 người con trai lớn viết giấy gánh nợ thay em thì sẽ cho trả từ từ, nếu không sẽ khởi kiện. Hai cô con dâu của bà Lan không đồng tình việc để chồng đứng ra lãnh nợ cờ bạc. Sau cuộc họp gia đình, hằng ngày, bà Lan liên tục gọi điện thúc giục, “khủng bố” tinh thần khiến các con không thể tập trung làm việc. Giờ đây, 2 con trai lớn của bà Lan thấy số điện thoại của mẹ thì từ chối cuộc gọi.
Chị Ngọc Chi ở quận Ninh Kiều, cũng bức xúc vì mẹ đối xử không công bằng. Nhà có 3 anh chị em. Anh Hai lập nghiệp ở quê vợ Bạc Liêu, công việc chính là nuôi tôm. Chị Chi sau nhiều năm nỗ lực vừa làm, vừa tự kinh doanh đã có nhà riêng ổn định. Em trai sống với mẹ trong căn nhà cha chị để lại. Từ nhỏ, chị Chi học hành chăm chỉ, biết quán xuyến việc nhà nhưng không được lòng mẹ. Khi chị đỗ đại học, mẹ cho rằng chị không cần học cao, nên học trung cấp rồi đi làm. Lập gia đình, ngày cưới, mẹ chị Chi nói với họ hàng, chị lấy chồng khá, bản thân có công việc, thu nhập ổn định, không cần cho của hồi môn.
Dù buồn lòng, nhưng chị Chi luôn hiếu thảo với mẹ. Lắm lúc kinh tế gặp khó, chị vẫn trích tiền biếu mẹ, nhưng vừa quay lưng, bà đã dúi số tiền này cho con trai. Anh Hai chị làm ăn thất bại, bà sẵn sàng bán mảnh vườn hương quả để giúp vốn. Em trai út của chị ngoài 30 tuổi, không có việc làm ổn định, vẫn được bà bảo ban. Khi em trai đưa bạn gái về ra mắt và đòi bán nhà, chuyển sang nhà nhỏ hơn, dư ra số tiền có vốn làm ăn, chị Chi ngăn cản vì sợ sau này mẹ sẽ không có chỗ ở. Tuy vậy, em trai năn nỉ, mẹ chị lại xiêu lòng. Chỉ vài năm, số tiền “bay sạch” vì vợ chồng em út tiêu xài hoang phí. Mới đây, mẹ chị cho hay, em trai đang có ý định bán nhà và đi ở trọ. “Mai này nếu mẹ muốn, tôi sẽ đón mẹ về phụng dưỡng, chứ tôi không ý kiến việc mẹ và các anh em trai tính toán nhà cửa thế nào nữa. Vợ chồng tôi có 1 con trai, 1 con gái. Tôi cố gắng đối xử công bằng với các con, vì tôi hiểu rõ những tổn thương khi bị chính cha mẹ đối xử bất công là như thế nào”- chị Chi bộc bạch.
Theo các chuyên gia tâm lý, việc cha mẹ đối xử không công bằng luôn để lại những tổn thương nặng nề trong lòng những người con; đồng thời, làm ảnh hưởng tình cảm giữa anh chị em, cha mẹ - con cái… Ông bà có câu “Anh em như thể tay chân. Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”. Muốn vậy cha mẹ cần làm gương, dạy con biết yêu thương và trân quý tình thân và nhất là cha mẹ cần đối xử công bằng với con cái.
Theo Đồng Tâm/ Báo Cần Thơ
Uốn nắn con từ lời ăn, tiếng nói
Hiện nay, tình trạng trẻ vị thành niên nói tục, chửi thề, sử dụng tiếng lóng thiếu lành mạnh trong giao tiếp diễn ra khá phổ biến, gây không ít hệ lụy. Phụ huynh cần quan tâm uốn nắn, giáo dục con sửa đổi kịp thời những hành vi xấu…
Cùng con vui đọc sách
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhất là mạng internet, khiến cho mạng xã hội, trò chơi điện tử, phim ảnh... ngày càng phổ biến, trở thành những thú vui giải trí đầy hấp dẫn, lấn dần văn hóa đọc ở người trẻ. Ðiều này khiến không ít bậc phụ huyh lo ngại nhưng cũng có nhiều phụ huynh làm gương, kiên trì định hướng để xây dựng thói quen đọc sách cho con.
Bí quyết "5 chữ" dạy 3 con gái thành CEO và giáo sư đại học nổi tiếng thế giới
Gia đình giáo sư Stanley Wojcicki nổi tiếng khi có 3 cô con gái là CEO, giáo sư tài năng, nổi tiếng. Điều này xuất phát từ phương pháp dạy con đặc biệt gồm 5 chữ của ông và vợ.
4 điều về già tuyệt đối không nói với con nhất là chuyện tài sản
Cha mẹ có nhiều điều để nói nhưng có 4 điều về già tuyệt đối không nói với con trong đó quan trọng nhất là chuyện phân chia tài sản khi nói ra dễ sinh vấn đề.
Trẻ thích làm việc nhà ít thất nghiệp, hạnh phúc hơn trong tương lai
Một trong những cách hiệu quả để phát triển kỹ năng sống và tạo dựng nhân cách cho trẻ chính là khuyến khích các bé làm những việc nhỏ, ví dụ như một số việc nhà đơn giản.
Nêu gương sáng cho con
Những năm đầu đời, trẻ có khả năng học hỏi rất nhanh. Trẻ thường xuyên tiếp xúc với ba mẹ và có khả năng bắt chước những biểu hiện, lời nói, cử chỉ, thậm chí là cảm xúc tích cực và tiêu cực từ ba mẹ. Do vậy, tính cách của con trẻ phần lớn phụ thuộc vào sự dạy bảo, rèn giũa của cha mẹ. Có rất nhiều phương pháp giáo dục trẻ nhỏ và một trong những phương pháp tốt là sự gương mẫu của đấng sinh thành.
5 thói quen phải uốn nắn cho con trước 6 tuổi, sau tuổi này muốn dạy cũng khó
Những thói quen xấu của trẻ nếu không được chỉnh sửa, uốn nắn ngay từ khi còn nhỏ có thể hủy hoại tương lai của trẻ, cản trở khả năng giao tiếp và các mối quan hệ xã hội.